Sách Khác
Đại Môn Thứ Bảy

ĐẠI MÔN THỨ BẢY

Có 2.

- Thuyết minh tình hình trói buộc và giải thoát của thế giới Bồ-tát và Tây phương Tịnh độ.

- Thuyết minh sự dụng công tu ít nhiều, và sự thật giả của quả báo đạt được ở đây và ở đó, từ đó mà khuyên mọi người vãng sanh lên đó.

I. Thuyết minh sự khác nhau của trói buộc và giải thoát của ở đây và ở đó.

Nếu ở Tây phương Tịnh độ, nhờ thuần tuý là tướng thanh tịnh, cho nên rất nhanh liền được giải thoát, chỉ hưởng thọ sung sướng, mắt tuệ được mở ra. Nếu ở thế giới Bồ-tát này, do đầy những tướng uế trược, cho nên chỉ có những sự sung sướng giả tạm, sầu đau, trói buộc, sợ hãi.

Hỏi: Các kinh đại thừa đều nói, không có hình tướng mới là con đường chính thoát ly sanh tử, chấp trước hình tướng sẽ bị câu thúc và chướng ngại, vì vậy không tránh khỏi luỵ trần lao. Bây giờ anh khuyên người ta chán uế hân tịnh, là ý gì?

Trả lời: Hai điều đó khác nhau. Vì sao? Hình tướng có hai loại, một loại là đối với trần cảnh năm dục, sanh tham ái ô nhiễm, theo cảnh giới mà khởi tâm chấp trước, thì đó gọi là trói buộc. Một loại là thích công đức của Phật, phát nguyện phải vãng sanh Tịnh độ, tuy đó cũng là hình tướng nhưng gọi là giải thoát. Vì sao biết? Như trong kinh Thập Địa nói, Bồ-tát chứng Sơ Địa còn phải phân biệt quán sát chân đế và tục đế, tập trung tâm ý tìm cầu trên hình tướng, cuối cùng mới đạt đến chỗ vô tướng, dùng phương pháp tiệm đi chậm này, thể ngộ cảnh giới đại Bồ-đề. Mãi cho đến khi chứng được cái tâm cuối cùng của địa thứ bảy, thì cái tâm hữu tướng mới hết. Sau khi vào bát địa, mới không còn tìm cầu trên tướng, lúc này mới gọi là không còn dụng công mà công dụng tự hiện.

Cho nên trong Thập Địa Luận nói: “Trước địa thứ bảy, cái tâm tham ác là chướng ngại, phải dùng cái tâm tham thiện để đối trị. Bát địa trở lên, cái tâm tham thiện là chướng ngại, phải dùng cái tâm vô tham để đối trị.” Huống hồ những người phát nguyện vãng sanh Tịnh độ ngày nay, đều là phàm phu, những thiện căn mà họ tu trì, đều phát sanh từ yêu thích công đức của Phật A-di-đà, làm sao mà trói buộc được?”

Cho nên kinh Niết-bàn nói: “Tất cả chúng sanh đều có hai loại yêu thích, một là yêu thích thiện pháp, hai là yêu thích bất thiện pháp. Yêu thích bất thiện pháp, là cái mà người ngu theo đuổi; yêu thích thiện pháp, là cái mà Bồ-tát theo đuổi.”

Vì vậy Tịnh Độ Luận nói: “Quán sát quốc độ Phật gọi là vị thanh tịnh, nhiếp thọ chúng sanh gọi là vị đại thừa, khởi tâm tu hành những việc tương tự gọi là vị phát nguyện thành tựu quốc độ Phật, cứu cánh trụ trì được gọi là vị bất hư nguỵ tạo tác, có vô lượng vị thành Phật đạo như thế.” Cho nên tuy là thủ tướng, nhưng không phải là chấp trước trói buộc. Và cái tướng mà Tây phương Tịnh độ nói, chính là cái tướng vô lậu, cái tướng thật tướng.

II. Thuyết minh ở đây và ở đó, trong tu hành dụng công nặng hay nhẹ, quả báo đạt được thật hay giả.

Nếu muốn phát tâm quy hướng Tịnh độ, chỉ cần tốn ít công lễ bái, quán tưởng, xưng niệm danh hiệu Phật, theo thọ mạng dài ngắn của mỗi người mà khi lâm chung, được đài liên hoa đến đón, lập tức được sanh lên cõi Cực Lạc, chứng ngôi bất thoái.

Cho nên kinh Vô Lượng Thọ nói: “Trời người ở mười phương thế giới, nếu sanh lên nước ta, mà không được quả vị bất thoái, ta quyết không giữ ngôi chánh giác.”

Ở cõi Ta-bà này, phải trải qua thời gian dài bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, nếu không đủ một vạn kiếp vẫn không tránh khỏi ngôi nhà lửa tam giới, cho nên nói dụng công rất nặng mà quả báo hư giả.

Kinh Vô Lượng Thọ lại nói: “Những chúng sanh sanh lên nước ta, lập tức cắt đứt luân hồi sanh tử trong năm đường ác.” Đây là đối với cõi Tịnh độ, mà nói năm đường của cõi Ta-bà là ác thú. Ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thuần hướng về ác, cho nên gọi là ác thú. Mà thiên, nhân của thế giới Ta-bà, quy hướng cả thiện ác nên cũng gọi là ác thú.

Nếu tu hành ở cõi Ta-bà này, để đối trị đoạn trừ phiền não, trước tiên phải đoạn trừ kiến hoặc, thoát ly nhân ba đường ác, để trừ quả báo ba đường ác. Sau đó, lại đoạn tu hoặc để thoát ly nhân trời người, đoạn tuyệt quả báo nhân thiên. Đây đều là sự đoạn trừ chậm lần lượt, không gọi là cắt ngang.

Nếu vãng sanh lên cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, thì năm đường của thế giới Ta-bà, lập tức không còn, cho nên gọi là cắt ngang năm đường ác, nghĩa là cắt ngang quả báo của nó. Đường ác đóng kín, là đóng nhân duyên của nó. Trên đây là nói thuyết minh những thứ mà vãng sanh lên Cực Lạc không còn.

Con đường đi lên không có cùng tận, đạt đến đỉnh điểm, là làm rõ những thứ đạt được khi vãng sanh lên Tịnh độ. Nếu hạ quyết tâm, hồi hướng nguyện vãng sanh Tây phương Tịnh độ, thì nhiều nhất là một đời này, ít nhất là mười niệm, liền được vãng sanh. Hễ lên được Cực Lạc thì liền vào Chánh định tụ, công đức ngang với tu một vạn kiếp. 

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà