Vẫn Còn Hạnh Phúc
Kính thưa quý Phật tử! Hiện diện trong giảng đường hôm nay có người 70 - 80 tuổi, có người 50 - 60 tuổi, thậm chí có người mới 15 - 20 tuổi, có lẽ ai cũng đã nếm trải những thăng trầm của cuộc sống như: vui buồn, được mất, vinh nhục, hạnh phúc, khổ đau... Đã vượt qua những nỗi khổ như: mất của, bệnh tật, thất bại; những thiên tai như: động đất, bão lụt, sóng thần; những nhân họa như: chiến tranh, khủng bố; những tai nạn như: giao thông, lao động... Bao năm tháng đã trôi đi, bao thăng trầm đã trải nghiệm, bao đau khổ đã vượt qua, thế mà, chúng ta vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này, có thể nói đây là một phước báo rất lớn của chúng ta!
Vào cuối năm 2009, báo đài nói về trận động đất tại Haiti, số người chết lên đến cả trăm nghìn; gần đây nhất, tại Trung Quốc, vào ngày 14-04-2010, cũng có một trận động đất đã làm hàng nghìn người chết; rất may chúng ta không có tên trong danh sách những người chết đó! Nếu có, bây giờ quý vị không còn hiện hữu trên cuộc đời này và dĩ nhiên cũng không được nghe pháp, không được tu tập cùng đại chúng! Cho nên, sinh mạng là quý báu, có sinh mạng chúng ta mới hưởng thụ được những hạnh phúc mà cuộc đời này ban tặng. Nhưng, có sinh mạng không chưa đủ, chúng ta còn cần có cả sức khỏe, bởi có sinh mạng mà không có sức khỏe, nay ốm mai đau, hoặc nằm liệt giường liệt chiếu, cũng không thể thụ hưởng được tất cả hạnh phúc của cuộc đời. Cho dù chúng ta sở hữu hàng trăm lượng vàng, hàng ngàn lượng bạc, hàng triệu USD; cho dù chúng ta có nhà cao cửa rộng, ruộng đồng cò bay thẳng cánh; cho dù tất cả những thứ tiện nghi vật chất đều đầy đủ, mà chúng ta lại đau bệnh liên miên, cũng không hưởng thụ được gì và chắc chắn là không có hạnh phúc. Vậy, mạng sống con người là quý, nhưng sức khỏe cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta sống năm này qua tháng khác mà bị bệnh tật giày vò, thì hạnh phúc cuộc đời chẳng thấy đâu, mà khổ đau cứ đeo đẳng như bóng với hình.
Vào ngày 26-03-2010, tôi có chuyến đi từ thiện tại thị trấn Cái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, giúp đỡ một số em bị nhiễm chất độc màu da cam. Do khu vực này rất rộng, nên những người làm công tác từ thiện ở Hội Chữ thập đỏ đã quy tụ những người nhiễm chất độc màu da cam về trụ sở của xã để tiện cho việc phân phát quà. Khi đến đó, tôi thấy nhiều em bị tàn tật rất đáng thương. Có những em hai tay co quắp, hai chân bại liệt, có những em cả tay và chân đều không thể cử động, lại có em bị thần kinh hoặc thân hình dị dạng... Nhìn những em nhỏ bị tàn tật như thế tôi thầm nghĩ rằng mình là người có đại phúc! Vì sao? Vì mình cũng là người, họ cũng là người, thế mà mình may mắn sinh ra còn đủ mắt mũi, tay chân; còn họ có mắt nhưng không nhìn được, có tai nhưng không nghe được, có miệng nhưng không nói được, có hai tay nhưng không cầm nắm được và có hai chân nhưng không đi được! Còn gì đau khổ hơn? Bởi ngay lúc sinh ra các em đã phải chịu cảnh tật nguyền! Các em cứ vậy lớn lên, thụ động đón nhận mọi điều, mà không hiểu vì sao mình phải chịu như thế? Và, tôi đã an ủi bằng cách nói cho các em biết: Trong cuộc sống này ai sinh ra cũng khổ, người khổ về thể xác, người khổ về tinh thần, người nghèo khổ, mà người giàu cũng khổ. Thế nên, các em hãy nhìn xuống để thấy rằng mình vẫn còn hạnh phúc. Tuy bị tàn tật, nhưng các em vẫn có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở để che mưa che nắng, có cha mẹ, anh em nuôi dưỡng chăm sóc, trong khi đó, nhiều người tàn tật như các em phải tự đi kiếm sống, họ không có nhà để ở và cũng không có người săn sóc, trông nom.
Nếu các em hiểu được lý nhân quả, sẽ phần nào hiểu được nguyên nhân của nỗi khổ, niềm đau mà mình phải gánh chịu trong hiện tại. Khi mình có quả ớt, biết rằng trước đây mình đã trồng hạt giống cay; khi mình có trái khổ qua, biết rằng trước đây mình đã trồng hạt giống đắng; khi mình nhận quả đu đủ, biết rằng trước đây mình đã trồng hạt giống ngọt. Có quả cay, quả đắng, quả ngọt là do chính mỗi người tự gieo trồng và tự nhận lấy, không có bất cứ thần linh nào làm cho cuộc đời chúng ta cay đắng hay ngọt bùi. Chúng ta không nên vì đau khổ mà oán trời, trách người, bởi trên thực tế, tất cả những gì đến với bản thân đều do nhân và quả của chính mình đã gây tạo và nhận lãnh. Không có ông Thượng đế, ông trời, ông thần, ông thánh nào cho người này hạnh phúc, bắt người kia đau khổ; cho người này khỏe mạnh, bắt người kia ốm đau; cho người này thông minh, bắt người kia ngu dốt; cho người này ngoại hình đầy đủ xinh đẹp, bắt người kia thân thể tàn tật xấu xí; cho người này giàu sang phú quý, bắt người kia nghèo khó bần cùng. Nếu có ông Thượng đế, ông trời hay ông thần, ông thánh nào có quyền cho người này hưởng điều tốt, bắt người kia chịu điều xấu, như thế không phải là người công bằng. Do vậy, nếu hiểu được nhân quả, khi gặp những nỗi khổ, phải hoan hỉ chấp nhận và cho đó là cái kết quả mà chính mình đã gieo trồng trong quá khứ. Chẳng hạn như động đất làm sập một căn nhà trong đó có mười người, thế nhưng không phải mười người đều chết hết mà có thể vẫn còn người sống sót. Trên thực tế, báo đài cũng đưa tin về những trận động đất xảy ra, sau cả tuần đào bới, vẫn tìm thấy người còn sống. Cùng ở trong một căn nhà, cùng sống tại một địa phương, thế mà sau một trận động đất, người thì sống, kẻ thì chết, như vậy chuyện sống chết cũng do cái nghiệp của mỗi người. Chắc hẳn, chúng ta cũng từng nghe về sóng thần. Khi sóng thần ập tới, nó cuốn trôi tất cả, biết bao người đã mất mạng, thế nhưng cũng có người trôi nổi ngoài biển nhiều ngày cuối cùng lại được cứu sống. Vậy mạng sống của những người đó là do cái nghiệp của họ chưa tới, trong khi rất nhiều người khác đã phải ra đi mãi mãi bởi thảm họa sóng thần.
Cũng vậy, trong một làng có hàng nghìn người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, thế nhưng tại sao chỉ có mười, hoặc vài chục, vài trăm người bị nhiễm còn những người khác thì không? Vậy nhiễm hay không là do nhân quả của họ. Tôi khuyên các em hãy nghĩ như thế, sẽ tìm thấy sự an ủi và chuyển hóa được nỗi khổ, niềm đau của mình. Ngược lại, cứ mãi nghĩ đến sự tàn tật hay sự bất công của tạo hóa, các em chỉ khổ đau thêm mà thôi! Bây giờ hiểu được nhân quả, biết rằng kết quả nào cũng đều có nguyên nhân, thay vì thở than cho số phận bất hạnh của mình, các em hãy chấp nhận và quyết chí đứng lên vượt qua nghịch cảnh, như thế các em sẽ hóa giải được phần nào khổ đau trong cuộc sống. Các em nên cố gắng thay đổi nghiệp của mình bằng cách niệm Phật. Khi niệm Phật, các em có thể chuyển hóa được nghiệp cũ, đồng thời gieo nhân mới, để đời này cũng như đời sau mình thoát khỏi quả báo như hiện nay.
Tại đây, chúng tôi được những người phụ trách Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn đến thăm trực tiếp hai gia đình có hai em bị bại liệt. Gia đình thứ nhất, có một em trai khoảng 16 tuổi, khi sinh ra em đã bị bại liệt cả tay chân, toàn thân gần như không thể cử động. Tai em nghe không rõ, miệng không thể nói, hoàn toàn nằm một chỗ. Mẹ em phải mớm cơm cho em và giúp em làm mọi việc vệ sinh hàng ngày từ khi em mới sinh ra cho đến bây giờ. Có điều là, lúc em còn bé người mẹ nhai cơm mớm cho em ăn, bây giờ em đã 16 tuổi mà bà vẫn phải tiếp tục công việc đó! Tôi hỏi bà tại sao không dùng phương pháp nào khác? Chẳng hạn như xay thức ăn ra rồi đút cho cháu? Bà ấy nói: “Nó không chịu ăn, cứ phải mẹ nhai cơm mớm cho mới chịu ăn, còn nó biết cơm đó là do xay hay dùng cách nào khác thì không chịu ăn”. Nhìn cậu bé nằm liệt giường như vậy, mắt có nhìn thấy, nhưng tai nghe không rõ lắm, miệng không nói được gì, cứ nằm im lìm như khúc gỗ, tôi cảm thấy thương quá!
Sau đó, tôi đến gia đình thứ hai. Nhà này rất nghèo, có một người trung niên khoảng hơn 35 tuổi đang ngồi trên xe lăn, tay chân bị liệt hết, miệng không nói được, chỉ có tai và mắt là vẫn bình thường. Tôi ngồi dạy anh niệm Phật, lúc đầu niệm “Nam Mô A-di-đà Phật”. Thấy anh rất cố gắng nhưng không thể niệm được, tôi khuyên anh niệm ngắn bớt lại thành “A-di-đà Phật” cho dễ. Dù anh đã hết sức gắng gượng, nhưng cũng chỉ phát ra được một tiếng “Phật” chứ không thể niệm nổi một danh hiệu Phật trọn vẹn. Qua đó, tôi mới thấy quý vị là những người có đại phúc. Trên thế gian này, nhiều người chỉ muốn niệm một câu Phật hiệu, nhưng không thể niệm được! Còn chúng ta niệm 1000, 2000 hay vài chục nghìn cũng được, ấy thế mà có người không biết tận dụng cái miệng của mình để niệm Phật, để tạo công đức và phước báo cho bản thân; ngược lại, đôi khi, chính từ cái miệng này, người ta nói chuyện thị phi, nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ, nói ô uế, nói ác độc... tạo biết bao nhiêu nghiệp ác, gây đau khổ cho mình và người.
Nhìn các em tàn tật như vậy, bất chợt tôi nghĩ đến tất cả chúng ta. Chúng ta có hạnh phúc là được đầy đủ tay chân, thế mà có khi không biết trân quý, chăm sóc, giữ gìn và phát huy thân thể của mình để làm những việc tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Có những thanh niên nam nữ nhiều tiền lắm của được cha mẹ thương yêu, chăm sóc, lo lắng đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần, vậy mà không biết trân trọng lại đi hủy hoại cơ thể và tinh thần của mình bằng các cuộc ăn chơi trác táng thâu đêm suốt ngày, bằng xì ke ma túy, bằng nhậu rượu, cờ bạc, đua xe... Hậu quả là những người lao vào ăn chơi trác táng thì nhiễm HIV, mắc bệnh xã hội; những người xì ke ma túy thì cướp của giết người, hủy hoại thân thể; những người sáng say chiều xỉn thì mất trí, mất tư cách đạo đức; những người cờ bạc cá độ thì tán gia bại sản, có khi còn tự tử; những người đua xe thì mất mạng hoặc tàn phế suốt đời... Trong khi những trẻ em bại liệt muốn đi, muốn đứng, muốn sống một cuộc đời bình thường mà không được! Chúng ta - những người có mắt để nhìn, có tai để nghe, có miệng để nói, có tay để nắm, có chân để đi, có cả sức khỏe lẫn trí khôn - lại đi hủy hoại cuộc đời của mình bằng những thú vui độc hại. Thật quá vô minh!
Có câu chuyện: Một cặp vợ chồng kết hôn muộn, sống với nhau khá lâu mới sinh được một đứa con trai. Khi đứa con trai này được sinh ra, vợ chồng họ quý nó như ngọc như vàng, vì ông bà đã lớn tuổi rồi mới có con. Họ hy vọng người con sẽ nối dõi tông đường, sẽ giúp đỡ cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, và sẽ chôn cất cha mẹ lúc qua đời. Một thời gian sau, bà vợ bị tai nạn chết, người chồng bây giờ vừa là cha, vừa là mẹ, tất cả tình thương ông đều dành hết cho con. Cảnh gà trống nuôi con dù cực nhọc nhưng ông rất vui. Ông đem hết công sức của mình để bảo ban, chăm sóc đứa con trai và mong muốn xây dựng cho nó một tương lai giàu có, ấm no, hạnh phúc. Tất nhiên, ông cũng hy vọng sau này khi già yếu sẽ có người chăm sóc, hoặc lúc chết cũng có con cháu lo cúng giỗ cho mình. Thế nhưng, khi đứa con đến tuổi 18 thì bỏ học đi theo bạn xấu, ăn chơi sa đọa và cuối cùng dính vào xì ke ma túy. Khi biết chuyện này, người cha vô cùng đau khổ, ông đã hết lòng khuyên nhủ nhưng do đua đòi, lại bị bạn xấu rủ rê, nên người con cứ trượt dài trên con đường sa đọa và việc gì đến sẽ phải đến - anh ta bị nhiễm HIV. Khi nghe tin con mình nhiễm HIV, người cha lại càng đau khổ hơn, ông biết rằng mạng sống của con mình giờ đây chỉ còn như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào! Thời gian trôi qua, người con kiệt quệ và sắp sửa bước qua thế giới khác. Trước lúc người con sắp ra đi, người cha vẫn đem hết tình thương để chăm sóc con, đút cho con ăn hay làm vệ sinh cho con. Trong những lúc như thế, người cha cảm thấy đau khổ tột cùng, ông nghĩ rằng việc đút cơm, bón cháo, chăm sóc, vệ sinh này đáng lẽ là việc mà con trai phải làm cho mình lúc tuổi già, thế mà bây giờ mình lại phải làm cho con! Và đáng lẽ người con sẽ lo hậu sự cho cha khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời, vậy mà giờ đây người cha già lại phải chuẩn bị để chôn cất đứa con trai yêu quý. Nhìn người cha héo hon trong đau khổ, người con mới hiểu và cảm nhận được tình thương yêu vô bờ mà cha đã dành cho mình, những giọt nước mắt ân hận lăn dài xuống gối. Hơn bao giờ hết, lúc này người con muốn được sống, muốn được làm lại cuộc đời, để xóa đi một phần nào những tội lỗi, những sai lầm của mình. Thế nhưng, bây giờ không còn kịp nữa rồi! Nếu như trước đây cậu con trai này nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà cố gắng học, có lẽ giờ đây không đến nỗi phải thân tàn ma dại như thế. Nếu hàng ngày tất cả chúng ta nghĩ về những công ơn trời biển của cha, của mẹ thì có lẽ không ai dám làm điều gì dại dột dẫn đến việc hủy hoại thân thể và làm đau lòng hai đấng sinh thành. Sinh được một người con không phải chuyện dễ! Những người mẹ đã phải mang nặng, đẻ đau và có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng để đánh đổi sự sống cho những đứa con. Rồi, sau khi sinh con ra, cha mẹ lại phải tốn biết bao công sức, tiền của để nuôi con đến khi khôn lớn, trưởng thành. Chúng ta có được thân thể cường tráng, khỏe mạnh ngày hôm nay, vạn vạn giọt nước mắt mẹ đã rơi, tỉ tỉ giọt mồ hôi cha đã đổ, vậy mà chúng ta không biết trân quý lại đi hủy hoại thân thể và hủy hoại luôn kiếp sống của mình. Để rồi, chúng ta phải mang lấy tội bất hiếu vì đã làm đau lòng chính những người sinh ra và nuôi dưỡng mình nên người.
