Pháp Môn Tịnh Độ

Tây Phương Yếu Quyết
Tác giả: Thích Nguyên Chơn
Mục lục
Phần 10
Phần 10
Kinh A-di-đà ghi: “Này các thiện nam, thiện nữ! Số Thanh văn niệm Phật cầu vãng sinh Cực Lạc rất đông, nhiều vô lượng vô biên”. Nhưng luận Tịnh Độ lại nói: “Đối với hàng căn khí Đại thừa thì hoàn toàn không có điều gì đáng nói, nhưng Nhị thừa, người nữ và người thiếu căn thì không được vãng sinh”.
Hỏi: Như luận Tịnh Độ nói người nữ, người thiếu căn và hàng Nhị thừa đều không được vãng sinh. Nhưng kinh A-di-đà nói đều được vãng sinh Cực Lạc. Như thế cả hai kinh đều là Thánh giáo, tại sao mỗi kinh nói khác nhau?
Đáp: Mỗi bộ kinh luận tùy theo một duyên, nhưng xét kỹ lại thì hoàn toàn không sai khác. Nói người nữ được vãng sinh, là do tâm tánh quyết định, vì quá nhàm chán thân nữ, hết lòng niệm danh hiệu Phật để cầu vãng sinh Tịnh độ, đến khi báo thân ở cõi Ta-bà hết, chuyển làm thân trượng phu, ngồi vào đài sen báu, liền được vãng sinh Tịnh độ. Nói người thiếu căn được vãng sinh, có năm hạng: Sinh, Kiền, Bán nguyệt, Đố, Nhị hình . Những người thiếu căn như thế, tâm tánh không bình thường, nhưng nếu phát tâm dõng mãnh, quyết chí xả bỏ thân tàn tật thiếu căn này, để cảm nhận thân đầy đủ căn, liền được vãng sinh Cực Lạc.
Hàng Nhị thừa có hai:
- Thứ nhất là hàng Ngu pháp, chỉ chứng lý Nhân không, không biết lý Pháp không, đạt được quả nhỏ , cho nên gọi là Ngu pháp. Hạng này chỉ mong cầu lợi mình, không thực hành hạnh lợi tha, vì thế không được vãng sinh Tịnh độ.
- Thứ hai, hàng không Ngu pháp. Các vị này tuy chứng được quả A-la-hán, nhưng không trụ vào quả nhỏ mà theo các Bồ-tát phát khởi tâm Đại thừa, nguyện sinh về ngay trước Phật để phát khởi hạnh lợi tha, do đó được vãng sinh Tịnh độ.
Hỏi: Luận Tịnh Độ nói: “Hàng Nhị thừa không được vãng sinh”. Vì sao Quán Kinh nói: “Được vãng sinh Tịnh độ, nhưng lại chứng quả nhỏ”?
Đáp: Người này, trước có chủng tử Tiểu thừa, gặp được Thiện tri thức, phát khởi tâm Đại thừa, do nhân tu tập Tiểu thừa trước kia mà chứng ngộ được Tứ phi thường , rồi phát khởi túc nhân liền chứng được quả nhỏ, nhưng nhờ vào sức dẫn dắt của thiện hữu tri thức Đại thừa, nên không trụ vào quả Tiểu thừa, mà trở lại phát khởi niệm Đại thừa, do đó chẳng còn là Tiểu thừa. Tuy căn là người nữ, nhưng thường cầu Bồ-đề, tin sâu Phật tính của mình và người đều bình đẳng, liền phát thệ nguyện sẽ thành Phật, độ khắp chúng sinh, tâm muốn xả bỏ thân người nữ, liền được vãng sinh Tịnh độ, đến khi báo thân sắp hết, Hóa Phật đến tiếp dẫn, thành bậc đại trượng phu, ngồi vào đài sen, được Phật giúp cho tâm an ổn, liền vãng sinh Cực Lạc. Kinh căn cứ vào nghĩa này, nên nói người nữ đều được vãng sinh. Còn Luận không căn cứ vào nghĩa này, nên cho rằng không được vãng sinh. Hàng Thanh văn cần phải phát khởi tâm Đại thừa, nương theo đây tu tập, liền được vãng sinh. Nhưng vẫn lấy theo tên cũ mà gọi là Thanh văn.
Hỏi: Hàng Thanh văn thường bị chê trách, vì sao họ sinh vào cõi kia vẫn còn gọi tên ấy?
Đáp: Hàng Thanh văn ngu pháp, mắc lỗi tự lợi quá nặng, không thực hành hạnh lợi tha, cho nên bị chê trách. Tuy vẫn gọi tên xưa, nhưng bây giờ là Đại Thanh văn, hạnh lợi tha rất lớn, đó là mỹ danh. Do đó kinh Pháp Hoa nói: “Chúng ta ngày nay chính là Thanh văn, dùng âm thanh Phật đạo khiến cho tất cả đều được nghe”. Tây Phương cũng thế, tuy có Tiểu thừa, nhưng đều là Thanh văn chân chánh, cho nên không có lỗi bị chê trách.
*
Sách cùng thể loại