Sách Khác
Đại Môn Thứ Chín

ĐẠI MÔN THỨ CHÍN

Có 2. Đối chiếu khổ vui và thiện ác và so sánh thọ mạng dài ngắn của hai nơi.

I. Đối chiếu khổ vui và thiện ác.

Lại có 2: Đối chiếu khổ vui thiện ác và dẫn dụng kinh Vô Lượng Thọ để chứng minh.

1. Đối chiếu thiện ác khổ vui, là nói ở thế giới Ta-bà này, tuy có quả báo khổ vui, nhưng phần nhiều vui ít khổ nhiều. Khổ nặng là nỗi khổ bị thiêu trong ba đường dữ, khổ nhẹ là bệnh tật, chiến tranh trong đường trời người, liên tục không ngừng, từ vô lượng kiếp đến nay, chưa bao giờ ngừng qua. Cho dù trời người có chút khoái lạc, cũng giống như bóng nước, điện chớp, sanh diệt rất nhanh, cho nên nói thế giới Ta-bà chỉ có đau khổ, chỉ có việc ác.

Còn quốc độ thanh tịnh của Phật A-di-đà, thì tiếng nước chảy, tiếng chim kêu đều phát ra diệu pháp, khiến cho người nghe đều ngộ nhập Phật tánh.

2. Dẫn dụng kinh điển để chứng minh.

Tịnh độ Luận nói, trời người của mười phương thế giới sanh sang nước Cực Lạc, giống với Bồ-tát tâm địa thanh tịnh không khác. Bồ-tát tâm địa thanh tịnh và Bồ-tát thượng địa, cuối cùng cũng đều chứng đắc tịch diệt nhẫn, cho nên sẽ không thoái chuyển.

Đại nguyện thứ bốn mươi tám trong kinh Vô Lượng Thọ, có năm đại lợi ích:

a. Kinh nói: “Trời người trong mười phương thế giới sanh sang nước ta, nếu không được thân kim sắc, ta không thủ chánh giác.”

b. Kinh nói: “Trời người trong mười phương thế giới sanh sang nước ta, nếu hình tướng nhan sắc không giống nhau, có đẹp xấu khác nhau, ta không thủ chánh giác.”

c. Kinh nói: “Trời người trong mười phương thế giới sanh sang nước ta, nếu không được túc mạng trí, không biết được những việc của trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, ta không thủ chánh giác.”

d. “Trời người trong mười phương thế giới sanh sang nước ta, nếu không được thiên nhĩ thông, không nghe được pháp của bách thiên ức na-do-tha chư Phật nói, ta không thủ chánh giác.”

e. Trời người trong mười phương thế giới sanh sang nước ta, nếu không có tha tâm trí, không biết được tâm tưởng của bách thiên ức na-do-tha chúng sanh của các cõi Phật, ta không thủ chánh giác.”

Những việc lợi ích của nước ấy, vốn nói không hết, chỉ cần phát nguyện vãng sanh, nhất định là bất khả tư nghị, cho nên Tây phương Tịnh độ chỉ có những việc lành, chỉ có khoái lạc, không có đau khổ, cũng không có việc ác.

II. Thuyết minh thọ mạng dài ngắn.

Thọ mạng của người ở cõi Ta-bà, phần lớn không hơn một trăm năm. Những người hơn trăm tuổi rất ít. Có người vừa sanh ra đã chết. Có người chỉ được mấy tuổi liền chết. Thậm chí chết trong bào thai. Vì sao như vậy? Vì chúng sanh tạo nghiệp khác nhau, nên quả báo khác nhau.

Cho nên kinh Niết-bàn nói: “Tạo nghiệp ác thì quả báo là ác. Tạo nghiệp thiện thì quả báo là thiện. Tạo nghiệp báo nào thì quả báo cũng như thế.”

Kinh Tịnh Độ Bồ-tát nói, con người sống một trăm năm, ban đêm mất đi hết một nửa, có nghĩa là mất hết năm mươi năm. Trong năm mươi năm còn lại, trước mười lăm tuổi, không biết gì là thiện ác. Sau tám mươi tuổi, đầu óc lú lẫn thân thể yếu gầy, chỉ cảm thấy khổ đau của tuổi già. Trừ những năm tháng đó ra, chỉ còn có mười lăm năm.

Trong mười lăm năm này, mặt ngoài thì bị vua quan áp bức, phải đi lính viễn phương hay tù trong lao ngục. Mặt trong thì phải lo việc trong nhà, tạp sự quá nhiều bận đến túi bụi, nhưng vẫn thiếu thốn. Tính lại, còn bao nhiêu thời gian để tu hành? Xét kỹ, đời người như thế há không đáng thương, sao không đáng chán?

Kinh này lại nói, con người ta, trong một ngày một đêm có tám ức bốn ngàn vạn ý niệm. Một niệm khởi một niệm ác, thì phải nhận một thân ác nghiệp. Mười niệm ác thì phải thọ thân ác nghiệp mười đời. Trăm niệm ác thì phải thọ thân ác nghiệp trăm đời. Như vậy một chúng sanh, trong một đời, nếu một trăm năm đều sinh ác niệm, thì trong các quốc độ của ba ngàn đại thiên thế giới đầy những thân ác nghiệp của chúng sanh này.

Ác pháp đã như thế, thì thiện pháp cũng như thế. Một niệm khởi thiện tâm, thì nhận một thân nghiệp thiện. Trăm niệm khởi thiện tâm, thì thọ một trăm thân nghiệp thiện. Như vậy một chúng sanh, trong một đời, trăm năm đều khởi niệm thiện, thì trong ba ngàn đại thiên thế giới, đầy thân nghiệp thiện của chúng sanh này.

Nếu một người dùng mười năm hay năm năm để niệm Phật A-di-đà, hoặc rất nhiều năm niệm Phật, thì sau khi sanh lên nước Cực Lạc sẽ thọ pháp thân Tịnh độ, pháp thân này như cát sông hằng không có tận cùng, là bất khả tư nghị.

Cõi uế này thọ mạng ngắn ngủi, chớp nhoáng đã đối diện với cái chết. Nếu sanh sang nước Phật A-di-đà, thọ mạng vô lượng là bất khả tư nghị.

Cho nên trong kinh Vô Lượng Thọ nói, Phật nói với Xá-lợi-phất: “Phật ấy vì sao có tên gọi là A-di-đà? Xá-lợi-phất, vì tất cả trời người của thế giới trong mười phương khi sanh sang nước ấy, có thọ mạng rất dài, ngang bằng với Phật, cho nên gọi là A-di-đà.” Quý vị phải nghĩ đến lợi ích lớn này, mà phát nguyện vãng sanh.

Lại Kinh Thiện Vương Hoàng Đế Tôn nói, có người học đạo, muốn vãng sanh lên nước Cực Lạc của Phật A-di-đà, ngày đêm niệm Phật, một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày. Nếu nửa chừng hối hận, nhờ nghe công đức của bộ kinh Thiện Vương này, mà khi mạng sắp chung, sẽ có tám vị Bồ-tát bay đến, đón người ấy về nước Phật A-di-đà.

Dưới đây dẫn dụng kệ kinh Vô Lượng Thọ chứng minh, kệ khen: “Nếu có chúng sanh sanh lên nước An Lạc, liền đủ ba mươi hai tướng, trí tuệ sung mãn đủ để đi vào pháp thâm sâu, có khả năng thuyên dương Phật đạo không bị chướng ngại. Tuỳ sự bén nhạy hay trì độn của người vãng sanh mà thành tựu pháp nhẫn, không chỉ thành tựu tam nhẫn, cho đến bất khả thuyết nhẫn. Người vãng sanh chứng được ngũ thông, được tự do tự tại, cho đến khi thành Phật không còn rơi trở lại vào đường ác. Ngoại trừ vì muốn thị hiện như Phật Thích-ca Mâu-ni mà sanh vào trong đời ác năm trược. Vãng sanh nước Cực Lạc có thể thành tựu được những lợi ích như thế, vì vậy phải chí thành phát nguyện vãng sanh.”

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà