Sách Khác
Đại Môn Thứ Hai

ĐẠI MÔN THỨ HAI

Chia ra làm ba bộ phận để giảng:

I. Thuyết minh phát tâm Bồ-đề.

1. Thuyết minh công dụng của tâm Bồ-đề.

Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Những ai muốn vãng sanh Tịnh độ, đều cần phải phát tâm Bồ-đề làm cơ sở.”

Bồ-đề là gì? Là tên gọi của vô thượng Phật đạo. Nếu phát tâm thành Phật, thì tâm này rất là rộng lớn, có thể khắp cả pháp giới. Tâm này cứu cánh lớn như hư không, dài không biên giới. Tâm này đầy cả ba cõi, lìa hai chướng của nhị thừa.

Chỉ cần vừa phát tâm này, thì liền bao nhiêu công đức từ vô thỉ kiếp đến nay, đều hồi hướng Bồ-đề, cuối cùng thành tựu Phật quả, không bị tiêu mất. Thí như mang hoa gởi trên cõi trời tịnh cư thì gió thổi mặt trời chiếu cũng không khô héo; đổ nước trong sông suối có rồng ở, thì cho dù thế gian có đại hạn cũng không khô kiệt.

2. Thuyết minh danh tự và bản thể của tâm Bồ-đề.

Bồ-đề có ba loại:

- Pháp thân Bồ-đề.

- Báo thân Bồ-đề.

- Hoá thân Bồ-đề.

Pháp thân Bồ-đề chính là chân như thật tướng đệ nhất nghĩa không, tự tánh của nó là thanh tịnh, thể chất không bị nhiễm ô, lý thể của nó là tự nhiên không cần phải dụng công tu hành mà thành tựu, đó gọi là pháp thân. Là thể tánh căn bản của Phật đạo, gọi là Bồ-đề.

Baó thân Bồ-đề là phải tu nhân đầy đủ vạn hạnh mới thành tựu Phật đạo, lấy quả báo nhân nên gọi là báo thân. Viên mãn thông đạt không có chướng ngại nên gọi là Bồ-đề.

Hoá thân Bồ-đề chính là công dụng được khởi từ quả báo, có khả năng ứng với mọi căn cơ., nên gọi là hoá thân. Viên mãn thông đạt lợi ích chúng sanh, gọi là Bồ-đề.

3. Thuyết minh những phát tâm khác nhau.

Hành giả phát tâm Bồ-đề có ba nguyên nhân:

- Đã nhận thức rõ được hữu và vô vốn là tự tánh thanh tịnh.

- Do đã tu 84.000 ba-la-mật.

- Có tâm từ bi lớn, muốn độ sanh. Ba nguyên nhân này, có khả năng tương ứng với đại Bồ-đề, cho nên gọi là phát tâm Bồ-đề.

Tịnh Độ Luận nói: “Phát tâm Bồ-đề, chính là tâm nguyện thành Phật. Tâm nguyện thành Phật, chính là tâm độ chúng sanh. Tâm độ chúng sanh, chính là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh vào quốc độ có Phật.” Hiện tại mọi người đã nguyện sanh lên Tịnh độ, thì trước tiên phải phát tâm Bồ-đề mới được.

4. Trả lời câu hỏi.

Hỏi: Nếu tu đầy đủ vạn hạnh, thì liền cảm được Bồ-đề thành tựu Phật quả, vậy thì tại sao trong kinh Chư Pháp Vô Hành nói: “Nếu ai một lòng cầu Bồ-đề thì sẽ mất Bồ-đề, người ấy xa Bồ-đề như trời cách đất?”

Trả lời: Bản thể của Bồ-đề, về lý thì không có hình tướng, người nào cầu Bồ-đề trên hình tướng thì mất Bồ-đề, do đó nói người đó cách Bồ-đề xa. Cho nên kinh nói: “Bồ-đề, đã không thể dùng tâm để cầu, mà cũng không thể dùng thân để cầu.”

Hiện tại ở đây là nói, hành giả tuy biết phải tu hành để cầu chứng Bồ-đề, cũng biết rõ ràng lý thể thì vô sở cầu, nhưng hành giả vẫn có thể không bỏ giả danh cầu Bồ-đề này, do đó nói tu đủ vạn hạnh, có thể cảm được quả Bồ-đề.

Nên Đại Trí Độ Luận nói: “Nếu ai thấy được Bát-nhã, tức người ấy đã bị trói buộc. Nếu ai đó không thấy Bát-nhã, thì người ấy cũng bị trói buộc. Nếu ai thấy được Bát-nhã, tức người ấy liền được giải thoát. Nếu ai không thấy Bát-nhã, người ấy cũng được giải thoát.”

Bồ-tát Long Thọ giải thích rằng: “Nếu không thoát ra được tứ cú: thấy, không thấy, cũng thấy cũng không thấy, chẳng thấy chẳng không phải thấy, thì liền bị trói buộc. Nếu như thoát ra được tứ cú, liền được giải thoát.” Cầu Bồ-đề mà ở đây nó, cũng như vậy. Nếu hành trì được như thế, thì chính là không tu mà tu. Gọi là không tu mà tu, chính là không trái với chân đế và tục đế.

Tịnh độ Luận của Bồ-tát Thiên Thân nói, ai muốn phát tâm cầu vô thượng Bồ-đề, cần phải đầy đủ hai điều kiện: trước tiên cần phải lìa ba loại trái với Bồ-đề và phải biết ba loại thuận với Bồ-đề.

Ba loại nào?

- Phải theo trí huệ, không chạy theo khoái lạc bản thân, để tránh xa sự tham luyến đối với sắc thân mình.

- Phải theo trí huệ, bạt trừ tất cả những đau khổ cho chúng sanh, để xa lìa tâm không muốn làm cho chúng sanh an lạc.

- Phải theo môn phương tiện, khởi tâm thương xót tất cả chúng sanh, để tránh xa chỉ cung kính cúng dường thân tâm mình. Trên đây là xa lìa ba pháp trái với Bồ-đề.

Thuận Bồ-đề là nói, sau khi Bồ-tát xa lìa ba pháp trái với Bồ-đề, thì sẽ đạt được pháp thuận với Bồ-đề.

Ba pháp nào?

- Tâm thanh tịnh vô nhiễm, chính là không cầu các khoái lạc cho mình, bởi vì Bồ-đề là nơi thanh tịnh không có nhiễm ô. Nếu cầu khoái lạc cho mình, thì là trái với Bồ-đề, cho nên tâm thanh tịnh không ô nhiễm, là thuận với Bồ-đề.

- Tâm an thanh tịnh, chính là muốn bạt trừ đau khổ cho tất cả chúng sanh, bởi vì Bồ-đề là nơi thanh tịnh an ổn tất cả chúng sanh. Nếu không khởi tâm bạt trừ thống khổ sanh tử cho chúng sanh, thì đã trái với Bồ-đề, cho nên bạt trừ đau khổ cho chúng sanh, là thuận với Bồ-đề.

- Tâm vui thanh tịnh, vì muốn làm cho tất cả đạt được đại Bồ-đề, cho nên phải nhiếp thủ chúng sanh vãng sanh Cực Lạc. Bồ-đề là nơi rốt ráo vui sướng thường hằng, do đó, nếu không làm cho tất cả chúng sanh đạt được niềm vui rốt ráo, thì liền trái với Bồ-đề. Vậy thì niềm vui rốt ráo đạt được từ đâu? Phải đạt được từ đại nghĩa môn. Gọi là đại nghĩa môn, chính là Phật quả chứng được ở thế giới Cực Lạc. Cho nên cần phải làm cho chúng sanh một lòng một ý, phát nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc, như vậy mới có thể khiến cho họ sớm tương hội với vô thượng Bồ-đề.

II. Thuyết minh phá trừ tà tri kiến.

Có 9:

- Phá trừ tà tri kiến đại thừa vô tướng.

- Dung hội quán thông đại bi tâm ái kiến của Bồ-tát.

- Phá trừ tri kiến tà chấp trước ngoài tâm không pháp.

- Phá trừ tri kiến tà nguyện sanh uế độ mà không nguyện vãng sanh Tịnh độ.

- Phá trừ cho rằng những người vãng sanh Tịnh độ, sẽ đắm trước vào hoan lạc.

- Phá trừ cho rằng cầu sanh Tịnh độ là thuyết tiểu thừa.

- Phá trừ cầu sanh Đâu-suất, khuyên không sanh Tịnh độ.

- Dung hội quán thông nếu cầu sanh Tịnh độ mười phương, không bằng vãng sanh Tây phương.

- Thuyết minh hàm ý đặc biệt.

1. Phá trừ tà tri kiến đại thừa vô tướng, có hai:

a. Tổng thuyết minh khởi nhân của lời này, để tiện cho học giả đời sau, rõ phải trái, bỏ tà tri kiến theo chánh tri kiến.

Tổng thuyết minh khởi nhân. Đại thừa là Phật pháp bảo tạng thâm áo, danh tự nghĩa lý trong đó nhiều như trần sa, cho nên kinh Niết-bàn nói: “Một danh tự bao hàm nghĩa lý vô lượng, một nghĩa lý bao hàm danh tự vô lượng.” Cần phải đọc nhiều, kỹ các kinh luận, mới hiểu được tông chỉ của nó, khác với các sách tịch tiểu thừa và thế tục, nghĩa lý đều nằm trên mặt chữ.

b. Dùng sự rộng lớn của chánh pháp, phá trừ chỗ mê chấp.

Vì sao phải phá trừ? Bởi vì lý Tịnh độ u vi mà không tịch, có kinh nói rõ, có kinh thì không nói rõ, khiến cho mọi người đoán định đủ thứ bằng tình phàm. Vì sợ những lời siểm mỵ, có thể làm cho những kẻ mù mờ thiên chấp, những kẻ vô tri đau đầu mà trở ngại cho vãng sanh, do đó bây giờ tạm đưa ra mấy ví dụ, để phá trừ tất cả.

* Hỏi đáp phá trừ tà tri kiến đại thừa vô tướng.

Hỏi: Có người nói, đại thừa là không có hình tướng, cho nên không nên phân biệt đây kia, nếu phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, thì coi như đã chấp lấy hình tướng, trở ngược càng thêm phiền não trói buộc, vì thế cần gì cầu vãng sanh?

Trả lời: Nói như vậy không đúng, vì sao? Bởi vì hết thảy chư Phật nói pháp, đều đầy đủ hai nguyên nhân:

1. Y cứ thể chân thật của pháp tánh.

2. Thuận theo chân đế và tục đế.

Nói đại thừa không nên có ý phân biệt, là nói theo pháp tánh. Nhưng lại huỷ báng nói không cần cầu sanh Tịnh độ, như vậy là không thuận theo lý nhị đế, tri kiến ấy, thuộc về đoạn diệt không.

Cho nên trong kinh Vô Thượng Y, Phật nói với A-nan: “Tất cả chúng sanh, nếu khởi tri kiến hữu ngã lớn như núi Tu-di, ta cũng không lo, vì sao? Bởi vì những người này tuy chưa có khả năng ra khỏi sanh tử, nhưng vẫn còn tin có nhân có quả. Còn những ai có tà kiến không vô, cho dù chỉ nhỏ như hạt cải, ta cũng đáng ngại, vì sao? Bởi vì tà kiến này sẽ phá hoại đạo lý nhân quả, mà bị đoạ trong tam ác đạo, những nơi mà bọn người này đầu thai về sau, nhất định sẽ trái với sự giáo hoá của ta.”

Bây giờ cần phải khuyến cáo hành giả, trên lý thì tuy không có vãng sanh, nhưng đối với lý nhị đế (chân đế và tục đế), thì cần phải cầu vãng sanh. Cho nên kinh Duy-ma nói: “Tuy quán quốc độ chư Phật và chúng sanh đều là không vô, nhưng vẫn phải luôn tu hành để thành tựu Tịnh độ, và giáo hoá chúng sanh.”

Kinh Duy-ma lại nói: “Tuy hành vô tác nhưng vẫn thị hiện có thân, đó là Bồ-tát hạnh. Tuy hành vô khởi nhưng vẫn khởi tất cả thiện hạnh, đó là Bồ-tát hạnh.” Đó là một chứng minh.

Hỏi: Hiện tại có một số người, hành đại thừa vô tướng, không phân nhân ngã, không giữ cấm giới, việc ấy thế nào?

Trả lời: Tri kiến ấy thật quá nguy hại, vì sao? Như kinh Đại Phương Đẳng nói, Phật chế giới luật cho hàng cư sĩ, không cho phép cư sĩ tại gia đến nhà đàn bà goá, nhà con gái trinh, quán rượu, tiệm nhuộm, tiệm ép dầu, tiệm da... Phật cấm hết không cho đến những nơi ấy.

A-nan liền hỏi Phật: “Thưa đức Thế tôn, vì những hạng người nào mà chế định giới ấy?”

Phật đáp: “Có hai hạng tu hành, một hạng tu thế gian, một hạng tu xuất thế gian. Hạng người tu xuất thế gian thì ta không chế những giới luật trên. Còn hạng tu thế gian thì ta mới chế. Vì sao? Bởi vì tất cả thế gian đều là con ta, Phật là cha mẹ của tất cả chúng sanh, cho nên phải chế định giới cấm để ước thúc khiến chúng sanh sớm ra khỏi thế gian, mau chứng Niết-bàn.”

2. Dung hội quán thông đại bi tâm ái kiến của Bồ-tát.

Hỏi: Theo pháp đại thừa, Bồ-tát nếu khởi tâm đại bi ái kiến đối với chúng sanh thì phải xả li. Nay khuyên chúng sanh phát tâm vãng sanh Tịnh độ, như vậy không phải đã khởi tướng tham ái nhiễm trước sao, làm sao tránh khỏi trần luỵ?

Trả lời: Pháp hành của Bồ-tát, có hai công dụng:

a. Chứng trí huệ Bát-nhã: Nhờ sức mạnh tu trì tánh không Bát-nhã, mà có khả năng đi vào trong sáu đường sanh tử, không bị trói buộc.

b. Đầy đủ đại bi tâm: Nhờ đại bi tâm, mà không ở trong Niết-bàn. Bồ-tát tuy ở trong tục đế, chân đế vẫn luôn xả bỏ hữu và vô một cách khéo léo. Bởi vì lấy bỏ hợp với trung đạo, cho nên không trái với lý đại đạo.

Do đó kinh Duy-ma nói: “Nếu ai đó muốn kiến tạo nhà cửa trên đất, thì có thể tuỳ ý không có gì trở ngại; nhưng muốn xây dựng trên không trung, thì nhất định không thể thành công. Bồ-tát cũng lại như thế, vì muốn thành tựu chúng sanh, cho nên nguyện sanh Tịnh độ.” Nguyện sanh Tịnh độ, hoàn toàn chẳng phải là cầu sinh trong hư không.

3. Phá trừ tri kiến tà chấp trước ngoài tâm không pháp. Có hai phần: phá trừ tình kiến và trả lời câu hỏi.

a. Phá trừ tình kiến.

Hỏi: Có người nói, duy tâm Tịnh độ, Tịnh độ tại trong tâm, tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Ngoài tâm không có một pháp nào khác, vậy thì cần gì phải vãng sanh Tây phương?

Trả lời: Đó là nói Tịnh độ thuộc pháp tánh, trên lý thì hư không viên dung, trên thể thì không hạn cục ở một chỗ nào, đây gọi là vãng sanh không có vãng sanh, đó chỉ là cảnh giới của hàng thượng sĩ. Cho nên kinh Vô Tự Bảo Khiếp nói: “Này các thiện nam tử, còn có một pháp, là pháp mà Phật giác ngộ, đó chính là các pháp không có đến, đi, không có nhân không có duyên, không có sanh khởi, không có hoại diệt, không có suy nghĩ, không có không suy nghĩ, không có tăng, không có giảm.”

Phật hỏi La-hầu-la: “Ngươi có thọ trì chánh pháp ta trao truyền không?”

Lúc bây giờ chín ức Bồ-tát trong mười phương đồng thanh bạch với Phật rằng: “Chúng con đều có thể thọ trì pháp môn này, chúng con nhất định sẽ vì chúng sanh, làm cho pháp môn này lưu thông không dứt.”

Đức Phật liền bảo: “Các thiện nam tử này là những người hai vai gánh vác Bồ-đề. Những người này sẽ nhanh chóng được biện tài vô ngại, có khả năng trang nghiêm cõi Phật. Những người ấy khi họ lâm chung, lập tức liền được Phật A-di-đà và các thánh chúng, hiện ngay trước mặt, tiếp dẫn họ vãng sanh Cực Lạc. Và những hạng người căn cơ trung hạ, do chưa trừ được sắc tướng, cho nên cần phải nương vào nhân duyên tin Phật, cầu sanh Tịnh độ. Sau khi vãng sanh Tịnh độ rồi, vẫn ở trong cõi có sắc tướng.”

Trong kinh lại nói: “Nếu từ nhân duyên mà tìm về căn bổn, thì ngoài tâm không có một pháp nào khác.” Nếu giải thích nghĩa lý này bằng nhị đế Chân Tục, thì Tịnh độ là pháp ngoài tâm.

b. Trả lời câu hỏi.

Hỏi: Khi nãy vừa nói vãng sanh không có vãng sanh, chỉ có những người căn tánh thượng đẳng mới đi vào được cảnh giới này, còn những người trung hạ căn không có sức vào đây, đó là phối hợp người và pháp mà phán đoán trực tiếp, hay là có kinh giáo gì chứng minh?

Trả lời: Đại Trí Độ luận nói, Bồ-tát mới phát tâm căn cơ và sức lý giải vẫn còn rất khiêm nhượng, tuy nói đã phát tâm, nhưng phần lớn vẫn phải phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, vì sao như vậy? Như đứa trẻ nếu không dựa vào sự nuôi dưỡng của cha mẹ, thì rất dễ có khả năng rơi xuống giếng, hoặc bị tai nạn lửa, nước, rắn độc, hoặc thiếu sữa mà chết. Cho nên cần phải dựa vào sự bảo bọc, nuôi dưỡng của cha mẹ mới lớn lên thành người, và kế tục gia nghiệp.

Bồ-tát cũng phải như vậy, nếu đã phát tâm Bồ-đề, lại phải phát nguyện vãng sanh, để thân cận chư Phật, nuôi lớn pháp thân của mình. Như thế mới có khả năng kế thừa gia nghiệp Như Lai, cứu độ chúng sanh trong khắp mười phương thế giới. Vì những lợi ích này, cho nên Bồ-tát đều phát nguyện vãng sanh Tịnh độ.

Đại Trí Độ luận lại nói, thí như cánh của con chim nhỏ chưa trưởng thành, không thể bắt nó bay cao, cần phải tập chuyền cành trước, đợi đến khi lông cánh dài và có sức, mới bỏ cành cây mà bay cao. Bồ-tát mới phát tâm cũng lại như thế, cần phải trước tiên phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, đến khi thành tựu pháp thân, mới ứng cơ thuyết pháp lợi lạc chúng sanh.

A-nan hỏi Phật: “Pháp môn ba-la-mật vô tướng này, giảng thuyết ở đâu?”

Phật dạy: “Pháp môn này, thuyết trong Bồ-tát vị bất thoái, vì sao? Bởi vì có một số Bồ-tát mới phát tâm, sau khi nghe môn ba-la-mật vô tướng này, thì tất cả thiện căn thanh tịnh, liền tiêu mất.” Vả lại chỉ cần hễ sanh lên Tịnh độ, thì mọi việc đều xong, cần gì phải tranh luận sự sâu cạn của lý này.

4. Phá trừ thuyết phát nguyện sanh ở cõi uế, không cầu vãng sanh Tịnh độ.

Hỏi: Có người nói, nguyện sanh vào cõi năm trược để hoá độ chúng sanh, không muốn sanh vào Tịnh độ, việc ấy thế nào?

Trả lời: Hạng người này có, nhưng là hạng người nào? nếu đã chứng được Bồ-tát vị bất thoái trở lên, vì muốn hoá độ chúng sanh tạo ác nghiệp, nên nguyện sanh vào đời ác trược. Họ có khả năng sống trong hoàn cảnh ô nhiễm nhưng không bị nhiễm ô, gặp ác duyên mà không trở thành ác, như vịt xuống nước, mà nước không thể làm ướt lông chúng. Những người như vậy, có năng lực sống trong thế giới ô trược, cứu khổ cho chúng sanh.

Nếu thật chỉ là phàm phu, e sự tu tập của bản thân còn chưa có kết quả, nên khi gặp khổ nạn, lập tức thoái chí. Lúc ấy còn muốn cứu người khác, chỉ có chìm cùng với người. Như nhận con gà xuống nước, đâu thể không làm cho cả thân con gà ướt nhem.

Cho nên luận Đại Trí Độ nói: nếu phàm phu phát tâm, tức nguyện cứu chúng sanh trong cõi uế, chư thánh không cho phép. Vì sao? Long Thọ giải thích: thí như tảng băng bốn mươi dặm, có một người dội lên một xô nước sôi, lúc ấy tợ như có khuyết xuống. Nhưng qua một đêm, chỗ ấy băng lại cao hơn. Phàm phu phát tâm cứu khổ ở uế độ cũng thế. Do uế độ tham sân si thuận nghịch nhiều, tự sanh phiền não trở ngược rơi vào ác đạo.

5. Đả phá nếu sanh Tịnh độ, nhiều sự sung sướng, đắm vào lạc thú.

Hỏi: Có người nói, trên cõi Tịnh độ toàn những sự vui thích, nhiều sự vui sướng đắm vào lạc thú, trở ngại cho việc tu tập, đâu nên nguyện vãng sanh?

Trả lời: Đã gọi là Tịnh độ, thì không có những cái xấu xa. Nếu nói tham đắm vào lạc thú, đó chính là tham ái phiền não, sao được gọi là tịnh? Nên kinh Vô Lượng Thọ nói: trời người ở cõi Tịnh độ, vãng lai tiến chỉ, không bị tình đời trói buộc.

Cho nên luận Đại Trí Độ nói: nếu phàm phu phát tâm Bồ-đề, phát nguyện cứu khổ chúng sanh trong cõi uế, như Phật không cho phép.

Vì sao? Bồ-tát Long Thọ giải thích: thí như tảng băng bốn mươi dặm, có một người dội lên một thùng nước nóng. Lúc ấy chỗ dội nước nóng ấy băng dường như có khuyết chút ít. Nhưng qua một đêm, chỗ ấy băng lại cao hơn chỗ khác. Phàm phu phát nguyện cứu chúng sanh khổ trong cõi Ta-bà cũng thế. Vì là cảnh giới cái xấu nhiều hơn cái tốt, nên phàm phu trở ngược sanh phiền não mà đoạ vào ác thú.

Hỏi: Có người nói, trên cõi Tịnh độ toàn là những việc sung sướng, nên dễ bị đắm vào khoái lạc, mà trở ngại cho sự tu tập. Vì vậy đâu nên phát nguyện vãng sanh.

Trả lời: Đã là Tịnh độ, thì không có những sự dơ uế. Nếu nói đắm trước khoái lạc, thì đó chính là phiền não tham ái, sao có thể gọi là Tịnh độ được.

Cho nên trong kinh Vô Lượng Thọ nói: người, trời ở cõi ấy, mọi việc làm, tâm không có một chút dính mắc nào.

Lại nguyện thứ 48 nói: Người, trời mười phương đến cõi nước tôi, nếu khởi niệm đắm trước thân, tôi nguyện không thành Phật.

Kinh Vô Lượng Thọ lại nói: Trời, người cõi nước ấy, không có thân sơ. Làm sao có lý đắm trước khoái lạc.

6. Phá trừ cầu sanh Tịnh độ, chẳng phải tiểu thừa.

Hỏi: Có người nói, cầu sanh Tịnh độ chính là tiểu thừa, nên không nên cầu sanh.

Trả lời: Điều đó không đúng. Vì sao? Vì giáo nghĩa tiểu thừa, không bao giờ khuyên vãng sanh Tịnh độ.

7. Phá trừ cầu sanh Đâu-suất, khuyên không sanh Tịnh độ.

Hỏi: Có người nói, nguyện sanh trời Đâu-suất, mà không nguyện sanh Tây phương, được không?

Trả lời: Hai hướng vãng sanh này khác nhau, trong đó chỉ giống nhau một phần nhỏ. Phần lớn khác nhau rất lớn.

a. Bồ-tát Di-lặc chuyển bánh xe pháp bất thối cho thiên chúng, những ai nghe xong tin nhận hoạch được lợi ích, điều này giống với chúng sanh ở cõi Cực Lạc nghe pháp tin nhận, gọi là tín đồng. Nhưng thiên chúng phần nhiều đắm trước dục lạc không tin Phật pháp. Vả lại dù sanh lên trời Đâu-suất, vẫn còn thoái đoạ, cho nên kinh nói: “Ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới không an ổn, như ngôi nhà lửa.”

b. Sau khi sanh lên trời Đâu-suất, thọ mạng là bốn ngàn tuổi, sau khi mạng chung không tránh khỏi đoạ lạc.

c. Trên trời Đâu-suất tuy tiếng nước chảy, tiếng chim kêu đều phát ra những âm thanh u nhã, nhưng những âm thanh này đều là nhân duyên làm cho thiên chúng khoái lạc, thuận theo ngũ dục của thiên giới chớ không giúp cho việc tu hành thánh đạo. Còn như cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, chỉ cần vãng sanh lên, là liền vào ngôi bất thoái, không có những người thoái đoạ tạp cư trong đó.

Lại bất thối vị là bất thối vị vô lậu, vượt ngoài tam giới, không còn luân hồi trong sáu đường. Thọ mạng của chúng sanh ở cõi Tịnh độ, đồng Phật không khác. Tiếng nước chảy, tiếng chim kêu ở cõi Cực Lạc đều là nói pháp, làm cho chúng sanh khai ngộ, mà chứng vô sanh pháp nhẫn.

d. Theo cách nói của kinh Vô Lượng Thọ, chỉ lấy âm nhạc so sánh thì cũng đã biết, như trong kinh khen ngợi: “Từ thế gian, đế vương cho đến trời Lục dục, sự mỹ diệu của âm nhạc có tám cấp độ. Nhưng sự mỹ diệu của âm nhạc ở cõi Cực Lạc thì vượt xa cả ức vạn lần, sự mỹ diệu của âm thanh cây bảy báu cũng như thế. Ngoài ra, thế giới Cực Lạc còn có pháp nhạc mỹ diệu tự nhiên, những tiếng nhạc này thanh tịnh tường hoà, làm cho tâm thần sung sướng, âm thanh nhu hoà u nhã nhưng trong sáng, vang thấu mười phương thế giới, cho nên đảnh lễ đáng công đầu thanh tịnh.

Hỏi: Có người nói, nguyện sanh Đâu-suất, không nguyện sanh về Tây phương, điều đó được chăng?

Trả lời: Đâu-suất, Tây phương có chút giống nhau. Tuy nhiên, căn cứ trên thể thì khác nhau rất lớn.

Nguyện thứ 48 nói: Người, trời mười phương thế giới, khi đến nước tôi, nếu có tâm niệm tham trước sắc thân, tôi nguyện không thành Phật.

Kinh Vô Lượng Thọ lại nói: trời, người cõi nước ấy, không có gì là thích hoặc không thích. Do đó, làm gì có chuyện đắm trước khoái lạc.

