
Tây Phương An Lạc Tập
ĐẠI MÔN THỨ NHẤT
Đại lược phân thành 9 loại.
I. Thuyết minh nguyên do hưng khởi giáo lý pháp môn Tịnh độ, là ngay nơi thời đại và căn cơ của chúng sanh, và khuyên chúng sanh sanh về Tịnh độ.
Nếu giáo môn phối hợp với thời đại và căn cơ của chúng sanh, thì dễ tu thành, cũng dễ khai ngộ. Nếu giáo môn không hợp với thời đại và căn cơ của chúng sanh, thì rất khó tu thành, cũng khó nhập môn. Do đó kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Khi hành giả một lòng cầu đạo, cần phải quan sát thời cơ, căn cơ. Nếu thời cơ, căn cơ không đúng, thì không đạt được lợi ích.”
Vì sao? Thí như ma sát gỗ ướt, mà muốn có lửa, thì đó là điều không thể, do thời cơ không đúng. Cũng như chặt cây khô mà muốn có nước giọt ra, cũng là điều không thể, vì thiếu trí huệ.
Cho nên kinh Đại Tập Nguyệt Tạng nói: “Năm trăm năm đầu sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của ta còn có khả năng tu huệ. Năm trăm năm thứ hai, có khả năng tu định. Năm trăm năm thứ ba, có khả năng tu đa văn đọc tụng. Năm trăm năm thứ tư, lúc này chỉ lo tạo lập chùa tháp, tu phước sám hối. Năm trăm năm thứ năm, Phật pháp bị suy tàn dần, giáo lý đình trệ không thông, mọi người tranh tụng không thôi, đệ tử Phật chỉ có thể làm được chút xíu thiện pháp.”
Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng lại nói: “Chư Phật xuất hiện ở thế gian, dùng bốn phương pháp để hoá độ chúng sanh:
1. Giảng nói 12 bộ kinh, cũng chính là lấy thuyết pháp để hoá độ chúng sanh.
2. Chư Phật Như Lai có ánh sáng vô lượng và dung nhan đẹp đẽ, chúng sanh chỉ cần chú tâm ngắm nhìn, thì không ai mà không được lợi ích, đó chính là lấy thân nghiệp để độ chúng sanh.
3. Chư Phật có vô lượng công đức thần thông đạo lực, có thể biến hoá đủ thứ, đó chính là dùng thần thông lực để hoá độ chúng sanh.
4. Chư Phật có vô lượng danh hiệu, có tên chung, có tên riêng. Nếu chúng sanh một lòng xưng niệm danh hiệu chư Phật, đều trừ được chướng ngại hoạch được lợi ích, được sanh ra quốc độ có Phật, đó chính là dùng danh hiệu để độ chúng sanh.”
Chúng sanh thời nay (những năm Trinh Quán nhà Đường), thuộc vào thời năm trăm năm thứ tư sau Phật diệt độ, chính là lúc tu phước và sám hối, cũng chính là thời nên niệm danh hiệu Phật. Nếu một niệm xưng niệm danh hiệu A-di-đà Phật, thì có thể trừ được tội lỗi sanh tử của 80 ức kiếp. Một niệm mà còn được như thế, huống hồ xưng niệm cả đời, đó chính là người thường hằng sám hối.
Nếu thời gian cách Phật Niết-bàn gần, thì tu định và huệ là chánh học, tu đa văn đọc tụng, xây dựng chùa tháp là kiêm học. Còn như cách Phật Niết-bàn đã quá xa, thì xưng niệm danh hiệu Phật là chánh học, tu định huệ là kiêm học. Vì sao như thế? quả thật do chúng sanh cách thời Phật Niết-bàn đã quá xa, căn cơ ám độn, sức lý giải cạn.
Do đó đại sĩ Vi-đề-hi, một mặt vì mình, một mặt thương cho chúng sanh trong cõi năm trược xấu ác thời mạt pháp, vô thỉ kiếp đến nay chịu khổ lửa đốt trong sáu đường. Vì thế đã giả mượn khổ duyên, thỉnh vấn Phật con đường thoát khổ. Phật đã từ bi gia bị, khuyên bà vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Tu pháp môn Tịnh độ, quả thật quả báo thù thắng không ai bì kịp. Chỉ có pháp môn Tịnh độ, là có thể đáng tu tập thời nay. Do kinh điển khuyên tu pháp môn Tịnh độ nhiều quá, nên tôi đã rút tỉa tập hợp những lời chân thật của Phật đà, để giúp mọi người tu tập vãng sanh, đạt được lợi ích. Vì sao? Là vì muốn cho những người đã vãng sanh, chỉ cho người sau vãng sanh; đồng thời khiến cho người sau, bắt chước người trước vãng sanh. Như vậy hy vọng những người vãng sanh liên tục không ngừng, khiến hết biển lớn sanh tử vô biên.
II. Theo kinh điển đại thừa, hiển thị mô thức của người nói pháp và người nghe pháp.
Chia làm sáu bộ phận:
1. Kinh Đại Tập nói, phải coi người thuyết pháp, là đại y vương, có khả năng cứu khổ cho mình. Coi Pháp là cam lộ, là Đề-hồ. Người nói pháp, phải làm cho pháp mình nói, có khả năng làm cho người nghe hiểu được một cách thù thắng, có khả năng làm lành bệnh người nghe. Nếu được như thế, thì người nói pháp và người nghe pháp, mới đủ tư cách giới thiệu Phật pháp, làm cho Phật pháp hưng long, thường được sanh ra trong quốc độ có Phật.
2. Đại Trí Độ Luận nói, người nghe pháp nhìn người nói pháp, phải như người khát nước nhìn nước, nhập tâm trong nghĩa lý của giáo pháp, khi họ nghe pháp lý, trong lòng vui sướng. Những người như thế, thì nên nói pháp cho họ.
3. Đại Trí Độ Luận lại nói, có hai hạng người được phước đức vô lượng: đó là những người thích nói pháp và những người thích nghe pháp. Cho nên A-nan hỏi Phật rằng: “Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, vì sao trí huệ và thần thông của họ, thù thắng nhất trong hàng đệ tử Phật?” Phật trả lời: “Vì hai người ấy, lúc còn ở nhân địa tu hành, vì cầu pháp, đã không ngại đi xa ngàn dặm, cho nên bây giờ trí huệ và thần thông tối thắng nhất.”
4. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu người ấy không có thiện căn, thì không thể nghe được bộ kinh này. Chỉ có những người thanh tịnh trì giới, mới được nghe chánh pháp.”
5. Kinh Vô Lượng Thọ lại nói: “Những người từng gặp Phật, mới có khả năng tin pháp này. Những người từng phụng thờ trăm ngàn vạn ức đức Phật, mới thích nghe pháp môn Tịnh độ.”
6. Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác nói: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn, khi nghe pháp môn Tịnh độ, trong lòng vui sướng, tóc tai dựng đứng. Phải biết, người ấy quá khứ đã từng tu tập Phật đạo. Còn như những người khi nghe pháp môn Tịnh độ, không có một chút niềm tin nào, thì biết rằng người ấy vừa mới đầu thai từ trong ba đường ác ra, do tội lỗi quá khứ còn chưa hết, cho nên không tin pháp môn Tịnh độ. Tôi nói người ấy, không thể đạt được giải thoát.” Cho nên kinh Vô Lượng Thọ nói: “Những kẻ ngạo mạn, tệ ác, giải đãi, rất khó tin pháp môn Tịnh độ.”
III. Theo kinh điển đại thừa, thuyết minh thời gian phát tâm của chúng sanh bao lâu, và đã cúng dường bao nhiêu đức Phật, để cho những chúng sanh nghe pháp, khuyên nhắc mình phát tâm.
Kinh Niết-bàn nói: “Phật bảo Đại Ca-diếp, những chúng sanh đã từng phát tâm Bồ-đề trước số lượng Phật bằng một nửa số cát sông Hằng, mới trong đời ác năm trược này, khi nghe tới bộ kinh này, không khởi tâm huỷ báng.”
“Những chúng sanh, đã từng phát tâm Bồ-đề nơi một hằng hà sa vị Phật, sau đó mới có thể trong đời ngũ trược ác thế, nghe kinh điển đại thừa, mà không khởi tâm huỷ báng, đồng thời sanh khởi tâm ái lạc.”
“Những chúng sanh, đã từng phát tâm Bồ-đề nơi hai hằng hà sa vị Phật, sau đó mới có thể trong đời ngũ trược ác thế, nghe kinh điển đại thừa, mà không khởi tâm huỷ báng, đồng thời có thể có sự hiểu biết đúng đắn, chấp nhận thọ trì.”
“Những chúng sanh, đã từng phát tâm Bồ-đề nơi ba hằng hà sa vị Phật, sau đó mới có thể trong đời ngũ trược ác thế, nghe kinh điển đại thừa, mà không khởi tâm huỷ báng, đồng thời biên chép lưu thông kinh điển đại thừa. Tuy nói pháp đại thừa cho người khác nghe, nhưng chưa hiểu được giáo pháp đại thừa một cách sâu sắc.”
“Vì sao phải so sánh như vậy? Vì muốn hiển rõ những người nghe kinh hiện tại dưới đây, đều đã từng phát tâm và cúng dường hằng muôn vị Phật, đồng thời cũng hiển thị oai lực bất khả tư nghì của kinh điển đại thừa.”
Cho nên kinh Niết-bàn nói: “Chúng sanh nghe kinh điển này rồi, thì trong trăm ngàn vạn kiếp, không còn bị đoạ lạc trong ác đạo. Vì sao? Bởi vì cái chỗ huyền diệu mà kinh điển đại thừa nói, chính là kim cang địa, những người đang ngồi nghe giảng, với kim cang không khác.” Vì thế được biết, những người nghe kinh điển đại thừa mà có khả năng tin nhận, đều thu được lợi ích không thể nghĩ bàn.
IV. Phân biệt tông chỉ khác nhau của các kinh.
Kinh Niết-bàn lấy Phật tánh làm tông chỉ, kinh Duy-ma lấy Bất khả tư nghì giải thoát làm tông chỉ, kinh Bát-nhã lấy Không huệ làm tông chỉ, kinh Đại tập lấy Đà-la-ni làm tông chỉ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lấy Quán Phật Tam-muội làm tông chỉ, quán Phật kinh này nói, đó là hai loại y báo chánh báo này, dưới đây giới thiệu sự khác nhau của các quán Phật Tam-muội.
Kinh Quán Phật Tam-muội nói thế này, Phật bảo phụ vương: “Chư Phật ra đời ở thế gian có ba điều lợi ích cho chúng sanh.”
1. Nói 12 bộ kinh, dùng pháp thí lợi ích chúng sanh, khiến chúng sanh thực hành theo có khả năng diệt trừ sự tối tăm của vô minh, mở con mắt trí huệ cho chúng sanh, khiến chúng sanh được sanh vào quốc độ có Phật, sớm chứng vô thượng Bồ-đề.
2. Sắc thân của Phật có tướng tốt và ánh sáng vô lượng, chúng sanh nếu xưng niệm danh hiệu và quán Phật thân, bất quản là quán tổng thể hay quán từng bộ phận, bất quản thân Phật này là Phật hiện tại hay Phật quá khứ, cũng đều có khả năng trừ khử bốn tội nặng sát, đạo, dâm, vọng và năm tội nghịch giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hoà hợp tăng cho chúng sanh. Vĩnh viễn không còn sanh vào trong ba đường ác, tuỳ theo ý thích, sanh vào bất cứ quốc độ Phật nào, cho đến khi thành tựu Phật quả.
3. Nay khuyên phụ vương tu niệm Phật Tam-muội.”
Phụ vương hỏi Phật: “Chân như thật tướng đệ nhất nghĩa không của công đức quả Phật, tại sao không bảo đệ tử tu theo pháp ấy?”
Phật bảo phụ vương: “Công đức quả vị của chư Phật, có cảnh giới thâm diệu, thần thông và giải thoát vô lượng, không phải là cảnh giới phàm phu có khả năng tu hành, cho nên mới khuyên phụ vương tu niệm Phật Tam-muội.”
Phụ vương hỏi Phật: “Công năng của niệm Phật, nó như thế nào?”
Phật bảo phụ vương: “Như trong rừng Y-lan rộng bốn mươi do-tuần, có một cây chiên-đàn đầu trâu, nó tuy có mầm rễ, nhưng còn chưa chui ra khỏi đất. Rừng Y-lan chỉ có mùi hôi, không có mùi thơm, có người ăn hoa trái của nó, lập tức phát điên mà chết. Sau mầm rễ của cây chiên-đàn dần dần lớn lên, khi mới vừa hình thành thành cây, hương của nó đã ngan ngát, biến cả rừng Y-lan rộng bốn mươi do-tuần thành một rừng hương, ai thấy cũng đều cảm thấy hiếm có.”
Phật bảo phụ vương: “Tâm niệm Phật của tất cả chúng sanh trong sanh tử cũng vậy, chỉ cần niệm Phật không ngừng, nhất định sẽ được sanh lên cõi Phật.” Chỉ cần được vãng sanh, liền lập tức thay đổi được tất cả tội ác, trở thành đại từ bi, như cây chiên-đàn làm thay đổi rừng Y-lan. Rừng Y-lan, là dụ cho ba độc ba chướng, vô lượng trọng tội trong thân chúng sanh. Cây chiên-đàn, là dụ cho tâm niệm Phật của chúng sanh. Cái cây mới thành hình, là dụ cho tất cả chúng sanh, chỉ cần niệm Phật không ngừng, thì đạo nghiệp nhất định sẽ thành tựu.”
Hỏi: Hết thảy chúng sanh niệm Phật, công hiệu cảm ứng tất cả, điều đó tin được. Nhưng sức mạnh của một niệm, làm sao có thể đoạn trừ được hết thảy chướng ngại, như cây chiên-đàn, làm thay đổi cánh rừng Y-lan rộng bốn mươi do-tuần, trở thành một rừng hương?
Trả lời: Chư Đại Tập kinh đều nói công năng của niệm Phật Tam-muội thật không thể nghĩ bàn, vì sao? Thí như kinh Hoa Nghiêm nói, nếu có người lấy gân sư tử làm dây đàn, chỉ cần khảy lên một cái, thì tất cả các dây khác đều đứt hết. Nếu ai niệm Phật Tam-muội với tâm Bồ-đề, thì tất cả phiền não và chướng ngại đều được đoạn trừ.
Nếu có người đổ sữa của các loài bò, dê, ngựa trong một cái bình. Chỉ cần nhỏ một giọt sữa sư tử vào trong sữa đó, sữa đó lập tức trở thành nước lạnh. Nếu có người niệm Phật Tam-muội với tâm Bồ-đề, thì có thể ở trong ma chướng mà không gặp khó khăn.
Kinh Hoa Nghiêm lại nói, nếu có người mang thuốc ẩn thân, thì đi khắp nơi mà không ai thấy. Nếu niệm Phật Tam-muội nơi tâm Bồ-đề, thì tất cả hung thần và ác chướng đều không thấy người ấy. Người ấy đi đến bất cứ nơi đâu cũng đều không gặp chướng ngại. Vì sao được như vậy? Bởi vì niệm Phật Tam-muội là vua của tất cả Tam-muội.
V. Thuyết minh sự khác nhau của các tên kinh.
Như kinh Niết-bàn, kinh Bát-nhã... là lấy pháp môn làm tên kinh. Có kinh lấy thí dụ làm tên, có kinh lấy sự kiện làm tên, có kinh lấy thời gian làm tên, có kinh lấy nơi chốn làm tên... Còn kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lấy Người và Pháp làm tên, Phật Vô Lượng Thọ là tên người, Quán Vô Lượng Thọ Phật là tên pháp môn.
VI. Tổng biệt sự khác nhau của người nói pháp.
Những người nói kinh không ngoài 5 loại sau:
- Phật.
- Đệ tử Phật đã chứng thánh quả.
- Chư thiên.
- Thần tiên.
- Hoá nhân.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong năm loại này, thuộc loại thứ nhất - Phật nói.
VII. Giản lược thuyết minh chân thân và hoá thân của Phật, cũng phân biệt sự khác nhau của chân thật độ và ứng hoá độ.
Hỏi: Phật A-di-đà hiện tại thị hiện bằng thân nào? Và thế giới Cực Lạc thuộc quốc độ nào?
Trả lời: Phật A-di-đà hiện tại là Phật báo thân, quốc độ thất bảo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc là quốc độ của báo thân Phật. Xưa nói, Phật A-di-đà là Phật hoá thân, quốc độ cũng là quốc độ của Phật hoá thân, điều này không đúng. Bởi vì nếu như vậy, thì quốc độ ô uế cũng là chỗ ở của hoá thân Phật; quốc độ thanh tịnh, cũng là chỗ ở của hoá thân Phật, vậy thì không biết báo thân Phật rốt cuộc ở quốc độ như thế nào?
Bây giờ chúng ta y theo kinh Đại Thừa Đồng Tính để biện biệt quyết định báo thân Phật, hoá thân Phật, quốc độ thanh tịnh và quốc độ ô uế. Kinh nói, chư Phật thành Phật trong quốc độ thanh tịnh, đều là báo thân Phật. Chư Phật thành Phật trong quốc độ ô uế, đều là hoá thân Phật. Kinh Đại Thừa Đồng Tính nói, Phật A-di-đà, Phật Liên Hoa Khai Phu Tinh Vương, Phật Long Chủ Vương và Phật Bảo Đức đang ở quốc độ Phật thanh tịnh, đắc đạo bây giờ hay đắc đạo trong tương lai, tất cả đều là báo thân Phật.
Vậy thì hoá thân Phật thì như thế nào? Như Phật Dũng Bộ Kiện, Phật Ma Khủng Bố hiện tại, đang ở trong thế giới ô uế ác trược, thành Phật bây giờ hay thành Phật trong tương lai, tất cả đều là hoá thân Phật. Giáng sanh từ trời Đâu-suất, cho đến trụ trì các thời chánh, tượng, mạt pháp, tất cả những pháp sự như huyễn này, đều là hoá thân Phật.
Pháp thân Phật là gì? Pháp thân Phật, không có hình sắc, không thị hiện, không nương gá, nhìn không thấy, không nói năng, không trụ ở, không sanh khởi cũng không huỷ diệt. Đó là lý pháp thân.
Hỏi: Nếu báo thân Phật là thường hằng, sao kinh Quán Âm Thọ Ký nói, sau khi Phật A-di-đà nhập Niết-bàn, Bồ-tát Quán Thế Âm thế vào vị trí của Phật?
Trả lời: Đó là tướng thị hiện, Niết-bàn của báo thân Phật, hoàn toàn không phải Phật diệt độ. Kinh Đại Thừa Đồng Tính nói: “Sau khi Phật A-di-đà nhập Niết-bàn, những chúng sanh thiện căn sâu dày, vẫn có thể thấy được Phật A-di-đà.” Đó là một chứng minh.
Cứu Cánh Nhất Thừa Tánh Luận nói: “Báo thân Phật có năm loại tướng: thuyết pháp, thấy được, ba nghiệp thân khẩu ý không dừng nghỉ, ba nghiệp thân khẩu ý dừng nghỉ ẩn mất, thị hiện hình thể không chân thật.” Đó là một chứng minh.
Hỏi: Báo thân của Phật Thích-ca Mâu-ni quốc độ ở đâu?
Trả lời: Kinh Niết-bàn nói: Phía tây thế giới Ta-bà trải qua 42 hằng hà sa cõi Phật, có một thế giới, gọi là Vô thắng, sự trang nghiêm của quốc độ ấy, giống với thế giới Cực Lạc, ta chính đã xuất hiện nơi quốc độ ấy. Nhưng vì để hoá độ chúng sanh, cho nên đã đến thế giới Ta-bà này. Không chỉ ta xuất hiện ở thế giới Ta-bà này, mà tất cả chư Phật đều thế.” Đó là một chứng minh.
Hỏi: Kinh A-di-đà Cổ Âm Thanh Vương Đà-la-ni nói, Phật A-di-đà có cha mẹ, cho nên ngài không phải là Phật báo thân và quốc độ báo thân.
Trả lời: Ông chỉ nghe nói vậy mà không chịu đi tham cứu lý của kinh điển, cho nên mới hỏi như thế, có thể nói là sai một li đi một dặm. Phải biết, Phật A-di-đà cũng có đủ ba thân: pháp thân, báo thân, hoá thân. Phật A-di-đà ở cõi Cực Lạc, là Phật báo thân. Cha mẹ hiện tại nói, là cha mẹ hoá thân thị hiện trong cõi ô trược. Cũng giống như Phật Thích-ca, thành tựu báo thân Phật trong quốc độ thanh tịnh, ứng cảm với chúng sanh ở thế giới Ta-bà này, mà thị hiện có cha mẹ, để thành tựu hoá thân Phật. Phật A-di-đà cũng như vậy.
A-di-đà Cổ Âm Thanh Vương Đà-la-ni kinh nói: “Đất nước mà Phật A-di-đà và chúng đệ tử ở lúc bấy giờ có tên là Thanh Thái, kinh đô rộng 10.000 do-tuần. Cha của Phật A-di-đà là Chuyển Luân Thánh Vương, tên Nguyệt Thượng; mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan. Ma Vương tên Vô Thắng. Con trai tên Nguyệt Minh. Đề-bà Đạt-đa tên Tịch Ý. Thị giả tên Vô Cấu Xưng.”
Những gì dẫn chứng bên trên đều là hoá thân Phật. Nếu là Tịnh độ, thì đâu có Chuyển Luân Vương và kinh thành, người nữ... Điều đó đã quá rõ ràng, đâu cần phải thuyết minh gì thêm nữa. Hoàn toàn là do bạn không biết, mới bị danh xưng làm cho mơ hồ.
Hỏi: Nếu báo thân mà bị ẩn chìm mất, vậy thì Tịnh độ cũng bị thành trụ hoại không hay sao?”
Trả lời: Vấn đề này từ xưa đến nay rất nhiều người không hiểu. Tuy thế, tôi bây giờ mạnh dạn dẫn kinh để chứng minh, thì lý sẽ rõ thôi. Thí như thân Phật là thường hằng, nhưng chúng sanh lại thấy Phật có Niết-bàn. Tịnh độ cũng thế, bản thể của nó thì không có thành trụ hoại không, nhưng theo cái thấy của chúng sanh, mà có thành trụ hoại không. Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Như thấy đức Thế tôn có đủ sắc tướng, đó là do tâm chúng sanh mà hiện ra, cái thấy về quốc độ Phật cũng thế.”
Cho nên Tịnh độ Luận nói: “Do hoàn toàn chẳng phải đồng nhất, cho nên có Tịnh độ và uế độ khác nhau. Do hoàn toàn chẳng phải bất đồng, cho nên tìm căn nguyên của nó thì âm thầm hợp nhau. Do hoàn toàn chẳng phải là không vô, cho nên nhân duyên khởi mà hiện thiên hình vạn trạng.” Do đó nếu từ pháp tánh mà luận Tịnh độ, thì không nói có Tịnh độ và uế độ. Nếu từ báo thân và hoá thân của Phật mà luận Tịnh độ, thì hoàn toàn chẳng phải không có Tịnh độ và uế độ.
Do căn cơ cảm ứng khác nhau, Phật độ có ba loại khác nhau:
1. Báo thân sanh ra từ chân thân, gọi là báo độ. Như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp thiên hạ. Pháp thân như mặt trời, báo thân và hoá thân như ánh sáng mặt trời.
2. Vốn không có mà bỗng nhiên có, thì gọi là hoá độ. Trong Luật Tứ Phần nói, Định Quang Như Lai hoá ra thành Đề-bà và thành Bạt-đề, dân chúng của hai thành ấy, sau bị lửa thiêu rụi, khiến chúng sanh tận mắt thấy sự vô thường, thế là mọi người đều sanh tâm yếm ly đối với thế gian, mà quy về Phật đạo.
Cho nên kinh nói: “Có Phật thị hiện kiếp tận lửa thiêu đốt cháy hết, cả trời đất đều phó cho một ngọn lửa, phá trừ suy nghĩ thường hằng của chúng sanh, khiến họ thấy được vô thường. Có Phật vì để cứu chúng sanh nghèo cùng, nên đã thị hiện tạo lập bảo tạng vô lượng, tuỳ duyên khai đạo cho chúng sanh, khiến họ phát tâm Bồ-đề.”
3. Bỏ uế độ hiện Tịnh độ, như trong kinh Duy-ma, Phật dùng ngón chân ấn xuống mặt đất, tam thiên đại thiên thế giới lập tức biến thành thanh tịnh trang nghiêm.
Quốc độ Vô Lượng Thọ hiện tại, là báo độ được hiện ra từ chân thân. Làm sao biết được? Vì kinh Quán Âm Thọ ký nói, sau này Quán Thế Âm thành Phật, thay vào vị trí Phật A-di-đà, cho nên biết nước ấy là báo độ.
VIII. Hiển thị Tịnh độ của Phật A-di-đà, quả vị trên dưới đều đầy đủ, phàm phu, thánh nhân tất cả đều được vãng sanh.
Quốc độ của Phật Vô Lượng Thọ là Tịnh độ báo thân Phật, nhờ nguyện lực của Phật A-di-đà, cho nên bất kể là thượng vị hay hạ vị, phàm hay thánh tất cả đều được vãng sanh. Do bao quát cả Bồ-tát thượng vị, cho nên Bồ-tát Thế Thân, Long Thọ cho đến những Bồ-tát đăng địa trở lên, đều có thể vãng sanh.
