Sách HT. Thích Chân Tính
I - Sự tích ông Táo

I - SỰ TÍCH ÔNG TÁO

Trước Tết, vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt Nam sẽ làm lễ đưa ông Táo về trời. Dân gian lưu truyền sự tích về ông Táo (thực ra là hai ông, một bà) như sau: Ngày xưa, có hai vợ chồng sống với nhau đã khá lâu mà không có con. Ông chồng tính tình có phần nóng nảy. Một hôm, hai vợ chồng cãi nhau. Cô vợ tức giận, bỏ nhà ra đi. Ở một mình, ông chồng cảm thầy rất buồn và hối hận, bèn bán hết nhà cửa, đồ đạc và dùng số tiền đó để đi tìm vợ.

Tìm nhiều nơi mà không gặp, ông tiêu hết tiền, nên phải lang thang đi xin ăn. Một hôm, khi đến xin ăn ở một nhà nọ, không ngờ ông gặp lại cô vợ của mình. Lúc này, cô đã lấy một người chồng mới giàu có. Gặp lại chồng cũ, cô mang thức ăn và rượu ra đãi chồng. Vì đói bụng, ông chồng ăn uống no say rồi nằm lăn ra ngủ. Cô vợ lo chồng mình đi làm về, nhìn thấy một người đàn ông lạ nằm ngủ trong nhà rồi nghĩ quấy thì cũng phiền, nên khiêng ông chồng cũ ra đằng sau nhà, giấu vào đống rơm.

Điều cô không ngờ tới là hôm đó, vừa ở ngoài đồng về, chồng cô lại đi ra đốt đống rơm để lấy tro rải ruộng. Khi đống rơm đang cháy, cô vợ ở trong nhà phát hiện, chạy ra và biết rằng chồng cũ của mình đã bị chết cháy. Cô hối hận lao vào đống rơm để chết theo chồng cũ. Người chồng mới không hiểu vì sao vợ mình lại hành động như vậy, nhưng vì thương vợ nên cũng lao vào đống rơm để chết chung với vợ. Thế là, ba người cùng chết cháy. Ngọc Hoàng ở trên thiên đình thấy ba người có tình cảm thuỷ chung với nhau nên phong cho cả ba chức Táo quân, chia nhau trông coi các công việc bếp núc, nhà cửa và chợ búa trong mỗi gia đình ở nhân gian.

Người Việt Nam cho rằng Táo quân - thường được gọi là ông Táo - cuối năm sẽ lên trời, tâu với Ngọc Hoàng về những chuyện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần thế. Vì vậy, hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, chúng ta làm lễ rất long trọng để đưa ông Táo về trời, mong rằng ông sẽ chỉ báo cho thiên đình biết những điều tốt đẹp trong gia đình mình.

Chuẩn bị cho lễ đưa ông Táo về trời, ngày xưa, người ta mua mũ, áo giấy và đôi hài để cúng, đồng thời còn mua thêm một con cá chép. Sau khi cúng xong, người ta thả cá chép xuống sông vì cho rằng ông Táo sẽ cưỡi nó bay về trời. Có thể quý vị đã nhìn thấy bức tranh vẽ ba người cùng cỡi một con cá chép. Ba người đó chính là “hai ông, một bà” trong sự tích về ông Táo kể trên.

Sách cùng thể loại
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính