

Tâm sự đầu năm
IV - KẾT
Để kết lại, thầy sẽ kể cho quý vị hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào ngày mùng sáu Tết: Có ba mẹ con đến gặp thầy, bà mẹ hơn 60 tuổi, hai cô con gái hơn 30 tuổi, họ dắt theo hai, ba cháu nhỏ. Bà mẹ cúng dường cho thầy. Sau khi cúng dường xong, bà quay qua nói với các con của mình rằng: “Hai con nên phát tâm cúng dường cho thầy. Hôm nay, mình đến chùa, thấy chùa đẹp như thế này là thầy phải đầu tư rất nhiều. Mình phải ủng hộ để sang năm thầy có tiền làm đẹp hơn nữa. Như vậy mình mới có nơi về lễ bái, tham quan và giúp cho nhiều người cũng có nơi về lễ bái, tham quan”. Thầy nghe bà nói, trong lòng rất hoan hỷ, vì bà đã hiểu thầy phải đầu tư rất nhiều mới có được cảnh chùa đẹp như thế để mọi người về lễ bái, tham quan trong dịp Tết.
Câu chuyện thứ hai xảy ra cách đây bốn hôm, vào ngày 11-02-2014. Hôm đó, có người gửi email đến hộp thư điện tử của chùa, nguyên văn như sau:
"Kính bạch thầy, điều đầu tiên con xin chúc thầy cùng chư Tăng, Phật tử trong chùa Hoằng Pháp được nhiều sức khoẻ. Thưa thầy, từ khi bố chồng con mất được chôn trong nghĩa trang chùa Hoằng Pháp tính đến nay là 11 năm. Và con cũng đã và đang nghe những bài pháp của thầy qua đĩa. Giờ con lại được xem trên mạng Internet. Nay con có đôi điều xin thầy giảng.
Mẹ chồng con hiện được 90 tuổi. Lúc sau này già yếu, không đi chùa được. Cuối năm vừa rồi, gia đình con có đến chùa Hoằng Pháp và viếng phần mộ của bố con. Mẹ con gởi 300.000 đồng cúng chùa. Vợ chồng con đưa chị chồng con cúng. Thầy biết sao không, đến lúc về chị chồng con nói: “Cúng 100.000 thôi, chùa Hoằng Pháp giờ giàu rồi, để dành tiền cúng chùa khác”. Thầy ơi, thầy giảng đi, ngoài đời giờ con hay nghe câu đó lắm: “Chùa này giàu quá rồi, còn chùa kia nghèo”. Con nghe thấy sao sao mà không giải thích được.
Cuối thư, con kính mong thầy nhiều sức khoẻ để hoằng pháp độ chúng con trên bước đường tu. Con pháp danh là Nguyên Huyền Đoan."
Khi nghe câu chuyện này, thầy cũng mừng vì cô còn biết gửi cúng dường lại chùa. May là bà cụ đưa 300 ngàn cô ấy cúng 100 ngàn là còn tốt! Quý vị không nên nghĩ chùa giàu hay nghèo. Chi phí của chùa Hoằng Pháp nhiều lắm. Chư Tăng trong chùa hơn 100 vị, chưa kể hiện tại có bốn, năm vị đi học ở nước ngoài. Tiền cho chư Tăng ăn học không thôi đã rất nhiều rồi. Trong chùa có hơn 200 Phật tử ở làm công quả, tiền ăn hằng ngày cũng không phải ít. Cộng thêm rất nhiều thứ chi phí khác. Tính trung bình, một tháng chùa chi không dưới 500 triệu. Nếu tính gộp luôn tiền chi cho khoá tu một ngày thì một tháng phải hơn 1 tỷ đồng.
Mỗi tháng chùa Hoằng Pháp tổ chức cho Phật tử về tu một ngày. Trong một ngày tu đó, chùa phải làm tới 15.000 phần cơm hộp, tính tiền ăn không thôi đã trên 100 triệu đồng. Hôm nay, quý vị về chùa dự lễ cầu an đầu năm. Quý vị cứ tính thử xem, trên 10.000 người về dự lễ như thế này thì bao nhiêu tiền ăn phải chi? Mỗi chủ nhật, chùa đều đãi cơm Phật tử, thường thì từ 2.000-3.000 hộp. Ngày 14, ngày rằm, ngày mùng một và ngày 30, chùa cũng lo cơm cho Phật tử về ăn. Tiền đó ở đâu ra? Quý vị cứ nghĩ xem, nếu ai cũng nói chùa giàu rồi, không cúng nữa thì chắc chùa cũng đóng cửa luôn!
Qua buổi nói chuyện hôm nay, thầy hy vọng quý vị là những người Phật tử chân chính, khi đến một ngôi chùa, phải xem ngôi chùa đó làm lợi ích gì cho Phật pháp, cho chúng sinh, cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước. Nếu thực sự ngôi chùa đó làm được nhiều việc lợi ích thì quý vị cần phải đồng tâm hiệp lực, cùng nhau ủng hộ chùa để giúp cho Phật pháp ngày một hưng thịnh và làm lợi ích cho chúng sinh. Giống như ở Thái Lan, các Phật tử đã phát tâm cùng nhau xây dựng nên một trung tâm Dhammakaya nổi tiếng trên thế giới. Ở trung tâm Dhammakaya, mỗi lần Phật tử về tu học và làm lễ là mấy trăm ngàn người. Còn chùa Hoằng Pháp, chỉ 30 đến 40 ngàn người là hết chỗ rồi. Quý vị nên hiểu rằng, người Phật tử chân chính phải làm sao cho Phật pháp mỗi ngày một hưng thịnh, chùa mỗi ngày một phát triển. Bây giờ, quý vị phải làm sao cho chùa Hoằng Pháp Việt Nam của chúng ta phát triển. Hiện tại, thầy có 14 ngôi chùa chi nhánh ở các nơi, và đang phát triển qua Campuchia. Khi thầy qua bên đó, thấy người Việt Nam rất đông, đa số họ nghèo khổ, đồng thời cũng thiếu thốn về mặt tâm linh. Cho nên, thầy phát nguyện phải làm một ngôi chùa ở Campuchia. Thầy đã có một miếng đất bên đó, và hiện tại đang chuẩn bị xây chùa. Trong năm nay, nếu tiến hành xây dựng đồng loạt ở tất cả các chùa chi nhánh thì thầy cần có 100 tỷ trở lên! Nhưng, 100 tỷ ở đâu? Là Phật tử, quý vị phải làm sao thấy được việc làm của thầy, ủng hộ thầy xây được nhiều chùa hơn nữa để làm lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sinh. Bây giờ, ai cũng nói chùa Hoằng Pháp giàu rồi, không cúng nữa thì dù muốn làm Phật sự, thầy cũng không có tiền để làm. Thầy hy vọng sau buổi nói chuyện hôm nay, quý vị sẽ hiểu và thông cảm để cùng chung tay góp sức với thầy trong việc hoằng pháp lợi sinh, giúp cho Phật pháp được mở rộng hơn và làm cho chúng sinh được nhiều lợi lạc.