Bài viết

Buông

Cập nhật: 16/06/2019
Kính thưa chư hành giả! Là người đệ tử Phật, không ai là không biết từ “buông”. Nghe qua thì không có gì lạ nhưng thực hành nó quả là cực kỳ gian nan phải không quý vị? Hành giả nào muốn đi đến giải thoát rốt ráo cũng đều phải thực hành nó.
 

Buông

 

Gần đến ngày đản sanh đức Bồ-tát Tất Đạt Đa, tức là đức Phật Thích-ca Mâu-ni của chúng ta ngày nay; một sự kiện trọng đại của người con Phật khi có một con người xuất hiện trên thế gian cách đây hơn 25 thế kỷ, đã làm cho tam thiên đại thiên thế giới rung chuyển, chúng sanh muôn loài được an vui hạnh phúc. Một sự xuất hiện hy hữu để rồi từ đó chúng sanh được thấm nhuần hương vị giải thoát, một hương vị hạnh phúc tuyệt đối mà xưa nay trong vòng luân hồi sanh tử chúng sanh chưa từng nếm được hay cảm nhận được.

Lật từng trang sử, chúng ta ai cũng biết điều đó nhưng chư hành giả có biết chăng sự xuất hiện của một vị Chánh Đẳng Giác thật không dễ chút nào. Có một số người trong chúng ta chỉ biết về cuộc đời của Ngài trong hiện tại mà ít ai biết về quá khứ vô lượng kiếp của Ngài. Nếu chúng ta không  thâm nhập kinh, không nghe giảng giải thì khó có thể biết được việc tu hành của Ngài như thế nào! Trong vô vàn ân đức và công hạnh của Ngài, một chữ “buông” thôi mà chúng ta cũng khó có thể thực hành được. Trong khi đó, Ngài đã thực hành chữ “buông” này trước khi phát nguyện trở thành một bậc Chánh Đẳng Giác.

Trở về trước bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất, trong thời đức Phật Nhiên Đăng, khi còn là Bồ-tát, Ngài có tên là Sumedha. Sau khi cha mẹ qua đời, đã để lại cho Ngài một khoản tài sản rất lớn. Nhưng với bản tánh thông minh và trí tuệ, Ngài nghĩ rằng: “Sau khi đã dành dụm, tích lũy bấy nhiêu của cải, cha ông và tổ tiên qua bảy đời của ta đều chết đi mà chẳng đem theo được một đồng xu nào. Nhưng ta có cách mang theo số của cải này đến Niết-bàn”. (Trích từ bộ Đại Phật Sử, cuốn 1). Rồi từ đó, Ngài buông hết số của cải mà Ngài có bằng cách bố thí cho tất cả mọi người với tâm không phân biệt. Sau khi đã bố thí một cách vĩ đại như vậy, Ngài đã đi vào núi xuất gia, làm một vị ẩn sĩ.

Sau khi được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất, Ngài sẽ thành một vị Chánh Đẳng Giác với đức hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Ngài đã thực hành hạnh buông bỏ một cách rốt ráo từ những vật bên ngoài cho đến cả sinh mạng của mình. Rồi đến khi trở thành một vị Phật, ngoài những thứ vật dụng cần thiết của một vị Sa-môn, Ngài xem như vậy là đủ.

Chư hành giả thân mến! Người tu học như chúng ta phải luôn lấy tấm gương của bậc Đạo sư để noi theo, để hành trì mới mong đạt được sở nguyện của mình trên con được giác ngộ, giải thoát. Nghe thì có vẻ dễ nhưng thực hành mới thấy khó. Chúng ta buông thứ này nhưng lại bám vào thứ khác, buông bỏ được “sắc” lại bị dính mắc vào “danh”. Năm thứ dục lạc khiến cho chúng ta bị trói buộc, nó như một màn nhện vào được nhưng lại khó thoát ra. Đó là chưa nói đến năm triền cái, nó khiến cho hành giả bao phen phải “lên bờ xuống ruộng” mà còn chưa điều phục được. Nói như vậy không có nghĩa là không hành được, Phật và chư vị Thánh Hiền đã làm được thì hành giả chúng ta vẫn có thể làm được, là dựa vào sự tinh tấn, quyết tâm và tuệ giác từng bước nhận diện những sợi dây trói buộc rồi cắt đứt và buông bỏ nó xuống. Buông cho đến khi nào không còn thứ gì để buông, lúc đó chúng ta mới thật sự hạnh phúc.

Kính chúc chư hành giả thân tâm thường an lạc, hằng ngày an vui tu tập, không gặp chướng ngại.

Tâm Tri

Tin tức liên quan

Tâm Từ Bi Và Tâm Hoan Hỷ
20/09/2023
Những con người cống hiến thầm lặng
19/09/2023
Cảm nhận đêm Hoa đăng kỉ niệm khóa tu Phật thất lần thứ 100 tại chùa Hoằng Pháp
18/09/2023
Tâm Xả Vô Lượng
06/09/2023
Thấp thoáng Vu Lan
20/08/2023