Có những người làm ăn thất bại hoặc gặp những điều bất hạnh trong cuộc sống, vì không giải tỏa được nên họ tìm đến cái chết để giải quyết. Tại sao khi gặp những hoàn cảnh đó họ không nghĩ đến những người khổ hơn mình? Nếu họ nhìn vào những người nhiễm chất độc màu da cam, những người tàn tật, những người bất hạnh, sẽ thấy mình vẫn còn hạnh phúc, vẫn còn khả năng để làm lại cuộc đời. Vì sao? Vì mình còn có đôi mắt, có tay chân, có trí óc... sẽ làm được tất cả, cho dù có phải làm lại từ đầu. Nếu trong cuộc sống mình lỡ bị một tai nạn nào đó mất đi một con mắt, mình vẫn còn hạnh phúc hơn những người mất cả hai con mắt; nếu lỡ mất đi một cánh tay, mình vẫn còn hạnh phúc hơn những người mất cả hai cánh tay... Thực tế thì, có những em nhỏ tàn mà không phế. Có những em nhỏ cụt cả hai tay nhưng dùng miệng của mình ngậm bút để viết chữ, hoặc dùng hai chân để học vẽ và đã vẽ được những bức tranh rất đẹp.
Hôm đến giúp đỡ những em nạn nhân chất độc màu da cam, tôi có gặp một em khoảng 18 tuổi được người nhà đặt lên trên bàn, nhìn em cứ tưởng chừng 9 hay 10 tuổi. Em ngồi đó chỉ có cái đầu với khúc mình nhỏ bé, còn hai tay hai chân teo lại như cây củi, thế mà em đã cố gắng vươn lên và học được hết lớp 12. Những người như em đáng để chúng ta trân trọng, ngợi khen, vì dù tàn tật nhưng em đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, không đầu hàng hoàn cảnh của mình. Còn những người có đầy đủ sức khỏe, đầy đủ tay chân, vậy mà đôi khi lại chẳng khác gì những người tàn tật!
Tại Trà Vinh có một người tên là Lê Văn Híp. Lúc mới sinh ra, hai tay, hai chân của anh co quắp, không sử dụng được, gia đình lại rất nghèo, nhà có đến 10 người con. Cha mẹ cũng đã cho anh đi học đến lớp 7, nhưng học lên nữa thì họ không đủ khả năng. Lớn lên, anh biết rằng tay chân của mình co quắp như vậy không thể đi xin ăn được, cần phải học một cái nghề gì đó để tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng, tiền đâu mà học? Đến ngày nọ, cũng là một duyên may, có một người anh bà con ở trên Sài Gòn về, anh này vừa mới học xong nghề điện tử sửa chữa tivi, cassette, radio, thế là anh mượn những tài liệu của người đó để học. Với một ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh đã cố gắng tìm hiểu, mày mò và cuối cùng anh cũng đã sửa được tivi, cassette và radio. Như quý vị biết, một người tàn tật, tay chân co quắp như thế mà sửa được những thiết bị điện tử li ti là cả một sự nỗ lực. Mỗi lần sửa, anh phải vận dụng cả hai tay, hai chân kẹp vật cần sửa lại, lấy miệng cắn ngậm vào tua vít, rồi dùng chính miệng mình để vặn từng con ốc... Thế mà, với ý chí và nghị lực phi thường, anh đã sửa được các loại máy điện tử. Nhiều người thương cho hoàn cảnh của anh đã đem máy đến thuê anh sửa. Từ đó, anh đã kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Ngoài những lúc sửa máy ra, anh còn tự mày mò chơi đàn ghi-ta, và anh cũng đã chơi được, thậm chí còn chơi hay nữa. Người ta tàn mà không phế, vẫn có ý chí và nghị lực để vươn lên. Nhìn những người như anh Híp, chúng ta cảm thấy thật hổ thẹn, vì mình hơn họ rất nhiều thứ, tay chân đầy đủ, thể chất khỏe mạnh, trí óc minh mẫn, thế nhưng có người lại mãi chịu cảnh thất nghiệp, có người không làm được việc gì nên hồn, có người chẳng tự làm mà ăn, sống bám vào gia đình, người thân và xã hội. Do ai chúng ta không đủ ăn đủ mặc? Do ai chúng ta mãi nghèo khổ bần hàn? Do ai chúng ta trở thành kẻ sống thừa, bị người đời khinh rẻ? Tất cả đều do chính chúng ta không có ý chí phấn đấu vươn lên mà thôi.
Có một cô gái ở Hậu Giang tên là Cẩm Tú. Lúc mới sinh ra hai chân bại liệt, không cử động hay bước đi được, lớn lên một chút thì cha mẹ ly dị nhau, bà ngoại thấy vậy thương tình đem về nuôi. Cuộc sống ở vùng quê của ngoại vốn rất khó khăn, giờ lại gánh thêm một đứa cháu tàn tật nữa khiến đã nghèo lại càng nghèo hơn. Vì miếng cơm manh áo, lúc 12 tuổi, nhìn thấy người ta chèo đò đưa khách qua sông, Cẩm Tú nghĩ rằng phải làm mọi cách để có thể chèo đò kiếm tiền nuôi thân và giúp ngoại. Để thực hiện được tâm nguyện đó, em nghĩ trước hết là phải tập bơi, vì nếu không biết bơi, khi chèo đò lỡ đò lật, mình có thể sẽ bị chết chìm. Mặc dù hai chân teo liệt, chỉ còn hai tay, thế mà em cố tập bơi! Nhảy xuống sông tập một thời gian em bơi rất giỏi. Sau khi bơi giỏi rồi, vững rồi em mới nghĩ đến chuyện mua ghe, nhưng nhà nghèo lấy tiền đâu mà mua ghe? Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng vào một buổi sáng nọ, em dùng một cái vỏ xe bọc dưới mông của mình, lết đi từ nhà đến chỗ bán ghe. Quãng đường đó hơn 10km. Đến nơi em trình bày nguyện vọng của mình là muốn có được một chiếc ghe đưa khách qua sông để kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp bà ngoại. Người chủ ghe rất có lòng từ, khi nghe em trình bày như thế ông rất thương và đồng ý bán cho em một chiếc ghe chỉ lấy tiền vốn, nhưng một năm sau mới phải trả.
Thế là ước mơ đã trở thành sự thật. Từ đó, hằng ngày em chèo đò đưa khách sang sông kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng rồi, chiếc ghe cũng tới thời kỳ mục nát, tiền mua ghe mới chưa có, mà lúc đó đất nước đã phát triển nên người ta xây những cây cầu bắc qua sông, không còn ai đi ghe nữa. Trước tình cảnh đó, em mới tìm đến câu lạc bộ bơi lội của tỉnh để tập bơi và sau đó được câu lạc bộ cho đi thi đấu trong nước. Em đã giành được thắng lợi ngay trong lần đầu đi dự thi. Thấy được khả năng bơi lội của em, người ta đã cho em đi thi đấu ở nước ngoài. Từ năm 2001 đến 2006, trong gần 6 năm đó, em đã tham dự rất nhiều giải đấu ở nhiều nước trên thế giới và đã giành được 14 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 4 huy chương đồng. Sự thành công này là niềm vinh dự không những cho bản thân em mà còn cho cả đất nước chúng ta. Một người bị tàn tật ngay từ bé, hai chân không hoạt động được, chỉ còn hai tay, vậy mà đã vươn lên trở thành vận động viên bơi lội khuyết tật đạt được rất nhiều huy chương quốc tế. Khi biết được những câu chuyện như thế này, thực sự chúng ta cảm thấy quá hổ thẹn! Hoàn cảnh của chúng ta tốt hơn Cẩm Tú gấp nhiều lần, thế nhưng chúng ta đã làm được gì đem lại vinh quang cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước? So ra, chúng ta thua em ấy rất xa!
Ở Cần Thơ có một người tên là Nguyễn Phương Duy. Lúc ba tuổi cậu bị ban sởi và sau đó mù cả hai mắt. Vượt qua hoàn cảnh, cậu đã cố gắng phấn đấu học hết lớp 12, và trong thời gian học phổ thông cậu còn học thêm đàn ghi-ta và đàn organ nữa. Chính sự đam mê học hỏi đã giúp cậu chơi đàn rất hay và trong một cuộc bình chọn cậu đã đạt được giải đặc biệt dành cho các nhạc công. Chúng ta có hai con mắt rất sáng nhưng học nhạc mãi không thông, học đàn mãi không được, đôi khi học lâu rồi mà còn lúng túng, chệch choạc với những phím đàn; trong khi đó, Phương Duy mù hai mắt, hoàn toàn không thấy được bàn phím của cây đàn lại học được, không những thế còn đàn rất giỏi. Ý chí và nghị lực của cậu thật sự là tấm gương sáng để chúng ta noi theo, học tập. Có những người được cha mẹ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đi học, nhưng họ lại không chịu học. Còn Phương Duy cũng như nhiều người mù khác, họ không có đầy đủ điều kiện, cả khách quan lẫn chủ quan, thế mà họ đã cố gắng học và làm được những điều kỳ diệu. Có những người mù giải được các bài toán trong toàn bộ chương trình phổ thông vì họ cũng đã tốt nghiệp 12. Có những người mù học và dạy được cả tiếng Anh. Có những người mù viết được, vẽ được, đánh máy vi tính được... Có thể nói họ mù mà sáng, còn có người sáng mà lại giống như mù. So với những người tàn tật như họ, chúng ta đúng là người có phước lớn, vậy mà lắm lúc chúng ta thui chột ý chí, đánh mất tự tin, thậm chí suy sụp đến mức muốn hủy hoại cả thân thể của mình.
Một hôm, có một cô gái khoảng 20 tuổi đến gặp tôi than khổ và bảo có ý định tự tử. Tôi hỏi lý do vì sao thì cô ấy kể: “Trước đây con có yêu một người thanh niên, hai người thương nhau và sống với nhau một thời gian thì người yêu bỏ con đi với một người khác. Con đau khổ quá! Con muốn tự tử để quên đi nỗi khổ này”. Tôi khuyên cô nên mừng chứ không nên đau khổ. Cô gái ngạc nhiên hỏi: “Con đang đau khổ như thế này mà thầy bảo nên mừng là sao?”. Tôi nói mình mừng mới là đúng, người thanh niên kia đến với mình không phải vì tình yêu chân thật, anh ta chỉ muốn thỏa mãn dục vọng, khi thỏa mãn rồi, anh ta bỏ mình để đi tìm niềm vui mới. Nếu dây dưa dẫn đến có con rồi anh ta bỏ đi, lúc đó cái khổ còn gấp đôi, gấp ba lần hiện tại. Nếu anh ta thật sự yêu thương cô thì đã không “đứng núi này trông núi nọ”. Tóm lại, anh ta bỏ mình sớm thì nên mừng mới phải, đừng cứ mãi đau khổ nữa! Tôi hỏi tiếp rằng trong cuộc sống này cái gì là quý nhất? Người bạn của cô hay thân mạng của cô? Cô trả lời thân mạng là quý nhất. Những ai đến với mình với tư cách là người yêu, họ bỏ mình thì mình kiếm người khác, còn thân mạng mất đi rồi có kiếm lại được không? Đức Phật đã dạy chúng ta, trong sáu nẻo luân hồi, muốn có lại thân người khó như con rùa mù 100 năm trồi lên mặt nước một lần, lại chui đầu đúng vào cái lỗ của khúc cây đang trôi nổi giữa biển cả bao la.
Chúng ta phải có cái nhìn sáng suốt, không nên hễ đụng chuyện quá đau buồn là tìm đến cái chết. Những người tự tử vì tình là rất ngu dại! Có nhiều gia đình vợ chồng lấy nhau về, sống với nhau chưa được bao lâu thì sinh ra bất hòa, chửi rủa, đánh đập nhau. Chúng ta có chắc rằng người kết tóc xe tơ sẽ tâm đầu ý hợp với mình mãi mãi, hay cũng có lúc vợ chồng sống chung một mái nhà mà như đang sống với kẻ thù nhiều đời, nhiều kiếp? Đến lúc đó mới thật sự là khổ, bởi lỡ vướng vào rồi, nhất là lỡ có con với nhau rồi, thì sống cũng không yên mà bỏ cũng không được. Còn khi hai người chỉ mới là người yêu, nếu một người bỏ đi với người khác, thì đó là chuyện tốt. Vì sao? Vì chúng ta sẽ không cưới phải người không yêu mình thật lòng. Chúng ta phải nghĩ thân mình là quý, không có người yêu này mình kiếm người yêu khác, tiền mất mình kiếm tiền khác, địa vị mất mình kiếm địa vị khác... Tất cả mọi thứ ở bên ngoài thân, nếu mất đi, chúng ta đều có thể tìm lại được! Nhưng nếu để mất tấm thân này rồi thì hết thảy mọi thứ trong đời, dù chúng có tốt cách mấy, có đẹp cách mấy, có vui cách mấy, chúng ta cũng không thể hưởng thụ được.
Trong cuộc sống, đôi khi công việc làm ăn bị thua lỗ, phá sản, chúng ta cần bán nhà, bán đất để chi tiêu cho một khoản phí khổng lồ, hay đôi khi vì một lý do nào đó mà tài sản của chúng ta rơi vào tay người khác, hãy nên nghĩ rằng: Mình làm ăn tiền tỉ nếu thua lỗ, vẫn có thể còn lại tiền triệu. Mình sở hữu một nhà lầu 5 tầng nếu bị phá sản phải bán để trả nợ, vẫn còn tiền mua một ngôi nhà cấp 4. Mình bán đi 10 hecta đất, vẫn có thể còn để dành lại được 1 hecta. Mình bị mất một chiếc Mercedes, vẫn có thể còn lại một chiếc Toyota hoặc một chiếc xe gắn máy. Nếu có được cái nhìn như thế, chúng ta sẽ bớt khổ. Hãy nhìn xuống và chúng ta sẽ thấy còn biết bao người khổ hơn mình nhiều lắm!
Vào ngày 25-03-2010, tôi có đến dự một lễ cầu siêu tại chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam. Đây là một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Quảng Nam. Buổi sáng hôm đó có một số người mù vào chùa bán những mặt hàng mà họ tự làm ra. Quý thầy ở đó hỏi: “Sao hôm nay các vị lại vào đây bán?”. Họ trả lời: “Nghe nói hôm nay có lễ, Phật tử về đông, nên chúng tôi đem hàng vào bán”. Quý thầy nói: “Hôm nay chỉ là buổi lễ trong gia đình thôi chứ không phải lễ lớn, cũng không có Phật tử về”. Thấy những người mù tự làm ra các sản phẩm rồi lại tự đem đi bán để kiếm sống, tôi nói với một Phật tử biếu cho mỗi người 100.000 đồng. Khi nhận được số tiền đó họ rất vui mừng, nói rằng: “Hôm nay được quý thầy cho 100.000 đồng vui quá! Nếu số tiền này mà làm thì phải mất cả tuần mới có được!”. Đối với họ thì như vậy, nhưng đối với một thiếu niên con nhà giàu ăn tiêu tiền triệu quen rồi sẽ nói ra sao khi được cha mẹ cho 100.000 đồng? Nó sẽ than là ít quá, không những thế, có thể nó còn buồn, còn giận cha mẹ nữa! Chúng ta thấy, cũng là 100.000 đồng, với những người mù nói trên họ rất vui, rất quý, nhưng với những đứa con nhà giàu ăn xài như nước thì chúng lại chê ỏng, chê eo. Nếu như chúng thường nghĩ đến những người đói rách, bần cùng trong xã hội, chúng sẽ biết trân trọng từng đồng tiền mà cha mẹ đưa cho chúng, không buồn, không than, không trách, không giận, dù số tiền nhận được có ít đến cỡ nào.
Như vậy, chúng ta có thể thoát khỏi sự buồn khổ chỉ đơn giản bằng cách thay đổi suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, hai người cùng ngồi tù với mức án là 10 năm, một anh suốt ngày than vãn về chuyện quá khứ, luôn mồm rên rỉ về cảnh hiện tại và lúc nào cũng kêu khổ rồi oán trời trách người; còn anh thứ hai lại sống một cách thản nhiên, tự tại, anh ta nghĩ rằng bây giờ mình có kêu khổ, than buồn cũng vẫn phải ngồi tù 10 năm, không bớt đi được năm nào, cứ tà tà mà sống, vui vẻ mà sống cho đến lúc mãn hạn tù rồi ra có phải tốt hơn không? Bởi vì cách suy nghĩ khác nhau như vậy, nên cùng sống trong tù, cùng thụ án 10 năm, mà một người chịu bao buồn rầu, đau khổ, một người lại luôn ung dung, tự tại.
Chúng ta hãy xem mình giống như những người tù, sống trên cuộc đời này cũng chẳng khác gì đang thụ án, có người 10 năm, 20 năm, 30 năm, có người 70 năm, 80 năm... qua bao nhiêu năm đó rồi sẽ được tự do, được giải thoát, thì cứ vui mà sống, mà cười, mà tận hưởng những hạnh phúc của cuộc đời đem lại. Hà cớ gì chúng ta suốt ngày than khổ, oán trời, trách đất? Dù than vãn, oán trách, chúng ta cũng không thể giải quyết được vấn đề gì, rồi cuối cùng, ai cũng đều phải từ giã cõi đời này, ra đi không biết ngày nào trở lại. Cũng như hai anh tù kể trên, cùng ngồi tù, nhưng một anh oán sầu, một anh tự tại. Chúng ta cũng thế thôi, cùng sống trên cuộc đời này, người thì buồn khổ, người thì an lạc. Ai làm ta khổ? Ai làm ta vui? Tất cả đều do chính ta mà thôi. Ngay từ lúc mới sinh, mỗi người đã có một bản án tử, không sớm thì muộn cũng phải thụ án. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, được bao nhiêu năm hãy vui sống bấy nhiêu năm, để đến một ngày nhắm mắt xuôi tay, chúng ta không cảm thấy luyến tiếc vì đã lãng phí quãng thời gian quý báu hiện diện trên cõi hồng trần.
Một phương pháp nữa để chúng ta an ủi, xoa dịu, hóa giải nỗi khổ, niềm đau trong cuộc sống là so sánh với những người thấp hơn mình. Ví dụ, mình chẳng may bị tai nạn mất một chân cảm thấy rất đau khổ, thế nhưng nếu nhìn xuống những người mất cả hai chân mình sẽ cảm thấy vẫn còn hạnh phúc hơn họ. Ngược lại, đối với những điều tốt đẹp chúng ta phải nhìn lên để phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, cũng tùy hoàn cảnh thực tế mà ta nên nhìn lên hay nhìn xuống. Nếu chúng ta cứ mải nhìn lên, luôn so sánh với những người cao hơn, trong khi khả năng, sức lực, trí tuệ, đạo đức của mình không có thì coi chừng càng nhìn lên bao nhiêu sẽ càng đau khổ bấy nhiêu. Đức Phật đã dạy: “Cầu không được là khổ”. Chúng ta mong cầu sao cho bằng với mọi người, nhưng lại không đạt được sự mong cầu đó thì tất nhiên sẽ khổ. Bởi vậy, nhìn lên để phấn đấu bằng người là một việc tốt, nhưng điều quan trọng là phải biết đủ với khả năng của mình, nếu chúng ta không biết đủ, thậm chí để cho sự tham muốn sai sử mình đi làm những việc bất chính, những nghề tà mạng, miễn sao được sánh ngang với người, thì chính chúng ta đang tự chôn mình vào hố sâu của sự đau khổ.
Ví như mình thấy người ta có tiền để đi làm từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ, khó khăn, bệnh hoạn, mình cũng muốn làm được như họ. Mong muốn đó là điều tốt, nhưng mình phải kiếm tiền bằng nghề nghiệp lương thiện, bằng khả năng, đạo đức, trí tuệ của mình chứ không nên bằng những nghề bất chính, hoặc như đức Phật dạy là những nghề tà mạng. Kiếm tiền bằng nghề tà mạng để đi làm từ thiện là việc không nên chút nào. Chẳng hạn chúng ta làm nghề sát sinh để lấy tiền đem giúp người nghèo, việc chúng ta giúp người là có phước, nhưng cái nghề của chúng ta làm là có tội, mà cái tội này nó còn nặng hơn cả cái phước. Hoặc chúng ta làm những nghề luật pháp cấm như buôn lậu, buôn vũ khí, buôn xì ke ma túy... để lấy tiền làm từ thiện, chúng ta có phước với việc làm từ thiện đó, nhưng cũng không tránh khỏi tội lỗi phải đeo mang, và đôi khi cái tội còn nhiều hơn cả cái phước. Vậy nên, Phật tử chúng ta cần phải có chánh kiến, không nên thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo bằng mọi giá, trong khi khả năng của mình chẳng có bao nhiêu. Có thế chúng ta mới không mang tội vào thân và không phải gánh lấy những quả báo đau khổ sau này.
Lại ví như chúng ta thấy một ông thủ tướng có địa vị, có thế lực, làm được rất nhiều việc tốt cho dân, cho nước, mình cũng mong làm thủ tướng như người ta, nhưng tài năng, học thức, đạo đức không có thì đó cũng chỉ là mơ ước hão huyền. Hoặc thấy một ông giám đốc đi một bước kẻ hầu người hạ, gọi một tiếng kẻ dạ người thưa, mình cũng muốn làm giám đốc như ông ấy nhưng lại là kẻ bất tài vô tướng, năng lực có hạn thì mong muốn đó cũng chẳng khác gì nằm mơ giữa ban ngày. Hoặc thấy một bác sĩ giỏi chữa được bệnh cho rất nhiều người, mình cũng muốn làm nghề bác sĩ để xoa dịu và chữa lành bệnh khổ cho đồng loại, nhưng học hành dốt nát làm sao có thể trở thành bác sĩ, làm sao có khả năng chữa trị cho bệnh nhân? Hoặc thấy những cầu thủ đá bóng hay không cần có học vị, bằng cấp cao nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền, mình cũng muốn làm cầu thủ bóng đá, nhưng sức khỏe yếu kém, huyết áp thất thường, chạy một chút đã thở hổn hà hổn hển, đá bóng nhựa còn chưa nổi thì làm sao đá bóng da? Hoặc thấy một ca sĩ nổi tiếng cả trong nước lẫn thế giới, ai ai cũng ngưỡng mộ, tán dương, mình cũng muốn làm ca sĩ, nhưng giọng của mình khàn khàn như vịt đực, có tập hát cả đời cũng hoài công vô ích. Tất cả những ví dụ trên cho thấy, chúng ta phải biết tự lượng sức mình, nếu mong muốn không thực tế, vượt quá khả năng của mình chỉ tạo thêm đau khổ cho bản thân mà thôi.
Bởi vậy, nếu chúng ta có tài, có đức, có trí, làm được những việc lợi ích cho xã hội thì nên nhìn lên, nên vươn lên, bởi vì không biết nhìn lên, không biết vươn lên, chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ. Thế nhưng, chúng ta phải biết giới hạn của mình, nếu nhìn lên quá khả năng sẽ chuốc lấy đau khổ. Suy cho cùng, nếu gặp một điều gì bất hạnh, tốt hơn hết chúng ta hãy nhìn xuống, để an ủi, khích lệ mình và để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau mà mình gặp phải.
Trên thực tế có rất nhiều người khổ về vật chất, họ không có cơm ăn, áo mặc, thậm chí không có nổi một chỗ dung thân. Thế nhưng, khổ về vật chất chưa gọi là khổ, khổ về tinh thần mới là nỗi khổ lớn nhất. Tinh thần của người Phật tử hằng ngày hằng giờ cần phải được nuôi dưỡng bằng Phật pháp. Cái đói của thân thể chỉ làm cho chúng ta chết một đời này, nhưng cái đói về Phật pháp sẽ khiến chúng ta phải chết muôn đời. Đa phần người ta chỉ lo nỗi khổ về thân thể, ít ai quan tâm đúng mức đến nỗi khổ về tinh thần, trong khi nỗi khổ về tinh thần còn lớn hơn, nguy hiểm hơn nỗi khổ về vật chất rất nhiều. Chẳng hạn như, trong cuộc sống, chúng ta thấy có những người cũng đầy đủ mắt, mũi, tay, chân nhưng họ không biết gì về nhân quả, tội phước đời này đời sau, chỉ biết đến việc kiếm tiền và hưởng thụ; từ đó, họ có thể tạo ra tất cả nghiệp ác miễn sao có tiền để thỏa mãn dục vọng của mình là được. Còn chúng ta là những người rất may mắn. Chúng ta đã được sinh làm người đầy đủ mắt, mũi, tay, chân, lại được hiểu Phật pháp, được đến chùa tu học, được gặp đạo tràng tốt và được những người bạn lành khích lệ, động viên. Vậy so với nhiều người chúng ta quá ư có phước. Có những người làm điều ác mà lại không biết mình đang làm điều ác. Có những người gây ra biết bao nhiêu tội lỗi mà lại không biết mình đang làm việc sai trái. Họ không hiểu gì về nhân quả, không nhận thức được thế gian vô thường, không biết thân người là giả tạm và không tin rằng có đời này đời sau. Từ cái thấy biết sai lầm dẫn đến suy nghĩ sai, lời nói sai, hành động sai và cuối cùng quả báo khổ đau đến gõ cửa nhà họ. Còn chúng ta rất có diễm phúc, nhờ Phật pháp mà có chánh kiến, tức có cái nhìn đúng, từ đó có suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, và chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng những quả báo tốt đẹp không chỉ ở đời này mà cả những đời sau.
Như vậy, cũng thân làm người, nhưng so ra chúng ta có phước hơn những người chưa được hiểu Phật pháp, càng có phước hơn những người tàn tật, đui mù, câm điếc, cụt tay, liệt chân... Chúng ta có thân thể đầy đủ, lại được học Phật pháp, tinh tấn tu hành, biết hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát. Nhìn những người đang vô minh tạo nghiệp hoặc đau đớn trả quả ngoài kia, chúng ta phải luôn luôn tự thấy mình là người có đại phúc để một khi có việc đau khổ, bất hạnh nào đó xảy ra sẽ không bao giờ thở than, oán trách. Từ giờ trở đi, trong cuộc sống, nếu có gặp bão tố, phong ba, xin quý vị cứ nhớ lại những người tật nguyền, bại liệt mà tôi vừa kể đến ở trên - những người chỉ mong niệm một câu danh hiệu Phật thôi mà cũng không được, so với họ mình còn nhiều hạnh phúc lắm, tại sao họ không gục ngã mà mình lại gục ngã? Tại sao người yêu chia tay, vợ chồng ly dị, làm ăn thua lỗ, thi cử thất bại hay mất đi địa vị... chúng ta lại tìm đến cái chết? Làm như vậy là chúng ta rất khờ dại! Ngoài kia biết bao nhiêu người chỉ muốn được nhìn, được nói, được nghe, được đi, được đứng, được cầm nắm như chúng ta thôi là họ đã hạnh phúc lắm rồi. Thế mà không được. Còn chúng ta đang có quá nhiều hạnh phúc mà lại không thấy, khi có một việc gì đó bất như ý xảy ra liền đau khổ, suy sụp, thậm chí muốn hủy hoại cả thân thể của mình. Ở thế gian này nếu quý vị mắc nợ người ta một triệu đồng, rồi trốn đi thì có hết nợ không? Không thể hết nợ được! Vẫn là người thiếu nợ. Chừng nào quý vị trả cho người ta một triệu đồng thì mới hết nợ. Cũng vậy, bây giờ chúng ta gặp điều gì đau khổ trong cuộc sống lại tìm đến cái chết, như vậy đã xong chưa? Chưa xong đâu, chúng ta sẽ mang nghiệp qua kiếp sau để trả tiếp, mà trả càng lâu thì nghiệp càng dày, bởi nghiệp cũ chưa trả xong đã tạo thêm nghiệp mới, nên tốt hơn hết ngay bây giờ mình hoan hỷ trả một lần cho xong thì mãi mãi về sau sẽ là người không còn mắc nợ nữa. Đó chính là đạo lý nhân quả!
Chung quy lại, trong cuộc đời vô thường này, khi chúng ta gặp đau khổ hoặc những điều bất hạnh, hãy nhìn xuống để thấy rằng rất nhiều người còn đau khổ hơn mình, rất nhiều hoàn cảnh còn bất hạnh hơn mình và để thấy rằng mình vẫn còn hạnh phúc! Đó là phương pháp hữu hiệu nhất giúp chúng ta hóa giải nỗi khổ, niềm đau và nỗ lực vươn lên sống một cuộc đời an vui, hữu ích và có ý nghĩa. Đây chính là thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi đến quý vị trong buổi giảng hôm nay.
Nam mô A-di-đà Phật!
Chép lại từ bài giảng của Thượng toạ Thích Chân Tính ngày 18 tháng 04 năm 2010