Sách HT. Thích Chân Tính
V - Ngày Tết của người Phật tử

V - NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Đối với người Phật tử, ngoài việc sinh hoạt theo những lễ nghi, phong tục mang nét văn hoá đặc thù của dân tộc, vào các ngày lễ Tết, chúng ta cũng nên lưu ý mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, đã là người Phật tử thì chúng ta phải đến chùa lễ Phật đầu năm, chúc Tết quý thầy. Khi đi, chúng ta nên đưa con cháu của mình theo cùng để giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho các em. Dân gian có câu: “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”. Việc ông bà, cha mẹ, con cháu đầu năm cùng nhau đến chùa lễ Phật, chúc Tết quý thầy thể hiện nép đẹp văn hoá của Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Thứ hai, khi chúc Tết quý thầy, nếu gia đình mình có đến năm, mười người thì chỉ cử một người đại diện chúc thôi. Còn trường hợp gia đình ít người, chúng ta có thể khuyến khích con cháu mình lần lượt chúc Tết quý thầy. Lời chúc nên ngắn gọn, phù hợp với tinh thần Phật giáo. Ví dụ, chúng ta chúc quý thầy vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức là đủ rồi, không nên dài dòng, và không nên chúc theo kiểu ngoài đời như: an khang thịnh vượng, tấn tài tấn lộc, tiền vô như nước...

Thứ ba, chúng ta cần thay đổi quan niệm về việc hái lộc. Ngày xưa, người dân đến chùa hái lộc theo đúng nghĩa đen của từ này, tức là hái một bông hoa hoặc bẻ một cành cây ở chùa mang về. Chúng ta không nên làm như vậy, ngược lại phải có ý thức giữ gìn cảnh quan của chùa. Nếu mấy ngàn người đến chùa Hoằng Pháp vào đêm giao thừa đều hái lộc giống ngày xưa thì mùa xuân ở chùa Hoằng Pháp sẽ trở thành mùa đông vì cây cối điêu tàn, trơ trụi hết. Lường trước việc đó, trưa ngày 30 Tết, lúc người ta sắp sửa dọn chợ, quý thầy ở chùa Hoằng Pháp phải đi xin hoa bán ế, mang về, làm sạch, để sẵn trên những cái bàn đặt trước sân chùa. Sau lễ giao thừa, Phật tử sẽ lấy những cành hoa đó đem về. Nếu hết hoa, Phật tử nên lấy nhang (ngoài Bắc gọi là hương). Mỗi người cầm một cây nhang cháy đỏ lung linh từ chùa về nhà trong đêm giao thừa, thiết nghĩ, cũng là một nét đẹp của văn hoá Phật giáo. Ngoài ra, vào những ngày Tết, Phật tử đến chùa chúc Tết quý thầy sẽ được quý thầy mừng tuổi bằng một phong bao lì xì. Đó cũng có thể xem là một cái lộc của chùa rồi, chúng ta không cần phải hái hoa, bẻ cành nữa.

Thứ tư, chúng ta phải xếp hàng, theo thứ tự lên nhận lộc đầu năm. Quý thầy ở chùa Hoằng Pháp đã chuẩn bị rất nhiều hoa và bao lì xì để làm lộc đầu năm cho quý Phật tử, chúng ta phải giữ trật tự, lần lượt lên nhận lộc, không nên chen lấn, xô đẩy, tạo điều kiện cho những thành phần xấu thực hiện các hành vi không tốt như: móc bóp, giựt dây chuyền, lấy trộm điện thoại di động... Giao thừa năm nay (2013), sau khi làm lễ và nói đôi lời chúc Tết, thầy ngồi ở cái bàn đặt chính giữa chánh điện để phát bao lì xì, gửi lộc đầu năm cho mọi người. Lúc đầu, người ta cũng xếp hàng lấy từ từ; một lát sau, có lẽ là do sợ hết, họ tràn lên, vây kín lấy thầy, may mà thầy thoát ra được, nếu không chắc cũng bị họ đè bẹp. Đó là hành động của người đời, không phải của Phật tử. Là người con Phật, chúng ta không nên làm như vậy.

Thứ năm, trong ngày Tết, chúng ta cứ ăn mặc đẹp, không ngại gì hết. Khi đến dự các khoá tu thì chúng ta mặc đồ lam hoặc nâu tuỳ theo quy định của chùa. Còn ngày Tết, chúng ta có quyền mặc đẹp để thể hiện sinh khí ngày Tết, nhưng cần phải trang nghiêm, kín đáo và lịch sự. Đặc biệt là ở chánh điện, ai ăn mặc thiếu trang nghiêm, không được phép vào chánh điện. Người Phật tử cần phải tôn trọng và giữ gìn nếp văn hoá Phật giáo này, không nên đến chùa mà ăn mặc thiếu vải như người ngoài đời.

Thứ sáu, là Phật tử, nhất là thanh niên nam nữ phải có tư cách của người con Phật, khi đến chùa, không nên đùa giỡn, trêu ghẹo, hành động lả lơi, hay ngồi tâm sự tình tứ với người khác phái ở góc vắng nào đó. Chùa là nơi trang nghiêm, thanh tịnh, không phải là công viên. Chúng ta hãy góp phần làm đẹp cho chốn già lam uy nghiêm bằng chính cách hành xử văn hoá của mình.

