Bài cảm tưởng của Phật tử Ngọc Trang nhân ngày giỗ Tổ
Ngưỡng bái bạch giác linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Ngộ Chân Tử, vị tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp.
Ngưỡng bái bạch trên chư tôn hiện tiền đại đức tăng già chứng minh.
Kính thưa toàn thể quý phật tử.
Hôm nay ngày 16/10 Đinh Hợi. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm ngày Tổ sư viên tịch trên được sự gia hộ của 10 phương chư Phật, dưới được sự chứng minh của hiền tiền chư tôn đức tăng, chúng con xin đại diện quý Phật tử chùa Hoằng Pháp xin dâng lên đôi dòng cảm niệm về công đức cao dầy của bậc đạo sư nghiêm từ khả kính.
Kính bạch chư tôn đức!
Kính thưa liệt quý vị
Khi còn tại thế đức Như Lai vẫn thường dạy: “ Tất cả các pháp trên thế gian này, phàm hữu hình thì hữu hoại từ vạn vật vô tri vô giác như núi sông đại địa cho đến con người là chúng sanh đầy đủ linh tánh cũng vẫn không thoát khỏi sự chi phối của định luật vô thường biến chuyển ấy.”
Thế nhưng trong sự vô thường nghiệt ngã đó vẫn còn tồn tại cái “thường hằng” hiện hữu, luôn tồn tại độc lập với không gian vô biên và thời gian vô tận. Đó chính là thâm ân to lớn của ba đời chư Phật, liệt vị Tổ sư truyền giáo, truyền giới, mà hơn hết đối với chúng con là ân đức vô cùng tận, tấm lòng quảng đại bao dung của Cố Đại Lão Hòa Thượng Ngộ Chân Tử.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình, nơi được mệnh danh là quê hương “5 tấn”, giàu truyền thống nhân văn, nghĩa tình, giàu nghị lực và sự phấn đấu đi lên trong gian khó. Hấp thụ được tinh ba từ truyền thống giáo dục của gia đình, của cộng đồng dân tộc, thêm túc duyên sẵn có, cộng với ý chí phi thường của tuổi trẻ và nhận thức được kiếp sống mong manh của thế gian tạm bợ, Tổ đã quyết định dấn thân xuất gia tìm đạo, thoát ly sanh tử khổ não.
Trải qua nhiều năm tha phương cầu học, được sự dìu dắt của nhiều bậc cao tăng thạc đức, Tổ đã chứng ngộ chân lý thậm thâm vi diệu của Phật đà. Kể từ đó Ngài vân du giáo hóa khắp nơi, kiến tạo trùng tu nhiều danh lam thắng tích.
Trên bước đường du hóa, Tổ đã khéo léo vận dụng tinh thần từ bi vô ngã, bất biến tùy duyên thực hành lục độ vạn hạnh nhiếp phục nhân tâm khiến người đến với đạo ngày càng đông. Tinh thần cao cả ấy Tổ đã tinh tấn thực hành cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời .
Đã gần 2 thập niên trôi qua, kể từ ngày Tổ sư thuận thế vô thường an nhiên thị tịch, hàng thiện tín chúng con vẫn không làm sao quên được hình ảnh thoát tục thanh cao của vị sư già trong chiếc áo vải nhuộm thô sơ cũ kỷ, gương mặt đầy đặn hiền từ, oai nghi đĩnh đạc trang nghiêm, khiến ai nhìn thấy cũng đem lòng thán phục. Và ẩn sau lớp áo thô sơ ấy là cả tấm lòng bác ái, đức độ cao vời sẵn sàng giúp đỡ mọi người không phân biệt thân sơ già trẻ.
Trong những năm 1945 cả miền Bắc lâm vào nạn đói, với hơn 2 triệu người chết. Khắp nơi đâu đâu cũng toàn là xác người hôi hám, từ thành thị đến nông thôn đều phủ một màu thê lương buồn thảm, tiếng khóc than như xé ruột. Nhìn thấy dân tình khốn khổ động từ bi tâm, sư Tổ đã vận động các cơ quan từ thiện, những nhà hảo tâm tiếp sức với chùa, tổ chức cứu tế xã hội, giúp đỡ cơm áo thuốc men cho những người đói, người bệnh. Hằng ngày, Tổ cùng với bổn đạo kéo xe đi nhặt các tử thi xấu số không người thừa nhận về mai táng. Công việc ấy thoạt chừng như vô nghĩa thế nhưng đối với Ngài đó chính là việc làm xuất phát từ tấm lòng nhân ái cao thượng vì đồng bào tương thân vì đồng loại tương ái.
Chúng con vẫn nhớ những ngày quê hương miền
Ôi sư Tổ, người là Bồ tát
Hiện ở đời cứu khổ nhân gian
Trên trời sao sáng muôn ngàn
Vẫn không sánh kịp đạo vàng Tổ sư.
Ngày nay, được đứng dưới mái già lam Hoằng Pháp, chúng con không khỏi bùi ngùi khi nhìn tôn ảnh của Tổ sư, cứ mỗi lần nhìn là hai hàng nước mắt lại lăn dài trên má. Ngồi trong giàng đường trang nghiêm lòng chúng con bổng thấy lâng lâng nỗi niềm xúc cảm.
Mới ngày nào, với đôi tay trắng, từ Bắc lặn lội vào Nam, tài sản mang theo vọn vẹn mỗi câu “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, Tổ đã dùng hết đạo tâm, đạo lực của mình nuôi lớn chí nguyện hoằng truyền thánh đạo. Cũng từ đôi bàn tay trắng ấy, Tổ đã kiến tạo và trùng tu không biết bao nhiêu ngôi cổ tự, trong số đó có chùa Hoằng Pháp. Quả thật khó có thể hình dung hết những vất vả nhọc nhằn khi ngày đầu đặt chân lên mảnh đất phèn chua nước đọng. Song bằng ý chí và nghị lực phi thường, với đức độ của một bậc chân tu, hàng thiện tín khắp nơi kẻ công người của chung vai cùng sư Tổ gánh vác công việc kiến tạo già lam làm nơi nuôi dưỡng tâm linh và tu học Phật pháp. Bởi vì tất cả đều nhận thức được rằng:
“Chùa là sứ sở của dân ta
Chùa giữa làng quê, nghĩa đậm đà
Chùa để niềm tin cho nhân loại
Chùa gieo hạnh phúc khắp gần xa.”
Và gần 20 năm sau từ ngôi chùa này, hàng đệ tử truyền thừa đã làm rạng danh sư Tổ, nâng vị thế ngôi chùa Hoằng Pháp nhỏ bé ngày xưa trở thành trung tâm tu học và truyền bá pháp môn Tịnh độ, với đêm hoa đăng vía phật di đà trang nghiêm hoành tràng vào bậc nhất cả nước. Cũng từ ngôi chùa này đã có rất nhiều chúng sanh trong đó có phật tử chúng con quay về nương tựa tu học, giác ngộ chân lý của Như Lai, bỏ ác làm lành, chuyên cần niệm Phật đạt được an lạc, thảnh thơi ngay giữa cuộc sống đầy đau khổ này. Có thể nói đây là lợi ích thiết thực nhất được hun đúc từ hạt giống Bồ đề vô thượng mà sư Tổ đã nhọc công gieo trồng.
Kính bạch giác linh Ngài, chúng con những đứa trẻ lang thang trong đêm dài vô minh tăm tối, ham thú vui tục lụy nên để mất bản tâm, nhiều đêm giật mình tỉnh giấc nhớ lại lời Tổ dạy mà thấm thía vô cùng.
“ Mùi phú quý, bả công danh.
Là thuyền bi ảo, bập bềnh ngoài khơi
Muốn cho thoát khỏi cuộc đời
Sao bằng tâm niệm trọn đời tu thân”
Giờ này, trong không khí trang nghiêm thấm tình đạo vị, hàng Phật tử chúng con những kẻ đã chịu ơn Ngài xin một lần nữa thắp nén tâm hương cung kính phủ phục dưới tôn ảnh của Tổ sư bày tỏ lòng tri ân vô hạn, thành tâm cầu nguyện cho giác linh Ngài sớm cao đăng Phật quốc, thị hiện Ta bà cứu độ chúng sanh.
Chúng con thành kính cầu chúc cho chư tôn đức hiện tiền thân tâm thường lạc, Phật quả viên thành. Đồng kính chúc quý quan khách, quý Phật tử xa gần luôn được an lạc, tinh tấn.
Phật tử Ngọc Trang