Bài viết

Ảo ảnh

Cập nhật: 23/10/2009
Tôi là một con kiến cao cẳng sống trong tấm vách ván phía hông nhà của Dì Ba ở ngoại ô Saigòn. Mặc dù đen thủi cao lêu khêu nhưng miệng tôi lành, không độc như anh chàng kiến lửa, kiến vàng hay kiến riện.
 

Ảo ảnh

 
 
      Ở hiền mà trời chẳng thương, đời tôi ba chìm bảy nổi bốn cái linh đinh. Tôi ở ké nhà Dì Ba, nhưng Dì lại ăn chay trường nên đời sống chúng tôi cũng khá kham khổ. Dì Ba độ hơn sáu mươi dáng người nhỏ con, mỗi lần cười đưa hàm răng giao duyên như cái hàng rào thưa. Chồng mất sớm, đứa con độc nhất đi nước ngoài, Dì ở hẩm hiu một mình với bầy kiến làm bạn. Thói quen của Dì Ba hay ngồi trước bàn Phật, vặn to chiếc máy thu băng, chẳng nghe cải lương mùi mẩn hoặc ca hát gì, mà chỉ lập đi lập lại mấy chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" miết cả tiếng đồng hồ. ! Đã vậy một ngày bốn thời sáng trưa chiều tối, chẳng biết thú vị gì mà ngày nào như ngày nấy Dì Ba chỉ nghe bản nhạc nầy. Đời sống Dì Ba thật chán phèo khiến tôi buồn chết đi được.

      Một ngày đẹp trời có con chuồn chuồn chết lăn queo ngay ngạch cửa trước, hồ hởi chúng tôi kéo trọn ổ, mặc đồ đạo tì vào, trịnh trọng làm đám ma linh đình, rinh thi hài kẻ bạc số về ổ để hỏa thiêu. Chúng tôi mừng xúm xích đứa chạy ngược kẻ chạy xuôi trên lộ trình, làm một vệt dài xuyên qua phòng khách về tới ổ bên hông nhà. Đám rước đi nửa đường thì Dì Ba về tới. Bỗng dưng trời đổ mưa lâm râm. Ý mà không phải, Dì Ba đang vẩy nước vào người chúng tôi đó mà. Dì đọc thần chú và khai thị:

    - Tụi bây đời trước vì tạo nghiệp tham, chắc cũng là cường hào ác bá hay làm quan móc ngoặc tham nhũng nên chết bị đọa  thành kiến, suốt ngày lui cui đi kiếm ăn, tham đến nỗi rinh của cải lớn gấp mấy lần thân thể mình, tụi bây vẫn rinh chạy nổi!. Trong Kinh kể rằng, Ngài Xá Lợi Phất dùng thần thông thấy chúng bây, có đứa bảy đời đức Phật ra đời mà vẫn còn làm kiếp kiến; tao đọc thần chú nầy để khi chết tụi bây bỏ tâm tham được trở về thân người, sau đó đi chỗ khác chơi, đừng băng ngang giữa đường đi tao đạp nhầm mà chết.

      Không dè Dì Ba có lòng từ như vậy. Một dịp tình cờ tôi chui vào túi xách của Dì Ba ăn vụng kẹo, được Dì xách luôn vô chùa. Mèn ơi, ngôi chùa gì to dễ sợ chưa từng thấy, có cả ngàn người đến dự, vui ơi là vui. Được đến đây tôi mới hiểu tại sao Dì Ba sống kham khổ và mỗi ngày tâm tâm niệm niệm bốn chữ "A Di Đà Phật". Theo các thầy giảng thì ra cảnh đời nầy khổ ơi là khổ, không có vui như tôi nghĩ. Dì Ba muốn sau khi bỏ thân xác nầy được về với Phật A Di Đà. Thấy người ta quy y tôi cũng làm theo. Tuy nhiên trong năm giới: sát, đạo, dâm, vọng và cữ chất say, tôi chỉ giữ có bốn giới, riêng giới "trộm đạo" tôi còn tiếc chừa lại;  vì đồ ăn dù người không cho mà ngon quá không cách chi tôi nhịn được, phải đớp tuốt! Tôi tự đặt pháp danh cho mình là Kiến Chánh, vì sau khi tôi học đạo cái thấy cái biết của tôi phần nào có chánh pháp.

      Ngựa quen đường cũ tánh tham không chừa, đã đưa tôi vào ngã rẽ của qũy đạo vô tiền khoáng hậu, dở khóc dở cười. Số là một hôm Cậu Hai từ nước ngoài đi công tác ở Việt Nam về thăm mẹ, đem cho Dì Ba nào sô cô la, kẹo bánh nước ngoài sao thơm ơi là thơm không diễn tả được. Tôi đánh hơi mon men chui vào hành lý của Cậu Hai đục khoét no say. Đã thế chưa đủ tôi tưởng tượng mộng mơ đủ thứ về sự giàu có của Mỹ Quốc và hạ một quyết định táo bạo, thực hiện một cuộc di dân êm xuôi trót lọt không cần visa passport chi ráo, bằng cách nằm trốn trong hành lý của Cậu Hai.

      Qua cuộc hành trình không quá hai mươi bốn giờ bay, tôi đã đặt chân trên nước Mỹ với lòng háo hức vô bờ khi nghĩ rằng mình đến được thiên đàng hạ giới. Cậu Hai cùng đứa con gái nhỏ mồ côi mẹ ở trọ trong nhà của một người bà con. Vợ Cậu Hai đã qua đời cách đây mấy năm trong một tai nạn xe hơi.

      Tôi bước vào ngôi nhà sang trọng khang trang có tầm vóc bạc triệu. Các cửa kiếng bao quanh có lưới che không một con ruồi muỗi nào có thể bay vào. Nhà chi mà sạch chưa từng thấy, khiến tôi khốn đốn chẳng có chỗ núp. Tôi bò lạng quạng trên sàn gỗ bóng ngời. Mỗi ngày nghe tiếng rú rồ rồ của máy hút bụi, tim tôi muốn rớt ra ngoài, tôi chạy trốn trối cha trối chết, lỡ bị nó tảo thanh hút vào đó thì có tan xương nát thịt!. Từ nhà cầu đến nhà bếp đâu đâu cũng ngăn nắp bóng nhẵn, không có thức ăn nào để lơi khơi như nhà Dì Ba, tất cả cho vào tủ lạnh hay vào hộp đậy kín, đến cả thức ăn thừa cũng bị xay nát đưa vào hệ thống cống, chẳng cách chi đục khoét. Cả ngày trời tôi đói rã ruột với không khí lạnh cắt da. Cuối cùng tôi tìm ra được một kho tàng, đó là thùng rác to tổ bố để ngoài vườn sau. Hồ hởi chưa kịp dứt tôi đang cố trèo lên miệng thùng rác thì cả đàn bọn kiến Mỹ kỳ thị đuổi cắn tôi chạy có cờ không cho nhập bọn. Tôi phiêu lưu tìm địa bàn nhà kế cận cũng hoài công, đâu đâu tình trạng kỳ thị cũng như vậy mà thôi. Đau khổ quá tôi đành lũi thũi một mình gậm đỡ cỏ dại hay nhụy hoa để sống qua ngày. Sự đày đọa tinh thần của cuộc sống đơn độc làm tôi khổ đến độ không khóc nổi tiếng Việt Nam. Tôi nhớ đến bạn bè và ngôi nhà của Dì Ba đứt ruột. Bấy giờ lời giáo huấn của các thầy nơi ngôi chùa to vang dội trong tâm thức tôi, chỉ vì một niệm tham nổi lên cho đầy bụng kiến, không giữ nổi giới "trộm đạo", đã đưa tôi đến nông nổi này. Tuy nhiên cũng chưa muộn, vì tôi còn giữ được mạng sống cho đến ngày nay; mặc dù trong tủ của họ đầy nhóc thuốc diệt kiến tận gốc đủ loại. Nghiền ngẫm trong đau khổ ngày qua ngày bỗng nhiên tôi được thông suốt. Không phải một mình tôi, mà tất cả ai ai cũng vậy, mỗi ngày vừa mở mắt ra, mọi người vội vã chạy không biết mệt theo cơn lốc xoáy của danh và lợi, họ đang chạy theo ảo tưởng, nào là những lầu đài dinh thự, nào là vật chất xa hoa, nào chức phận quyền cao, tựu trung là những đám mây ngũ sắc tận cuối chân trời. Họ hăm hở quơ quào chạy trong cơn mộng du, giỏi lắm chỉ vài thập niên ngắn ngủi thì  hết giờ, đã chạy đến đoạn cuối của huyệt đạo. Trong giây phút cuối, khi họ mở nắm tay ra  ngắm nhìn đám mây ngũ sắc tưởng chừng đã nắm được trong lòng bàn tay, thì hóa ra chúng chỉ là ảo ảnh của hư không. Riêng tôi khiến xui nhờ gặp phải nghịch cảnh mà tôi đã tỉnh ngủ trong giấc mộng, nếu chẳng may gặp thuận duyên được sống trong bơ sữa như ước muốn, có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay tôi vẫn còn ngủ quên trong tham đắm.

      Vậy mà tiếng đấu khẩu của hai vợ chồng người chủ nhà sang trọng nầy đang vang lên đinh tai nhức óc. Không ngày nào mà họ không gây lộn nhau, họ đang chạy nắm bắt đám mây ngũ sắc...  Kinh tế Mỹ suy thoái, lần lượt hai ông bà đều bị thất nghiệp và ngôi nhà nầy sắp bị ngân hàng tịch thu, theo nạn dịch"foreclosure" đang lan tràn khốn đốn khắp các tiểu bang  nước Mỹ, lý do chủ nhà không trả nổi tiền nhà trả góp hằng tháng cho ngân hàng. Niềm đau khổ của tôi bay bổng trời cao khi khám phá quanh tôi còn bao người đau khổ hơn mình. Bài học nầy khiến tôi không dám vọng tưởng mong một ngày theo Cậu Hai trở về quê hương, vì tất cả lại chỉ là mong cầu. Từ đây tôi chấp nhận sống với thực tại, dù có bỏ xác nơi phương trời lạnh giá nầy. Nhờ đau khổ tôi đã tìm thấy sự an lạc, tùy theo cái nhìn của mình; thì ra phiền não cũng chính là bồ đề. Bấy giờ từng hơi thở của Dì Ba như có mặt trong tôi, tôi nhớ đến và lập lại công hạnh của Dì. Từng niệm từng niệm không bao giờ gián đoạn "Adiđà Phật" , như những hạt đậu trắng của giống thiện rót vào trong mảnh đất tâm tôi, đẩy lùi những tâm niệm tham đắm si mê của thuở xưa, để một ngày nào đó bốn chữ "Adi đà Phật "ngấm sâu vào tự tánh.. . "không niệm mà niệm".. . Nhỡ một mai kia phút lâm chung vì phải trả nghiệp, tâm ý thức của tôi bị hôn mê không thể niệm Phật, thì tự tánh của tôi vẫn nhớ đến Phật. . ., để có thể nắm chắc sự vãng sanh.

      Tôi lắng lòng nghĩ về thế giới đang quay cuồng theo những điệu nhạc khát vọng của ngũ dục; thế mà nơi quê nhà xa xôi của tôi đó, có vị thầy, đại biểu cho tầng lớp người đang âm thầm lội ngược dòng nước, thể hiện giá trị "Tăng bảo" vác trọng trách trên vai truyền bá chánh pháp của Như Lai, hằng ngày qua ngày đang lầm lũi miên mật trên đường, từng bước một lạy theo đường cong quê hương của chữ S, huân tập ý chí kiên trì, không sá gì thân mạng, cầu đạo diệt ngã liễu sanh thoát tử, với lòng thương mong nhân loại được an bình. Chắc hẳn từng cái khấu đầu của thầy, là từng sự rơi rụng của tâm tham sân si, gột sạch tâm danh và tâm lợi, thể hiện một tâm chân tu cho chính mình.

      Tôi cầu mong tiếng đấu khẩu của hai vợ chồng chủ nhà được chấm dứt, sao cho ánh sáng trí huệ của Đức Phật chiếu soi để họ hiểu được rằng họ đang diễn tuồng trong cảnh mộng, thì dù sân khấu cuộc đời của họ có ra sao, họ vẫn tìm được hạnh phúc của sự buông bỏ, vì tất cả chỉ là ảo ảnh và ảo ảnh.

 Trucmy. (mùa vu lan 2009)
 
 

Tin tức liên quan

CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Tưởng niệm Tổ Sư khai sáng chùa Quang Đức - Cần Thơ lần thứ 34
29/11/2024
GÁNH MẸ
29/11/2024
EM CÒN NỢ EM
26/11/2024
Lễ huý kỵ nhớ về Sư Tổ
19/11/2024