Cho nên kinh Vô Lượng Thọ nói, Bồ-tát Di-lặc hỏi Phật: “Không biết thế giới này có bao nhiêu Bồ-tát ở địa vị bất thối vãng sanh lên Cực Lạc thế giới?”
Đức Phật trả lời: “Thế giới Ta-bà này có 67 ức Bồ-tát ở địa vị bất thoái, đều sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nói rộng ra là, chư Bồ-tát ở các phương khác cũng đều như thế.”
Hỏi: Tịnh độ của Phật A-di-đà, đã bất kể Bồ-tát thượng vị hay hạ vị, bất luận là phàm hay thánh, tất cả đều được vãng sanh, vậy thì không biết những người chỉ tu niệm Phật vô tướng có được vãng sanh hay không? Hay là hàng phàm phu tu niệm Phật hữu tướng cũng được vãng sanh?
Trả lời: hàng phàm phu trí huệ thiển bạc, phần lớn là tu niệm Phật hữu tướng, họ cũng chắc chắn được vãng sanh. Nhưng vì thiện lực niệm Phật hữu tướng yếu ớt, cho nên chỉ được sanh lên quốc độ hữu tướng, chỉ được thấy báo thân Phật và hoá thân Phật mà thôi. Vì thế trong Bồ-tát Bổn Hạnh Phẩm trong kinh Quán Phật Tam-muội, Văn Thù Sư Lợi nói với Phật: “Quá khứ vô lượng kiếp về trước khi con còn là một phàm phu, đức Phật thời đó tên Bảo Uy Đức Thượng Vương Như Lai. Đức Phật đó ra đời, giống với đức Thích-ca hiện tại, cũng cao một trượng sáu, thân kim sắc vàng, cũng nói Phật pháp tam thừa.”
“Nước ấy lúc bấy giờ có một đại đức trưởng giả, tên Nhất Thiết Thí, con trai ông tên Giới Hộ. Khi đứa con trai đang còn trong bụng mẹ, người mẹ do kính trọng tin Tam bảo, nên đã thọ tam quy cho con. Đứa con trai sau khi sanh ra, năm lên tám, cha mẹ liền thỉnh Phật đến nhà cúng dường.”
“Đứa con trai thấy Phật, lập tức đảnh lễ. Do rất kính Phật, nên đã nhìn Phật không nháy mắt. Nhờ lần được thấy Phật này, mà đồng tử được trừ tội sanh tử của trăm vạn ức na-do-tha kiếp. Từ đó về sau, đồng tử ấy luôn được sanh về Tịnh độ, và được gặp trăm ức na-do-tha hằng hà sa Phật. Những đức Phật ấy, đều dùng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp để độ chúng sanh.”
Lúc bấy giờ đồng tử đối với mỗi đức Phật, đều nhất nhất thân cận hầu hạ, không thiếu bất cứ một đức Phật nào. Nhờ nhân duyên này, mà cậu đã được trăm vạn a-tăng-kỳ Phật. Những đức Phật ấy, cũng đều dùng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp để độ chúng sanh.”
“Từ đó về sau, đồng tử đạt được trăm ngàn ức niệm Phật Tam-muội, lại đạt được a-tăng-kỳ Đà-la-ni môn. Như thế sau đó, chư Phật liền xuất hiện trước mặt đồng tử, nói pháp vô tướng, trong nháy mắt đồng tử liền chứng Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội.”
“Đồng tử thời bấy giờ, ban đầu chỉ thọ tam quy y, đảnh lễ Phật, nhìn Phật không nháy mắt. Chỉ nhờ nhân duyên ấy, mà được gặp vô số Phật, huống hồ gì chuyên tâm quán tưởng sắc thân Phật? Đồng tử thời bấy giờ không phải ai khác, chính là con đây.”
Lúc ấy đức Thế tôn khen ngợi Văn Thù Sư Lợi: “Lành thay! Lành thay! Ông vì duyên cớ đảnh lễ Phật, mà được gặp vô lượng Phật, huống hồ các đệ tử của ta sau này, chuyên tâm quán Phật, chuyên tâm niệm Phật?”
Đức Phật dặn dò A-nan: “Ông mang những lời của Văn Thù Sư Lợi nói lại cho tất cả mọi người và chúng sanh mai hậu. Nếu người nào lễ Phật, niệm Phật, quán Phật, thì sẽ được giống đức Văn Thù Sư Lợi vậy. Sau khi người ấy mạng chung, được sanh ra làm người, thì Văn Thù Sư Lợi và chư Bồ-tát, sẽ là Hoà thượng của người ấy.”
