Sách HT. Thích Chân Tính
III - Hoạt động trong Tết

III - HOẠT ĐỘNG TRONG TẾT

Ngày 25 tháng Chạp, chúng ta thường đi tảo mộ. Cả năm bận rộn, không có thời gian để thăm mộ; dịp Tết được nghỉ là cơ hội để chúng ta đi thăm mộ, quét dọn, sửa sang, làm đẹp mồ mả của ông bà, tổ tiên. Đây là tinh thần “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc Việt Nam.

Ngày 30 tháng Chạp, chúng ta cúng một mâm cơm, mời ông bà về ăn Tết với con cháu trong nhà. Đây là một phong tục rất ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta nhớ nghĩ đến ông bà, tổ tiên. Đến khoảng 12 giờ đêm cùng ngày, vào lúc giao thừa, chúng ta làm lễ trừ tịch, có nơi gọi là lễ giao thừa. Nghĩa của từ “trừ tịch” là “cuối năm cũ, đầu năm mới”. Lễ trừ tịch có ý nghĩa là bỏ hết các điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt của năm mới sắp đến, và còn có ý nghĩa là khu trừ ma quỷ. Giao thừa là thời điểm từ năm cũ chuyển qua năm mới. Lễ giao thừa có ý nghĩa là đưa năm cũ và đón năm mới, người xưa thường nói là “tống cựu nghinh tân”.

Lễ trừ tịch hay lễ giao thừa được cúng vào lúc 12 giờ đêm ngày 30 Tết và thường làm ở ngoài trời. Sở dĩ như vậy là vì người xưa tin rằng: Ngọc Hoàng sai một vị vua cùng quan quân ở trên trời xuống, lãnh trách nhiệm trông coi nhân gian. Cứ sau một năm, vị vua cùng quan quân cũ phải trở về trời, vị vua cùng quan quân mới sẽ xuống thay thế. Lúc giao thừa là những giây phút rất cấp thiết, các vị vua và quan quân trên trời này không có thời giờ để ngồi nhâm nhi, cho nên, dân chúng phải cúng ở ngoài trời để các vị ấy đi ngang qua, hưởng chút ít, rồi đi luôn. Mâm lễ cúng giao thừa thường gồm có: một con gà, trái cây, hoa, đèn, nước và giấy vàng bạc.

Sau lễ giao thừa, cả nhà quây quần lại với nhau. Con cháu đến chúc tuổi ông bà, còn ông bà thì mừng tuổi cho con cháu bằng những phong bao lì xì. Sau đó, có những gia đình tự đến chùa hái lộc, cũng có những gia đình nhờ một người tính tình vui vẻ, ôn hoà trong dòng họ mình hoặc nhà hàng xóm (dân gian gọi là người nhẹ vía) để đến chùa hái lộc. Lộc chùa có thể là một cành hoa, một cây nhang, một phong bao lì xì... Người ta thỉnh lộc về, đặt lên bàn thờ, xem đó là điều sẽ mang lại may mắn.

 Người đầu tiên bước vào nhà sau khi đi hái lộc về cũng rất quan trọng. Dân gian gọi đó là xông nhà. Nếu người xông nhà nhẹ vía, tốt bụng, dễ thương thì nhà mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Không những thế, có nhiều người rất kỹ tính. Đầu năm, họ phải coi hướng xuất hành nào tốt, hạp với tuổi của mình. Giao thừa xong là họ cứ thẳng hướng đó mà đi. Đến ngã ba, ngã tư, họ có thể quẹo, nhưng đầu tiên phải đi thẳng hướng xuất hành hạp tuổi đã. Đó là phong tục xuất hành đầu năm.

Trong ba ngày Tết, dân tộc ta có phong tục: “Mồng một thì ở nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”, có nghĩa là mồng một chúc Tết ở bên nội, mồng hai chúc Tết ở bên ngoại, mồng ba đi chúc Tết thầy cô giáo. Phong tục ngày xưa là thế, còn thực tế bây giờ, ngày mồng một Tết, người ta đi chúc một vòng là đủ hết rồi.

Vào ngày mồng ba, chúng ta lại làm một mâm cơm để cúng ông bà. Ngày 30 tháng Chạp thì cúng để mời ông bà về. Ngày mồng ba tháng Giêng thì cúng để tiễn ông bà đi. Sang ngày mồng bốn, chúng ta bắt đầu đi làm lại như bình thường. Hiện nay là vậy, còn ngày xưa thì tới ngày mồng bảy, hạ nêu xong rồi mới đi làm.

Đó là những phong tục lễ Tết Nguyên Đán của người Việt Nam xưa kia. Ngày nay, một số phong tục gần như bị mai một, chẳng hạn như dựng cây nêu ở trước nhà. Phong tục cúng đưa ông Táo về trời chắc cũng không còn nhiều gia đình duy trì. Riêng các phong tục cúng ông bà, lễ giao thừa, hái lộc đầu năm, lì xì ngày Tết... vẫn còn lưu truyền cho đến tận ngày nay. Đó là nét đẹp văn hoá mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, không phải là những điều mê tín, dị đoan. Chúng ta không nên bỏ, không nên để cho mai một, mà hãy cố gắng duy trì các phong tục này để giữ lấy nếp văn hoá của người Việt.

Sách cùng thể loại
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính