Cảm Nhận Khóa Tu Mùa Hè
Phải Chăng Là Hoa Trên Đá

Mỗi người là một tiểu vũ trụ”, đó là câu nói của thầy dạy Văn khi chúng tôi ngồi trên ghế nhà trường. Bây giờ khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi càng thấy sự thâm thúy của lời thầy nói. Những người tôi gặp, nếu ai có thể làm họ nói ra những suy nghĩ và sự việc họ đã từng làm, hoặc đã từng chứng kiến thì biết đâu đã có rất nhiều quyển tiểu thuyết về cuộc đời của những người tưởng tầm thường mà không tầm thường đã được xuất bản!

Họ là những cậu ấm, cô chiêu được chiều chuộng từ nhỏ, bạn bè thường gọi là “những con người sướng từ trong trứng”. Thế nhưng ai biết được mấy cô cậu có những ông bố, bà mẹ đầy quyền lực và tài sản đó lại sở hữu một trái tim có nhiều vết nứt. Họ chứng kiến những cuộc tình ngoài lề của cha mẹ, những “dự án đen” mà đấng sinh thành đã kí, rồi những tháng năm chỉ bầu bạn với vú nuôi hay người giúp việc. Tiền luôn đầy túi, bạn bè ăn chơi luôn quanh mình nhưng tình thương từ gia đình thì nghèo hơn một cậu bé bán bánh mì chỉ còn mẹ. Ừ, thì cậu ta chỉ còn mẹ nhưng ngày nào hai mẹ con cũng có bữa cơm nghèo cùng nhau, cùng kể chuyện ở trường, ở đời cho nhau nghe. Cậu ta nghèo nhưng tình yêu và sự quan tâm của mẹ cũng đã đưa cậu đến với giảng đường đại học.

Không như cậu ấm, cô chiêu cũng không như cậu bé bán bánh mì, gia đình tôi bình lặng hơn, tôi được cha mẹ tạo dựng cho mình một cuộc sống khá êm ấm cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi thầm cảm ơn tổ ấm của tôi và cũng luôn cố gắng trân trọng nó. Nếu có dịp, tôi muốn viết về cuộc đời của hai tình yêu lớn nhất đời tôi, hai con người vĩ đại đã cho tôi tất cả, cho tôi cơ hội để bây giờ được ngồi đây viết lên những suy nghĩ này. Nhưng với thời gian ngắn ngủi thế này thì có lẽ tôi nên quay lại với hai cậu bạn của tôi - hai số phận trong hàng trăm số phận tôi thường gặp.

Tôi kể về hai cậu bạn, bởi tụi nó (hai thằng quỷ nhỏ đó) là bạn cốt cán của tôi. Mà đã là cốt cán, thì hầu như chuyện gì chúng tôi cũng làm chung, mấy người bạn trong lớp nói chẳng nhìn thấy ở ba đứa tôi có điểm gì chung, nhất là hoàn cảnh gia đình. Chắc vì như vậy mà ba đứa chúng tôi có thể chơi chung với nhau suốt chừng ấy năm đại học, như những khe trống ở các ngón tay, chúng tôi lấp đầy cho nhau, bổ sung cho nhau. Quân - thằng công tử bột nhà giàu hơi quậy, phải công nhận là nó có tài trong các cuộc vui hay kế hoạch đoàn của lớp. Nó tham gia công tác đoàn vì bị phân công, bởi chất xám trong lĩnh vực đó nó hơi nhiều hơn người ta một tí thôi chứ bình thường thì nó không bao giờ chịu ló mặt ra tiếp xúc với mấy cô chú trong ban xã hội. Nó không mấy thiện cảm với những người có quan hệ giao tiếp rộng như ba mẹ nó. Trước đây, có lẽ vì ám ảnh từ gia đình, Quân khá lạnh lùng và mang vẻ ngang tàng. Sau này, Quân thường chơi thân với tôi và Lam. Lam thường phải bán bánh mì giúp ba mẹ, nên cậu ấy thường cho chúng tôi thưởng thức món bánh mì miễn phí. Thế rồi, tình bạn của chúng tôi lớn dần, và cũng từ đó Quân dần dần gỡ “lớp áo lạnh cóng” bên ngoài về nhà hai đứa tôi ăn cơm, bữa cơm không nhiều cao lương mĩ vị như nhà hắn nhưng ấm áp tình người. Nhà tôi theo đạo Phật, mẹ hay mở đĩa giảng của các Đại đức thuyết pháp cho cả gia đình nghe vào buổi tối. Lúc đó Quân đại ca thường lui tới nhà tôi ăn ké. Gọi hắn là đại ca vì đó là tên của tụi bạn cấp 3 gán cho Quân, tôi cũng không hỏi nhiều về cái tên ấy vì hình như với hắn, nó chẳng mang một ý nghĩa gì, nhất là bây giờ hắn lại không dùng đến nó. Đã có lần khi đang ăn trái cây tráng miệng thì hắn bảo sau này chắc hắn đi làm thầy tu. Thấy tôi lấy tay che miệng cười thì ba tôi đã liếc xéo và hỏi tại sao Quân lại có ý nghĩ như vậy. Nó ngước nhìn ra cửa sổ rồi nói : “Con thấy mấy ông thầy tu chẳng màng tới thế sự, suốt ngày ở trong chùa, chẳng ai làm họ vui hay giận, không buồn rầu, sân si, như hòn đá vậy…”. Ba mẹ tôi không nói gì, khẽ mỉm cười rồi giục mấy đứa ăn trái cây cho mau rồi đi ngủ. Tôi thì hiểu vì sao Quân có ý định ngớ ngẩn đó, nó đâu hợp với việc tu hành, ngay cả cái suy nghĩ so sánh thầy tu như hòn đá cũng đã làm tôi phì cười, nhưng với nó bây giờ thì có lẽ làm hòn đá cũng hợp, tính nó lì mà lại bướng bỉnh.

Ôi! Vì mấy hòn đá bạc, hòn đá vàng đó mà nó mới xách ba lô đi theo tôi và Lam lên chùa. Mấy ngày nay, tôi chỉ tính rủ Lam vì nó cũng thích đi chùa, không ngờ ngày gần đi ba mẹ hỏi tôi có rủ Quân thử chưa, kéo nó đi cho vui. Thế là ba đứa tôi cùng đi, tôi cũng bất ngờ khi Quân chịu đi, chắc là muốn coi mấy “hòn đá sống” trên chùa Hoằng Pháp thân yêu của tôi như thế nào. Dù không lui tới thường xuyên nhưng nơi đây là nơi tôi được quy y, người ta gọi là nơi chôn nhau cắt rốn nên tôi cũng thấy khá thân thuộc. Lam cũng vậy, hay đi chùa theo mẹ nên cũng không quá bỡ ngỡ với không khí    ở đây. Chỉ có Quân là hiện rõ sự bất ngờ, bất ngờ từ cách chào hỏi, nói năng tới cử chỉ, hắn bảo: “Họ hiền lành quá hen”, “tất nhiên, ở chùa mà lị”, tôi đáp rồi cười và kéo đồ vào trong. Đấy! Có hai ngày đầu mà tôi phải nghe nó nói mấy câu như : “Họ tốt ha mày”, “Chu đáo nhỉ”, “Chậc, hay đấy!”… không biết bao nhiêu lần từ lúc thức dậy, công phu sáng, nghe pháp, ăn trưa, đọc kinh, tắm giặt,… lúc nào nó cũng nhìn ra được một điều gì đó “lạ lạ” đến tội. Mà kể cũng tội thật, có lẽ ở nhà chưa bao giờ nó thấy được cái “lạ lạ” như thế. Cái lạ đó tới từ sự thanh bình, thánh thiện ở chùa, từ sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng từ những người lạ chưa từng gặp mặt… Ở Khóa Tu Mùa Hè này có hơn 3000 thanh thiếu niên từ khắp mọi nơi về tu học dưới sự chăm sóc giúp đỡ của các quý thầy, quý sư cô và mấy trăm cô chú, anh chị làm công quả. Ai cũng hoan hỷ không ngại thức khuya dậy sớm, nấu nướng, quét rửa, dọn dẹp, chăm sóc và nhắc nhở chúng tôi. Hàng trăm con người vô danh đó hình như không biết mệt mỏi để có thể chăm sóc cho hơn 3000 người trong suốt bảy ngày đêm. Ai có dịp tham gia hoặc được biết đến Khóa Tu Mùa Hè ở đây, có lẽ không thể không cảm phục tấm lòng từ bi của những con người lặng thầm đó. Với Quân, một tuần tu tập ở đây ví như một món quà rất lớn, và tôi nghĩ chắc hè này sẽ không cần vò đầu với Lam để tìm món quà sinh nhật cho nó nữa - Tôi cho nó vé đi chùa, giá trị thế mà!

Sáng mai là kết khóa trở về nhà, chiều nay Quân có nói với tôi về chuyện “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân. Nó bảo nó thấy mấy thầy ở đây giống người lái đò, những chuyến đò chở đạo và cái đẹp, những chuyến đò mang toàn cái chân, cái thiện đến cuộc đời. Những chuyến đò chở đầy tình thương một cách vô điều kiện mà không hề thu phí. Có lẽ với nó bây giờ, “mấy ông lái đò cần mẫn kia” đã lái cuộc đời nó qua một hướng khác, hướng đi tích cực trong đời sống với cái nhìn đầy cảm thông, tha thứ và bao dung. Có lẽ nó biết nó phải làm gì, nói gì để thay đổi cuộc sống đầy bế tắc và nhàm chán lúc này, và nó cũng hiểu được đôi điều về nhân quả báo ứng ở đời, những điều học được trong kinh giúp nó nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều lần. Không biết Lam nghĩ sao, còn riêng tôi, tôi thấy những biến chuyển rõ ràng trong con người Quân, yêu đời, hay mỉm cười và chịu tiếp cận với người lạ hơn. Hắn không còn giữ cái im lặng đến đáng sợ mỗi khi có tâm sự nữa. Có lẽ việc mở lòng đối với Quân là một thành công rất lớn. Nó mở lòng với các bạn đồng tu và với cả đám choai choai ở chung dãy.

Nhắc tới mấy cậu bé ở cùng phòng thật tình là khiến tôi ngán ngay từ ngày đầu tiên, trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn, cứ dở dở ương ương lại ham chứng tỏ, gặp mặt mà cứ như nhìn thấy quân thù, mà ba đứa tôi thì có thèm gây hấn gì cơ chứ, thôi thì cũng là em mình, cũng qua tuổi đó nên hiểu, tặc lưỡi ngó lơ tụi nó. Chỉ tội cho mấy thầy, quản tụi nó cũng mệt - vậy mới thấy sự dũng cảm của chùa!

Mấy buổi sáng nghe pháp thoại, nhìn sang thấy cậu ấy cũng rưng rưng, có lẽ người xưa dạy đúng, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, cái xấu mà mình nhìn thấy ở một người chỉ là những lớp bụi bên ngoài, do nhiều tác động tạo nên; khi thanh âm của cái đẹp chạm tới, lớp vỏ ấy sẽ dần mở ra và đánh thức Phật tánh bên trong, khơi dậy đức tính thiện và suy nghĩ yêu thương của con người. Cuộc đời của mỗi người cũng từ đó mà thay đổi.

- Sao trước bảo thầy tu giống cục đá, giờ thành ông lái đò à?

Tôi nháy mắt, Lam chọc.

- Thì nhận định sai, tao nhận định lại, tụi mày bắt bẻ gì.

Quân đáp, rồi cười nhẹ nhàng, nụ cười thanh thản nhất từ trước tới giờ, kể từ khi ba đứa chơi với nhau mà tôi thấy.

Mà nói là hòn đá cũng đúng, nhưng không phải đá vô tri lạnh lùng, mà những hòn đá này có lẽ được đức Phật chuyển xuống thế gian mày nhỉ? Cứng cỏi không gục ngã, vững chắc cho mọi người nương tựa, chắc mai mốt lỡ có chuyện gì tao ghé chùa xin mấy thầy cho nương tựa tinh thần vài ngày quá…!

Quân không thường nói nhiều nhưng cũng đủ cho hai đứa tôi hiểu “mấy tảng đá không màng tới thế sự” của Quân đã gồng gánh bao khó khăn để tu dưỡng nhân cách cho thế hệ măng non - tương lai của đất nước. Họ đã thổi lòng hiếu thảo, tính cảm thông, sự bao dung, lương thiện vào lứa tuổi đầy biến động này, bao nhiêu con người, bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu tính cách… và sau này sẽ có bao nhiêu số phận được tạo ra từ hơn 3000 bạn trẻ đang tụ họp ở đây. Thử tưởng tượng một cô bé, cậu bé nào đó, như đám choai choai ở chung dãy tôi, cứ giữ những suy nghĩ và hành động sai lệch để vào đời thì tương lai của các cô cậu đó liệu có gắn liền với hạnh phúc không? Có lẽ là không và quan trọng hơn là mỗi con người như một vòng tròn trên mặt nước. Khi vòng tròn này được tạo ra sẽ tác động và hình thành những vòng tròn khác - người ta có thể nghĩ tới những cuộc đời sẽ bị ảnh hưởng từ một con người mang trong mình suy nghĩ và hành động không đúng đắn ở tương lai. Giống như thế, khi một ai đó được thức tỉnh và giác ngộ, họ như những bông hoa đầy hương sắc đến với cuộc đời, tỏa hương lành đi xa và cho những trái thật ngọt. Những bông hoa ấy không chỉ làm đẹp cho thế hệ này mà còn lưu giữ những tinh hoa cho thế hệ sau, sau nữa. Và ở đâu mà ra? Có phải chính suối nguồn an lạc trong những “tảng đá” thầm lặng ở chùa, đã nuôi dưỡng cho những bông hoa đâm chồi, nảy lộc và tỏa hương muôn nơi. Những tảng đá tưởng như đã gác mọi sự quan tâm tới nhân thế nhưng thật ra lại đang sừng sững đương đầu với bụi trần để đi tìm hạnh phúc cho muôn người. Không cần câu trả lời vào lúc này, bởi Quân, Lam, tôi và hàng nghìn bạn trẻ sáng mai phải quay về cuộc sống hằng ngày sẽ hiểu! Ba lô, hành lí của chúng tôi đã nhiều hơn lúc đi nhưng lòng lại nhẹ hơn thật nhiều; bao tư tưởng sai lệch, bao thù hận, hờn ghen, oán trách về cuộc đời được gỡ bỏ để trống chỗ cho gói bao dung, kiên trì, nhẫn nại, niềm tin, hy vọng, nỗ lực,… của các vị “đá tảng” ấy. Những gói hạt giống ấy rồi sẽ được bao người nhân lên tầng tầng lớp lớp để thành những đóa hoa khoe sắc, tỏa hương giữa cuộc đời lắm chông gai này.

Có ai đó từng nói: “Cuộc đời là một câu chuyện, mục đích của mỗi một đời người là sống sao cho câu chuyện về họ trở thành nguồn cảm hứng và mang lại những cảm xúc mạnh mẽ cho người khác”. Cuộc đời của các thầy, các sư cô, các cô chú, anh chị bảo vệ, công quả ở nơi này  có lẽ đã truyền cảm hứng không nhỏ cho biết bao số phận con người, trong đó đặc biệt là lớp trẻ chúng tôi. Và bản thân tôi cũng đã có cảm hứng để viết lên những dòng suy nghĩ này. Khi về nhà có lẽ tôi sẽ có nhiều tư liệu hơn để viết về cuộc đời hai con người vĩ đại đang chờ tôi ở nhà. Sau bảy ngày tu học đáng giá này, tôi, Quân và Lam cùng nhiều bạn khác cũng đã có những dự định tương lai cho riêng mình, các dự định được khơi nguồn từ những cảm hứng đầy giá trị nhân đạo!

Lê Thành Hưng

Sách cùng thể loại
Bức Thư Gửi Phật
Bức Thư Gửi Phật
Nhiều tác giả
Hè Về
Hè Về
Nhiều tác giả
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc
Nhiều tác giả
Lời Con Kể
Lời Con Kể
Nhiều tác giả
Lời Trái Tim Muốn Nói
Lời Trái Tim Muốn Nói
Nhiều tác giả
Hạt Từ Tâm
Hạt Từ Tâm
Nhiều tác giả