Từ đoạn kinh này có thể chứng tri, Tịnh độ và hữu tướng độ thông nhau, quyết định được vãng sanh. Nếu biết không tướng, li niệm làm thể, niệm Phật vãng sanh, chắc chắn thuộc về thượng phẩm.
Cho nên trong Tịnh độ luận của Bồ-tát Thiên Thân nói: Nếu quán chiếu được 29 loại trang nghiêm thanh tịnh, cũng tức là lược vào trong một câu pháp. Một câu pháp chính là câu “thanh tịnh”, câu thanh tịnh chính là pháp thân trí huệ vô vi.
Vì sao phải quảng-lược dung nhập nhau? Vì chư Phật Bồ-tát có hai loại pháp thân: Pháp tánh pháp thân và phương tiện pháp thân. Phương tiện pháp thân được sanh ra từ pháp tánh pháp thân, nhưng cũng nhờ phương tiện pháp thân mà hiển lộ pháp tánh pháp thân. Hai pháp thân này tuy khác nhau, nhưng không thể tách rời. Tuy là một nhưng không phải đồng, cho nên quảng-lược phải đi vào nhau. Bồ-tát nếu không biết quảng-lược đi vào nhau, thì không thể lợi mình lợi người.
Vô vi pháp thân chính là pháp tánh thân, do pháp thân là tịch diệt, cho nên pháp thân không có hình tướng. Và do pháp thân không có hình tướng, cho nên có thể hiển lộ bất cứ hình tướng nào. Vì thế 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật, chính là pháp thân. Do pháp thân vô sở tri, cho nên vô sở bất tri. Do đó nhất thiết chủng trí, chính là trí huệ chân thật.
Lấy sự quán chiếu tổng tướng và biệt tướng mà nhìn, thì tất cả đều là tướng chân thật. Nhờ biết tướng chân thật, cho nên liền biết tướng hư vọng của tam giới chúng sanh. Nhờ biết tướng hư vọng của tam giới chúng sanh, nên đã khởi được lòng từ bi chân thật. Nhờ khởi lòng từ bi chân thật, cho nên đã khởi quy y chân thật.
Là hành giả, không kể xuất gia tại gia, chỉ cần biết được pháp sanh tức vô sanh, không trái với chân đế tục đế, thì đều được sanh lên thượng phẩm.
IX. Thuyết minh Tịnh độ của Phật A-di-đà có thuộc về tam giới hay không?
Hỏi: Thế giới Cực Lạc trong ba cõi, thuộc cõi nào?
Trả lời: Tây phương Tịnh độ thù thắng đẹp đẽ, vượt thắng thế gian. Ba cõi, là căn nhà tối tăm phàm phu sanh tử, ở đó tuy có chút khổ sướng, mạng có ngắn dài, nhưng nhìn chung, thì đều là bể khổ. Do đó, Tây phương Tịnh độ không thuộc ba cõi.
Đại Trí Độ luận nói: Những người sanh lên thế giới Cực Lạc, tự nhiên không có niệm tham, cho nên không phải dục giới. Chúng sanh ở Tịnh độ sống trên đất, cho nên chẳng phải sắc giới. Chúng sanh ở cõi Tịnh độ có sắc thân, cho nên chẳng phải vô sắc giới.
Tuy ở trên đất, nhưng hoàn cảnh rất tinh tế thù thắng đẹp đẽ siêu tuyệt. Cho nên Tịnh độ Luận của Bồ-tát Thiên Thân nói: “Tướng đẹp của cõi Tịnh độ, vượt thắng ba cõi, rộng lớn như hư không, không có bờ mé.”
Cho nên kinh Vô Lượng Thọ khen rằng: “Tịnh độ rộng đến không có hạn lượng, do bảy loại châu báu tự nhiên hợp thành, được trang nghiêm nhờ nguyện lực của Phật A-di-đà, xin đảnh lễ Phật đà thanh tịnh có sức nhiếp thọ lớn. Thế giới Cực Lạc ánh sáng chiếu diệu đẹp đẽ siêu tuyệt, thư thái an vui không có xuân hạ thu đông. Sức tự lợi lợi tha đều đã viên mãn, xin quy mạng Phật A-di-đà dùng phương tiện khéo léo trang nghiêm Cực Lạc thế giới.”