Sách HT. Thích Chân Tính
Nguyên nhân sát sinh

Vì sao người ta lại giết hại động vật? Có rất nhiều lý do như: để cúng cho người chết, để bán, để ăn, hay thậm chí chỉ để mua vui,… Bây giờ chúng ta hãy cùng xem xét các lý do này.

Lý do thứ nhất là giết các con vật để cúng cho người chết: Xin hỏi quý vị, người đã chết rồi, chúng ta cúng họ có ăn được không? Chắc chắn là không. Mâm cơm cúng người chết xong, còn hay hết chúng ta đều rõ cả. Mang tiếng cúng cho người chết mà sau đó toàn người sống ăn chứ người chết có ăn đâu.

Có câu chuyện tên là “Chuyện chàng Sujata”[7] nằm trong kinh Tiểu Bộ như sau:

Có chàng trai tên Sujata rất thông tuệ. Khi ông nội của chàng mất, cha chàng rất đau lòng, ngày nào cũng khóc thương và nấu thức ăn dâng cúng. Thấy vậy chàng trai rất muốn khuyên ngăn cha, nhưng nói thế nào cũng không được. Chàng tìm mọi cách giúp cha chuyển hóa để ông bớt đau khổ và không còn cúng bái như thế nữa.

Một hôm, khi đang đi ngoài đường, bỗng chàng nhìn thấy một con bò nằm chết; nhận thấy rằng đây là cơ hội để thức tỉnh cha mình, chàng trai bèn mang một nắm cỏ đến chỗ con bò đang nằm và gọi liên hồi:

  • Bò ơi! Dậy ăn cỏ đi. Bò ơi! Dậy ăn cỏ đi.

Những người hàng xóm thấy vậy liền chạy về báo ngay cho người cha biết. Họ nói rằng:

  • Ông ơi! Con của ông bị thần kinh rồi kìa.

Người cha nói:

  • Con tôi khỏe mạnh lắm mà! Có bị thần kinh gì đâu!
  • Nó bị thần kinh rồi! Thấy nó cứ cầm cỏ gọi một con bò dậy ăn, trong khi con bò đó đã chết!

Nghe vậy, người cha chạy ra chỗ đứa con và nói:

  • Này Sujata, con không được bình thường đấy ư? Con bò này chết rồi thì làm sao nó ăn được nữa?

Chàng trai nói:

  • Thưa cha, con bò chết, xác nó còn đây mà con cho cỏ nó còn không ăn được. Vậy người chết đã đem chôn rồi mà còn khóc, còn cúng cơm thì làm sao họ ăn được?

Người cha tỉnh ngộ, kể từ đó, ông không còn khóc và cúng cơm cho người đã chết nữa.

Cổ nhân có câu nói rất đáng suy ngẫm: “Sống không cho ăn, chết làm văn cúng ruồi”. Có lẽ chúng ta cúng vì lòng thương, lòng tưởng nhớ đến người đã mất. Nhưng đã là người học Phật thì chúng ta cần phải hiểu rằng, sau khi chết chúng sinh sẽ luân hồi trong sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và trời. Nếu người chết đã tái sinh làm người, làm thú, đọa địa ngục hay lên cõi trời,... thì dù thân nhân có cúng, họ cũng đâu ăn được. Như vậy, chúng ta phải hiểu cho đúng, cúng để tưởng nhớ người chết chứ không phải để người chết ăn. Khi cúng tổ tiên thì chỉ cần làm mâm cơm chay là được rồi, không nhất thiết phải sát sinh, hại vật. Nếu cúng mặn thì không những ông bà, cha mẹ quá vãng không ăn, không hưởng được, mà bản thân chúng ta lại phải mang tội sát sinh.

Lý do thứ hai là giết để bán: Có những người mưu sinh bằng cách giết heo, bò, gà, vịt,... để đem bán lấy tiền. Đây được gọi là nghề sát sinh hay nghề đồ tể. Muôn loài đều bình đẳng, đều có được quyền sống, chính vì vậy nếu cắt đứt mạng sống của chúng sinh là tội ác. Ai sát sinh sẽ phải chịu quả báo rất nặng và những người làm nghề đồ tể sớm muộn gì cũng phải gánh chịu khổ đau cùng cực. 

Đức Phật dạy rằng, đối với tội sát sinh thì quả báo đầu tiên là bị đọa vào cảnh giới địa ngục, sau đó là ngạ quỷ, tiếp đến là súc sinh. Quý vị thử nghĩ xem, nếu có người cả một đời làm nghề sát sinh thì phải trôi lăn trong ba đường ác không biết đến ngày nào mới được ra? Kiếm tiền bằng nghề sát sinh có thể giàu lắm, lợi lắm, được no bụng đấy, được sung sướng đấy; nhưng sau khi từ giã cõi đời chắc chắn sẽ phải chịu đau khổ. Vậy người có trí cần biết cân nhắc, lựa chọn nghề nghiệp chân chính để nuôi thân, không nên vì lợi ích nhỏ bé trước mắt mà phải chịu tổn hại lớn về sau.

Người Phật tử nên chọn nghề nghiệp không gây hại cho mình, cho người và tránh xa những nghề sát sinh, hại vật. Đó chính là thực hành chính mạng, hay nói cách khác là chúng ta đang nuôi mạng một cách chân chính. Người đời không biết, không hiểu nhân quả nên người ta mới làm nghề sát sinh. Còn chúng ta đã biết đến Phật pháp rồi thì cần phải tìm những nghề lương thiện, tốt đẹp, không hại mình, hại người mà làm. Người có trí tuệ và lòng từ bi thì không bao giờ làm nghề sát sinh. Hơn thế nữa, nếu không giết hại mà còn biết phóng sinh thì sẽ có được công đức rất lớn.

Trên thực tế chúng ta thấy, những người làm nghề sát sinh thường chỉ được đời cha giàu có, còn đến đời con, đời cháu thường phải chịu nhiều bệnh tật, đau khổ, không làm ăn nổi. Có câu nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Điều này có phù hợp với nhân quả không? Giáo lý nhân quả giúp ta hiểu rằng, ai ăn nấy no, ai làm nấy chịu, sao ở đây cha mẹ làm ác mà con cái phải gánh lấy quả báo? Thật ra, điều này vẫn đúng theo nhân quả. Nếu người cha làm nhiều điều bất thiện thì sẽ chiêu cảm người con có cùng nghiệp xấu; hay nói cách khác, do đời trước người con làm ác nên đời này phải sinh vào nhà người cha làm ác để chịu chung quả báo với nhau. Đó gọi là cộng nghiệp. Có thể hiểu theo một cách khác: Tùy theo nghiệp ác nặng hay nhẹ mà người con sẽ phải chịu ảnh hưởng từ người cha nhiều hay ít. Ví dụ, nghiệp xấu của người con nặng thì phải sinh vào gia đình cha mẹ mê cờ bạc, cá độ, tiêu tán hết tiền bạc, gia sản, phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Nghiệp xấu người con nhẹ hơn thì sinh vào nhà cha mẹ làm điều không tốt (như trộm cắp, tà dâm, lừa đảo,...) bị người đời khinh chê, chỉ trích, con cái cũng phải chịu nỗi xấu hổ, buồn phiền.

Ngoài ra, việc thực hiện những hành động sát sinh lặp đi lặp lại hằng ngày có thể huân tập và trở thành những hạt giống xấu ác, hung dữ, dã man ở trong tàng thức. Những hạt giống này sẽ phát triển không chỉ trong đời này mà còn cả nhiều đời về sau. Tục ngữ có câu: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, chúng ta làm gì lâu ngày cũng sẽ thành quen, và khi đã thành thói quen rồi thì rất khó sửa đổi. Cũng chính những thói quen này là nguyên nhân khiến người ta trở nên hung ác, bạo lực rồi giết người không ghê tay. Do vậy, khi chọn nghề để sinh sống, chúng ta hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Đừng vì cái lợi trước mắt mà làm những nghề xấu ác, huân tập cho mình hành động sát sinh. Cho dù làm nghề này có lời một ngày 5 triệu, 10 triệu hay 20 triệu, thì chúng ta cũng không nên tham lam, vì làm như thế không những hiện đời khó có được an vui, mà kết thúc đời này chúng ta cũng dễ bị đọa vào những cảnh giới đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần.

Thứ ba là giết để ăn: Con người chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Khoa học đã chứng minh cấu tạo hệ tiêu hóa con người từ hàm răng cho tới đường ruột tương tự các loài động vật ăn cỏ như khỉ, bò, trâu, dê, cừu,... Cho nên, thức ăn phù hợp với con người không phải là thịt động vật, mà là rau củ quả. Do từ bé đến lớn chúng ta đã ăn thịt động vật nên mới cho rằng cơ thể ta không thể thiếu thịt cá. Còn với những người ăn chay từ nhỏ thì họ vẫn ăn chay bình thường, đâu có gì trở ngại. Thật ra tất cả chỉ là thói quen.

Các loài động vật chỉ ăn thực vật như trâu, bò, ngựa, voi,... đều rất khỏe mạnh. Còn con người chúng ta ăn đủ thứ mà hết bệnh này đến bệnh kia. Nhiều người cho rằng ăn chay bị thiếu máu, xanh xao, dễ đau ốm,...

Vậy quý vị thử nghĩ xem, ăn mặn có bị bệnh không? Cũng đủ thứ bệnh. Phần lớn bệnh nhân trong bệnh viện đều là người ăn mặn. Thật ra, trong thịt động vật chứa rất nhiều chất là nguyên nhân có thể gây ra bệnh. Do vậy, không nên quy kết rằng ăn chay dễ bị bệnh còn ăn mặn thì không. Những người xuất gia như chúng tôi là những người ăn chay trường mà phần nhiều đều rất khỏe mạnh. Như vậy, trong rau củ quả vốn đã có đầy đủ các chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.

Chỉ vì để con người ăn ngon miệng hơn mà biết bao chúng sinh phải chết một cách đau đớn, dã man. Chúng ta không thể nào hiểu thấu được sự đau đớn của chúng khi bị giết, bị thọc huyết, bị mổ bụng, moi ruột, moi gan,... Nỡ lòng nào chúng ta ăn nuốt những miếng thịt như vậy? Ta muốn sống mà lại lấy mạng sống của chúng sinh khác nuôi mạng sống của ta, như vậy có từ bi, công bằng và hợp lý không? Người có lòng từ và nhất là có hiểu biết về nhân quả, sẽ không bao giờ lấy thịt chúng sinh để nuôi mạng mình.

Lý do thứ tư là giết để mua vui:

Năm câu chuyện về quả báo sát sinh kể trên tuy không nhắc đến lý do này, nhưng sự thật là trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế. Vừa rồi, có một lễ hội mới được phục dựng tại Phú Thọ. Đó là lễ hội cầu trâu. Họ chọn một con trâu khỏe mạnh, đưa đi tắm ở sông Hồng, rồi dắt về đình làng chờ làm lễ. Con trâu được cột vào một cây cọc chôn sẵn ở giữa sân đình. Khi lễ hội bắt đầu, mười hai thanh niên thay phiên nhau cầm cái vồ đập lên đầu con trâu cho đến khi nó chết thì thôi. Trong các lò mổ, con trâu bị giết rất nhanh, không nhiều người nhìn thấy. Còn ở đây, con trâu bị người ta lấy vồ đập vào đầu cho chết từ từ, lại còn tổ chức thành một lễ hội ngay giữa đình làng cho biết bao nhiêu người đến xem. Thời xưa dân trí còn thấp kém, lạc hậu nên người ta mới tổ chức những lễ hội này. Bây giờ, chúng ta là người văn minh, có hiểu biết, cớ sao lại còn hành động man rợ giống như thời kỳ cách đây cả ngàn năm như vậy? Chúng ta thử đặt mình vào vị trí con trâu xem thế nào? Bị người ta cột vào cọc, rồi lấy vồ đập vào đầu liên tục thì có chịu nổi không? Có đau không? Có sợ không? Con trâu có làm hại tới con người hay sao? Vốn là con vật rất hiền lành, con trâu giúp người nông dân kéo cày, kéo xe, nó là một trong những người bạn thân thiết nhất của con người. Vậy mà, chúng ta lại đối xử với nó một cách dã man như thế! Chúng ta còn nói lễ hội cầu trâu là một lễ hội văn hóa, không biết văn hóa chỗ nào? Lễ hội dã man thì đúng hơn! Điều đáng buồn là ở Việt Nam, nơi này nơi kia vẫn đang tổ chức những lễ hội như vậy.

  • Tây Nguyên thì có lễ hội đâm trâu. Người ta cột trâu lại rồi cúng tế, nhảy múa xung quanh, sau đó lấy hàng chục cây lao phóng vào mình trâu. Có nơi còn dã man hơn nữa: Con trâu đang đứng, người ta lùa chạy, rồi lấy dao chặt chân cho khuỵu xuống, sau đó dùng giáo đâm cho đến chết. Tại Nepal vừa rồi cũng có lễ hội chặt đầu trâu. Họ gom lại một lúc hơn 6000 con trâu và lấy đao chặt đầu của chúng. Mấy ngàn con trâu bị đứt đầu, nằm đầy một bãi đất còn rộng hơn cả chùa Hưng Pháp, thật là một lễ hội hết sức dã man! Nhưng khi suy nghĩ lại, về mức độ thì lễ hội cầu trâu hay đâm trâu ở Việt Nam còn dã man hơn. Chặt đầu thì con trâu chết ngay lập tức, còn đập lên đầu trâu bằng vồ hay đâm vào mình trâu bằng giáo thì nó phải chết từ từ trong đau đớn và oán hận. Thật quá tội nghiệp!

Ngoài ra, ở Bắc Ninh hiện nay, còn có lễ hội chém lợn. Vào ngày tổ chức lễ hội, người ta rước con lợn đi vòng quanh thôn, sau đó đưa về sân đình, đặt nằm ngửa, kéo căng bốn chân về bốn hướng, rồi một thanh niên cầm đao chặt đứt con vật làm đôi, khiến máu phun ra lênh láng. Người dự lễ lấy máu bôi lên tiền, rồi đem đồng tiền đó về để được may mắn.

Rõ ràng những lễ hội kể trên thật quá dã man, tàn nhẫn và phi nhân tính. Chỉ những người không có lương tri mới thích tham dự những lễ hội như vậy. Lễ hội cầu trâu, đâm trâu hay chém lợn thì giáo dục con người ta điều gì? Giáo dục con người hành hạ và giết hại chúng sinh chăng? Bản thân người có trí sẽ không tham gia và cũng không để người thân của mình tham gia những lễ hội như vậy. Bởi vì những cảnh giết hại như thế rất nguy hiểm, khi xem sẽ chỉ kích thích nhiều điều ác trong con người phát triển, chứ không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta cần phải lên án những lễ hội như thế này, vì chúng không mang tính giáo dục, không hướng thiện và hướng thượng.

Đã là người học Phật, trước khi làm một việc gì đều cần phải suy nghĩ về hậu quả. Chư Tổ thường nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. “Bồ-tát sợ nhân” nghĩa là Bồ-tát trước khi làm bất cứ việc gì đều sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, vì các Ngài biết nếu đã gieo nhân thì ắt phải gặt quả. “Chúng sinh sợ quả” nghĩa là chúng sinh không màng nhân quả, cứ cắm đầu làm, tới chừng bị tù, bị tử hình, bị đọa địa ngục mới than trời trách đất. Chúng ta không nên làm những chúng sinh như vậy, mà phải làm Bồ-tát, phải biết sợ những hành động gieo nhân xấu. Khi nói hay làm điều gì, chúng ta phải biết cân nhắc tới hậu quả, để tránh rơi vào tội lỗi, sa đọa và khổ đau. Nhất là phải tránh xa việc sát sinh, cho dù vì bất cứ lý do nào. Giữ gìn giới không sát sinh thì cả hiện đời và đời sau chúng ta sẽ có được an lạc, hạnh phúc. Nếu biết sống đúng với chính mạng, không làm những việc sát sinh, hại vật thì chắc chắn sẽ không bị quả báo đau khổ trong tương lai.

Tóm lại, hôm nay chúng ta đã cùng tìm hiểu một vài câu chuyện về quả báo sát sinh trong kinh Tiểu Bộ và Tích truyện Pháp Cú. Hãy ghi nhớ những câu chuyện đó, nhớ rằng quả báo sát sinh không những gây ảnh hưởng xấu trong đời này mà còn nhiều đời về sau. Do vậy, người Phật tử cần phải tôn trọng tính linh của mọi loài, phải thấy được rằng tất cả chúng sinh đều tham sống sợ chết và đều có Phật tính giống ta.

Như vậy, con người và con vật bình đẳng với nhau về nhân quả. Rất mong quý Phật tử thấu hiểu điều này, phát khởi lòng từ và sẽ không bao giờ sát sinh, hại vật nữa.

Cuối cùng, tôi xin tặng quý vị bài thơ “Xin đừng sát sinh”:

Đau lắm người ơi, Xin đừng giết tôi!

Đau lắm người ơi, Xin tha mạng tôi! Ôi! Tiếng kêu cứu Muôn loài thú vật Vang mãi đâu đó Mặt đất dưới sông. Con bị cắt cổ, Con thì nhổ lông, Máu hồng lai láng, Tiếng oán ngất trời, Nỗi khổ đớn đau, Hận sầu như núi. Mỗi ngày qua đi, Hàng tỷ sinh mạng Bị giết dã man, Thịt nát xương tan.

Từ con vật nhỏ, Đến loài thú to.

Vì ngon miệng mình,

Cướp mạng chúng sinh.

Hỡi nhân loại ơi!

Con người con vật

Cùng một tính linh,

Cùng tham muốn sống,

Cùng có cảm tình.

Nỡ nào ra tay

Đập đầu mổ bụng,

Giết mạng chúng sinh

Để nuôi mạng mình.

Hãy dừng sát sinh,

Tôn trọng sự sống,

Để mọi sinh linh

Sống trong hòa bình. 

(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Quả báo sát sinh” giảng vào ngày 08 tháng 03 năm 2015, tại chùa Hưng Pháp, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Sách cùng thể loại
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thích Chân Tính
Tâm sự đầu năm
Tâm sự đầu năm
Thích Chân Tính
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Đúng Người Đúng Việc
Đúng Người Đúng Việc
Thích Chân Tính
Cúng Dường
Cúng Dường
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính