Sách Khác
Đại Môn Thứ Tư

ĐẠI MÔN THỨ TƯ

Chia làm ba bộ phận để giảng:

- Các tam tạng pháp sư nước Thiên Trúc, cũng như chư đại đức nước ta, tất cả đều thấu triệt hiểu rõ giáo pháp của Phật, và họ đều rất tán thán đồng thời quy hướng Tịnh độ. Cho nên bây giờ lấy họ làm gương, khuyên mọi người cũng quy hướng Tịnh độ.

- Căn cứ kinh Vô Lượng Thọ Phật và các kinh đại thừa khác, bất luận là tu hành nhập đạo của phàm phu hay thánh nhân, đều nói niệm Phật Tam-muội là cái chính yếu của nhập môn.

- Trả lời câu hỏi để hiển thị lợi ích công đức bất khả tư nghị mà người niệm Phật đạt được.

I. Căn cứ vào sự tu hành của các đại đức Thiên Trúc và nước ta để học hỏi.

Tôi là một người không biết gì, vì vậy đâu dám tự chủ trương. Chỉ có điều là sau khi tôi đi du lịch nhiều nơi, tôi rất cung kính lời dạy của nhiều vị pháp sư như: Tam tạng pháp sư Lưu Chi người Thiên Trúc, pháp sư Huệ Sủng, pháp sư Đạo Tràng, pháp sư Đàm Loan, đại đức Tề Triêu, Thượng Thống.

Sáu vị đại đức này, đều thông tỏ hai đế Chân Tục, là rồng voi của Phật môn. Ý chí vào sự tu hành của họ vượt xa mọi người, là những bậc tu hành xưa nay hiếm có. Họ đều là những người đã thấu triệt tông chỉ đại thừa, nhưng cũng đều tán thán quy hướng Tịnh độ, gọi Tịnh độ là cửa chính yếu vô thượng.

Hỏi: Tuy họ đều tán thán quy hướng Tịnh độ, xưng là cửa chính yếu vô thượng, nhưng không biết những vị đại đức ấy, khi lâm chung có gì linh ứng chứng minh không?

Trả lời: Tất cả đều có sự thật căn cứ, như pháp sư Đàm Loan sanh tiền, thường tu pháp môn Tịnh độ. Thường hay có một số người đời tới mắng chửi ngài rằng: “Các quốc độ Phật mười phương đều là Tịnh độ, pháp sư vì sao chỉ chú trọng Tây phương Tịnh độ, điều này chẳng phải khởi thiên kiến sao?”

Pháp sư trả lời: “Tôi là phàm phu, trí huệ thiển bạc. Quả vị còn chưa chứng nhập, nên sức niệm Phật cần phải tập trung. Như đặt cỏ vào máng cho bò, con bò phải tâm tâm niệm niệm để nơi máng cỏ. Vì vậy tâm niệm đâu thể phóng túng, mà không quy hướng?”

Tuy những người phản đối nói đủ thứ, nhưng pháp sư vẫn tu Tịnh độ. Vì vậy bất luận xuất gia hay tại gia, chỉ cần gặp pháp sư một lần, nếu ai chưa có chánh tín Phật pháp, thì khuyên họ khởi niềm tin. Còn nếu ai đã có chánh tín, thì khuyên họ vãng sanh Tịnh độ. Cho nên khi pháp sư lâm chung, chúng xuất gia, tại gia các chùa phụ cận, đều thấy cờ phướn và hoa trời ánh đầy hư không trong chùa, lại nghe các mùi hương lạ, còn có tiếng âm nhạc đến đón pháp sư.

Những vị đại đức kia, khi lâm chung, cũng có những điềm lành. Tình huống vãng sanh của họ, cũng thật bất khả tư nghì.

II. Thuyết minh các kinh điển, đều nói sự thù thắng của niệm Phật Tam-muội.

Có 8 phần. Hai phần trước thuyết minh nhất tướng Tam-muội, sáu phần sau thuyết minh niệm Phật Tam-muội.

1. Trong kinh Phật Thuyết Hoa thủ, Phật bảo Bồ-tát Kiên Ý: “Tam-muội có hai loại, một là nhất tướng Tam-muội, một là chúng tướng Tam-muội. Nhất tướng Tam-muội là, có Bồ-tát nghe nói có một thế giới, trong đó có Phật đang thuyết pháp. Thế là Bồ-tát liền tưởng tượng đức Phật ấy xuất hiện trước mắt, hoặc là đang tu hành thành Phật, hoặc là đang thuyết pháp cho đại chúng.

“Trong khi tưởng tượng như vậy, liền thu nhiếp sáu căn, tâm không chút động loạn, luôn nghĩ đến đức Phật ấy, không ngừng tưởng tượng cảnh giới này. Và Bồ-tát ấy, biết một cách thấu triệt tướng Phật và thế giới đều không. Nếu Bồ-tát luôn quán chiếu được như thế, tâm không rời cảnh giới ấy, thì Phật liền xuất hiện trước mặt, nói pháp cho Bồ-tát.”

“Lúc ấy Bồ-tát liền sanh khởi niềm cung kính sâu xa, tin sâu pháp Phật nói, bất luận là pháp ấy sâu hay cạn, đều rất tôn trọng. Bồ-tát lúc ấy trú trong Tam-muội, nghe Phật nói tướng các pháp đều không thật, liền thọ trì. Bồ-tát sau khi ra khỏi Tam-muội, liền có khả năng nói pháp cho hai chúng xuất gia tại gia.”

Phật nói với Bồ-tát Kiên Ý rằng: “Đó gọi là Bồ-tát vào cửa Nhất Tướng Tam-muội.”

2. Trong kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát-nhã Ba La Mật Đa, nói đến Nhất Hạnh Tam-muội.

Lúc bấy giờ Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: “Bạch Thế tôn, thế nào gọi là Nhất Hạnh Tam-muội?”

Phật nói: “Nhất Hạnh Tam-muội là, có thiện nam tử hay thiện nữ nhân, lúc rỗi rãi, tâm không tán loạn, hướng về phía Phật, ngồi thẳng, cũng không nhớ đến hình ảnh Phật, chỉ một lòng xưng danh hiệu Phật không ngừng. Ngay trong niệm Phật, liền thấy được chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì sao? Bởi vì công đức niệm một vị Phật vô lượng vô biên, bằng với niệm vô lượng chư Phật, đây gọi là Bồ-tát tu Nhất Hạnh Tam-muội.”

3. Trong kinh Niết-bàn, Phật nói: “Nếu ai với tâm cực kỳ chuyên chú, thường tu niệm Phật Tam-muội, thì mười phương chư Phật luôn thấy người ấy, như ở trước mặt họ vậy.”

Cho nên trong kinh Niết-bàn, Phật nói với Bồ-tát Ca-diếp: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân nào, luôn niệm Phật với tâm cực kỳ chuyên chú, bất luận ở núi rừng hay thô ấp, ban ngày hay ban đêm, nằm ngồi hay đứng đi, thì chư Phật luôn thấy họ, như đang ở trước mặt vậy, chư Phật Thế tôn thường dừng lại và tiếp nhận phẩm vật cúng dường của họ.”

4. Kinh Quán Vô Lượng Thọ và các kinh đại thừa khác đều nói, bất cứ công đức tu nào của hành giả, chỉ cần phát nguyện hồi hướng, thì nhất định sẽ vãng sanh. Tuy nhiên niệm Phật là con đường chủ yếu nhất, vì sao? Có thể thấy từ trong kinh Phật, có hai loại lợi ích bắt đầu và kết thúc. Nếu muốn bắt đầu tu hành thiện pháp, thì niệm Phật bao quát cả lục độ. Nếu muốn diệt trừ ác nghiệp, tiêu trừ tai ương, thì niệm Phật có thể đối trị tất cả chướng ngại.

Cho nên kinh nói: “Hành giả một lòng niệm Phật, khi mạng chung nhất định vãng sanh.” Đó là chỗ lợi ích của bắt đầu niệm Phật.

Chỗ lợi ích của rốt ráo niệm Phật là, trong kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Thọ Ký nói, thời gian Phật A-di-đà trụ thế rất lâu, dù cho thời gian lâu xa cách mấy, cũng có lúc diệt độ. Khi Phật A-di-đà vào Niết-bàn, chỉ có Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí làm chủ nước An Lạc, tiếp dẫn chúng sanh mười phương. Thời gian Phật A-di-đà diệt độ, lâu dài ngang bằng với thời gian Ngài trụ thế, và những chúng sanh nước đó, đều không gặp được Phật A-di-đà. Chỉ có những người trước kia một lòng niệm Phật A-di-đà mà vãng sanh, thì được thấy Phật A-di-đà ở trước mắt, như chưa từng diệt độ, đó là lợi ích của thời cuối.

Người tu các pháp môn khác mà hồi hướng vãng sanh, tuy cũng được vãng sanh Tịnh độ, nhưng sau khi Phật A-di-đà diệt độ, thì trong số họ có người thấy Phật mà cũng có người không thấy Phật. Cho nên ở đây khuyến cáo người đời sau nên nghĩ kỹ, để được lợi ích lâu dài.

5. Kinh Ban Chu Tam-muội nói, lúc bấy giờ có Bồ-tát Bạt-đà-hoà, ở trong quốc độ ấy nghe nói có Phật A-di-đà, liền một lòng niệm Phật, nhờ một lòng niệm Phật nên được gặp Phật A-di-đà. Sau khi thấy Phật A-di-đà, ngài liền hỏi Phật: “Bạch Thế tôn, phải tu hành pháp môn nào mới được sanh lên Tây phương Tịnh độ?”

Phật A-di-đà liền nói với Bồ-tát Bạt-đà-hoà: “Muốn sanh lên nước ta, thì phải thường niệm danh hiệu ta, không được ngừng nghỉ, thì liền được sanh lên nước ta.”

6. Trong Đại Trí Độ Luận có ba cách giải thích:

a. Phật là bậc pháp vương vô thượng, Bồ-tát là đại thần của pháp vương. Bậc mà Bồ-tát tôn trọng, chỉ có chư Phật Thế tôn, cho nên Bồ-tát phải thường nhất tâm niệm Phật.

b. Chư Bồ-tát nói: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta được đức Thế tôn nuôi dưỡng pháp thân, trí huệ thân và đại từ bi thân. Thiền định, trí huệ và vô lượng hạn nguyện cũng nhờ chư Phật mà được thành tựu. Để báo đáp ân đức của Phật, nên thường mong muốn thân cận Phật. Cũng như đại thần được ân huệ và sủng ái của vua, nên luôn nghĩ đến chủ nhân của họ.”

c. Một Bồ-tát nói: “Khi tôi ở nhân địa tu hành, gặp ác tri thức, đã huỷ báng Bát-nhã mà đoạ trong ác đạo qua vô lượng kiếp. Tôi đã tu nhiều pháp môn, nhưng không ra được sanh tử. Sau có một lần, gặp một thiện tri thức, anh ta dạy tôi tu niệm Phật Tam-muội, liền đốn trừ các chướng ngại mà được giải thoát. Do đại lợi ích này, cho nên tôi phát nguyện không rời Phật.”

7. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình nguyện trong vô lượng kiếp chịu tất cả khổ đau; tình nguyện không rời xa Phật, ngay cả những đức Phật không thấy được sức tự tại vốn có của mình.”

Trong kinh lại nói: “Tu niệm Phật Tam-muội nhất định được thấy Phật, sau khi mạng chung nhất định sẽ sanh ra trước Phật. Lúc thấy chúng sanh lâm chung, nên khuyên họ niệm Phật, đem tượng Phật đến trước mặt họ, để họ chiêm ngưỡng lễ bái.”

Thiện Tài đồng tử tham phỏng thiện tri thức, khi bái phỏng Tỳ-kheo Công Đức Vân nói: “Thưa đại sư, Thầy tu đạo Bồ-tát như thế nào, mà hướng về hạnh nguyện Bồ-tát Phổ Hiền?”

Tỳ-kheo Công Đức Vân trả lời: “Tôi ở trong biển trí tuệ của Thế tôn, chỉ biết có một pháp môn, đó là Niệm Phật Tam-muội. Trong môn Niệm Phật Tam-muội này, có thể thấy được tất cả chư Phật và quyến thuộc của các ngài, còn có Phật độ trang nghiêm thanh tịnh của các ngài nữa. Pháp môn này, có thể làm cho chúng sanh lìa xa điên đảo. Pháp môn Niệm Phật Tam-muội, có thể trong cảnh giới nhỏ nhiệm, thấy được tất cả cảnh giới tự tại của Phật, được nhiều kiếp không điên đảo. Pháp môn Niệm Phật Tam-muội, có thể hiện khởi tất cả quốc độ Phật, không vật gì có thể làm hư hoại quốc độ Phật này. Có thể thấy được chư Phật mười phương, mà được ba đời không điên đảo.”

Tỳ-kheo Công Đức Vân nói với Thiện Tài đồng tử: “Phật pháp rộng sâu như biển, rộng đến không có bờ mé, cái mà tôi biết, chỉ là pháp môn Niệm Phật Tam-muội mà thôi. Những cảnh giới đẹp đẽ mầu nhiệm khác, nhiều không thể đếm hết, tôi không được biết.”

8. Trong kinh Hải Long Vương, Hải Long Vương hỏi Phật: “Bạch đức Thế tôn, con muốn cầu sanh lên cõi Phật A-di-đà, nhưng không biết phải tu pháp môn gì mới được sanh lên Tịnh độ ấy?”

Phật nói với Hải Long Vương: Muốn sanh lên nước Phật ấy, phải tu tám pháp. Tám pháp nào?

a. Thường phải niệm Phật.

b. Cúng dường Như Lai.

c. Tán thán Thế tôn.

d. Phải tạo tượng Phật, tu hành các công đức.

e. Phải hồi hướng phát nguyện vãng sanh.

f. Không được sợ hãi nhu nhược.

g. Phải một lòng tinh tấn.

h. Phải truy cầu trí tuệ chân chánh của Phật.

Phật nói với Hải Long Vương: “Tất cả chúng sanh chỉ cần đầy đủ tám pháp này, thì sẽ không rời Phật.”

Hỏi: Nếu không đủ tám pháp này, có được sanh lên cõi Phật, để được không rời Phật không?

Trả lời: Được vãng sanh chứ. Làm sao biết? Bởi trong kinh Bảo Vân, Phật có nói đầy đủ thập hạnh, cũng được vãng sanh, thường không rời Phật.

Bồ-tát Trừ Cái Chướng hỏi Phật: “Nếu không đủ thập hạnh, có được vãng sanh không?”

Phật trả lời: “Được. Chỉ cần trong mười hạnh này, đầy đủ công đức một hạnh, thì chín hạnh kia cũng có thể gọi là thanh tịnh, nên chớ hoài nghi.”

Trong kinh Đại Thọ Khẩn Na La Vương nói, Bồ-tát tu hành bốn pháp, liền được thường không rời Phật. Bốn pháp gì?

a. Tự mình tu hành thiện pháp, cũng khuyên chúng sanh cầu vãng sanh để thấy Phật.

b. Khuyên mình khuyên người thích nghe chánh pháp.

c. Khuyên mình khuyên người phát tâm Bồ-đề.

d. Lập chí không thay đổi, luôn tu Niệm Phật Tam-muội. Đủ bốn pháp này thì dù sanh ra ở đâu cũng luôn ở trước mặt Phật, không rời xa Phật.

Trong kinh lại nói, Phật nói pháp tu hành của Bồ-tát, như ba mươi hai loại đồ đựng. Như bố thí thì là đồ đựng được đại giàu sang, trì giới thì là đồ đựng được thân thánh quả, nhẫn nhục thì là đồ đựng được đoan chánh, ngũ nghịch bất hiếu thì là đồ đựng được núi đao rừng kiếm chảo dầu sôi, phát tâm Bồ-đề là đồ đựng được thành Phật, thường niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì là đồ đựng được thấy Phật.

Chỉ lược nói chừng đó, còn nhiều lắm! Nhiều kinh Phật đã nói như vậy, những hành giả phát nguyện vãng sanh, sao không thường niệm Phật?

Trong kinh Nguyệt Đăng Tam-muội nói, niệm 32 tướng và 80 vẻ đẹp của Phật, còn có niệm đức hạnh Phật, có thể làm cho hành giả sáu căn không loạn động, tâm không mê hoặc, hội hợp được với chánh pháp, có thể nghe Phật thuyết pháp, có thể hoạch được trí huệ lớn như biển. Người có trí tuệ nhiếp niệm trong Niệm Phật Tam-muội, thì có thể gặp muôn ức chư Như Lai, cũng gặp được vô lượng hằng hà sa Phật.

III. Trả lời câu hỏi để làm rõ đủ các sự lợi ích của Niệm Phật Tam-muội.

1. Câu hỏi thứ nhất: Thường tu Niệm Phật Tam-muội, có phải là không tu các Tam-muội khác không?

Trả lời: Chúng tôi nói thường niệm Phật, hoàn toàn không nói không tu các Tam-muội khác. Vì thời gian tu Niệm Phật Tam-muội nhiều, nên nói thường niệm Phật, chớ không phải nói hoàn toàn không tu các Tam-muội khác.

2. Câu hỏi thứ hai: Ngài khuyên mọi người thường Niệm Phật Tam-muội, vậy sự cao thấp giữa Niệm Phật Tam-muội và các Tam-muội khác như thế nào?

Trả lời: Sự thù thắng của Niệm Phật Tam-muội là không thể nghĩ bàn. Vì sao biết? Thí như trong Ma-ha-diễn nói, các Tam-muội khác chẳng phải là Tam-muội. Vì sao? Bởi vì có Tam-muội chỉ trừ tâm tham, mà không thể trừ tâm sân tâm si. Có Tam-muội chỉ trừ tâm sân mà không thể trừ tâm tham tâm si... Có Tam-muội chỉ trừ những chướng ngại trong hiện tại mà không trừ được tất cả chướng ngại của quá khứ, tương lai. Nhưng nếu thường tu Niệm Phật Tam-muội, thì bất kể những chướng ngại quá khứ, hiện tại, tương lai đều trừ được hết.

3. Câu hỏi thứ ba: Niệm Phật Tam-muội trừ được tất cả chướng ngại, được đại phước đức, nhưng không biết có làm cho hành giả được tăng thọ không?

Trả lời: Nhất định là được. Vì sao? Như trong kinh Duy Vô Tam-muội nói, có hai anh em, người anh tin nhân quả, người em không tin, nhưng rất hiểu tướng mạo. Một hôm, người em nhìn vào gương thấy trên mặt mình xuất hiện tướng chết, nhiều nhất không qua bảy ngày là chết. Có một người có trí tuệ, bảo anh ta đến thỉnh vấn Phật.

Phật bảo: “Trong bảy ngày chết không sai, nhưng nếu con một lòng niệm Phật, trì giới thì có thể vượt qua nạn này.”

Người em lập tức theo lời Phật, một lòng một dạ niệm Phật. Đến ngày thứ sáu, có hai con quỷ đến muốn bắt anh ta, nhưng nghe tiếng anh ta niệm Phật, nên không cách gì đến gần được. Thế là quỷ trở về báo cáo lại cho Diêm La Vương. Diêm La Vương lấy thẻ sống chết của người em ra xem, thấy ghi: “Người này nhờ công đức niệm Phật trì giới, sau khi chết sanh về trời Diệm-ma.”

Trong kinh Thí Dụ, có một vị trưởng giả, không tin làm lành có phước, làm ác có tội. Năm 50 tuổi, một hôm nằm mơ thấy quỷ La-sát, cầm thẻ thâu mạng nói, trong mười ngày sẽ đến lấy mạng ông. Sau khi tỉnh dậy, trưởng giả rất là sợ hãi. Trời sáng, trưởng giả đi tìm thầy đoán mộng, thầy đoán mộng bốc quẻ, trên quẻ nói: “Trong mười ngày, quỷ La-sát sẽ đến hại ông.”

Trưởng giả càng lo sợ, bèn đi tìm Phật cứu mạng, Phật nói: “Nếu ông muốn tránh nạn này, thì từ hôm nay trở đi, phải chuyên tâm niệm Phật, trì giới, đốt hương đèn, treo cờ xí, quy y Tam bảo, như vậy có thể khỏi chết.”

Trưởng giả y lời, chuyên tâm niệm Phật, quy hướng Tam bảo. Kết quả La-sát đến nhà, thấy vậy không hại được, bèn bỏ đi. Trưởng giả nhờ tu những công đức này, rốt cuộc sống đến trăm tuổi, sau khi chết được sanh lên cõi trời.

Lại có một vị trưởng giả, tên Chấp Trì, mang trả hết giới luật Phật đã dạy cho ông ta, kết quả bị ác quỷ đánh cho một trận.

4. Câu hỏi thứ tư: Niệm Phật có khả năng đối trị tất cả chướng ngại và quả báo trong kiếp hiện tại, không biết có cảm ứng đến Vô thượng Bồ-đề xuất thế gian lâu xa về sau không?

Trả lời: Đương nhiên là được. Vì sao? Như trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Thập Địa nói: “Bắt đầu từ sơ địa, cho đến thập địa, trong mỗi địa, đều nói gia hạnh đạo tiến vào địa này.” Sau khi tu đầy đủ công đức mỗi địa, hành giả hoạch được lợi ích tự lợi, nhưng vẫn không trụ trong đạo này, cuối cùng đều tổng kết rằng: “Những Bồ-tát đăng địa, tuy tu các pháp môn khác, nhưng đều không rời niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, lấy những vật khoái lạc mỹ diệu vô thượng cúng dường Tam bảo.”

Từ văn kinh này có thể chứng biết, chư Bồ-tát cho dù chứng đắc những quả vị như trên, cũng vẫn luôn tu niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, mới thành tựu được tu hành và thệ nguyện vô lượng, mới viên mãn được biển lớn công đức. Huống hồ nhị thừa và phàm phu, muốn cầu sanh Tịnh độ lại không thường niệm Phật. Vì sao? Vì Niệm Phật Tam-muội, đầy đủ tất cả Tứ Nhiếp pháp và pháp Lục độ, đồng bạn đồng hành với các pháp đến Niết-bàn.

5. Câu hỏi thứ năm: Bồ-tát chứng Sơ địa trở lên, giống Phật đã chứng lý chân như, gọi là sanh vào nhà chư Phật, bản thân đã có thể làm Phật, cứu độ chúng sanh, cần gì phải tu Niệm Phật Tam-muội, phát nguyện thấy Phật?

Trả lời: Lý chân như rộng lớn vô bờ, như hư không, khó mà biết được hạn lượng của nó. Như ngôi nhà tối tăm, nếu chỉ thắp một hai ngọn đèn, thì tuy cả ngôi nhà đều chiếu sáng, nhưng vẫn còn rất tối. Cho dù số đèn tăng nhiều, có thể nói là rất sáng, nhưng, làm sao so sánh được với mặt trời? Trí tuệ mà Bồ-tát chứng được, tuy mỗi địa cao thấp khác nhau, nhưng làm sao so sánh được với Phật ánh sáng của mặt trời?

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà