Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
IV - Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN ĐÁN
Một là mừng thêm tuổi: Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình mừng tuổi nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, ý nghĩa nhất.
Hai là làm mới: Gần Tết, chúng ta giặt giũ mùng mền chiếu gối, lau chùi bàn thờ sạch sẽ, quét dọn nhà cửa, mua một cây mai (ngoài Bắc là cây đào) hoặc một chậu hoa trang trí phòng khách... Nói chung là làm sao cho căn nhà của mình ngày Tết được mới, đẹp, sạch sẽ, gọn gàng hơn. Không chỉ nhà cửa, ngay cả thân tâm cũng được làm mới. Thân thì sửa soạn, trang điểm, mặc quần áo đẹp. Tâm thì vui vẻ, hân hoan, xả bỏ những buồn phiền, giận hờn trong năm cũ, giữ cho không khí gia đình an hoà, hạnh phúc.
Ba là đoàn tụ: Tết là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu đoàn tụ, quây quần bên nhau. Hiện nay, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người phải đi làm ăn xa, có thể quê ở ngoài Bắc nhưng vào làm tận trong miền Trung, miền Nam, đến Tết mới về được. Cho nên, ngày Tết là ngày đoàn tụ của gia đình.
Bốn là báo ân: Vì bận rộn công việc, trong năm, chúng ta không có thời gian đi viếng mộ ông bà, tổ tiên. Gần Tết, thường là vào ngày 25 tháng Chạp, chúng ta cố gắng đi tảo mộ; đến 30 tháng Chạp, cúng một mâm cơm, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Ngoài ra, vào những ngày Tết, chúng ta còn đến chúc Tết các thầy cô giáo đã và đang dạy mình, nếu là Phật tử thì đến chúc Tết quý thầy ở trong chùa. Những việc làm đó thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người Việt Nam.
Năm là nghỉ ngơi, vui chơi và hy vọng: Tết là dịp để chúng ta nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau một năm dài làm việc quần quật. Tết cũng là dịp để chúng ta hy vọng, cầu nguyện cho gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, mọi việc tốt đẹp, làm ăn, buôn bán phát đạt.