Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
A-lại-da thức và ứng dụng tu tập
Cập nhật: 04/08/2019
Trong quá trình tu tập của một hành giả thì có nhiều con đường để hướng đến giác ngộ. Tùy theo căn cơ của chúng sanh mà có pháp môn phù hợp, để đi đúng tiến trình và có lợi ích thật sự thông qua pháp môn đó. Và Duy thức cũng được xem là một pháp môn tu tập. Qua đó, giúp hành giả thấy được cái vi tế bên trong tâm thức, để có một cái nhìn đúng đắn về chính mình, bởi vì tất cả đều diễn ra trong chính con người chúng ta.
Qua Thành Duy Thức Luận của ngài Thế Thân, chúng ta càng hiểu rõ hơn về thân tâm, những dòng chảy bên trong mà chúng ta chưa nhìn nhận rõ. Và xin trình bày về mạt-na trong tám thức tâm vương để chúng ta hiểu rõ hơn và có một hướng đi đến lộ trình giải thoát.
Thế Thân là tác giả của nhiều bộ luận quan trọng, trong đó có Thành Duy thức Luận mà ngài Huyền Trang đã dịch sang chữ Hán.
Qua bộ luận, chúng ta sẽ có một cái nhìn đúng và rõ hơn về Duy thức, đặt biệt là Bát thức. Trong Bát thức, mạt-na cũng giữ một vai trò quan trọng mặc dù khó nhìn thấy mà chúng ta chỉ nhìn thấy khi chúng hiện hành.
Tuy ẩn bên trong nhưng chúng ta cũng nhận ra nó vì bản chất và đặc trưng của nó.
Mạt-na là thức thứ bảy trong Bát thức, nó không tồn tại độc lập mà nương cái khác mà sanh khởi. Khi mạt-na biểu hiện ra bên ngoài, chúng ta mới thấy rõ và nhận ra chúng. Sở dĩ chúng sanh đau khổ là do chấp ngã và mạt-na nương a-lại-da mà sanh khởi và chấp a-lại-da làm ngã. Như cánh tay từ thân sanh ra rồi quay lại hộ vệ thân.
Mạt-na cũng ví như người giữ kho, rồi chấp các thứ trong kho là của nó. Cũng vậy, mạt-na nhờ a-lại-da mà sanh khởi rồi chấp a-lại-da làm “ngã”.
Tính chất của mạt-na là lo nghĩ, suy lường, tính toán, hơn thua, ôm giữ, bám lấy… Do đó, chúng sanh tự gây đau khổ cho mình và đau khổ cho người. Đẹp xấu, đúng sai, phải trái, giàu nghèo, cũng từ đâu mà ra. Rồi thị phi, yêu ghét cũng từ đâu mà ra. Do đó, khổ đau tiếp nối, cũng từ chấp này mà sanh. Nó làm điểm tựa để phiền não sinh khởi và đau khổ hiện hành. Sở dĩ tôi đúng anh sai, tôi hay anh dở v.v... cũng bắt nguồn từ đây.
Mạt-na là chấp ngã nên tương ứng với tâm sở bất thiện. Bốn tâm sở đó là: ngã kiến, ngã ái, ngã mạn, ngã si.
- Ngã kiến là cái nhìn, cái thấy sai lệch về cái “ngã”, cho rằng cái “ngã” là hiện hữu thật có, từ đó gây tạo nghiệp trong sinh tử luân hồi. Vì thấy sai về cái “ngã” nên bao nhiêu phiền não từ đó phát sanh, gây đau khổ cho mình và người.
- Ngã ái là yêu thích tham đắm cái “ngã”, sau đó tạo nghiệp.
- Ngã mạn là đề cao, coi trọng cái “ngã”, cho mình hơn người, xem thường người khác.
- Ngã si là si mê về cái “ngã”, tham đắm không buông bỏ.
Tuy không phải là phần quan trọng nhưng qua đây, chúng ta thấy được rằng bốn tâm sở bất thiện tương… nên chúng sanh vì vậy mà đau khổ. Vì chấp ngã nên luôn tạo nghiệp và luôn đau khổ. Nhận ra vấn đề này giúp chúng ta biết rõ hơn mạt-na, tuy đơn giản nhưng cũng quyết định khổ vui của đời sống chúng sanh. Vì thế, ngấm ngầm mà mang tính chất không kém phần quan trọng. Suy nghĩ, toan tính cũng từ đây mà ra, chấp ngã nên mê mờ và tạo nghiệp trong sanh tử. Mạt-na không phải là ông chủ nhưng là một đầy tớ quyền hạn khi ông chủ vắng nhà. Và điều quan trọng là đầy tớ này chấp cho rằng tài sản của ông chủ là của mình.
Mạt-na là vô phú vô ký, do đó a-lại-da bắt cảnh nào thì nó sanh vào cảnh đó, nên bản chất của nó là tương ứng với phiền não.
Chúng ta đã biết mạt-na là như vậy. Vậy phải tu tập như thế nào để loại bỏ mạt-na? Muốn loại bỏ mạt-na thì có 3 điều cần biết. Một là tu tập đến quả vị A-la -hán, hai là nhập diệt tận định, ba là tu tập để đạt trí về vô ngã.
Sự tu tập ấy bằng lời Phật dạy qua Tứ Diệu Đế hay căn bản là Bát chánh đạo v.v... Từ đó, dần dần đến quá vị Thánh nhân, không còn chi phối bởi các pháp bất thiện. Làm chủ tâm là làm chủ các pháp, như trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác. Nếu với tâm ô nhiễm thì khổ não theo sau. Nếu với tâm thanh tịnh thì an lạc bước theo sau”.
Và chúng ta cũng cần tu tập trí tuệ để có cái nhìn đúng đắn hơn về “ngã”, để không bị chi phối bởi cái “ngã”. Còn ở địa vị phàm phu thì khó nhìn rõ về tâm và pháp, nhưng với trí tuệ đạo Phật sẽ thấy rõ hơn về chúng, đặc biệt là mạt-na vi tế bên trong.
Tóm lại, qua Thành Duy Thức Luận, chúng ta hiểu và thấy rõ hơn về thức thứ bảy mạt-na. Tuy thiếu sót nhiều phần nhưng chúng ta qua đó cũng thấy rõ về mạt-na và biết được sự vận hành của chúng. Cái vi tế và nương từ thứ khác mà sanh nhưng cũng không kém phần quan trọng.
Căn bản của sự tu tập là nhận ra đúng vấn đề để có lối đi phù hợp, tìm ra nguyên nhân của khổ đau để có phương hướng cho một con đường an lạc. Thấy rõ được chúng nhưng ít ra làm cho chúng suy yếu và mờ nhạt. Mạt-na là vậy và chúng ta cần biết, căn của thức cũng chi phối đời sống của chúng sanh, vì bản chất của mạt-na là chấp ngã.
Hiểu về mạt-na giúp cho ta có cái nhìn sâu sắc hơn về chính con người chúng vì tất cả đều diễn ra trong chính chúng ta.