Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Bần sư trả lời
Cập nhật: 12/03/2020
Có người hỏi rằng: “Tu hành có cần học vấn, tri thức không?”. Trước tiên, xin cảm ơn với câu hỏi của một vị hiền giả vô danh!
Hiền giả hỏi rất hay! Nhân câu hỏi này mà nhiều người tu hành có thể định hướng được sự tu học của mình.
Thưa hiền giả! Tu hành là gì? Phải chăng đó là cải đổi hành vi của mình sao cho ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình ngày càng thanh tịnh, hay nói cách khác đó là khiến phiền não tham, sân, si của chúng ta được điều phục cho đến khi đoạn trừ hẳn. Vậy thì tri thức và học vấn có liên quan gì đến tu hành mà mình cần đến?
Nói đến học vấn, tri thức là đề cấp đến hai vấn đề. Thứ nhất học vấn thế gian, là sự hiểu biết về con người, vạn sự, vạn vật xung quanh cuộc sống của chúng ta. Bởi vì cuộc sống của chúng ta là sự tương quan tương duyên với nhau, không ai có thể tồn tại độc lập mà không cần đến mọi thứ xung quanh. Chẳng hạn chúng ta sống trong rừng, tuy không có người chung sống, nhưng ít nhất chúng ta phải biết chỗ nào an toàn, chỗ nào nguy hiểm; loại rau quả gì có thể ăn được và loại gì không ăn được. Nếu không có sự hiểu biết như thế thì làm sao chúng ta sống được phải không?
Thứ hai, là sự hiểu biết về nội điển, tức là tam tạng kinh điển. Hiền giả cho rằng thời đức Phật có những vị đâu cần học cũng đắc quả giải thoát. Chẳng hạn như Tôn giả Ni Đề, trước làm nghề gánh phân, không có học thức, khi gặp Phật, chỉ nghe Phật nói vài câu liền chứng quả giải thoát. Hay như tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc (Cūlapanthaka), học hoài một bài kệ bốn tháng mà vẫn không thuộc, chỉ đến khi gặp Phật, được đức Phật dạy cho pháp quán dựa vào tấm vải trắng để lau thân thể, nhờ đó mà đắc đạo quả giải thoát. Hoặc hiện đại nhất là chúng ta nghe đến ngài Lục Tổ Huệ Năng, có học tam tạng gì đâu, chỉ nghe một đoạn kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” mà cũng ngộ đạo đấy thôi.
Về mặt lịch sử, chúng ta tìm hiểu nên ai cũng biết như vậy. Nhưng lẽ nào, chúng ta lại biết một cách phiến diện mà không thử suy nhân xét quả, xem chúng ta có thể hiểu như vậy được không? Các vị Tôn giả ấy, nếu vô số đời trước không có học, không có tu thì đời nay làm sao ngộ đạo được? Chỉ vì nghiệp chướng ngăn che tâm tánh hoặc do thiếu phước phải làm kẻ bần cùng trong xã hội, nhưng lại được gặp Phật là một cơ duyên thù thắng cho các Tôn giả ấy. Nếu không, thì cũng phải chờ thời cơ chín muồi mới ngộ đạo như Lục Tổ thôi. Lục Tổ không phải là không có học thức, Ngài chỉ chưa được học kinh điển theo tuần tự như chúng ta mà thôi. Nhờ túc căn đời trước mà đời nay sớm đắc đạo.
Lại nữa, có người như chúng ta chỉ nhìn thấy được một vài màu trên bức tranh, đã vội vàng đánh giá bức tranh mà không nhìn thấy màu sắc toàn diện, cái hay cái đẹp của bức tranh ấy. Cũng vậy, hàng trăm ngàn vị Thánh đệ tử của đức Phật, chúng ta chỉ nhìn thấy những vị như vậy rồi cho rằng tu không cần học cũng giải thoát. Đây là một quan điểm thiếu chín chắn. Chưa cần đề cập đến các vị Thánh thời đức Phật, xét đến hiện tại chúng ta đây, sự tu học đến nay đã bao lâu rồi, có thành tựu quả vị gì hay chưa? Như thế cũng đủ thấy, đừng lấy cái thấy trước mắt mà đánh giá sự việc, rồi ảnh hưởng đến con đường tu học của mình. Họ khác, mình khác, căn cơ phước báu mỗi người không giống nhau. Hãy tự nhìn lại mình xem thử còn thiếu Ba-la-mật gì mà bổ sung. Các vị Bồ-tát đều phải đầy đủ Ba-la-mật mới đắc đạo quả. Nếu chưa tự đắc đạo giải thoát, thì nên tuần tự văn, tư, tu mà thực hành, tức là phải học rộng hiểu nhiều, suy nghĩ những điều đã học rồi thực hành, như vậy mới tránh khỏi lầm đường lạc lối.
Đến đây, hiền giả có thể nói rằng, mình có thể biết nhưng chỉ chừng mực nào đó thôi. Điều này đúng mà cũng không đúng, bởi vì nếu khả năng của chúng ta có hạn thì học ở một mức độ nhất định là được, còn người có khả năng học vấn thì vẫn nâng cao sự hiểu biết của mình, vì nó rất có ích cho xã hội cũng như trong việc tu hành của chúng ta. Điển hình như đức Phật. Khi chưa tu hành, lúc còn nhỏ tuổi, Ngài đã học rất nhiều và cũng là người rất giỏi ở mọi lĩnh vực. Đây chính là tấm gương cho hàng hậu học sau này noi theo. Ngay đến việc hoằng pháp lợi sanh và Phật pháp được hưng thịnh, không có người giỏi kiến thức Phật pháp lẫn kiến thức thế gian, thì việc đem lại lợi ích cho chúng sanh rất hạn hữu. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Nếu không có người thông tam tạng Phật pháp lẫn kiến thức thế gian, thì khi bị vấn nạn, ai là người có thể đảm đương trách nhiệm này? Chẳng phải là người tu hành như chúng ta đó sao? Chúng ta có thể liên tưởng đến ngài Na Tiên Tỳ-kheo. Nếu không có người như Ngài thì Phật pháp sẽ gặp nạn, và khó được tồn tại vào lúc bấy giờ bởi vua Mi Lan Đà. Ngài là người đã độ cho vua vượt qua cái kiêu căng ngã mạn, đồng thời giúp cho một vị vua hiểu sâu Phật pháp, là một lợi ích cho số đông quần chúng tin theo Phật pháp, và Phật pháp sẽ được hưng thịnh trong thời vị vua ấy cai trị. Hoặc như nước ta cũng có những vị thiền sư lỗi lạc, như thiền sư Vạn Hạnh, người đã đào tạo ra một nhân tài Lý Công Uẩn, sau này trở thành một vị vua anh minh, nhân từ của nhà Lý. Hay như Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng là một vị thiền sư, là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa thiền, và chính vua Trần Nhân Tông là sơ Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Như vậy, chúng ta mới thấy, sự hiểu biết tri thức về thế học cũng như Phật học không bao giờ là thừa thãi.
Tuy nhiên, cũng cần phải xét đến một khía cạnh là người thông tam tạng kinh điển mà thiếu sự tu hành cũng rất nguy hiểm, dẫn đến sự ngã mạn, kiêu căng, từ đó sẽ nói sai pháp do bởi sự cung kính và lợi dưỡng của quần chúng Phật tử. Chánh pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là chánh pháp… Điển hình cho trường hợp này là Tỳ-kheo Kapila trong thời đức Phật Kassapa đã tịch diệt Niết-bàn. Tự cho mình hiểu biết hơn người, hành động sai trái, nói năng sai trái với luật, trái với chánh pháp của đức Phật, say mê trong danh lợi, rồi phát sinh tự cao, ngã mạn. Cho nên, sau khi thân hoại mạng chung, đọa địa ngục trong thời gian lâu dài, rồi sau đó đọa làm thân con cá lớn có da màu như vàng. Do vậy, người học Phật pháp cũng nên cẩn trọng trong trường hợp này để tránh phải sa đọa.
Sự học Phật pháp của mình không phải là vô ích. Dù cho đời này chúng ta chưa được giải thoát, nhưng những gì ta học cũng đã làm hạt giống giải thoát cho tương lai, không có gì là uổng công, phí sức cả. Lại như chúng ta có học thì những người có duyên với chúng ta cũng được nhờ cậy bởi sự hướng dẫn của mình, giúp cho họ có cơ duyên đắc đạo nếu họ đủ Ba-la-mật; hoặc như chưa đắc đạo thì cũng là duyên lành cho thân bằng quyến thuộc Phật pháp đời sau. Cho nên, theo quan điểm của bần sư, tu hành rất cần tri thức, học vấn.