Sách HT. Thích Chân Tính
II - Sự tích cây nêu

II - SỰ TÍCH CÂY NÊU

Cũng vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt Nam dựng một cây nêu làm bằng tre, vót sạch, chỉ chừa lại một ít lá ở trên đọt, treo lên đó những cái chuông bằng đất nung hoặc một bó lá dứa... Tuỳ theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà người ta treo những vật khác nhau. Sự tích của cây nêu cũng rất hay:

Ngày xửa ngày xưa, trái đất của chúng ta bị quỷ thống trị. Người không có đất, phải làm thuê cho quỷ. Mỗi một vụ mùa, người phải nộp cho quỷ phần lớn lúa thu hoạch được. Đến một vụ mùa kia, quỷ nói rằng: “Vụ mùa lần này, ta lấy phần ngọn, dành cho người phần gốc, muốn làm gì thì làm”. Tới lúc thu hoạch, lúa chín đầy đồng, quỷ lấy hết phần ngọn, chỉ chừa lại gốc. Năm đó, người chỉ được hưởng rạ, đói khổ vô cùng, bèn cầu nguyện Phật. Phật hiện ra, chỉ dạy họ chuyển sang trồng khoai lang. Thế là, mọi người đều trồng khoai. Đến khi thu hoạch, quỷ ra ngoài đồng, lấy được toàn dây khoai, còn củ ở dưới đất được người đào về ăn. Năm đó, người trúng mùa, nhà nhà được ấm no.

Quỷ tức quá, nói: “Vụ mùa tiếp theo, ta lấy phần gốc, cho người phần ngọn”. Phật lại dạy người chuyển sang trồng lúa. Cuối vụ mùa đó, lúa chín đầy đồng, mọi người kéo nhau ra gặt. Quỷ chỉ còn lại gốc lúa, không ăn được, nên bực tức vô cùng. Bị thua hai keo, đến vụ mùa kế, quỷ nói: “Lần này, ta lấy ngọn và gốc, cho người phần giữa”. Phật chỉ cho người trồng bắp (miền Bắc gọi là ngô). Tới khi bắp chín, mọi người đi bẻ, đem về chất đống ở trong nhà. Quỷ ra đồng, thấy không có gì ăn được cả, tức quá thu hết đất lại, không cho người làm nữa.

Phật dạy người đến điều đình với quỷ, xin cho người một khoảnh đất rộng bằng bóng râm của chiếc y cà sa phủ trên ngọn tre, phần đất còn lại là của quỷ hết. Lúc đầu, quỷ không chịu, nhưng sau thấy người năn nỉ quá, với lại chúng nghĩ rằng bóng râm của một chiếc y cà sa khi mặt trời rọi xuống cũng chỉ được một khoảnh nhỏ, nên đã đồng ý. Hai bên làm cam kết rõ ràng.

Sau khi người phủ chiếc y cà sa lên ngọn tre, Phật dùng thần thông khiến cho cây tre cao vọt lên. Cây tre càng lên gần mặt trời bao nhiêu thì bóng râm của chiếc y cà sa càng rộng ra bấy nhiêu. Bóng râm mở rộng tới đâu là quỷ phải dạt ra tới đấy, đến lúc không còn đất nữa, chúng phải chạy ra biển Đông. Biết người lừa mình, quỷ rất tức giận, dốc toàn quân vào chiếm lại đất. Thế nhưng, do thần thông của Phật và sự đoàn kết của con người, bọn quỷ thua, phải chạy trở về biển Đông.

Ở ngoài biển, quỷ chưa chịu an phận, vẫn tính kế hoạch vào chiếm đất của người. Quỷ tìm hiểu xem Phật sợ cái gì để dùng cái đó làm vũ khí. Chúng dò biết là Phật sợ hoa quả, oản chuối, cơm nắm và trứng luộc. Nghe lời Phật dạy, người cũng dò xem quỷ sợ cái gì và biết được là chúng sợ máu chó, tỏi, lá dứa và vôi bột. Hai bên đều chuẩn bị rất nhiều vũ khí để tấn công đối phương.

Trận đầu tiên, quỷ ở ngoài biển Đông kéo vào, dùng rất nhiều hoa quả ném về phía Phật và con người. Phật mỉm cười, bảo mọi người cứ lượm mà ăn, rồi sau đó lấy máu chó ra rải. Khi thấy máu chó, quỷ hoảng hồn bỏ chạy và rút về biển Đông. Trận thứ nhất, quỷ thua to.

Trận thứ hai, quỷ đem oản chuối theo. Khi quỷ quăng oản chuối đến chỗ Phật và con người, Phật nói mọi người lượm oản chuối ăn, rồi giã tỏi, vung về phía quỷ. Ngửi thấy mùi tỏi, quỷ hoảng hồn rút lui, chạy trở lại biển Đông. Thế là, trận thứ hai, quỷ cũng thua.

Tới trận thứ ba, quỷ đem cơm nắm và trứng luộc đến tấn công Phật và con người. Giống hai trận trước, Phật dạy mọi người nhặt mà ăn, rồi sau đó, lấy lá dứa và vôi bột để tấn công quỷ. Bọn quỷ lại thua và bỏ chạy tán loạn.

Sau những trận thua này, quỷ thấy khó có thể chiến thắng được Phật và con người, cho nên chúng kéo nhau đến chỗ Phật than khóc, xin Phật cho chúng mỗi năm được về đất liền một lần để thăm mộ ông bà, tổ tiên. Phật thương tình hứa khả. Từ đó, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, bọn quỷ ở ngoài biển Đông lại kéo vào đất liền. Thế nên, trong các ngày Tết, người ta dựng cây nêu, treo trên đó một cái chuông bằng đất nung để khi gió thổi, chuông sẽ kêu lên, báo bọn quỷ biết rằng đây là chỗ có người, không được đến gần. Đồng thời, người ta còn treo một bó lá dứa ở trên cây nêu, vẽ hình cung tên dưới đất, hướng mũi nhọn về phía biển Đông, và rắc vôi bột trước cửa để quỷ không dám vào nhà.

Như vậy, ý nghĩa của việc dựng cây nêu trước sân vào ngày 23 tháng Chạp là để phòng ngừa bọn quỷ ngoài biển về, xông vào nhà. Đây là phong tục của người xưa. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng, người dân mới làm lễ hạ nêu, chấm dứt kỳ nghỉ Tết. Các cơ quan của chính quyền phong kiến ngày xưa cũng làm lễ khoá ấn vào ngày 23, cất cái ấn vào trong hòm, khoá lại, không làm việc nữa. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng, họ làm lễ khai ấn, mở hòm, lấy cái ấn ra, bắt đầu làm việc. Tóm lại, theo phong tục đón Tết cổ truyền, vào ngày 23 tháng Chạp, có ba việc cần làm là: đưa ông Táo về trời, dựng cây nêu, và làm lễ khoá ấn (đối với cơ quan nhà nước).

Sách cùng thể loại
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính