
Sâu Thẳm Lòng Con
Thế là đã một tuần con rời xa mái già lam Hoằng Pháp, bỏ lại câu kinh tiếng kệ để trở về với cuộc sống hằng ngày. Những ngày được sống nơi mái chùa này thật sự là những ngày trải nghiệm đầy quý giá đối với con.
Những ngày đầu, con vẫn còn hơi bỡ ngỡ về cuộc sống và giờ giấc sinh hoạt nơi đây. Nhưng rồi thấm thoát 7 ngày trôi qua thật nhanh chóng và vội vã, dường như đã làm con quên đi mọi muộn phiền trong kiếp mưu sinh. Lòng thật thanh thản, bước đi khoan thai dưới sân chùa, thấp thoáng có đôi bóng các nhà sư đang dõi mắt theo chúng con, những đứa con mà người chưa từng biết trước đây và cũng chẳng thân thích quyến thuộc. Thế nhưng, quý thầy đã lo lắng, quan tâm, chăm sóc và động viên chúng con như những người cha hiền, còn chúng con là đàn con thơ dại. Chúng con cảm thấy thật ấm áp trong vòng tay che chở yêu thương của quý thầy.
Đến với nơi đây để chúng con biết cách “sống chậm lại”, vì bấy lâu nay chúng con luôn chạy theo kiếp mưu sinh, sống theo thời đại vật chất mà vô tình quên đi những giá trị tinh thần chân thật trong cuộc sống này. Biết sống chậm lại là gì? Là sống chân thật với ta trong từng giây phút, trong từng hành động ta rõ biết ta đang nghĩ gì và làm gì. Rồi trí tuệ như là ngọn đèn để ta nhìn nhận lại những vấn đề hay những sự việc đã và đang diễn ra.
“Sống chậm lại để ta biết quý trọng từng phút giây ta đang sống”. Thử nghiền ngẫm lại, bấy lâu nay chúng con đã sống như thế nào? Đã làm được những gì cho cuộc đời này hay chỉ là những vật sống vô tri giác. Thì mới hay bấy lâu nay chúng con đã sống chưa thật sự tốt, còn buông thả rất nhiều và rồi đã để thời gian trôi qua luống uổng trong những cuộc vui chơi, bè bạn, tình yêu trai gái... Vì rằng còn biết bao hoàn cảnh khó khăn hơn chúng con nhiều, thế nhưng họ sống thật tốt và trọn vẹn với mình trong từng phút giây. Được ngồi tâm sự với một chị làm công quả tại chùa Hoằng Pháp làm chúng con càng thêm hổ thẹn và cảm thấy quý hoá làm sao trước gương hạnh, ý chí sống kiên cường của chị. Chị kể cuộc sống của chị phải xa gia đình bôn ba khắp nơi để mưu sinh kiếm sống. Chị vào Sài Gòn để học một nghề mưu sinh. Có khi vì đói quá chị phải nhặt lấy những thức ăn vụn trong các thùng đựng thức ăn thừa. Thế rồi cơ may đến, chị có dịp để học vẽ tranh, nghề mà chị rất thích và đam mê - chị nói: “Có khi mê vẽ tranh quá rồi chị vẽ suốt ngày, những buổi trưa nắng mọi người đều vào nghỉ chỉ mình chị là ra bãi biển để kịp vẽ lại đôi nét”, thế nhưng nghiệp vẽ tranh cũng không thành. Rồi đến những biến cố trong cuộc đời chị em chị. Có lần vì bảo vệ đứa em bị người xấu ức hiếp, chị giận lên đến nỗi phải cầm cây hù doạ là đập bọn họ nếu còn ức hiếp em chị. Một lần khác, chứng kiến cảnh người ta đâm chém nhau, mọi người đều chạy tán loạn, thế nhưng chỉ mình chị là bình tĩnh và mạnh mẽ để kịp thời tước lấy con dao của kẻ bạo tàn. Người thân của chị cho rằng việc làm đó là không đáng và ngu ngốc (dại gì phải bỏ mạng cho người dưng) - thế nhưng chị nói rằng: “Nếu lúc đó chị không ra tay thì con dao ấy có thể lấy đi mạng sống của người kia”. Rồi một lần khác là chị gặp một cụ bà sống cô khổ ở bệnh viện, vì không có tiền về xe nên chị đã đưa hết 50.000 đồng còn lại trong túi mình cho cụ (lúc này chị đã làm công quả cho chùa), chị tâm sự: “Mình còn trẻ còn có thể đi lại được, còn bà cụ thì tuổi cao sức yếu làm sao có thể đi bộ xa được nên tiền đó cho bà đáng lắm”. Có người hỏi chị: “Thế có khi người ta gạt tiền mình thì sao? Và chị nói: “Chị không tính toán đến chuyện đó, nếu mình dùng tâm gì để đối xử với những người xung quanh thì rồi họ cũng sẽ đối xử với mình theo cách tương tự”… Câu nói ấy làm con cảnh tỉnh và suy nghĩ thật nhiều. Có phải bấy lâu nay mình đã sống quá thờ ơ và chỉ nghĩ cho riêng mình hay không? Có phải mình quá vô tâm trước những nỗi khổ của người khác hay không? “Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai” nhưng mình đã biết sống vươn lên hay chưa? Sống một cuộc sống hướng thượng hay chưa?...
“Sống chậm lại để ta biết ơn những người mà ta thụ ơn”. Mỗi ngày, chúng con đều được dạy dỗ và nhắc nhở về công ơn của cha mẹ, ơn thầy tổ, công ơn Phật, Pháp, Tăng, công ơn trời, người, ơn Tổ quốc… rồi từ đó để chúng con biết sống làm sao cho thật là cao đẹp. Cụ thể với những đoạn thơ bốn câu trong khoá lễ buổi sáng:
"Con xin nhớ ơn cha
Con xin nhớ ơn mẹ
Cha mẹ sinh con ra
Cho con thân thể này.
Con xin nhớ ơn Thầy
Chỉ dạy những điều hay
Tri thức và nghề nghiệp
Tiếp sức sống cho con.
Con xin nhớ ơn Phật
Là bậc đủ phước trí
Khai thị rõ đường mê
Đưa con về bờ giác.
Con xin nhớ ơn Pháp
Là ngọn đuốc sáng soi
Dẫn con về nẻo chánh
Xa lánh hẳn đường tà.
Con xin nhớ ơn Tăng
Là bậc Thầy thanh tịnh
Giới đức thật trang nghiêm
Bậc mô phạm chúng sinh.
Con xin nhớ ơn trời
Đã che chở cho con
Con xin nhớ ơn đất
Cho con đủ vật sống.
Con xin nhớ ơn người
Đã cung cấp cho con
Từ miếng ăn ngon ngọt
Đến áo quần đẹp xinh.
Xin nhớ ơn Tổ quốc
Người lãnh đạo nước nhà
Bảo vệ đất nước ta
Hòa bình và an lạc.
Từ khi có thân này
Cho đến ngày khôn lớn
Nhờ biết bao ân đức
Công sức của vạn loài.
Thân người quý biết bao
Con nguyện sống làm sao
Cho thật là cao đẹp
Không hổ thẹn kiếp người.
Nguyện trau dồi đạo đức
Lo mở mang tri thức
Thân cận thầy bạn hiền
Thương yêu kẻ cô khổ.
Vâng lời thầy dạy dỗ
Hiếu thảo với mẹ cha
Trên kính trọng ông bà
Dưới hoà thuận anh em.
Xin đem lòng thành kính
Quy y Phật, Pháp, Tăng
Hằng đến chùa học đạo
Sống cuộc đời thanh cao.
Vâng lời Phật dạy bảo
Không làm các việc ác
Siêng làm các điều lành
Giữ tâm ý tịnh thanh.
Nguyện thực hành năm giới
Không sát sanh hại vật
Không cướp giật của người
Không lả lơi tà hạnh.
Luôn nói lời chân chánh
Không vọng ngữ ác ngôn
Không cờ bạc rượu chè
Cùng xì-ke ma tuý.
Không để bị mê hoặc
Bởi các cuộc ăn chơi
Đua đòi theo thời mốt
Thiêu đốt cả bạc tiền.
Nguyện siêng năng học tập
Sau giúp ích cho đời
Mỗi ngày thêm đẹp tươi
Mọi người được hạnh phúc.
Xin cầu chúc tất cả
Sống hoà thuận bên nhau
Thế giới hết khổ đau
Chúng sinh thành Phật đạo.
Thành kính lễ Tam Bảo
Đức Bổn sư Thích-ca
Đức Phật A-di-đà
Chứng giám cho lòng con."
Có thể nói về đây để chúng con có dịp sống chậm lại để được nghe, để được thấy, để suy nghĩ và cảm nhận được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Có câu hát: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…; người ơi làm người ở trên đời, nhớ công người nuôi dưỡng đó mới là hiền nhân…”, chúng con ngẫm nghĩ, suy nghiệm lại mới thấy mình thật bất hiếu, không xứng đáng với hai từ hiền nhân. Những dòng kinh Vu Lan mà chúng con tụng đọc vào mỗi buổi tối tại đây khiến con không khỏi xúc động. Ôi! Thật cao cả biết bao trước tình thương bao la của mẹ, và cha. Dù chúng con có dùng giấy mực viết không ngừng nghỉ cho đến hết cuộc đời, rồi từ kiếp này sang kiếp khác cũng không thể nào tả hết được tình thương bao la của mẹ, và nỗi nhọc nhằn gian khổ của cha. Để có được những đồng tiền cho chúng con tham dự khoá tu này, cha mẹ đã phải lao động gian khổ, khó nhọc, đã đổ bao mồ hôi và nước mắt. Vì ý thức được điều đó nên chúng con nguyện tu học thật tinh tấn trong những ngày có mặt nơi đây, để rồi sau này bước ra đời có được một hành trang vững chắc.
Quý thầy còn chỉ rõ cho chúng con thấy được những công ơn mà chúng con thụ hưởng là từ vạn loài: từ bác nông dân gian khổ để có hạt gạo, bát cơm, rồi đến y phục, quần áo chúng con đang thọ dụng cũng nên biết ơn người may dệt… Rồi ơn của thầy tổ đã duy trì mạng mạch Phật pháp để đến ngày hôm nay, chúng con mới có dịp trở về nơi đạo tràng Hoằng Pháp này để nương tựa và tu học. Rồi ơn đồng bào Tổ quốc, ơn đàn na thí chủ đã cúng dường về tài sản vật chất, ơn của quý thầy, các cô chú công quả đã cực khổ sớm hôm, hy sinh thời khoá tu tập của mình để phục vụ cho chúng con những bữa ăn thật ngon ngọt, bổ dưỡng, mà chứa chan trong đó biết bao nghĩa tình.
“Sống chậm lại để ta biết trân quý những gì mà ta đang có”. Nhiều bạn trẻ như chúng con trước khi đến với khoá tu vẫn không biết quý trọng những thứ mà mình đang có. Đó là mái ấm gia đình có cha và có mẹ, nhiều lúc lại quên mất đi sự quan tâm của con cái đối với cha mẹ. Chúng con chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà chưa bao giờ nghĩ cho cha mẹ, chúng con đua đòi thứ này thứ khác để theo kịp chúng bạn, đôi lúc còn quậy phá, ngỗ nghịch làm cha mẹ phải rầu lo, rồi đâm ra bệnh tật. Ôi! Thật tội lỗi biết bao, thật bất hiếu biết bao khi chúng con đã làm mẹ khóc, đã làm cha phải nén lòng lặng câm để đánh những đòn roi vì con ngỗ nghịch.
Có câu nói:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Xin hãy biết trân quý và yêu thương cha mẹ, dù cho cha mẹ có thế nào đi nữa thì người vẫn là người đã sinh ra ta, nuôi nấng ta. Cha mẹ thương ta mà không tính toán, với tình thương thật cao cả, tình thương không vụ lợi, và dù cho con có thế nào đi nữa thì cha mẹ vẫn không bao giờ bỏ con. Bạn bè ta có thể là tri kỷ khi ta giàu sang, ngoảnh mặt khi ta cùng túng, còn cha mẹ thì không. Người yêu ta, vợ chồng ta có thể bỏ ta đi theo duyên mới còn cha mẹ thì không. Người xung quanh ta có thể hãm hại ta, hay thân cận ta vì vụ lợi, còn cha mẹ thì không. Vì vậy, cha mẹ ta còn hơn cả tri kỷ vì luôn biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm. Cha mẹ còn hơn cả tình nhân vì không bao giờ phản bội ta. Cha mẹ ta còn hơn cả những người bạn đồng hành tốt vì không đòi hỏi ta phải đền đáp bao giờ.
Trước khi đến với khoá tu chúng con vẫn tưởng là việc báo hiếu chỉ đơn thuần là học hành thật giỏi, có được một việc làm tốt, một mức lương tốt, rồi về sau mới báo hiếu với cha mẹ. Thời gian học phổ thông con cố gắng học thật giỏi, ngày ngày vùi đầu trong sách vở. Mải mê với những tuồng chữ, con số mà ít khi quan tâm đến sức khoẻ và cảm nhận của cha mẹ, con chỉ biết học rồi lại học. Hằng ngày, học về là có cơm ngon, canh ngọt để ăn, rồi lại lăn ra học. Nhiều lúc, con thấy mình quá khô khan và khó chịu vì khép mình trong những nguyên tắc đặt ra. Con trầm tính ít nói, lại rất cộc, làm cho cha mẹ không dễ dàng gì để hiểu được con. Đôi lúc vì tiết kiệm lời nói, cha mẹ hỏi chuyện cũng không trả lời. Những lúc ngỗ nghịch con còn nóng nảy, phùng mang trợn mắt với cha mẹ, nhớ lại con thấy mình thật bất hiếu. Cha mẹ vẫn lặng im và dõi theo từng dấu chân con, thường hay động viên con cố gắng học tập, răn dạy con nên biết sống sao cho tốt.
Thế rồi trải qua bao biến cố, cuối cùng con cũng vào được đại học. Những ngày đầu xa nhà, thật sự là những ngày rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề, cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những đêm nhìn ra mái hiên trời mưa lâm râm, lòng nhớ mẹ cha đến chảy nước mắt. Rồi có cơ duyên con được biết đến Phật pháp, đọc những lời Phật dạy con nhận ra sai lầm và sám hối tội lỗi bất hiếu của mình. Khoá tu này làm chúng con hiểu rõ hơn là mình đã sai vì cha mẹ không cần những thứ vật chất xa hoa ở bên ngoài, mà muốn được thấy con mình đã trưởng thành, đã lớn lên như thế nào? Cha mẹ không cần gì hết, bởi vì con là tất cả đối với cha mẹ rồi! Con hiểu ra rằng hãy quan tâm, lo lắng, chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình đối với cha mẹ. Hãy biết vâng lời cha mẹ, tuy là việc làm nhỏ nhặt nhưng đã có thể báo hiếu cha mẹ rồi.
Đó là cái hiếu mà bất cứ người con trên đời này đều nên làm để cha mẹ được vui vẻ, hài lòng với cuộc sống hiện tại, thế nhưng con nhận ra một điều là làm sao đưa cha mẹ thoát vòng đau khổ trầm luân này mới là vấn đề trọng đại. Vì rằng:
“Hiếu thế gian cơm bưng nước rót
Hiếu xuất gia giải thoát luân hồi”
Nên chí nguyện của con là muốn xuất gia theo Phật, ngõ hầu đem chánh pháp đến với cha mẹ và mọi người, mọi loài, để chúng ta cùng nhau tu tập, vượt thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử này.
Chí nguyện đó con xin phát nguyện, tự nhủ lòng một ngày khi duyên trần tạm lắng con sẽ từ bỏ cuộc sống thế tục để sống đời thanh cao. Vì rằng con thấy mình cần giới thiệu Phật pháp đến với cha mẹ để cha mẹ tin, hiểu, áp dụng để rồi có được lợi lạc trong cuộc sống. Nguyện cầu Tam Bảo từ bi gia hộ cho đệ tử Bồ-đề tâm kiên cố, đồng nguyện cầu cho chúng sanh được trí huệ sáng suốt, chóng quay về bờ giác.
Phước Hậu