Sách Khác
Đại Môn Thứ Ba

ĐẠI MÔN THỨ BA

Chia làm bốn bộ phận để thuyết minh.

- Giải thích đường dễ đi và đường khó đi.

- Thuyết minh chỗ dài ngắn bất đồng của thời gian kiếp số.

- Thuyết minh từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng sanh trong ba cõi năm đường, do tạo nghiệp thiện ác mà chịu quả báo khổ vui, vì vậy luân hồi thọ sanh không dứt.

- Đưa ra ví dụ dẫn dụng kinh Phật chứng minh tu thành, khuyên người đời sau tin tưởng mà cầu vãng sanh.

I. Giải thích đường dễ đi và đường khó đi, có hai:

1. Thuyết minh đường dễ đi và đường khó đi.

Thân ta đang ở trong nhà lửa ba cõi, nghĩ đến quả thật đáng sợ hãi. Chỉ có nương vào Phật dùng ba loại xe đến dụ. Nhưng sức chở của xe dê xe nai, chỉ là tạm thời quyền nghi mà thôi, hoàn toàn chưa đạt đến mục đích, cho nên bị Phật quở trách là chấp trước tà kiến, thậm chí chướng ngại cho việc hướng thượng cầu quả vị Bồ-đề. Cho dù sau này bỏ tiểu hướng đại, cũng bị gọi là đi con đường quanh co. Nếu trực tiếp leo lên chiếc xe lớn, cũng là một con đường, nhưng chỉ sợ hiện tại chỉ có thể chứng được những quả vị còn thoái chuyển, con đường nguy hiểm vẫn còn rất dài, mà mình chưa lập được công đức gì, vì thế rất khó mà tiến đến địa vị bất thối.

Cho nên Bồ-tát Long Thọ nói, cầu quả vị bất thoái có hai con đường, một là con đường khó đi, hai là con đường dễ đi. Con đường khó đi là chỉ trong đời ác thế năm trược, khi không có Phật xuất thế, cầu quả vị bất thoái rất là khó. Những chỗ khó, đại lược có năm loại:

- Thân cận với ngoại đạo mà loạn đi pháp tu hành của Bồ-tát.

- Pháp tự lợi của Thanh văn, chướng ngại đại bi tâm.

- Những người ác không có tâm xấu hổ, phá hoại công đức thù thắng của người khác.

- Tất cả người trời, đảo lộn quả báo thiện nghiệp, phá hoại những người tu phạm hạnh.

- Chỉ có tự lực tu hành, không có sự nâng đỡ của tha lực. Những việc như vậy, ở đâu cũng có, như đi đường bộ, bộ hành rất là vất vả, cho nên nói là đường khó đi.

Gọi là đường dễ đi là, nhờ nhân duyên tin Phật, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, vì thế liền sanh tâm Bồ-đề, tạo lập công đức, tu các thiện hạnh. Nhờ nguyện lực của Phật gia trì, nên liền được vãng sanh Tịnh độ. Sau khi vãng sanh, nhờ sự trụ trì của Phật lực, nên được vào chánh định tụ của đại thừa. Chánh định tụ, chính là quả vị bất thoái. Điều này giống như đi đường thuỷ, ngồi thuyền là việc rất khoái, cho nên gọi là đường dễ đi.

2. Trả lời câu hỏi.

Hỏi: Chứng Bồ-đề rồi thì giống nhau, vậy thì nhân tu hành cũng phải giống nhau mới đúng. Vì vậy, tại sao tu cầu thành Phật ở cõi Ta-bà gọi là đường khó đi, mà vãng sanh Tịnh độ cầu đại Bồ-đề, mới gọi là đường dễ đi?

Trả lời: Tất cả pháp môn tu hành mà các kinh đại thừa nói, đều có phân biệt tự lực với tha lực, tự nhiếp và tha nhiếp. Thế nào gọi là tự lực? Thí như có người, sợ quả khổ sanh tử, liền phát tâm xuất gia, tu thiền định mà có thần thông, có khả năng du hành khắp thiên hạ, đó gọi là tự lực.

Hỏi: Thế nào gọi là tha lực?

Trả lời: Thí như người gầy yếu, không đủ sức leo lên lưng lừa. Nếu nương vào bảo luân của vua Chuyển luân, thì anh ta có thể phi hành trong không trung, đó là nhờ uy lực của vua Chuyển luân, nên gọi là tha lực.

