Sâu Thẳm Lòng Con
Ngày 4 tháng 7 năm 2013, ngày tôi vừa tròn hai mươi, một dấu ấn cho tuổi trưởng thành. Là người con duy nhất trong gia đình, tôi luôn được ba mẹ nuông chiều. Để có điều gì đó thật đáng nhớ trong ngày sinh nhật của mình, tôi đã quyết định tham dự Khóa Tu Mùa Hè ở chùa Hoằng Pháp. Hôm nay, không tiệc tùng, không lời chúc tụng, không quà, không bánh kem, không đèn nến, chẳng có những cuộc dạo chơi đình đám, không có cả cha mẹ kề bên nhưng đổi lại tôi đã được đắm mình trong sự thanh tịnh của một tuần tu hành thật sự. Tôi có những nốt lặng giữa đời để soi lại mình trong gương, để thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhàng. Tôi mạnh mẽ, ít rơi lệ và thích ngắm nhìn nụ cười của mọi người quanh mình để biết cuộc sống còn những giây phút đáng trân quý, dù dòng đời vẫn còn nhiều nỗi muộn phiền, âu lo.
Vì đây là lần đầu tiên tham dự khóa tu nên tôi thấy lạ lẫm và gặp phải nhiều sự cố ngoài ý muốn. Ở nhà, tôi không phải làm bất cứ việc gì cả, có lẽ điều này đã làm tôi hình dung cuộc sống thật đẹp, được bao trùm trong một khoảng không gian màu hồng thật hạnh phúc. Vào đây, tôi phải tự mình giặt đồ, không được ăn những món mình thích vào bất cứ lúc nào như ở nhà, tôi còn phải thức dậy thật sớm khi mặt trời chưa ló dạng. Những ngày đầu, tôi cảm thấy đói lả và mệt mỏi cả người vì không được ăn uống phi thời và không được ngủ “nướng” như ở nhà, tôi nghĩ mình sẽ mau bỏ cuộc với khó khăn này…
Rồi một ngày, tôi đã nghẹn ngào khi bắt gặp bóng dáng mảnh khảnh, lum khum, lau lau, quét quét trong căn phòng không một bóng người. Nắng vàng chiếu rọi làm khu nhà ánh lên một sắc màu vàng óng, thấp thoáng bên trong là bóng dáng của một cô công quả đang cặm cụi dọn sạch những gì chúng tôi bày ra. Nhìn cô, tôi chợt nhớ lại những ngày còn bé, khi mẹ dọn những món đồ chơi của tôi. Trên khuôn mặt cô, tôi thoáng thấy có chút đượm buồn. Lúc này tôi mới chợt nhận ra một điều, trong khi tôi đang hạnh phúc thì có nhiều người vất vả đến thế. Tôi theo một chị xuống rửa chén sau giờ ăn, thật không thể tưởng tượng nổi là hơn ba ngàn cái chén sẽ như thế nào, tôi tò mò theo chị vì muốn xem ngoài hình ảnh cô công quả lau nhà hôm ấy, đằng sau còn ai vất vả nữa hay không? Câu trả lời là còn rất nhiều, chén bát nhiều đến độ rửa nhăn cả da tay nhưng không làm nhăn đi khuôn mặt rạng rỡ của mọi người. Nhà bếp là nơi duy nhất tôi thấy không bao giờ nghỉ, luôn huyên náo bận rộn, tiếng bát đĩa, chảo nồi va vào nhau lách cách; đến đêm khuya tôi vẫn còn ghe thấy âm thanh này. Có đêm chính nó là âm thanh cuối cùng tôi nghe khi chìm vào giấc ngủ. Có lần sau giờ tụng kinh Vu Lan, ngang qua nhà bếp, tôi thấy bếp vẫn còn hừng than đỏ nóng, Còn đằng sau nhà rau là hàng đống rau chưa nhặt, cùng những chiếc nồi cơm lớn nghi ngút khói trắng. Tôi được nghe có đêm các thầy chỉ ngủ có hai tiếng, cũng có đêm thức trắng trông cơm. Vốn không thích chạy nhảy huyên náo, tôi chọn cho mình một góc sân, ngắm nhìn chùa trong buổi xế chiều. Tôi lại trò chuyện cùng một người bảo vệ, người ấy bảo các thầy tội lắm, các thầy đều bị quở trách khi chúng tôi quậy phá lúc đêm khuya hay nói chuyện to tiếng làm mất đi bầu không khí trang nghiêm của chùa; bác bảo vệ rưng rưng tròng mắt, tôi biết được có nhiều chuyện bác không tiện kể ra đây, để chúng ta có thể thoải mái cười đùa vui chơi, giữ cho nụ cười chúng ta luôn hồn nhiên trong sáng. Ban đêm đi vệ sinh, tôi cứ ngỡ sẽ sợ lắm, nhưng không, các sư cô và các chị bảo vệ ngồi dọc hết các hành lang, đã khuya rồi mà mọi người vẫn chưa nghỉ lưng.
Các bạn ơi, chúng ta đã đi quá giới hạn của mình rồi, dừng lại thôi, đừng làm các thầy, các cô chú công quả thêm buồn, thêm thất vọng. Phải chăng ánh mắt buồn của cô công quả tôi đã thấy là vì chúng ta? Tôi ở lại đây đến được ngày hôm nay là vì những người ở đằng sau ấy, những người xa lạ nhưng họ lo lắng, chăm sóc cho tôi như một gia đình, là gia đình bảy ngày.
Nguyễn Hồng Hoàng Nhi