Sâu Thẳm Lòng Con
Con… có lẽ đã đánh mất chính mình trong bộn bề lo toan của cuộc sống. Con không cần một thế giới thật to, vì bước chân con ngắn lắm. Con chỉ cần một cuộc sống bình thường, đủ để con bắt kịp và chạy theo. Nhưng… dường như con đã sống quá vội vàng khi ngày qua ngày con mãi chạy theo những cái hư vô, chạy theo những phù du của cuộc đời mà vô tình đã bỏ lại sau lưng những thứ quan trọng hơn tất cả.
Thuở bé, ngày nào cũng thế, cha thường chở con đi học. Vì nhà ở một xã nhỏ, nơi ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mùa lũ, nước dâng cao tràn cả vào nhà. Khổ lắm mỗi buổi sáng trời lạnh cóng, nước trên đường ngập đến đầu gối. Khi sương vẫn còn đọng trên những bông hoa chớm nở, người lớn thì tất tả đi làm, trẻ nhỏ thì hối hả đi học, ai cũng cố gắng vượt qua quãng đường dài đầy khó khăn. Còn con thì vô tư ngồi trong một cái thau vừa đủ để con thích thú vùng vẫy, nghịch phá cùng dòng nước. Trong tiềm thức của một đứa trẻ, con vẫn nhớ như in dáng cha khỏe mạnh, đôi tay chắc nịch cơ bắp của một người đàn ông suốt ngày làm việc vất vả giữa ruộng đồng. Bằng đôi tay rắn chắc ấy, cha đẩy con giữa bể nước mênh mông để đến lớp. Cha mệt lắm, con biết điều đó nhưng cái nụ cười nhân hậu của cha xua tan tất cả. Những năm đầu đi học, hai bàn tay nhỏ bé của con, ôm chặt lấy cha từ phía sau suốt quãng đường dài. Con có cảm tưởng rằng dù mình có cố gắng với tay đến đâu thì cũng chẳng thể ôm hết người cha… giống như không thể hiểu hết được tình cha dạt dào đến chừng nào.
Cũng bởi hai chữ “sinh” mà cha luôn mang nặng trong lòng, đó là “mưu sinh” và “hy sinh”. Đặc biệt, đôi mắt cha con luôn đỏ, cái vẻ nhọc nhằn của người trụ cột trong gia đình in hằn trong đôi mắt đỏ ngầu như vừa khóc ấy. Cha không như nhiều người cha khác, không dẫn con đi mua váy đẹp, không đi công viên… và cũng chẳng giống mẹ, thể hiện tình cảm bằng những cái ôm, cái xoa đầu khen ngoan hay ân cần chăm sóc những những lúc con bệnh… Cha con suốt ngày lầm lũi với những công việc thường nhật, cha thầm lặng trong một tình yêu vợ con vô bờ bến.
Thời gian dần trôi qua, có lẽ chính con đã vô tình tạo nên khoảng cách vô hình giữa hai cha con. Con từng ước có một cây kéo đủ sức mạnh để cắt đứt sợi dây vô hình ấy nhưng… khó quá cha ơi! Những lúc con sai, con gắt gỏng, con bỏ đi chơi, con không nghe lời cha mẹ và bà, đã làm cha mẹ buồn. Cha không khóc như mẹ trong nỗi đau vì đứa con ngỗ nghịch, cha âm thầm nhìn ra xa, vào một khoảng không nào đó bằng đôi mắt tuyệt vọng, mong con quay lại là chính mình, là đứa con ngoan ngoãn như ngày xưa.
Giờ đây con nhận ra, dù bể đời có bao la đến đâu thì con tin rằng: “Con sẽ không bao giờ lạc lõng, cô độc, bởi phía cuối con đường kia con vẫn luôn có cha bên cạnh, luôn có một bờ vai để con dựa vào những lúc mệt mỏi, có một vòng tay ấm áp sẵn sàng đón con về, lúc con vấp ngã”.
Cha ơi! Con đang ở trong mái chùa Hoằng Pháp, con đang cho tâm mình tĩnh lặng để suy nghĩ về những lỗi lầm, những ray rứt, ân hận của một đứa con bất hiếu… và con nhớ đến cha, con không có thói quen, hay đúng hơn là không có can đảm để chạy đến trước cha nói: “Con yêu cha”. Bởi con nghĩ, nói thì dễ, ai cũng có thể nói nhưng cái khó là có mấy ai làm được, làm sao để chứng minh câu nói ấy mới là điều quan trọng. Bỗng nhiên con nhớ đến bài hát mà cha thường hát những lúc được thảnh thơi, chợt khóe mắt con cay cay: “Và nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh. Và cha nằm ôm con, sưởi ấm những đêm dài. Nhẹ nhàng hôn con, rồi cha khẽ nói, này con yêu ơi, con hãy nhớ. Hãy nhớ lời cha sống cho nên người…”. Chưa bao giờ con làm được như thế cha nhỉ? Con đã lớn lên và trưởng thành theo cách riêng của con, mà không nghĩ đến cảm giác và nỗi khổ của cha mẹ. Con xin lỗi cha, ngàn lần xin lỗi cha. Con không dám mong cha tha thứ cho những lỗi lầm của con, con chỉ mong sao cha sống thật lâu để thấy con làm lại cuộc đời, bù đắp cho sai lầm của con… và cha hãy cứ bên con, yêu thương con thật nhiều cha nhé, vì chỉ có như thế con mới đủ sức mạnh và niềm tin để bước tiếp trên quãng đường đầy chông gai phía trước…
Con xin cảm ơn quý thầy đã tổ chức khóa tu để chúng con có một môi trường lành mạnh, vui vẻ sinh hoạt, tu tâm dưỡng tính, nhìn lại mình và nhận ra sai lầm. Con xin cảm ơn quý Phật tử, các công ty đã cúng dường, các cô chú anh chị công quả đã ngày đêm cực nhọc để phục vụ chúng con có những bữa ăn thật ngon mà không bao giờ than thở. Rồi mai đây con rời xa mái chùa yêu thương này để bước ra thế giới rộng lớn kia với cuộc sống vội vã tấp nập. Con sẽ nhớ lắm những giây phút “sống chậm” ở chùa, nhớ lắm… nhưng con tin bản thân con sẽ thay đổi, không làm cho ba mẹ buồn lòng vì con nữa… bởi… con đã lớn rồi!
Nguyễn Thị Hải Yến - TP. Hồ Chí Minh