Bài viết của bạn Huệ Đồng
Nam Mô A Di Đà Ph ật
Kính bạch thầy!
Qua cuộc sống tại chùa Hoằng Pháp trong nhận thức của con cũng có những suy nghĩ về Đạo xin được trình bày với thầy.
Theo chân bác con bước vào ngưỡng cửa Phật Pháp khi vừa kết thúc năm học lớp 5. Lần đầu đến chùa vừa lạ lẫm, vừa tò mò, nhưng lòng con luôn hoan hỷ và thành tâm lễ bái. Điều đó cũng chỉ kéo dài khoảng độ hai ba tháng thì chững lại. Con bắt đầu xa rời giáo lý của Phật. Thay vì những buổi tối đến chùa tụng kinh, mong cầu an lành cho mọi người, góp chút công đức, thì con lại đắm chìm trong cuộc sống đời thường để chơi đùa, quậy phá, không mảy may vướng bận điều gì! Rồi đến ngày bị mẹ la rầy, quở trách, gia đình khuyên bảo, con lại tiếp tục đến chùa tụng kinh. Nhưng lần này khác hoàn toàn so với trước kia. Con đến chùa như một công việc ép buộc phải làm mà không một chút thành tâm nào cả. Bấy lâu nay quen lối sống đời thường, con đến chùa cũng chẳng mấy sửa đổi được gì. Có lẽ do con đắm chìm trong cuộc sống hay chưa tìm ra con đường giải thoát nên mới vậy.
Lúc này, mục đích đến chùa chỉ là muốn được ăn trái cây, bánh kẹo mà thôi. Điều đó khiến con ngày một xa rời đạo Phật. Như một duyên lành khi chị con tu tập tại chùa Hoằng Pháp, chị đã dẫn con vào đây và mong muốn sẽ có ngày con thật sự hiểu rõ cuộc sống mà bản thân con đang trải qua. Bởi ngoài đời con quá ngỗ ngược, lì lợm, chỉ còn cách cho con vào đây tu tập dù biết rằng cuộc sống ở đây sẽ làm xáo trộn mọi thứ đối với con. Nhưng chỉ có như vậy con mới có hy vọng tỉnh ngộ qua sự dìu dắt, chỉ dạy của các bậc chư Tăng khuyên bảo, sự hỗ trợ của các cô, chú, chị em trong này. Trong những ngày ở đây tuy chưa thật sự là dài nhưng con đã cảm nhận được rất nhiều chân lý của Đức Phật. Con nhận ra cái cuộc sống đời thường có quá nhiều phiền não. Con người ta từ khi sinh và cho đến lúc chết đi chỉ sống trong cái vòng xoáy sanh-lão-bệnh-tử mà thôi. Cuộc sống không một chút gì gọi là thảnh thơi cả. Ngày đêm cặm cụi, kiếm tiền thật nhiều rồi đến lúc ra đi chẳng mang theo được gì! Để có tiền con người bất chấp mọi hành động có thể là chánh nhưng cũng có thể là tà, rồi gây ra cái nghiệp báo, mình chưa chịu thì con cháu mình chịu đó là chân lí "gieo nhân nào gặp quả ấy". Thử nghĩ lại con thấy buồn cho những người đã không tìm được cho mình một con đường đúng đắn, để đưa mình thoát khỏi sự vương vấn, khổ đau của cuộc đời. Giáo pháp Phật ngày một lớn mạnh, cánh cửa Phật pháp luôn mở rộng cánh tay chào đón bất cứ người nào biết tìm đến sự giải thoát.
Tuy cuộc sống có đôi phần bó buộc trong khuôn khổ nhưng những ngày qua là những ngày con cảm thấy được sự yên lành, không chút phiền não. Nghĩ lại những năm tháng trước kia ở với bố mẹ mà chỉ mãi chạy theo những thứ vô bổ, đua đòi quậy phá quên cả bổn phận làm con. Chẳng những không phụ giúp gì được cho bố mẹ mà đôi lần còn trợn mắt cãi lại. Thật là đáng xấu hổ! Bố mẹ cả đời tần tảo nuôi con, lo cho con từ miếng ăn, giấc ngủ, chỉ mong có ngày con khôn lớn thành tài, rạng danh với dòng tộc, ấy vậy mà con chẳng hề hay biết cái khổ của bậc làm cha, làm mẹ. May nhờ Đức Phật từ bi đã cho con chút tỉnh ngộ để bây giờ biết hối cải, sửa chữa. Chỉ có nghe giáo lí nhà Phật con mới có cơ hội thay đổi bản thân thoát ra khỏi cái âm u, mù mịt của cuộc đời. Được đến chùa Hoằng Pháp là một nhân duyên may mắn mà con có được. Lúc mới vào đây, trong tâm trí của con hiện lên chỉ là một ngôi chùa bình thường với tượng Phật, tượng Quan Âm cho người ta vào lễ bái và chẳng có gì đặc biệt ngoài cái diện tích khổng lồ mà từ trước tới giờ con chưa từng được đi đến. Giờ đây con mới biết được chính cái bình thường ấy lại là con đường cho sự giải thoát, cái bình thường ấy là nơi che chở chúng sanh, đưa chúng sanh ngày một tới gần Đức Phật hơn. Hoằng Pháp là ngôi nhà thứ hai cho con và tất cả mọi người, vừa ấm cúng, vừa yên lành cho con một cuộc sống mà khác hẳn trước đây, biến con thành một người hoàn toàn khác lạ.
Nguyễn Thị Thu Hoàng
Pháp Danh: Huệ Đồng
Đây là bài viết được trích trong tập sách“Sen búp thì thầm” do chùa Hoằng Pháp biên soạn. Bạn trẻ nào muốn tham gia, xin gởi bài về chùa qua địa chỉ Mail sau:chuahoangphap@gmail.com Những bài tiêu biểu sẽ được chúng tôi chọn và đưa lên website của chùa.