Chúng sanh cũng như thế, ở cõi Ta-bà phát tâm lập hạnh, phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, đó gọi là tự lực. Khi lâm chung, được Phật A-di-đà cùng các thánh chúng dùng đài vàng đến tiếp dẫn, liền được vãng sanh, đó gọi là tha lực.

Cho nên kinh Vô Lượng Thọ nói: “Hết thảy chúng sanh trong mười phương, muốn sanh lên nước ta, đều lấy đại nguyện lực của Phật A-di-đà làm tăng thượng duyên.” Nếu không đúng như vậy, thì bốn mươi tám nguyện chỉ là hư giả. Cho nên nói, chư vị hậu học, đã có tha lực giúp đỡ, nhưng nhất thiết không được hạn cục năng lực của mình, để cuối cùng rơi trong nhà lửa tam giới.

II. Thuyết minh sự lâu dài của kiếp thời gian.

Đại Trí Độ Luận nói, kiếp có ba loại là tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp. Thí như thành rộng bốn mươi dặm, trong thành chứa đầy hạt cải, có một thiên tử Trường thọ thiên, mỗi ba năm đến mang một hạt cải, mang cho đến hết gọi là một tiểu kiếp.

Có một thành rộng tám mươi dặm, trong thành chứa đầy hạt cải, có một thiên tử Trường thọ thiên, mỗi ba năm đến mang một hạt cải, mang cho đến hết gọi là một trung kiếp.

Có một thành rộng một trăm hai mươi dặm, trong thành chứa đầy hạt cải, có một thiên tử Trường thọ thiên, mỗi ba năm đến mang một hạt cải, mang cho đến hết gọi là một đại kiếp.

Hoặc có một tảng đá rộng tám mươi dặm, có một vị thiên tử trời Trường thọ cứ mỗi ba năm đến dùng thiên y của mình chùi lên tảng đá một cái, trọng lượng của chiếc thiên y nặng 12gram, chùi cho mòn hết tảng đá, mới gọi là một trung kiếp. Đại kiếp tiểu kiếp có thể chiếu theo tỷ lệ tảng đá của trung kiếp.

III. Thuyết minh từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng sanh trong ba cõi năm đường, do tạo nghiệp thiện ác mà chịu quả báo khổ vui, vì vậy luân hồi thọ sanh không dứt. Có 5:

Vấn đề thứ nhất: Thuyết minh từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng sanh luân hồi mãi không ngừng, thọ sắc thân vô tận. Đại Trí Độ Luận nói, khi đầu thai trong nhân gian, anh chàng họ Trương chết đầu thai vào nhà họ Vương, người họ Vương chết, đầu thai vào nhà họ Lý. Như vậy trong cõi Diêm Phù Đề, có khi đầu thai lại trong gia đình, có khi đầu thai vào gia đình khác. Có khi chết ở cõi Nam Diêm Phù Đề, sau đó sanh sang cõi Tây Ngưu Hoá... Những người ở ba châu khác, cũng đầu thai y như người cõi Nam Diêm Phù Đề vậy.

Người ở bốn châu thiên hạ đầu thai sang trời Tứ Thiên Vương tình hình cũng vậy. Người trời ở trời Tứ Thiên Vương chết, sanh sang trời Đao lợi. Người trời Đao lợi chết, sanh sang trời bốn tầng trên cũng thế. Sắc giới có 18 tầng trời, vô sắc giới có bốn tầng trời. Ở tầng trời này chết, sanh sang tầng trời khác, cũng đều như vậy.

Cũng có những vị trời cõi sắc sau khi chết đoạ vào địa ngục Vô gián. Sau khi ra khỏi địa ngục Vô gián, lại sanh sang những địa ngục tương đối nhẹ hơn. Sau khi ra khỏi địa ngục, lại sanh sang làm súc sanh. Hết kiếp súc sanh, sanh làm ngạ quỷ. Hết làm ngạ quỷ có thể sanh làm trời hoặc làm người. Chúng sanh luân hồi trong sáu đường như thế, chịu hai quả báo khổ lạc, sống chết hoài như thế.

Cho nên kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói, Bồ-tát Hoá Sanh nói với chư thiên: “Phàm phu đầu thai trăm ngàn ức kiếp, đều đắm trước khoái lạc, phóng túng không tu hành, bất giác, những phước báu tích tập quá khứ hưởng hết, lại đoạ vào trong ba đường ác chịu khổ vô tận.”

Kinh Niết-bàn nói: “Thân thể này hình thành do tích tập những khổ đau, toàn thân đều bất tịnh, lại bị phiền não trói chặt, căn bản là chẳng có gì lợi ích đáng nói, cho dù là thân chư thiên cũng thế.”

Cho nên kinh Niết-bàn lại nói: “Khuyên chúng sanh nên tu hành, không nên phóng dật, vì sao? Bởi phóng dật là căn bản của các nghiệp ác. Và không phóng dật, là đầu nguồn của các nghiệp lành. Như ánh sáng mặt trăng mặt trời, là sáng nhất trong các ánh sáng. Không phóng dật cũng lại như thế, là cao nhất trong các pháp lành. Vì sao? Bởi tất cả các pháp ác, đều do phóng dật mà ra; và tất cả các pháp lành, đều lấy không phóng dật làm căn bản.”

Vấn đề thứ hai: Nói từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng sanh luân hồi không ngừng trong sáu đường, nhưng không biết trong một kiếp, rốt cuộc thọ bao nhiêu lần thân?

Trả lời: Kinh Niết-bàn nói, lấy hết cỏ trong tam thiên đại thiên thế giới, cắt đều bốn tấc để tính số những người đã từng làm cha mẹ của mình trong một kiếp cũng còn không đủ.

Lại nói, sữa mà ta đã bú của mẹ trong một kiếp, còn nhiều hơn nước bốn biển.

Lại nói, xương cốt của ta trong một kiếp còn cao hơn núi Tu-di. Như vậy nhiều kiếp lâu xa đến nay, oan uổng chịu sanh tử mãi cho đến ngày nay, vẫn là cái thân phàm phu, vì sao tư lượng việc này mà thương cảm không thôi?

Vấn đề thứ ba: Anh nói từ vô thỉ kiếp đến nay chúng sanh thọ thân vô số, nói như vậy là để cho mọi người khởi tâm chán ghét đối với thế gian hay là trong kinh có chứng minh?

Trả lời: Trong kinh có chứng minh, thí như kinh Pháp hoa nói: “Vào thời đại kiếp quá khứ kiếp lâu xa bất khả thuyết, có Phật xuất hiện thế gian tên Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Có mười sáu vị vương tử, vị nào cũng thăng toà thuyết pháp giáo hoá chúng sanh. Mỗi vị vương tử đều giáo hoá sáu trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa số chúng sanh. Thời gian sau khi đức Như Lai Đại Thông Trí Thắng diệt độ, lâu xa đến số cũng không đếm hết.” Vì sao?

Trong kinh nói, nghiền đại địa của tam thiên đại thiên thế giới thành những hạt bụi, Phật nói, có một người bay một ngàn nước Phật rải một hạt bụi, như thế bay qua vô số quốc độ, rải hết số hạt bụi đó. Phật nói: “Những quốc độ mà người này bay qua, cho dù có rải hạt bụi hay không. Lại nghiền hết đại địa của những quốc độ ấy, lấy một hạt bụi làm một kiếp, thời gian Đại Thông Trí Thắng Như Lai diệt độ đến nay, còn nhiều hơn số hạt bụi nói trên. Và những chúng sanh nghe pháp trong pháp hội hôm nay, đều là những người được mười sáu vị vương tử giáo hoá thời bấy giờ.”

Cho nên trong kinh lại nói: “Vì nhân duyên này, cho nên nên nói kinh Pháp Hoa cho mọi người.”

Kinh Niết-bàn lại nói: “Một người là vương tử, một người là người nghèo, hai người này qua lại với nhau.” Vương tử, là Phật Thích-ca hiện tại, cũng chính là vương tử thứ 16 lúc bấy giờ. Người nghèo, chính là mọi người trong hội Niết-bàn.

Vấn đề thứ tư: Những chúng sanh này nhiều kiếp xa xưa sanh tử không dứt, vậy thì trong ba cõi, phần nhiều họ đầu thai vào đường nào?

Trả lời: Tuy là nói luân hồi trong sáu đường, nhưng thật ra phần nhiều họ qua lại trong ba đường ác. Như trong kinh nói: “Trong hư không, lấy diện tích của tám cái cùi chỏ tay, từ trái đất cho đến đỉnh trời sắc giới, trong diện tích này, những chúng sanh thấy được, còn nhiều hơn người và trời của tam thiên đại thiên thế giới.” Cho nên có thể biết, chúng sanh ở đường ác nhiều. Vì sao như vậy? Bởi ác pháp dễ sanh, thiện hạnh khó làm!

Hãy nhìn chúng sanh hiện tại, những kẻ giàu có chỉ biết phóng dật hưởng thụ, phá giới, và chúng sanh cõi trời, phần nhiều đắm trước dục lạc. Cho nên kinh nói: “Chúng sanh lưu chuyển trong sáu đường, thường lấy ba đường ác làm nhà.” Làm người hoặc trời, chỉ là dừng ở tạm thời, rồi phải lìa xa, cho nên nói là nhà trọ. Trong luận Đại Trang Nghiêm, khuyến cáo tất cả chúng sanh, nên luôn thu nhiếp tâm niệm, kệ nói: “Tuổi tráng niên và những lúc không tai không hoạ, nếu không siêng năng tinh tấn, chỉ ham làm giàu, không tu các pháp bố thí, trì giới... đến khi lâm chung, mới hối hận muốn tu thiện nghiệp. Những người có trí phải khéo quán sát, để đoạn trừ những ý niệm về năm dục. Những người tinh tiến quán tâm như vậy, khi lâm chung sẽ không hối hận. Một lòng thu nhiếp tâm ý, không khởi niệm sai lầm tạp loạn; người có trí hết lòng nhiếp tâm, khi lâm chung ý thức sẽ không tán loạn. Nếu không một lòng tu hành, lâm chung nhất định sẽ tâm ý tan loạn. Lúc đó tâm nếu tán loạn, như dùng răng mài để điều phục ngựa. Như vậy khi sắp chiến đấu, ngựa chỉ chạy quanh mà không thẳng tiến.”

Vấn đề thứ năm: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vậy thì lâu xa kiếp đến nay, đáng lẽ phải gặp rất nhiều Phật, tại sao mãi đến bây giờ, đều còn luân hồi trong sanh tử, ra không khỏi ngôi nhà lửa tam giới?

Trả lời: Kinh Đại Thừa nói, do chúng sanh không nương vào hai pháp môn thù thắng, để trừ sanh tử, cho nên không ra khỏi ngôi nhà lửa tam giới. Hai pháp môn thù thắng nào? Một là thánh đạo, hai là vãng sanh Tịnh độ. Thánh đạo pháp môn, người bây giờ rất khó chứng đắc. Một mặt vì Phật đã Niết-bàn quá lâu, một mặt vì lý Phật quá thâm áo, nghĩa Phật quá huyền vi.

Cho nên trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng nói: “Thời kỳ mạt pháp sau khi Như Lai diệt độ, dù có vạn ức chúng sanh tu hành, nhưng không một người đắc đạo.” Hiện tại chính trong đời ác năm trược thời mạt pháp, vì vậy chỉ có pháp môn Tịnh độ, là con đường có thể thông hành.

Vì vậy kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nếu có chúng sanh, dù cả đời tạo ác nghiệp, chỉ cần khi lâm chung, mười niệm tương tục, xưng danh hiệu ta, nếu không sanh lên nước ta, ta sẽ không thành Phật.”

Hết thảy chúng sanh đều không lượng sức mình, không cần nói những người tu đại thừa, ngay cả đạo lý chân như thật tướng đệ nhất nghĩa không, chưa từng để lòng. Mà ngay cả những người tu tiểu thừa, ngay kiến đế đạo chứng sơ quả, nhị quả cho đến tam quả đoạn năm hạ phần kết, tứ quả đoạn năm thượng phần kết, bất kể là chúng xuất gia hay tại gia, chẳng ai có phần. Dù là quả báo sanh cõi trời hay cõi người, đều phải trì năm giới, mười thiện nghiệp mới được quả báo này. Nhưng những người trì được năm giới, mười thiện nghiệp cũng rất hiếm hoi. Còn như những hành động tạo ác nghiệp thì như mưa to gió lớn. Cho nên chư Phật đại từ bi khuyên chúng sanh quy hướng Tịnh độ. Cho dù cả đời tạo nghiệp ác, chỉ cần một lòng tinh tiến niệm Phật, thì tất cả chướng ngại đều được tiêu trừ, nhất định được vãng sanh. Vì sao mọi người không nghĩ kỹ lý này, mà đều vô tâm cầu vãng sanh?

IV. Dẫn dụng kinh Phật chứng minh những người đã được vãng sanh, để khuyên mọi người tin mà cầu vãng sanh.

Trong kinh Quán Phật Tam-muội nói, lúc bấy giờ trong pháp hội, Bồ-tát Tài Thủ nói với đức Phật, bạch Thế tôn, trong vô số kiếp về trước, có một vị Phật ra đời, cũng tên là Thích-ca Mâu-ni Phật. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, có một vương tử tên Kim Tràng, rất ngạo mạn, có tà kiến không tin Phật pháp.

Vương tử ấy có một người bạn Tỳ-kheo tên Định Tự Tại. Tỳ-kheo bảo với vương tử: “Trong tháp có tượng Phật rất đẹp, vương tử vào tháp chiêm ngưỡng xem.”

Vương tử nghe lời bạn, vào tháp chiêm ngưỡng tượng Phật. Thấy vẻ đẹp của tượng Phật, liền nói với Tỳ-kheo: “Tượng Phật mà đẹp như thế, huống hồ gì là Phật thật!”

Tỳ-kheo liền nói với vương tử: “Này vương tử, cậu đã thấy tượng Phật rồi, nếu không đảnh lễ thì cũng nên niệm một câu “Nam Mô Phật”.”

Sau khi vương tử về đến vương cung, trong lòng luôn nhớ đến tượng Phật, nên trong giấc ngủ đã mơ thấy tượng Phật. Lúc ấy trong lòng vương tử rất vui, liền bỏ tà kiến, quy y Tam bảo.

Sau khi vương tử mệnh chung, nhờ công đức niệm một câu Nam Mô Phật mà được gặp chín trăm ức na-do-tha Phật. Nơi chỗ chư Phật, ông thường luôn tinh tấn, và luôn được niệm Phật Tam-muội một cách thâm sâu. Nhờ duyên sức niệm Phật Tam-muội, mà được chư Phật xuất hiện trước mặt, mỗi mỗi đều thọ ký cho ông. Từ đó về sau, trải qua trăm vạn a-tăng-kỳ kiếp, không bao giờ rơi lại vào các đường ác. Đến nay, đã được Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội. Vương tử lúc bấy giờ, chính là Tài Thủ tôi.

Trong pháp hội lúc ấy, có vô lượng vô số chư thiên Bồ-tát ở mười phương, nói đã được đạo nhân duyên, họ tất cả đều nhờ pháp môn niệm Phật mà đắc đạo. Đức Phật bèn nói với A-nan: “Quán Phật Tam-muội là thuốc của hết thảy chúng sanh phạm tội, là thần thủ hộ của những người phá giới, là hướng đạo của những kẻ lạc đường, là con mắt của những người mù, là trí tuệ cho kẻ ngu, là ngọn đèn trong đêm tối, là tướng quân đại dũng mãnh trong giặc phiền não, là sự du hý của chư Phật Thế tôn, là cửa vào các đại Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm...”

Đức Phật nói với A-nan: “Ông phải hộ trì kinh này cho tốt, chớ để quên. Chư Phật ba đời quá khứ, vị lai và hiện tại cũng đều nói kinh Niệm Phật Tam-muội này. Ta và chư Phật trong mười phương, và ngàn Phật thời Hiền kiếp từ tối sơ bắt đầu phát Bồ-đề tâm, đều nhờ sức niệm Phật Tam-muội mà được Nhất thiết chủng trí.”

Trong kinh Mục Liên Sở Vấn, Phật bảo Mục Kiền Liên: “Thí như trong trăm ngàn dòng sông, mọi người đều bám vào bè cỏ nổi trên mặt nước, trái phải trước sau đều không hẹn nhau, nhưng tất cả đều trôi ra biển. Thế gian cũng vậy, dù là giàu sang, cuộc sống khoái lạc tự tại, cũng không tránh khỏi sanh già bệnh chết. Chỉ vì không tin những lời trong kinh Phật nói, nên đời sau khi làm người, càng khổ, và không được sanh vào những quốc độ có Phật.”

“Cho nên ta nói, quốc độ của Phật Vô Lượng Thọ, dễ vãng sanh, dễ chứng đắc, nhưng mọi người lại không muốn sanh lên, mà lại theo các hàng ngoại đạo khác. Ta gọi hạng người này, là những người không có mắt, cũng không có lỗ tai.”

Trong kinh đều giảng như vậy, vì sao quý vị không bỏ con đường khó đi, nương vào con đường dễ đi mà tu hành?

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà