Bài viết

Ác nghiệp

Cập nhật: 10/03/2023
Mỗi người sinh ra đều mang trên mình hai dòng nghiệp thiện và ác. Chúng ta không thể chỉ rõ chỗ đâu là nghiệp thiện trổ sanh, nơi nào là nghiệp ác đơm quả. Một thói hư, tật xấu, một trường hợp bất hạnh,… đời này thọ lãnh đều là nghiệp cảm từ nhân ác (nhân xấu) đã làm trong quá khứ.
 

Ác nghiệp

 

Dẫn nhập

Mỗi người sinh ra đều mang trên mình hai dòng nghiệp thiện và ác. Chúng ta không thể chỉ rõ chỗ đâu là nghiệp thiện trổ sanh, nơi nào là nghiệp ác đơm quả. Một thói hư, tật xấu, một trường hợp bất hạnh,… đời này thọ lãnh đều là nghiệp cảm từ nhân ác (nhân xấu) đã làm trong quá khứ.

Nhìn nhận trên phương diện lịch sử, không ít vị trước khi chứng Thánh quả Arahat (A-la-hán) và cả khi đã chứng quả Thánh rồi, cũng phải thọ nhận chính những nghiệp xấu ác mà mình đã tạo.

Ví dụ 1: Câu chuyện ngài Angulimāla

Có thể kể đến là ngài Angulimāla trong Trung Bộ kinh số 86 và Trưởng lão Tăng kệ (Thera.80 - câu 866 đến 891). Kinh Angulimāla, Trung bộ kinh, số 86 ghi lại rằng, sống trong hạnh phúc giải thoát, mỗi sáng, Angulimāla thảnh thơi từng bước chân chánh niệm đi vào thành Savatthi khất thực. Angulimāla đã trở thành một con người hoàn toàn khác, với nội tâm tĩnh lặng, chan chứa tình thương yêu. Tuy nhiên, do những lỗi lầm đã gây tạo trước đó (ngài làm tướng cướp chặt ngón tay người xâu làm vòng đeo), ngài vẫn phải chịu phẫn nộ của nhiều người. Có người ném đất, có người ném đá vào ngài, có người lấy gậy đánh ngài vỡ đầu, và khi về đến tinh xá, ngài bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, y áo bị rách. Trong tình trạng đáng thương này, Đức Phật khuyên dạy Angulimāla rằng, “Hãy kham nhẫn. Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, thậm chí nhiều ngàn năm”. Angulimāla hoan hỷ tin nhận lời Phật dạy và tinh tấn thực hành Pháp, hoan hỷ trả nghiệp xưa mà không một lời than trách.

Ví dụ 2: Câu chuyện về Thánh Ni Paṭācārā

Một câu chuyện khác cần được nhắc đến là chuyện về vị Thánh Ni đệ nhất thần thông Paṭācārā. Câu chuyện về Thánh Ni Paṭācārā được ghi lại trong Tích Truyện Pháp Cú, chuyện về bài kệ số 113. Trước khi xuất gia và đạt thành Thánh quả Arahat, vị ấy là con gái một gia đình giàu có ở Sāvatthī (Xá Vệ), gia sản lên đến bốn trăm triệu. Nhan sắc tuyệt đẹp, mười sáu tuổi được cha mẹ cho ở tầng chót tòa nhà bảy tầng, canh gác cẩn thận. Tuy vậy, Paṭācārā vẫn thông gian với gia đồng của mình và trốn đi thật xa. Thời gian sau, theo tục lệ khi sinh con thì phải về nhà cha mẹ, trên đường về nhà Paṭācārā và chồng cùng con trai lớn đi qua khu rừng, chồng bị rắn cắn chết. Paṭācārā ôm đứa con nhỏ mới sinh lội qua sông thì bị diều hâu bắt. Đứa con trai lớn nghe tiếng Paṭācārā la lên, tưởng mẹ kêu nên lội qua sông và bị chết đuối. Paṭācārā về đến nhà thì hay tin nhà sập nên cha mẹ và anh trai đều chết hết, mới được hỏa thiêu hôm qua. Bà nghe xong nổi điên ngay, y phục tuột hết mà không hay biết. Bà trần truồng như thuở mới sinh, lang thang khóc lóc thở than. Ai thấy bà cũng đều la lên: “Đồ điên, đồ điên!” Kẻ ném rác, kẻ tung bụi vào. Một hôm bà lang thang đến tinh xá, nhờ thần lực của Phật, bà lập tức khôi phục tâm trí. Phật bảo:

- Paṭācārā, đừng phiền muộn. Ngươi đã đến với người có thể là nơi ẩn trú, nơi che chở, nơi nương tựa cho ngươi. Những điều ngươi kể đều đúng cả. Cho đến ngày nay, qua biết bao nhiêu vòng luân hồi, ngươi đã khóc vì mất con, mất người thân, nước mắt rơi nhiều hơn nước bốn biển.

Và Ngài nói kệ sau:

                                Nước bốn biển ít hơn

                                So với lệ nước đổ

                                Vì sợ và quẩn trí,

                                Tại sao còn phóng dật?

Thế Tôn giảng về luân hồi từ vô thủy. Ngài nói tới đâu đau buồn của bà giảm tới đó. Ngài nói tiếp:

- Paṭācārā, đối với một người trên đường qua bên kia thế giới thì không có con cái, bạn bè hay thân quyến nào làm nơi trú ẩn hay nương tựa. Ngươi có thể trông đợi họ được bao lâu trong cuộc đời này? Người trí phải biết thanh lọc đạo hạnh của mình, và như thế sẽ thanh lọc con đường dẫn đến Niết-bàn.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

                        (288) Một khi tử thần đến,

                                Không có con che chở,

                                Không cha, không bà con,

                                Không thân thích che chở.

 

                        (289) Biết rõ ý nghĩa này,

                                  Bậc trí lo trì giới,

                                 Mau lẹ làm thanh tịnh,

                                 Con đường đến Niết-bàn.

 

Cuối bài kệ Paṭācārā chứng quả Dự lưu, và tham dục trong tâm nhiều như bụi đại địa, cháy tiêu hết. Nhiều người khác cũng chứng quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Bà xin Phật gia nhập Tăng đoàn, được nhận và gởi tới Ni chúng. Bà đã làm tròn bổn phận, và vì tánh tình vui vẻ nên được tên là Paṭācārā. Một hôm, bà múc nước đầy bình và xối rửa chân. Nước chảy ra đất thấm xuống hết. Lần thứ hai nước chảy xa hơn rồi cũng thấm hết. Lần thứ ba xa hơn nữa rồi cũng thấm hết. Bà lấy đó làm đề mục thiền quán. Tức là nước đổ lần đầu giống như chúng sanh qua đời lúc tuổi nhỏ. Lần thứ hai khi tuổi thanh xuân, và lần thứ ba lúc đã già.

Thế Tôn ngồi trong hương thất, phóng quang ảnh đến trước mặt bà bảo:

- Paṭācārā, sống một ngày hay trong chốc lát mà thấy được sự sanh diệt của ngũ uẩn còn hơn là sống trăm năm chẳng thấy gì hết.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

                        (113) Ai sống một trăm năm,

                                Không thấy pháp sanh diệt,

                                Tốt hơn sống một ngày,

                                Thấy được pháp sanh diệt.

Cuối bài kệ, bà chứng A-la-hán cùng các thần thông.

Ví dụ 3: Câu chuyện của tôn giả Sīvali

Một câu chuyện nữa là câu chuyện của tôn giả mệnh danh đệ nhất tài lộc (phước báu) là tôn giả Sīvali. Cha của tôn giả Sīvali tên là Mahāli người xứ Licchavī. Mẹ của Tôn giả tên là Suppavāsā, công chúa nước Koliya có truyền thống tín phụng Tam bảo, thường cúng dường Đức Phật và chư Tăng.

Do nghiệp cũ oan khiên, nên nàng phải mang thai tôn giả Sīvali đến bảy năm và chịu cơn đau chuyển dạ đến bảy ngày. Tưởng mình sắp chết, nàng nói với chồng rằng: “Trước khi mạng căn chấm dứt, tôi sẽ cúng dường trọng thể” – “pure maraṇā jīvamānāva dānaṃ dassāmī”. (Chú giải kinh Tăng chi bộ).

Chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100) đã giải thích, trong kiếp quá khứ, tôn giả Sīvali là hoàng tử con vua Ba-la-nại, bị vua nước Kosala tấn công và cưỡng chiếm thành. Trong khi tái chiếm thành Ba-la-nại, nghe lời mẹ, hoàng tử đã bao vây, cắt đứt mọi nguồn viện trợ từ bên ngoài, thế nên đến ngày thứ bảy đã chiếm được thành. Do nghiệp cũ đó mà ngài phải chịu bảy năm trong thai và bảy ngày đau đớn trong khi chuyển dạ. Khổ đau cũng tương ứng với người mẹ, vì lúc xưa mẹ ngài đã góp lời khuyên thực hiện kế sách này.

Dù có ác nghiệp như vậy, thiếu niên Sīvali, vào năm thứ bảy, hiến thân mình cho đạo, và xuất gia. Khi tuổi được đầy đủ, vị ấy thọ Đại giới, làm các công đức, đạt được lợi đắc cao nhất trên cõi đất, tức là quả Arahat và khiến quả đất vang lên tiếng động hoan nghênh.

Và kể từ khi chứng Thánh quả Arahat, tôn giả Sīvali có một phước báo to lớn, thường được nhân loại hay chư Thiên ở khắp mọi nơi cúng dường, “dù đó là chốn hoang vu hay nơi làng mạc, khi ở sông nước, hoặc trú tại đất liền” – “vane gāme jale thale” (Apadāna câu 88).

Một lần, trong chuyến du hóa đến trụ xứ của tôn giả Revata (Ly-bà-đa), Đức Phật đã dẫn 500 vị Tỳ-kheo dự kiến phải băng qua một vùng hoang vu dài khoảng 30 dặm và khó khăn về vật thực. Trước lúc khởi hành, Đức Phật đã hỏi Tôn giả A-nan:

- Này, A-nan! Có Sīvali đi với chúng ta không?

- Dạ có, bạch Thế Tôn!

Với Đức Phật, chỉ cần có tôn giả Sīvali hiện diện trong đoàn thì dù con đường có hoang vu ít người qua lại, nhưng do phước báo của riêng Tôn giả mà các vị thiện thần (devatā) sẽ tùy duyên hóa hiện thành người phàm, để cúng dường vật dụng cần thiết cho đức Phật và toàn thể chúng Tăng.

Đúc kết

Các bậc Thánh nhân không phải thành tựu đạo quả đời này do chỉ mới tu đời này. Các ngài đã tu tập từ vô lượng kiếp quá khứ. Để thành tựu Thánh quả Arahat, ít nhất phải tu 100 ngàn đại kiếp trái đất (kiếp trái đất = thành, trụ, hoại, không). Ấy vậy mà kiếp chót rồi (sau kiếp này không còn tái sinh nữa) vẫn phải chịu những ác nghiệp như vậy. Thế thì, thử hỏi, những công đức phước báu tu tập ở đâu trong 100 ngàn đại kiếp đó, sao không “gánh” dùm cho những ác nghiệp này?

Thực chất, nhân quả và nghiệp báo rất công bằng. Chúng ta là phàm phu không có thắng trí nên cứ nghĩ này nghĩ nọ, trách cứ lung tung và nghi ngờ bậy bạ. Bất cứ ai mà chưa thấu suốt được tính vô ngã của tất cả vạn hữu và không hiểu rằng trong thực tế chỉ tồn tại tiến trình tự vận hành một cách liên tục của sự sinh diệt sắc pháp và danh pháp này, và rằng không có thực thể bản ngã riêng biệt bên trong hoặc bên ngoài tiến trình này, thì vị ấy sẽ không thể nào hiểu được Đạo Phật, tức là giáo lý về Tứ thánh đế, một cách đúng đắn. Vị ấy sẽ nghĩ rằng chính bản ngã của mình, đã thọ đau khổ, chính bản ngã của vị đó thực hiện các thiện nghiệp và ác nghiệp và sẽ tái sinh tuỳ theo những nghiệp này, chính bản ngã của vị đó sẽ nhập Nibbāna (Niết-bàn), chính bản ngã của vị đó đi trên Bát Chánh Đạo.

Vì vậy trong Thanh Tịnh Đạo chương 16 có nói rằng: “Chỉ có sự đau khổ tồn tại, mà không tìm thấy người đau khổ; có nghiệp, nhưng không có người tạo nghiệp; có Niết bàn, nhưng không có người nhập Niết bàn; có con đường, nhưng không có người nào đi trên con đường đó.”

Và Thanh Tịnh Đạo, Chương 17, Đoạn 117 nói: “Bất cứ người nào mà chưa rõ ràng đối với các pháp duyên khởi, và không hiểu rằng tất cả mọi hành động đều bị tạo duyên bởi vô minh, v.v…, vị ấy nghĩ rằng chính bản ngã hiểu hay không hiểu, hành động hay khiến cho hành động, cái đó tồn tại khi tái sinh, chính bản ngã đó được sinh ra vào thời điểm tái sinh…nó có sự xúc, thọ, ái, thủ, tác thành hữu, sinh già chết và sầu bi khổ ưu não lại tiếp diễn.”

Khi ta chưa ý thức về phận sự tu tập để thoát khổ, ta còn rong chơi, điều ấy có thể tạm chấp nhận. Nhưng khi ta đã là một người Phật tử, có học hỏi giáo lí và tu tập, thì ta phải ý thức về khổ và con đường thoát khổ. Đời sống, như lời Phật dạy, thật ra rối ren trong vô minh và ái dục. Nhìn kỹ thì đời sống ta là “đắng nhiều, ngọt ít”, là “bị hoảng sợ, ít vui”. Việc ta cần làm bây giờ là tinh tấn đi theo thiện pháp, vun bồi phước và trí cho giải thoát mai hậu. Còn chuyện quả báo thiện, quả báo ác, như những ví dụ nêu trên, chúng ta khó có thể lường trước được…

Tâm Cung

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023