Bài viết

Ai cũng có lý

Cập nhật: 28/06/2020
Trong cuộc sống, nếu chúng ta không biết nhường nhịn thì khó có được hạnh phúc và bình an. Bởi lẽ, ai cũng cho rằng mình đúng và luôn có lý trước mọi vấn đề, thế nên sự hơn thua, ganh ghét, đố kỵ ngày một lớn và vòng tròn yêu thương ngày một hẹp lại. Có thể chỉ từ một vấn đề chung nhưng chúng ta có nhiều khía cạnh để nhìn và đưa ra quan điểm của mình, cũng giống như hai người đứng ở hai đầu của một con số, anh đứng trên bảo nó là số 6, anh đứng dưới lại bảo số 9. Vậy ai đúng, ai sai? Đứng về phương diện của người thứ ba thì có lẽ tôi sẽ bảo ai cũng có lý cả.
 

Ai cũng có lý

 

Mỗi người chúng ta ai cũng có cái lý của riêng mình, ai cũng có những khả năng, sự thông minh và kinh nghiệm riêng. Nhưng có lẽ chúng ta ít muốn nhìn nhận phần có lý của người khác, cũng như nhận lấy phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của xa cách, bất hòa. Pháp Cú Thi Kệ 252 có câu:

“Dễ thay thấy lỗi người
Lỗi mình thấy mới khó
Lỗi người ta phanh tìm
Như sàng trấu trong gạo
Còn lỗi mình che đậy
Như kẻ gian dấu bài”
.

Chúng ta thường thấy lỗi của người khác, và đặc biệt là những người mà chúng ta không ưa thì lại càng dễ dàng hơn, vì chúng ta luôn săm soi muốn cho thiên hạ đều biết, để mắng nhiếc, chì chiết làm sao cho họ đau khổ tột cùng thì mình mới hả dạ; còn lỗi của mình thì tìm mọi cách để ếm đậy, tìm mọi cách để che giấu.

Mấy ai dám nói thẳng, nói thật khi họ thấy mình có những điểm sai phạm cần phải tu sửa? Phần nhiều chọn phương thức im lặng, vì sợ đụng chạm và mất hòa khí, vì họ cũng ích kỷ sợ mất đi cái lợi dưỡng mà mình đang được hưởng hoặc giả “đèn nhà ai nấy sáng”, nên họ không mấy quan tâm và mặc kệ, không chĩa mũi vào chuyện của người khác cho đỡ phiền lòng. Nhưng có những người khi nhìn thấy người khác sai phạm, có thể dẫn đến những hậu quả không tốt về sau, họ ra sức khuyên bảo với tâm chân thành thì lại bị ghét bỏ, nói xấu sau lưng. Trong Pháp Cú Thi Kệ câu 77 viết rằng:

“Những người hay khuyên dạy
Ngăn người khác làm ác
Được người hiền kính yêu
Bị người ác không thích”
.

Chúng ta thích người khác nói tốt về mình và khen mình hơn là nghe người khác nói cái không tốt, cái sai sót của mình để mình sửa. Bởi lẽ, chúng ta luôn nghĩ rằng mình luôn đúng, luôn có lý và đủ chín chắn để đưa ra mọi quyết định, thế nên những lời khuyên của người khác cũng chỉ là thừa. Mặc khác, chúng ta không chấp nhận ai đó nói lỗi của mình, nhưng chúng ta lại cho mình cái quyền được phán xét người khác, điều này thật phi lý và khập khiễng. Nhưng, nếu chúng ta biết chấp nhận những khiếm khuyết của nhau thì chúng ta sẽ sống được với nhau hài hòa, còn nếu ai cũng mong theo cái ý riêng của mình thì chắc chắn sẽ dẫn đến xô xát, đấu tranh. Ai cũng cho mình đúng thì ai là người sai?

Nếu mỗi người lo tìm phần lý của mình sẽ dẫn tới sự thắng thua, phải trái, buồn vui, thù hận dẫn đến đau khổ, ly tán và oán thù đến thiên thu.

“Chiến thắng sanh thù oán
Thất bại chịu khổ đau
Sống tịch tịnh an lạc
Bỏ sau mọi thắng bại”
.

(Pháp Cú 201)

Anh có lý. Tôi có lý. Mọi người đều có lý. Nhưng có lý mà không có tình thì lý ấy có ích gì. Cái lý không mang lại sự hài hòa, bình an, hạnh phúc, tin tưởng, gắn bó thì cái lý ấy chẳng ích lợi gì, càng không giúp con người phát triển, càng không giúp cho cuộc sống ấm êm hơn. Vậy sao chúng ta không sống chân thành và cảm thông cho nhau để có được sự tịnh lạc trong tâm hồn? Bỏ qua những được mất, hơn thua, cao thấp, giàu nghèo để tìm thấy một khung trời bình yên hơn. Hãy suy nghĩ xem, hy vọng hãy còn kịp.

Tâm Đồng

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022