Tây Phương An Lạc Tập
ĐẠI MÔN THỨ TÁM
Có 3.
- Lược cử các kinh để chứng minh, khuyên mọi người chán bỏ cõi này, vui lên cõi kia.
- So sánh Phật A-di-đà và Phật Thích-ca.
- Giải thích ý nghĩa vãng sanh.
I. Lược đưa ra các kinh để chứng minh, khuyên mọi người chán bỏ cõi này, vui lên cõi kia.
1. Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, nói hai quyển kinh Vô Lượng Thọ.
2. Trong hai pháp hội trong cung vua và núi Kỳ-xà-quật, nói một bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ.
3. Trong nước Xá-vệ nói kinh Phật Thuyết A-di-đà.
4. Kinh Thập Phương Tuỳ Nguyện Vãng Sanh chứng minh vãng sanh Tịnh độ.
Ngoài ra những kinh luận đại thừa, tán thán việc vãng sanh Tịnh độ có rất nhiều, như các kinh Thỉnh Quan Âm và Đại Phẩm Bát-nhã. Và các bộ luận của hai vị Bồ-tát Vô Trước, Thế Thân cũng nơi nơi đều khen ngợi vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Còn các Tịnh độ khác, thì các ngài không dặn dò người sau như vậy.
II. So sánh Phật A-di-đà và Phật Thích-ca.
Phật Thích-ca trụ thế chỉ có 80 năm, chỉ là sự xuất hiện tạm thời, lập tức đi ngay. Lại một đi không trở lại. Thời gian trụ thế, không bằng một ngày cõi trời Đao-lợi.
Khi Phật Thích-ca tại thế, cơ duyên độ chúng sanh cũng rất yếu kém. Lấy việc bệnh tật của dân Tỳ-xá-ly mà nói, lúc bấy giờ dân Tỳ-xá-ly bị năm loại bệnh quái lạ:
1. Mắt đỏ như máu.
2. Tai chảy mủ.
3. Mũi ra máu.
4. Miệng không nói được.
5. Thức ăn đưa vào miệng, mùi vị liền biến thành hôi dở, sáu thức đóng kín, như người say.
Có năm con quỷ Dạ-xoa, tên Ngật-noa-ca-la, mặt đen như mực, có năm con mắt, răng vẩu ra, hút tinh khí của người. Lương y Kỳ-bà lúc bấy giờ, tận lực cũng không cứu được.
Lúc ấy trưởng giả Nguyệt Cái liền dẫn những bệnh nhân này đến chỗ Phật, dập đầu cầu cứu. Đức Thế tôn khởi tâm từ vô lượng, nói với các bệnh nhân: “Tây phương có Phật A-di-đà và Quan Âm, Thế Chí, các con phải một lòng chắp tay, cầu mong gặp họ.”
Mọi người nghe theo lời dạy bảo của Phật Thích-ca, chắp tay cầu nguyện Phật A-di-đà và Quan Âm, Thế Chí. Lúc ấy Phật A-di-đà liền phóng ra ánh sáng lớn cùng Quan Âm, Thế Chí từ trên không xuống nói đại thần chú, và bệnh khổ của mọi người liền được dứt trừ, khôi phục lại sức khoẻ.
Sức thần thông của hai vị Phật như nhau, nhưng Phật Thích-ca không hiển xuất năng lực, mà nhường cho Phật A-di-đà phát huy sở trường, là muốn làm cho tất cả chúng sanh, đều hướng về Phật A-di-đà. Nên biết Phật Thích-ca khen ngợi ý muốn quy hướng Tây phương khắp nơi, cũng chính là ý vãng sanh Tây phương của pháp sư Đàm Loan.
Kinh Vô Lượng Thọ khen ngợi rằng: “Chúng Thanh Văn và Bồ-tát ở Tây phương Cực Lạc, đối với trí tuệ của chư thiên và loài người họ đều thông đạt hết. Thân tướng họ trang nghiêm như nhau, nhưng vì để thuận với chúng sanh ở các phương khác, nên nêu tên ra ở thế giới Cực Lạc. Dung nhan đoan chánh của Phật không ai có thể so sánh, thân thể Phật đẹp không ai có thể bằng. Thân Phật hư vô và không có hạn cùng, cho nên đảnh lễ đức Thế tôn bậc có sức bình đẳng vô lượng.”
III. Giải thích ý nghĩa vãng sanh. Có 2:
- Giải thích ý nghĩa vãng sanh.
- Trả lời câu hỏi.
1. Giải thích ý nghĩa vãng sanh:
Đại Trí Độ Luận lại nói, Bồ-tát sau khi sanh lên Tịnh độ, đầy đủ đại thần thông lực, lại có biện tài vô ngại, khi trở lại Bồ-tát hoá độ chúng sanh, còn vẫn không thể làm cho chúng sanh bỏ ác theo thiện, để tăng tiến đạo nghiệp, tăng tiến quả vị hợp với tâm ý Bồ-tát. Nếu Bồ-tát không vãng sanh Tịnh độ, mà lập tức cứu độ chúng sanh nơi uế độ này, ngay cả đại thần thông và biện tài vô ngại đều không có, quả thật giống như nhúng gà vô nước, thì làm sao mà gà không ướt.
Trong kinh Vô Lượng Thọ khen ngợi: “Chư Bồ-tát trong nước An Lạc, có trí tuệ theo căn khí chúng sanh mà thuyết pháp, họ đã đạt được vô ngã, vô ngã sở, họ trong sạch như hoa sen, không nhiễm chút bụi trần. Việc đến đi dừng ở của họ như chiếc thuyền, chỉ vì muốn lợi ích chúng sanh An lạc, không có bất kỳ yêu ghét. Họ đã chứng tánh không, đã đoạn có-không nhị tưởng. Họ đốt đèn trí tuệ soi phá đêm dài vô minh. Họ đầy đủ tam minh lục thông, những Bồ-tát này dùng mắt tâm để quán sát vạn hạnh. Bồ-tát ở cõi Tịnh độ đầy đủ vô lượng vô biên công đức như thế, cho nên chúng sanh chí thành phát nguyện vãng sanh.”
2. Trả lời câu hỏi.
Hỏi: Hiện tại chúng tôi phát nguyện muốn vãng sanh Tịnh độ, nhưng không biết phải khởi tâm như thế nào?
Trả lời: Chỉ cần phát nguyện, hy vọng rất mau liền được tự lợi lợi tha, lợi tha phải sâu rộng, chứng quả vị thập tín, quả vị tam hiền, nhiếp thọ tất cả chánh pháp, để khế hợp dung hội pháp môn bất nhị, thấy Phật tánh và chứng Phật tánh, hiểu rõ thật tướng các pháp, dùng tâm quán chiếu hai đế có không, sự thứ tự trước sau của nhân và quả, so sánh sự hơn kém của mười địa, đạt được ba nhẫn hỷ nhẫn, ngộ nhẫn, tín nhẫn; ba đạo kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, đạt được định kim cang vô chướng ngại, chứng đắc đại Niết-bàn. Pháp đại thừa vận chuyển lớn, mong trụ thế lâu dài, để hết biển sanh tử vô biên.
Hỏi: Phát nguyện vãng sanh Tịnh độ, cần phải lợi ích chúng sanh. Nếu như vậy, phải cứu độ chúng sanh thì phải ngay cõi Ta-bà này. Hành giả đã phát tâm độ sanh, thì phải cứu khổ sanh ngay nơi đây. Vì vậy vì sao sau khi phát tâm Bồ-đề, lại phát nguyện vãng sanh Tịnh độ? Giống như bỏ chúng sanh, mình tìm cầu khoái lạc Bồ-đề riêng.
Trả lời: Ví như vậy không đúng. Vì sao? Chính như trong Đại Trí Độ Luận có nói, có hai người đều thấy cha mẹ bà con rơi xuống vực nước xoáy. Một người lập tức nhảy xuống, ra sức cứu, nhưng không đủ sức, cuối cùng chết cùng với mọi người. Người kia thì đi đến một nơi xa, kiếm một chiếc thuyền, chèo đến cứu mọi người. Bồ-tát cũng như vậy, trước khi chưa phát tâm, lưu chuyển trong sanh tử không khác gì chúng sanh. Nhưng sau khi phát tâm Bồ-đề, thì phát nguyện vãng sanh Tây phương Tịnh độ trước, lấy được thuyền đại bi rồi, lại nương biện tài vô ngại, tiến vào biển sanh tử để cứu chúng sanh.