Thứ bảy, nếu chúng ta dẫn con nhỏ đến chùa thì không nên để cho các cháu cười nói lớn tiếng hoặc đùa giỡn nhiều quá, vì như thế sẽ làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh của chốn thiền môn. Ngoài ra, chúng ta còn phải chú ý không để các cháu đi lạc, vì vào dịp Tết, chùa Hoằng Pháp có rất đông người về tham quan, vãn cảnh, nhận lộc đầu năm.

Thứ tám, người Phật tử phải có ý thức tôn trọng và bảo vệ cảnh quan môi trường của chùa. Khi muốn bỏ rác, chúng ta phải tập thói quen tìm thùng rác để bỏ, không nên bạ đâu vứt đó. Ở các nước phát triển, hành vi xả rác bừa bãi được xem là không văn minh, lịch sự, nói cách khác là không có văn hoá. Sau những ngày lễ, ngày tu của chùa Hoằng Pháp, thầy để ý thấy có những cái khăn giấy, hộp sữa, bọc nilon... vứt đầy sân chùa. Người Phật tử phải có ý thức giữ cho cảnh quan của chùa được sạch đẹp. Nếu có rác, chúng ta bỏ vào trong bọc, giữ cái bọc đó đến lúc nào thấy thùng rác thì bỏ vào, không nên vứt rác bừa bãi.

Thứ chín, khi thắp nhang, nếu thấy ở bàn thờ Phật đã có nhang rồi thì chúng ta không nên thắp nữa, chỉ cần lễ Phật là đủ. Thắp nhiều quá sẽ lãng phí, tạo ra nhiều khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của chúng ta. Những năm về trước, vào đêm giao thừa và ngày mồng một Tết, chánh điện chùa Hoằng Pháp ngột ngạt không thể nào chịu nổi vì hàng chục ngàn người thay nhau vào đó thắp nhang. Vì lư nhang hết chỗ, nhang đang cháy dở được rút bớt, bỏ ra ngoài, nếu chất số nhang bỏ đó vào căn phòng rộng 3 m2 và cao 3 m, chắc cũng sẽ đầy. Có những người đến chùa, mua một bó nhang mang vào, đốt hết nguyên bó, và bắt đầu đi cắm khắp nơi, cắm hết bàn thờ Phật, rồi cắm dưới gốc cây, không biết cắm như vậy để làm gì. Thật là lãng phí! Người Phật tử nên ý thức về điều này, thắp một cây nhang là đủ, không nên thắp quá nhiều.

Thứ mười, sau khi thắp nhang, chúng ta phải xem bao nhang có hình đức Phật không? Nhiều người không để ý điều này, rút hết nhang ra, vứt bao nhang xuống đất, trong khi trên bao nhang có hình đức Phật. Như vậy là bất kính! Là Phật tử, chúng ta phải có chánh niệm đối với việc này. Nếu trên bao nhang có hình đức Phật, chúng ta nên đưa vào chỗ nào đó đốt đi, không nên vứt lung tung. Còn nếu tình cờ thấy người khác vứt, chúng ta phải lượm lên và đem đi đốt. Đó là tinh thần “kính Phật, trọng Tăng” của người Phật tử.

Thứ mười một, ngày Tết đến chùa, chúng ta thường chụp ảnh lưu niệm. Khi chụp ảnh, nhất là trên chánh điện, chúng ta nên tránh đứng ở khoảng giữa của bàn thờ Phật, giữ sự trang nghiêm, cung kính, không nên đùa giỡn. Ngày nay, nhiều thanh thiếu niên khi chụp hình hay giơ một ngón hoặc hai ngón tay lên, làm mặt ngầu, tạo tư thế khác người... Những kiểu đùa giỡn như vậy, đối với nơi khác thì được, nhưng đối với nơi tôn nghiêm như chùa thì không nên.

Ngoài ra, khi chụp ảnh chúng ta cũng không nên mê tín. Tết năm nay, có một gia đình đến chúc Tết và xin được chụp hình với thầy. Có hai người đi đến, đứng cạnh thầy để chụp. Lúc đó, người nhà họ nói: “Chụp ba người như thế không được đâu”. Thầy hỏi: “Sao lại không được?” Người đó nói: “Chụp ba người xui lắm, sẽ có người chết”. Thầy cười hỏi: “Vậy chụp bốn người không chết sao?” Chúng ta kiêng cữ những điều như thế là mê tín, không hợp lý, bởi vì, ai rồi cũng sẽ chết, không chết trước thì chết sau. Người đời thì có thể chấp nhận, còn Phật tử mà nói điều đó thì chưa phải là người học Phật chân chính.

Thứ mười hai, ngày mồng một, chúng ta nên hạn chế đi đến nhà người khác. Người Việt Nam rất coi trọng vấn đề xông nhà đầu năm. Nếu chúng ta là người đầu tiên đến nhà họ, trong năm đó gia đình họ gặp chuyện không may, họ sẽ đổ thừa cho chúng ta. Những người nhà có tang thì càng phải thận trọng, để ý, tránh đến nhà người khác vào ngày mồng một Tết, bởi vì nhiều người có quan niệm mê tín rằng ai có tang mà đầu năm đến nhà họ thì sẽ đem sự tang tóc đến cho gia đình họ.

Sách cùng thể loại
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Lộc ai cho?
Lộc ai cho?
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính