Suy Ngẫm
Ấm áp tình người
Cập nhật: 20/02/2012
Trên đường, đây đó những dấu chân cọp đi ăn đêm còn in rõ. Phú cùng mấy người bạn vừa được phóng thích khỏi trại cải tạo, hớn hở đi mà không hề quan tâm đến cảnh vật chung quanh. Họ huyên thuyên về nỗi sung sướng của mình khi được cầm trong tay tờ giấy ra trại.
Có người vội vã chạy, còn ngoái cổ nhìn lui làm như sợ người ta đổi ý, rồi cho người ra bắt lại vậy. Có người không tin đây là sự thật, tự hỏi chẳng biết có phải mình đang nằm mơ không. Nhưng những lo lắng bâng quơ chỉ thoáng qua và rồi họ tiếp tục chuyện trò.
Câu chuyện nổ như bắp rang chưa dứt thì họ đã đến đường lớn có xe hơi chạy. Đây là đoạn Quốc lộ 19 từ Pleiku về Bà Di. Thấy xe nào đi qua, họ cũng vẫy tay đón, xin đi. May quá, chỉ chờ khoảng hơn nửa giờ là có xe dừng lại và người phụ xe cho bốn anh em cùng lên. Tất cả đều phải đứng, nhưng họ rất vui, vì kể từ nay họ sẽ mãi rời xa những lán trại trong kia - nơi họ đã trải qua hơn 5 năm trong cảnh nhớ vợ, nhớ con quay quắt từng đêm.
Lúc mấy anh em vừa lên xe, các bà hành khách nói chuyện với nhau giòn giã lắm. Bỗng họ ngừng lại vì thấy các anh cùng mặc đồ bà ba màu xanh. Biết đó là những người vừa được phóng thích nên họ dồn dập hỏi chuyện.
Có người còn đưa chuối, bánh ú ra mời ăn. Anh em ngại không nhận nhưng họ cứ dúi vào tay bảo cầm. Thật cảm động, đến một chỗ xe ngừng, có bà cụ mua những nắm xôi còn nóng đưa cho mỗi anh em, bảo đường còn xa, hãy giữ để ăn dọc đường cho đỡ đói. Chỉ chừng mươi phút sau, sự vồn vã thăm hỏi không còn nữa. Các anh, đặc biệt là Phú, ngóng tai chăm chú lắng nghe hai bà ngồi ghế bên cạnh, kể về hoàn cảnh của nhiều người vợ có chồng đi học tập. Có câu chuyện nghe thật thương tâm.
Một bà kể người cháu gái của bà có chồng đi cải tạo. Ở nhà, chị phải xoay đủ nghề làm ăn, nuôi ba đứa con nhưng vẫn không đủ sống. Những đứa con, ngày càng lớn, sự chi tiêu cho cuộc sống gia đình cũng ngày càng nhiều hơn. Vốn làm ăn mỗi ngày một hao hụt, chị mong có việc gì làm thêm để bớt khó khăn.
Rồi có người bày chị ra ga Bình Triệu, ngồi sắp hàng giành chỗ mua vé tàu ra Bắc, rồi sau đó ai muốn mua được vé sớm thì bán chỗ lại cho họ, cũng kiếm được chút tiền. Công việc nghe nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng bước vào việc mới thấy thật nhiêu khê. Đêm nào cũng phải thức dậy từ hai giờ sáng, ra sắp hàng mới có chỗ tốt, bán chỗ sẽ được nhanh. Gặp những hôm trời mưa hoặc rét buốt thì thật vô cùng cơ cực. Chưa hết, lắm lúc còn phải nhẫn nhịn, chịu đựng những lời văng tục, chửi mắng của những tay anh chị đáng tuổi con cháu mình vì những nguyên do rất vô lý.
Một hôm, có việc cần về sớm, chị chịu bán chỗ với giá thấp hơn bình thường. Vậy là chị đã bị một tay đàn chị vừa chửi, vừa sấn sổ xam tới muốn đánh, do chị bán phá giá. Thật may, kịp lúc, có người thanh niên tới can. Anh nhìn chị, biết chị không phải là dân chuyên sống bằng nghề này mà do lâm vào bước đường cùng nên phải làm như vậy.
Anh ấy đã mua chỗ cho chị, rồi hỏi địa chỉ, hẹn về thăm quê và vào sẽ gặp lại. Khoảng một tuần sau, anh cùng vợ đến tìm chị. Qua câu chuyện chị kể, anh biết chồng chị đang đi cải tạo. Anh ta hứa sẽ giúp tìm cho chị một chỗ làm. Khoảng nửa tháng sau, có người tới gọi chị đi nhận công việc làm vệ sinh cho một bệnh viện.Thời buổi gạo châu, củi quế,có nơi làm ổn định là diễm phúc vô cùng.
Chị muốn tìm người thanh niên để đền ơn nhưng không biết anh ở đâu. Chị cố dọ hỏi những người làm trong bệnh viện có cùng âm giọng miền trung như anh thanh niên nọ, nhưng không ai biết. Điều đó đã làm chị băn khoăn, ray rứt mãi không thôi.
Phú nghe xong câu chuyện, mắt đăm chiêu nhìn xa xăm. Anh nghĩ tới vợ và mấy đứa con. Không biết ở nhà có chuyện gì mà đã hơn bốn tháng, chị không lên thăm anh. Anh rất mong mau tới nhà nhưng xe cứ chạy cà rịch, cà tang, đi chừng mươi cây số lại dừng để thả khách hoặc rước khách.
Cuối cùng, đến mãi gần chín giờ đêm, xe mới đến bến xe Quy Nhơn. Anh đến gặp phụ xe, hỏi trả tiền thì vừa lúc ấy ông tài xế đến. Bác ta vỗ vai Phú thân mật nói, bác cho Phú và mấy anh em kia đi quá giang chứ không lấy tiền. Phú đứng lặng, nhìn người tài xế, cảm động đến nghẹn ngào. Không ngờ trong cảnh đổi đời này, tưởng lòng người đã đổi thay, vậy mà vẫn còn có người thấu hiểu hoàn cảnh của những người trong cơn hoạn nạn, đã tỏ nhiệt tình ân cần giúp đỡ. Bác tài xế bắt tay Phú và Phú cố ý siết thật chặt để tỏ lòng biết ơn thật nhiều của mình.
Trước khi chia tay, bác còn chỉ cho quán cơm bình dân và nơi thuê chiếu ngủ qua đêm để sáng ngày dậy sớm mua vé về quê ở miền Trung. Suốt đêm Phú nằm thao thức, mắt nhắm lại nhưng thật khó ngủ, phần vì muỗi đốt, phần vì lo lắng về gia đình. Nhưng rồi anh đã thiếp đi vì mệt lả do phải đứng trên xe suốt đoạn đường hơn trăm cây số.
Bỗng anh nghe tiếng la lớn của Tiên, người bạn nằm bên cạnh. Rồi Tiên vùng dậy, chạy đuổi theo bóng đen trong đêm, nhưng không kịp. Nó đã lẻn thật nhanh vào ngõ hẻm cạnh bến xe. Thôi rồi! Anh ta kể, anh đã mất chiếc ba lô trong đó có mấy bộ quần áo lao động còn tốt, vợ vừa thăm nuôi đem lên và một bi đông đựng nước bằng nhôm cùng tiền trại cho làm lộ phí đi đường.
Tiên phân bua với Phú, anh muốn giữ những đồ vật ấy vì nghĩ khi về địa phương có đi lao động, anh cũng có dùng ngay. Phú biết còn bao nhiêu đồ khác, Tiên đã đem phân chia cho những anh em không có thân nhân thăm nuôi, còn ở lại. Người thì anh cho thức ăn, người được nhận quần áo lao động.
Nhưng có lẽ, người mừng nhất là được nhận tấm mền dù. Vì rồi đây, anh sẽ không còn phải thao thức trắng đêm trong cái khí hậu giá buốt, khắc nghiệt của vùng núi rừng Tây Nguyên heo hút. Phú hiểu tấm lòng người bạn. Trong hoàn cảnh khó khăn, người thân phải đi thăm nom đến hơn năm năm.Thế nào tài chánh gia đình lại không cạn mòn.Vậy mà khi được về, anh chỉ giữ lại một vài món cần thiết. Điều đó thật ít người làm được. Phú biết không phải chỉ khi được tha về Tiên mới có hành động vị tha như vậy.
Lúc còn ở trong trại, một lần vợ lên thăm nuôi, anh thường san sẻ một chút quà mọn cho những anh em thiếu may mắn, không liên lạc được với gia đình. Phú thầm phục Tiên làm điều mà chắc nhiều người, kể cả anh, không dám nghĩ đến vì rất sợ, không làm sao chống chọi nổi cơn đói cứ chực chờ mỗi đêm. Còn bên tù hình sự biết Tiên tính rộng rãi nên cứ gặp mặt là họ hỏi xin. Anh thấy tội nghiệp những người này lắm vì hằng ngày họ chỉ nhận được cơm của trại chứ không có nguồn tiếp tế nào khác nên rất đói.
Có người chỉ còn da bọc xương, lỏng khỏng như con cò nhang. Anh đã từng bắt gặp trong bọn có người xuống hố rác tìm những bọc còn dính chút thức ăn, liếm trong sự thèm thuồng. Tháng nào gặp nhóm người này xin nhiều, coi như tháng đó anh hết đồ ăn dự trữ sớm. Đôi lần Phú đã thấy Tiên hái lá bìm bìm hoặc cỏ hôi luộc ăn với cơm cho đỡ đói. Anh đã hỏi Tiên tại sao anh thường làm việc giúp người đến như vậy. Anh trả lời điều ấy bắt nguồn từ câu chuyện hơi dài.
Có một lần, mẹ lên trại thăm anh và báo tin bà ngoại mất. Bà mất ở tuổi 103. Đêm hôm đó, anh ngủ không được và cứ nhớ tới hình ảnh của bà. Và đặc biệt chỉ cái hình ảnh bà hằng ngày nằm trên chiếc võng, lần tràng hạt và niệm Phật liên tục, hồi anh còn rất nhỏ, cứ hiện lên rất rõ trong tâm trí anh.
Anh không hiểu tại sao, ngoại người rất gầy, ăn chỉ một chén cơm mỗi bữa với chén canh rau và vài quả cà pháo mà sống rất khỏe và lâu đến như vậy. Anh tự hỏi có phải câu niệm Phật có một năng lực vi diệu nào đó nên mới được vậy chăng. Cho đến khi mẹ lên thăm anh lần tiếp, anh hỏi về sự lạ lùng đó thì mẹ trả lời:
Niệm Phật một câu, phước sinh vô lượngLễ Phật một lạy, tội diệt hà sa
Rồi mẹ khuyên anh nên niệm Phật mỗi khi thấy lòng bất an, tự nhiên phiền não sẽ biến đi. Anh làm thử và thấy hiệu nghiệm. Vậy là từ đó anh niệm Phật mỗi đêm, nếu không niệm, anh thấy như thiếu thốn một điều gì. Mà lạ lắm, anh niệm Phật được một thời gian thì tự nhiên những lời răn dạy thật hay, anh bắt gặp đã lâu lắm, cứ hay hiện đến với anh. Câu đã làm anh nảy ra ý muốn làm việc giúp người ở trong trại là câu:
Tổ tiên tích đức, muôn đời thịnh,Con cháu thảo hiền, vạn kiếp vinh.
Chính vì việc làm vừa lợi mình, vừa lợi người nên anh rất thích.
Phú nghĩ đến đó thì nhìn lại Tiên. Anh đang đứng cúi mặt, ra chiều suy nghĩ. Phú biết bạn mình đang lo điều gì. Tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua thật nhanh trong đầu anh: phải giúp Tiên. Nghĩ vậy, anh liền vội kéo tay mấy anh bạn ra chỗ vắng nói chuyện. Một lát họ cùng vào và Phú đưa cho Tiên số tiền đủ mua vé xe và tiền ăn dọc đường. Sợ bạn ngại ngùng từ chối, Phú nói như đùa:
Phú nghĩ đến đó thì nhìn lại Tiên. Anh đang đứng cúi mặt, ra chiều suy nghĩ. Phú biết bạn mình đang lo điều gì. Tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua thật nhanh trong đầu anh: phải giúp Tiên. Nghĩ vậy, anh liền vội kéo tay mấy anh bạn ra chỗ vắng nói chuyện. Một lát họ cùng vào và Phú đưa cho Tiên số tiền đủ mua vé xe và tiền ăn dọc đường. Sợ bạn ngại ngùng từ chối, Phú nói như đùa:
- Đó là tiền của bác tài cho, chứ không phải tiền của tụi này đâu mà anh ngại.
Sự việc xảy ra quá đột ngột làm Tiên hơi bối rối. Anh đang lo lắng, không biết làm cách nào để về được tới nhà. Hỏi xin tài xế cho quá giang, anh đã nghĩ tới, nhưng chắc gì họ chịu vì đâu phải ai cũng tốt bụng như bác tài xế vừa rồi. Không ngờ, bây giờ các bạn lại giúp mình. Tiên rất vui vì thấy anh em ra bàn chuyện chỉ trong chốc lát là trở lại.
Điều đó chứng tỏ trong họ, không ai có ý kiến phản đối việc giúp anh. Hồi còn ngoài đời, anh từng tham gia đoàn đi quyên tiền giúp nạn nhân thiên tai. Có nhiều người rất giàu nhưng họ rất dị ứng với việc như vậy. Nghĩ tới họ, anh cảm mến bạn quá!
Đã nhiều lần, Tiên cho một vài anh em trong trại thức ăn, dù là ít, nhưng đối với họ “miếng khi đói bằng gói khi no” nên họ mừng lắm. Nhưng thực sự, anh không hiểu nỗi vui sướng trong lòng họ đến mức nào. Còn giờ đây, anh cảm nhận được sự vui mừng thật khó diễn tả của người được ban ơn trong lúc gặp cảnh ngặt nghèo.
Bỗng anh ôm chặt Phú rồi tới bóp thật mạnh vào vai mấy anh bạn kia. Ngay lúc đó, Phú chợt liên tưởng tới câu nói của cha chị Dung, người có tiếng giàu lòng nhân hậu trong thị xã, thường hay nói với con cháu: “Cứ giúp người đi, rồi trời sẽ giúp mình”.
Phú thấy câu nói áp dụng thật đúng trong trường hợp này. Từ nhỏ đến giờ, có khi nào anh nghĩ tới chuyện giúp ai đâu. Vậy mà từ chỗ chỉ cảm mến Tiên qua những việc làm thương người. Tự nhiên một động lực nào đó đã thôi thúc, khiến anh nghĩ tới việc giúp Tiên ngay. Lúc ấy, nếu để anh chần chừ suy nghĩ chắc anh sẽ không làm được vì làm sao có thể bỏ tiền giúp bạn khi chắc chắn vợ con mình đang gặp khó khăn.
Trong lúc các anh mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình thì đèn ở phòng bán vé bật sáng. Một anh trong nhóm, vội nói đùa chọc Tiên:
- Vì anh đem ít đồ quá nên bọn cắp mới chiếu cố, chứ như tụi này đồ đạc lềnh kềnh, nó đâu có nhắm tới.
Mọi người cùng cười thật vui và Tiên nhanh nhẩu đáp ngay:
- Có nhờ vậy mới thấy được tình người. Mà thật lạ, hôm qua, từ lúc lên xe đến giờ, tôi nhận ra có nhiều chuyện làm ấm lòng chúng mình lắm!
Trong khi, có thể mấy anh em đang cố nhớ lại những chuyện có vẻ nhỏ, nhưng thật đẹp vừa qua, thì anh thầm nghĩ:
“Mong sao lòng người mở rộng hơn và mãi mãi có thật nhiều những việc làm ấm áp tình người để giúp vơi đi phần nào những nỗi khổ đau, cơ cực, đói rét… vì chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… của biết bao người đang gặp điều bất hạnh trong cuộc đời.”
Tâm Lương Đào Mạnh Xuân