Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Hoạt Động Phật Sự
Buổi lễ Sám Hối 30/05
Cập nhật: 08/07/2013
Như thường lệ, chiều tối ngày 07/07/1013 (nhằm ngày 30 tháng 5 năm Quý Tỵ), nhiều thiện nam tín nữ Phật tử đã về tham dự lễ sám hối tại chùa Hoằng Pháp.
Trước lúc khóa lễ diễn ra, những Phật tử tập trung về chùa sớm đã tranh thủ thời gian theo dõi những đĩa pháp âm qua màn hình Led đặt trong khuôn viên chùa.
Vì trời mưa, quý thầy đã sắp xếp cho Phật tử vân tập về các khu vực giảng đường để tiện cho việc nghe pháp và lễ lạy sám hối.
Đúng 6h, thầy Thích Tâm Đại đã bắt đầu thời pháp với đề tài “Vượt qua nghiệp chướng”.
Mở đầu thời pháp thầy so sánh người tu giống như thuyền đi ngược nước, nghĩa là đi ngược lại đời sống trần tục với những mong cầu về 5 thứ dục lạc ở đời. Đó là: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ. Vì vậy, hành giả nếu không tiến, ắt sẽ bị đẩy lùi về phía sau. Làm thế nào để chúng ta vượt qua được những cám dỗ, ngăn trở trên bước đường tu? Bằng những phân tích tỉ mỉ và những ví dụ đi kèm, thầy đã dẫn dắt Phật tử đi đến những khái niệm về “nghiệp”, “chướng” và cách vượt qua nghiệp chướng ấy.
“Nghiệp” là những hành động tạo tác được lặp đi lặp lại của thân, khẩu, ý. Nghiệp gồm có nghiệp thiện, nghiệp ác, và nghiệp không thiện không ác (Vô ký nghiệp). Chướng là sự ngăn che, là sự trở ngại đối với bản tâm thanh tịnh, trí tuệ, từ bi (Phật tính) của chúng ta. Chính vì “chướng” nên chúng đã ngăn sự hiển lộ Phật tính của mình, mà cái hiển lộ chính là những tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... Vì bởi, chúng sinh trong cõi Ta-bà đã chấp thế gian là thường, thân này là có thật mà không nhận thức sự hoại diệt, giả tạm của vạn vật trong vũ trụ. Từ đó bắt đầu tạo nghiệp, khi tạo nghiệp thì phải thọ khổ và rồi chịu cảnh luân hồi sinh tử trong vô lượng kiếp. Vì vậy, nếu không phát tâm tu thì chúng ta không thể chặt đứt được những mắt xích dẫn vòng luân hồi sinh tử
Tiếp đó, thầy trình bày về 7 phương pháp vượt qua nghiệp chướng:
- Lờ đi, không phản ứng trước những lời nói xấu, sự xúc phạm... của người. Muốn làm được điều này, không gì khác hơn là phải tu hạnh nhẫn nhục.
- Xem chướng duyên là một cuộc khảo thí, như một cuộc chạy đua; những người không chinh phục được những cái đích, những con số chúng ta sẽ bị loại. Tu hành cũng vậy, nếu không vượt qua được những trở ngại, ta không thể nào đi đến giác ngộ, giải thoát.
- Loại bỏ tham sân si. Vì tham, sân, si chính là nguyên nhân khiến chúng ta tạo ra nghiệp để rồi chịu luân hồi khổ trong vô lượng kiếp.
- Chỉ sợ mình xấu, không sợ người nói xấu.
- Chịu thiệt thòi là phước. Trong sự thiệt thòi có sự nhẫn nhịn, khiêm hạ, không kết thêm oán mới... Cho nên, khi không khởi lên ý muốn trả đũa người, tâm sẽ được thanh tịnh và thân dừng sự tạo nghiệp.
- Trì kinh Kim Cang sẽ được giải thoát. Trong kinh Phật dạy, người trì kinh Kim Cang mà bị nói xấu, bị vu oan thì biết rằng nghiệp chướng người này tạo ra kiếp trước đáng phải bị đọa vào 3 đường ác, nhưng đời này do được thân người lại trì kinh đại thừa, liền bị người nói xấu, thì người đó sau khi lâm chung không những không đọa vào ba đường ác mà còn được giải thoát, được sanh về Cực Lạc quốc độ.
- Chúng sinh đến thế gian này có 4 nhân duyên: Thọ phước hoặc thọ khổ, báo ân hoặc báo oán. Nghĩa là chấp nhận những chướng duyên để vượt qua thử thách. Khi người tu có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phước đức thì sẽ vượt qua thử thách của khảo nghiệp.
Kết thúc thời pháp, tất cả đại chúng đều hoan hỷ bước vào thời khóa lễ lạy sám hối.