8. So sánh nguyện sinh Tịnh độ mười phương, không bằng sanh Tịnh độ Tây phương.

Hỏi: Có người nói, muốn sanh lên Tịnh độ mười phương thế giới, mà không muốn sanh lên Tịnh độ tây phương, là lý làm sao?

Trả lời: Hai cái này khác nhau, có ba:

a. Quốc độ Phật mười phương thế giới không phải là không thanh tịnh, nhưng nếu cái cảnh giới quán tưởng rộng quá, thì tâm không sáng; cảnh giới quán tưởng nhỏ, tâm mới chuyên chú, cho nên kinh Thập Phương Tuỳ Nguyện Vãng Sanh nói: “Bạch đức Thế Tôn, quốc độ Phật mười phương cũng rất trang nghiêm thanh tịnh, nhưng vì sao trong các kinh chỉ khen ngợi cõi Phật A-di-đà và khuyên mọi người vãng sanh lên trên ấy?”

Phật bảo Phổ Quảng Bồ-tát: “Chúng sanh phần nhiều tâm loạn, vì vậy muốn chúng sanh chuyên chú trong một Tịnh độ, nên mới đặc biệt khen ngợi Tịnh độ của Phật A-di-đà, đó là chỗ bất đồng. Chỉ cần y theo thệ nguyện mà tu hành, thì liền thu được lợi ích.”

b. Tịnh độ mười phương thế giới, tuy tất cả đều thanh tịnh, nhưng thứ tự sâu cạn của chúng, chúng ta khó mà biết được. Quốc độ của Phật A-di-đà, là sơ nhập môn Tịnh độ, vì sao mà biết? Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một kiếp của thế giới Ta-bà, bằng một ngày một đêm của thế giới Cực Lạc. Và một kiếp của thế giới Cực Lạc, bằng một ngày một đêm của thế giới Ca Sa Tràng.”

Từ sự hơn kém quá nhiều ấy mà biết được, Tịnh độ Tây phương là sơ nhập môn của tất cả Tịnh độ, do đó tất cả chư Phật đều đặc biệt khuyên chúng sanh sanh lên, mà những quốc độ Phật khác, thì không khuyên như vậy.

c. Cõi Cực Lạc đã là sơ nhập môn của các Tịnh độ, vậy thì cõi Ta-bà phải là đoạn cuối của quốc độ xấu ác, vì sao? Thí như trong kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Phía Đông bắc thế giới Ta-bà, có một thế giới tên Tư-ha, đất đai ở đó, toàn cát đá hình tam giác, mỗi năm mưa ba lần, lượng mưa mỗi lần chỉ thấm sâu năm tấc đất. Chúng sanh ở thế giới ấy chỉ ăn trái cây và hạt, mặc đồ bằng vỏ cây. Họ cầu sống không được, cầu chết cũng không được.

“Lại có một thế giới, cầm thú ở đó, từ hổ, lang cho đến rắn rết đều có cánh bay. Chỉ cần chúng gặp nhau là ăn thịt lẫn nhau, bất kể đối phương thiện ý hay ác ý.” Đó chẳng nhẽ không phải bước đầu của cõi xấu ác sao?

Nhưng y phục của thế giới Ta-bà, đồng với hiền thánh, như vậy mới là chỗ cuối cùng của cõi xấu ác. Cõi Cực Lạc đã là tối sơ nhập môn của Tịnh độ, cũng là chỗ tương tiếp với cõi Ta-bà, cho nên sanh sang rất dễ, sao không sanh sang?

9. Căn cứ Nhiếp Đại Thừa Luận, mà cho rằng có ý trái với kinh Thập Lục Quán. Do đó phân biệt thuyết minh thêm hàm ý ấy.

Trong kinh Thập Lục Quán, Phật nói những người vãng sanh hạ phẩm, đời hiện tại tạo nghiệp nặng, khi lâm chung, gặp thiện tri thức dạy pháp môn Tịnh độ, nếu mười niệm hiện tiền, liền được vãng sanh Tịnh độ. Nhiếp Đại Thừa Luận nói, đó là ý đặc biệt của Phật.

Những giảng sư từ xưa đến nay đều nói, mười niệm khi lâm chung mà trong kinh nói, chỉ làm nhân vãng sanh, chớ thật sự không được vãng sanh. Vì sao mà biết? Vì trong Nhiếp Đại Thừa Luận nói: “Nếu như dùng một đồng tiền làm vốn, buôn bán kiếm một ngàn đồng lời, không phải trong một ngày mà làm được.” Cho nên biết mười niệm hiện tiền, chỉ làm nhân vãng sanh, chớ không thể lập tức liền được vãng sanh, đó chính là ý đặc biệt của Phật.

Cách giải thích này hoàn toàn không chính xác, vì sao? Vì Bồ-tát tạo luận để giải thích kinh điển, đều vì muốn làm rõ hàm ý sâu xa của Phật, hợp với bản ý của thánh nhân, nếu nói luận của Bồ-tát trái với kinh điển, thì điều đó không thể có.

Bây giờ đến giải thích câu “ý đặc biệt của Phật”, là nói bình thường khi Phật nói pháp, đều trước nói nhân, sau đó mới nói tới quả báo, lý rất rõ ràng. Và trong kinh Thập Lục Quán, chỉ nói đời này tạo ác nghiệp, khi lâm chung, chỉ cần mười niệm hiện tiền, thì liền được vãng sanh, mà không nói qua đời trước có nhân duyên hay không. Đây là đức Phật vì muốn tiếp dẫn những chúng sanh tạo ác nghiệp trong đời vị lai, muốn làm cho họ khi lâm chung bỏ ác niệm trở về với thiện niệm, nương thiện niệm này mà được vãng sanh, nên đã bỏ đi nhân duyên đời trước của họ. Đây là vì đức Thế tôn đã bỏ đi những thiện niệm ban đầu, mà chỉ hiển thị những thiện niệm cuối, không nói nhân, chỉ nói quả, cho nên gọi là “ý đặc biệt.”

Vì sao biết chỉ cần mười niệm hiện tiền, đều có nhân duyên đời trước? Như Kinh Niết-bàn nói: “Nếu một ai, đã từng cúng dường hơn nửa hằng hà sa số chư Phật, lại đã phát tâm, mới có thể trong đời ác trược nghe kinh điển đại thừa mà không huỷ báng, nhưng cũng còn không có những công đức khác. Nếu đã từng cúng dường hơn một hằng hà sa số chư Phật, cũng đã phát tâm, sau đó mới có thể sau khi nghe kinh điển đại thừa, không những không huỷ báng, mà còn có niềm vui thích.”

Từ những kinh điển này để nghiệm chứng, có thể biết được những người được mười niệm hiện tiền, đều quả thật có nhân duyên đời trước. Nếu đời trước họ không có những nhân duyên này, thì ngay thiện tri thức còn không thể gặp, càng không phải nói được mười niệm hiện tiền.

Nhiếp Đại Thừa Luận nói: “Dùng một đồng vốn, buôn bán lời một ngàn đồng, không phải một ngày mà làm được.” Nếu là ý của Phật, phải là muốn chúng sanh tích luỹ nhiều nhiều nhân lành, để nương vào những nhân lành đó mà vãng sanh. Nếu là ý của luận chủ Vô Trước, là nương vào những nhân duyên xa bị đóng kín này, lý cũng không sai. Nếu giải thích như vậy mà trên hợp với ý kinh, dưới hợp với ý của luận, thì chính là kinh luận phù trợ nhau, thì con đường vãng sanh đã thông, không còn chỗ nào để nghi ngờ.

III. Trả lời câu hỏi, trừ bỏ nghi hoặc.

Dưới đây dùng Đại Trí Độ Luận để trả lời câu hỏi.

Hỏi: Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay tạo biết bao ác nghiệp, thậm chí bị ba cõi trói buộc, vậy thì sao không đoạn trừ sự trói buộc nghiệp quả của ba cõi, mà chỉ cần dùng một ít thời gian để niệm A-di-đà Phật liền được vãng sanh Tịnh độ, vượt ra ba cõi. Lý nghiệp quả trói buộc, phải giải thích thế nào?

Trả lời: Có hai cách giải thích: Phá trừ ngay trên pháp lý và mượn ví dụ để hiển thị.

Ngay trên pháp lý mà nói, chư Phật vốn có trí bất khả tư nghì, trí đại thừa rộng lớn, thắng trí vô thượng không ai bằng. Sức trí bất khả tư nghì là, có thể biến ít thành nhiều, biến nhiều thành ít. Biến gần thành xa, biến xa thành gần. Biến nặng thành nhẹ, biến nhẹ thành nặng. Những sức trí như vậy, Phật có vô lượng vô biên bất khả tư nghì.

Tiếp đến cần mượn bảy thí dụ để hiển thị những đạo lý ấy.

1. Thí dụ có một trăm thanh niên, đốn củi một trăm năm, đống củi chất cao mấy ngàn thước, nhưng chỉ cần một đóm lửa nhỏ, với nửa ngày là nó thiêu sạch. Vậy thì sao có thể nói, đống củi tích chứa một trăm năm, nửa ngày đốt không hết?

2. Thí như có người bệnh, ngồi thuyền nhờ sức gió đi ngày một ngàn dặm. Vậy thì sao có thể nói, người bệnh làm sao có thể đi ngày ngàn dặm được?

3. Thí như có một người nghèo cùng, nhặt được một vật mang ý tốt lành, liền dâng lên cho vua. Vua đại hoan hỷ, liền trọng thưởng. Chỉ trong nháy mắt, người này liền được giàu sang và có danh vọng. Vậy thì sao có thể nói, mình làm quan mấy mươi năm, siêng năng khổ nhọc, triều đình đã không biết, dân chúng cũng không nương về, cho nên người nghèo cùng này được phú quý là không thể?

4. Thí như người thân thể yếu gầy, ngay cả cỡi lừa cũng không cỡi được. Nếu anh ta theo Chuyển Luân Vương, thì có thể phi hành tự tại trong không trung. Vậy thì sao có thể nói, người thân thể yếu gầy, nhất định không cách gì phi hành trong không trung?

5. Có mười người vây quanh một dây thừng lớn, một ngàn người kéo cũng không đứt. Nhưng có một đứa trẻ với một cái dao bén, chặt một phát đứt làm hai. Vậy thì sao có thể nói, sức của một đứa trẻ, chặt không đứt sợi dây mười người vây quanh?

6. Thí như con chim Chẫm mà lặn xuống nước, thì lập tức các loài thuỷ tộc đều chết hết. Nhưng chỉ cần sừng Tê giác được nhúng vào nước, lập tức loài thuỷ tộc được sống lại. Vậy thì sao có thể nói, hễ chết thì không thể sống lại?

7. Cũng thí như Hoàng Hạc gọi Tử An, Tử An sống lại. Vậy thì sao có thể nói, chết chôn một ngàn năm, thì không thể sống lại được?

Vạn pháp đều có sức mạnh của mình và sức mạnh của người khác, sự thu nhiếp của chính mình và sự thu nhiếp của kẻ khác, ngàn loại khai pháp và vạn loại bế pháp... là vô lượng vô biên. Sao bạn có thể lấy cái biết hữu chướng ngại để hoài nghi cái pháp lực vô chướng ngại của người khác!

Trong năm loại bất khả tư nghì, thì pháp lực của Phật là bất khả tư nghì nhất. Bạn cho rằng nghiệp lực của ba cõi trói buộc nặng, mà hoài nghi sức niệm Phật thời gian ngắn nhẹ, cho nên không thể vãng sanh Cực Lạc, đi vào chánh định tụ, điều này không đúng.

Hỏi: Hoặc kinh Đại Thừa nói, nghiệp lực và ba đường như cái cân, cái nào nặng thì đi đầu thai trước. Vì vậy chúng sanh một trăm năm, mười năm hay trong một ngày, không việc ác nào không làm, thì làm sao có thể khi lâm chung, gặp được thiện tri thức, chỉ cần mười niệm tương tục, liền được vãng sanh. Nếu như vậy, thì đạo lý nghiệp nào nặng đi đầu thai trước, làm sao cho người ta tin được?

Trả lời: Bạn cho rằng người ta tạo ác nghiệp quá nặng, người hạ phẩm thiện tâm niệm Phật mười niệm nhẹ, cho nên bây giờ phải cho bạn biết cái gọi là lý nặng nhẹ và phân biệt so sánh, là tại tâm, tại duyên, tại quyết định chớ không phải nơi thời gian dài ngắn.

Thế nào gọi là tại tâm? Là nói khi người ta tạo nghiệp, là tạo bằng cái tâm điên đảo hư vọng, nhưng khi mười niệm niệm Phật, là nhờ pháp phương tiện an uý của thiện tri thức, dùng cái tâm thính văn thật tướng pháp niệm. Một cái là hư vọng, một cái là chân thật, hai cái làm sao so sánh được? Thí như một ngôi nhà tối đã mấy ngàn năm, nhưng chỉ cần ánh sáng chiếu vào, lập tức sáng lên. Vì vậy đâu có thể nói, một ngôi nhà tối đã ngàn năm, bóng tối không thể rời đi.

Cho nên kinh Di Nhật Ma Ni Bảo nói, Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp: “Chúng sanh tuy mấy ngàn ức vạn kiếp ở trong niệm dục tham ái, bị tội nghiệp che đậy. Nhưng nếu sau khi nghe kinh, biết cải ác tùng thiện, thì tội ác lập tức tiêu trừ.” Đây gọi là tại tâm. Thế nào gọi là tại duyên? Là nói người ta trong khi tạo tội, là từ vọng tưởng và quả báo phiền não mà khởi tạo. Nhưng mười niệm niệm Phật, là từ niềm tin vô thượng, và trên danh hiệu chân thật thanh tịnh của Phật A-di-đà vốn có vô lượng công đức mà khởi niệm. Thí như có người bị trúng tên độc, nghe được tiếng trống giải độc, mũi tên lập tức trồi ra, và độc dược cũng được giải trừ. Vì vậy sao có thể nói, trúng tên độc sâu, độc dược lại nặng, cho dù có nghe tiếng trống giải độc, mũi tên không thể lồi ra, độc dược cũng không tiêu trừ, đây gọi là tại duyên. Thế nào gọi là tại quyết định? Chính là người ta trong khi tạo tội, là dùng cái tâm hậu lai, tâm gián đoạn. Nhưng mười niệm niệm Phật, là dùng cái tâm không hậu lai, không gián đoạn, đây gọi là tại quyết định.

Đại Trí Độ Luận lại nói: “Hết thảy chúng sanh khi lâm chung, phong đại giống như con dao, đang cắt cơ thể. Khi sự đau khổ của cái chết bức bách, người ta có cảm giác rất là sợ hãi, cho nên ngay khi gặp được thiện tri thức liền phát tâm đại dõng mãnh, niệm niệm tương tục không ngừng mười niệm niệm Phật. Nhờ thiện căn tăng thượng này, nên có thể vãng sanh Tịnh độ.

Lại thí như có người khi đối diện với địch, nhất thời dùng hết sức bình sinh, thiện nghiệp mười niệm niệm Phật cũng thế. Nếu như người ta khi lâm chung, mà khởi niệm tà kiến, thì từ ác tâm tăng thượng này, khuynh đảo hết phước nghiệp trong ba cõi, mà thọ sinh vào đường ác.

Hỏi: Thiện nghiệp của mười niệm niệm Phật khi lâm chung có thể khả năng khuynh đảo tất cả ác nghiệp của một đời, mà được vãng sanh Tịnh độ, không biết mười niệm là bao lâu?

Trả lời: Trong kinh nói, một trăm lẻ một sanh diệt là một sát-na; sáu mươi sát-na là một niệm, đây là giải thích ý niệm y cứ trên kinh luận. Hiện tại chúng ta nói niệm, không lấy loại thời gian này làm chuẩn, mà chỉ cần nhớ niệm Phật A-di-đà, bất quản là quán Phật toàn thân hay bộ phận, chỉ cần theo cảnh giới quán tưởng, mười niệm hiện tiền, không bị tạp niệm, thì gọi là mười niệm.

Hoặc là nói, mười niệm hiện tiền, chỉ là chữ một niệm của thánh nhân, chỉ cần tích luỹ được ý niệm, ngưng định tâm ý, không suy nghĩ việc gì khác, khiến đạo nghiệp thành tựu, thì liền bỏ không cần nữa, cũng không cần bỏ số.

Hoặc là nói, những người tu lâu, thì dùng phương pháp không đếm số bên trên. Còn những người mới tu pháp môn niệm Phật, đếm số cũng tốt, đó cũng là giáo pháp của Phật.

Lại hỏi: Bây giờ muốn theo lời khuyên của bạn tu niệm Phật Tam-muội, nhưng không biết cái được gọi là “niệm” ấy, tình hình thế nào?

Trả lời: Thí như có người ra giữa đồng gặp kẻ thù cầm dao muốn giết, người ấy liền bỏ chạy, bị một dòng sông chắn ngang trước mặt, đến bên bờ, người ấy nghĩ: “Nên cởi đồ ra lội qua hay để đồ lội qua? Nếu cởi đồ e không kịp; còn để đồ lội qua thì vướng víu không bội được.” Lúc ấy, người ấy chỉ một tâm một ý nghĩ cách vượt sông, không có thì giờ để nghĩ những việc khác.

Hành giả cũng như vậy, khi niệm A-di-đà Phật, tình hình cũng giống như người niệm vượt sông vậy, niệm niệm đều là Phật, không có thì giờ để nghĩ việc khác. Hoặc là niệm pháp thân Phật, hoặc là niệm thần lực Phật, hoặc là niệm trí huệ Phật, hoặc là niệm ánh sáng tướng lông trắng, hoặc là niệm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật, hoặc là niệm bốn mươi tám lời nguyện của Phật, xưng niệm danh hiệu của Phật cũng vậy. Chỉ cần chuyên tâm nhất ý tương tục không ngừng, nhất định sanh về cõi Phật.

Các người học Phật đời sau nên biết, nếu muốn thể hội đạo lý chân đế tục đế, chỉ cần biết niệm niệm là không, đó là trí huệ môn. Lại có thể làm cho niệm niệm tương tục không gián đoạn, đó chính là công đức môn. Cho nên kinh nói: “Bồ-tát Ma-ha-tát thường dùng công đức và trí huệ để tu tâm.” Nếu là những người mới học Phật, chưa phá trừ được sắc tướng, lúc này chỉ cần nương nơi sắc tướng này, chuyên tâm nhất ý tu hành, thì đều được vãng sanh, chớ nên hoài nghi.

Lại hỏi: Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Chúng sanh trong mười phương, nếu với tâm chí thành tin tưởng, yêu thích muốn sanh sang nước ta, cho đến chỉ cần mười niệm, nếu không được sanh sang nước ta, thì ta nguyện không thành Phật.” Người bây giờ nghe vậy, liền nghĩ trước mắt không cần lo, đến lúc lâm chung mới tu pháp mười niệm này, xin hỏi cách nghĩ này thế nào?

Trả lời: Đây là hai việc khác nhau, vì sao? Kinh nói “chỉ cần mười niệm tương tục”, thấy thì dễ, nhưng tâm phàm phu như ngựa chưa thuần, tâm thức động như khỉ, luôn chạy theo sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, lúc nào mới dừng lại? Quý vị phải có niềm tin, nhất định phải tập chế ngự ý niệm của mình, đến khi niệm niệm tương tục không ngừng, đã thành thói quen, thiện căn mới được kiên cố.

Thí như Phật nói với đại vương: “Người ta hằng ngày tích luỹ việc lành, khi chết không có niệm ác, thì như cây khi sắp đổ, nhất định sẽ đổ về phía nghiêng.”

Vì vậy, ngay khi phong đao của cái chết vừa đến, thì trăm cái khổ nhất thời bạo phát, nếu hằng ngày không thực hành mười niệm, thì đến lúc ấy muốn niệm làm sao mà nhớ niệm? Cho nên mọi người tốt nhất năm ba bạn đạo, hẹn trước với nhau, khi lâm chung thay nhau khai thị và hộ niệm, cầu vãng sanh Cực Lạc, để thành tựu mười niệm.

Thí như phẩm in, phẩm in bạc đi thì đường nét hình thành. thời khắc mạng đoạn, cũng chính là thời khắc vãng sanh Cực Lạc. Vừa vãng sanh lên Cực Lạc, liền vào chánh định tụ, lúc ấy còn có gì phải lo? Quý vị phải nghĩ đến lợi ích lớn này, cho nên sao không lo thực hành mười niệm trước?

Lại hỏi: Các kinh luận đại thừa đều nói, hết thảy chúng sanh cứu cánh là vô sanh, như hư không vậy. Đã vậy, sao hai Bồ-tát Thế Thân và Long Thọ đều phát nguyện vãng sanh?

Trả lời: Chúng sanh cứu cánh là vô sanh, như hư không, có hai nghĩa:

1. Nhìn từ góc độ phàm phu thì thật có sanh, có tử. Nhưng nhìn từ góc độ Bồ-tát thì chuyện vãng sanh cứu cánh như hư không, như sừng thỏ.

2. Sanh ở đây nói, là chỉ nhân duyên sanh. Do nhân duyên sanh, cho nên là sanh giả có. Do là sanh giả có, cho nên là không có sanh. Điều này không trái với đạo lý lắm, cũng không phải là cái gọi là “thật có chúng sanh, thật có sanh tử” của phàm phu.

Lại hỏi: Sanh là căn bản của hữu, là căn nguyên của tất cả phiền não. Nếu biết có lỗi này, thì nên bỏ sinh mà cầu vô sinh, như vậy mong được giải thoát. Vậy mà bây giờ anh khuyên người ta sinh Tịnh độ, chính là bỏ cái sanh của Ta-bà, cầu cái sanh Tịnh độ, như vậy, chẳng phải là sanh hoài sao?

Trả lời: Tây phương Tịnh độ là bổn nguyện thanh tịnh của Phật A-di-đà, là sinh không sinh, không giống với cái sinh tham ái, ô nhiễm, hư vọng, chấp trước của chúng sanh trong ba cõi. Vì sao? Bởi vì pháp tính vốn thanh tịnh, cứu cánh vô sanh, nhưng nay nói sanh về đó, là mượn tình huống sanh để nói mà thôi.

Lại hỏi: Cái sanh mà vô sanh của anh nói phải là cái sanh của người thượng phẩm. Nếu như vậy, người hạ phẩm dùng mười niệm vãng sanh, chẳng phải là thật sanh hay sao? Nếu là thật sanh, thì có hai vấn đề: một là có thể không được vãng sanh, hai là loại thiện này không cách gì trở thành nhân của vô sanh.

Trả lời: Có thể chia làm ba bộ phận để giải thích:

- Thí như châu Ma-ni, sau khi bỏ vào nước đục, nước đục liền trong. Giống như người ta tuy có tội sanh tử vô lượng như nước đục, nếu nghe đến danh hiệu của Phật A-di-đà, thì như bảo châu thanh tịnh, thả vào trong tâm ô trọc, trong niệm niệm, tội lỗi liền tiêu trừ và tâm được thanh tịnh, thế là liền được vãng sanh.

- Thí như châu Ma-ni thanh tịnh, dùng vải vàng hoặc vải đen bọc lại, để vào trong nước, nước liền biến thành màu vàng hoặc màu đen giống với vật thể. Phật độ thanh tịnh Tây phương, có danh hiệu bảo châu vô thượng của Phật A-di-đà, dùng vải thành tựu vô lượng công đức bọc lại, đặt trong nước tâm của người vãng sanh, thì làm sao không chuyển cái sanh của chúng sanh trở thành trí huệ vô sanh của thánh nhân được.

- Lại như trên băng nhóm lửa, nếu sức lửa mạnh thì lập tức băng biến thành nước. Sau khi băng biến thành nước, lửa lập tức tắt. Người hạ phẩm vãng sanh, tuy không biết tự tánh các pháp là vô sanh, nhưng nhờ sức mạnh của niệm danh hiệu Phật, lại thêm nguyện cầu vãng sanh, do đó khi sanh sang cõi vô sanh, thì ngọn lửa cho rằng có sanh lập tức tắt ngấm.

Lại hỏi: Vãng sanh bằng loại thân nào?

Trả lời: Chúng sanh ở cõi uế khi thực hành pháp môn Tịnh độ, niệm trước là nhân của niệm sau. Mà chúng sanh cõi uế và chúng sanh ở cõi Tịnh độ không thể gọi là cùng một chúng sanh mà cũng không thể nói là khác. Niệm trước và niệm sau cũng thế. Vì sao? Nếu nói là một thì không có phát sanh nhân quả; nếu nói là khác thì sẽ không có sự tương tục. Vì vậy, tuy nhiên nói đứng nói ngang đều có sai biệt, nhưng trước sau cùng một hành vi.

Lại hỏi: Nếu chỉ cần xưng danh hiệu Phật, là phá trừ được các chướng ngại, vậy thì người dùng tay chỉ trăng, ngón tay anh ta phải phá trừ được bóng tối.

Trả lời: Các pháp có vạn sự sai biệt, không thể nói đại khái được. Có những danh tự bản thân là pháp môn, có những danh tự bản thân không tương can gì với pháp môn.

Những danh tự bản thân là pháp môn, thí như những danh hiệu của chư Phật Bồ-tát, âm thanh câu từ của thần chú, văn chương câu cú của kinh...

Thí như thần chú nói: “Mặt trời mọc ở phương đông, màu sắc đỏ bỗng chuyển sang vàng.” Quy định người bệnh từ năm giờ đến bảy giờ tối, từ chín giờ đến mười một giờ đêm không được làm gì, mà bệnh của người bệnh được lành.

Lại thí như có người bị chó cắn, cần phải lấy xương cọp đốt nóng rồi lăn lên chỗ chó cắn, bệnh sẽ lành. Nếu không có xương cọp, thì có thể lấy bàn tay rái cá nhấn lên chỗ cắn, miệng nói: “Cọp đến rồi, cọp đến rồi.” Bệnh cũng lành.

Có người bị bong gân chân, phải dùng cành Mộc qua nướng lên xoa nơi chỗ đau, bệnh sẽ hết. Nếu không có cành Mộc qua, thì hơ tay lên lửa cho nóng rồi áp lên chỗ đau, miệng nói: “Mộc qua Mộc qua.” Bệnh cũng hết. Nguyên nhân ở đâu? Bởi danh tự chính là pháp môn.

Lại hỏi: Nếu chỉ cần xưng danh hiệu của Phật A-di-đà, thì có thể trừ hết bóng tối vô minh của chúng sanh trong mười phương mà được vãng sanh. Nhưng có những chúng sanh tuy xưng danh hiệu Phật, nhớ Phật, nhưng vô minh vẫn còn, nguyện vãng sanh cũng không thành tựu, đây là lý gì?

Trả lời: Bởi họ không chân thật tu hành, nên không tương ứng với nghĩa lý danh hiệu Phật. Nguyên nhân ở đâu? Vì họ không biết thân Như Lai là thật tướng, mà cho là thân chúng sanh.

Lại có ba điều khiến không tương ứng: 1. Tín tâm không thuần, lúc có lúc không. 2. Tín tâm bất nhất, không có niềm tin tuyệt đối. 3. Tín tâm không tương tục, tức luôn có tạp niệm. Nếu được niệm niệm tương tục, liền được nhất tâm. Nếu được nhất tâm, liền được tâm thuần nhất. Nếu đầy đủ được ba tâm này, mà không được vãng sanh là điều không thể có.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà