

Quả báo sát sinh
Cuối cùng là câu chuyện mang tên “Vì bạo ác nổi mụn nhọt”[6].
Một vị Tỳ-kheo tên là Tissa bị mụn nhọt nổi lên khắp người. Lúc đầu chúng chỉ to bằng hạt cải, sau lớn dần bằng hạt đậu tây, đậu Hà Lan, rồi bằng hạt táo ta. Cuối cùng, chúng vỡ ra khiến toàn thân thầy bị lở loét. Vết lở ăn vào tới xương, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Lúc đầu, các thầy Tỳ-kheo ở trong tinh xá cũng thương và chăm nom thầy rất cẩn thận, nhưng về sau, do hôi thối quá không ai chịu nổi nên đành bỏ mặc. Biết được chuyện này, đức Phật liền đến an ủi thầy Tissa, và tự tay lấy nước ấm tắm rửa cho thầy thật sạch sẽ. Xong, Ngài đọc cho thầy nghe một bài kệ. Đến cuối bài kệ thầy chứng quả A-la-hán và Niết-bàn. Dù luôn phải chịu đau đớn do bệnh tật giày vò, nhưng lúc nào thầy Tissa cũng chính niệm, tỉnh giác, tinh tấn tu tập, và đến khi gần qua đời thì thầy chứng quả A-la-hán. Sau khi thầy Niết-bàn, các thầy Tỳ-kheo bèn hỏi đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, tại sao thầy Tissa lại bị căn bệnh hiểm nghèo như thế? Và nguyên nhân nào mà thầy ấy trước khi chết lại chứng được quả A-la-hán?”.
Đời trước, thầy Tissa là một người thạo nghề bẫy chim. Phần lớn số chim bắt được ông thường để sống, bởi nếu giết và cất giữ quá lâu thì thịt sẽ dễ bị hư thối. Thế nhưng, để tránh chúng bay mất, ông luôn bẻ gãy xương chân và xương cánh của chúng, rồi dồn thành một đống, dành đến ngày hôm sau mới giết và đem đi bán. Một hôm, có vị A-la-hán đi khất thực và dừng chân trước cửa nhà ông. Khi đó bỗng dưng trong lòng ông dâng lên một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, vì vậy ông đã phát tâm dâng thức ăn cho vị A-la-hán này. Ông đỡ lấy bình bát, bỏ vào đó đầy những món ăn thơm ngon, đoạn gieo năm vóc sát đất, đảnh lễ và thưa: “Tôn giả! Xin cho con được vào quả vị cao nhất mà Ngài đã chứng”. Vị A-la-hán hồi hướng công đức cho ông sẽ được như vậy. Nhờ công đức cúng dường đó nên ông được xuất gia và chứng quả A-la-hán, nhưng vì quá khứ đã bẻ cánh và chân chim, tạo nhiều nghiệp sát nên thầy Tissa bị quả báo lở loét khắp người, đau đớn đến tận xương tủy.
Đó là câu chuyện thứ năm về quả báo của việc sát sinh.
Qua năm câu chuyện kể này, chúng ta thấy rằng có ba loại quả báo, là hiện báo, sinh báo và hậu báo. Đầu tiên là hiện báo, nghĩa là quả báo sẽ trổ ngay trong đời này. Giống như khi ta ném một quả bóng vào tường, ném càng mạnh thì dội lại càng nhanh. Vậy trong năm câu chuyện kể trên, câu chuyện nào nói về quả báo hiện đời? Một là chuyện người đồ tể giết heo. Cả đời ông ta giết heo nên cuối đời ông ta phải chết một cách đau đớn, phải la hét, bò lê khắp nhà giống như con heo. Hai là chuyện người giết bò. Ông ta đã cắt lưỡi một con bò đang còn sống và ngay sau đó phải chịu quả báo đứt lưỡi. Ba là chuyện người thợ săn. Anh thợ săn này giết hại ba mẹ con nhà khỉ, lúc trở về, không những cả gia đình anh đã chết cháy mà bản thân cũng phải chết do cây cột nhà rơi vào đầu. Đó là quả báo hiện đời, là quả báo hiển hiện ngay trước mắt. Thứ hai là sinh báo, nghĩa là những việc chúng ta làm trong đời này nhưng đến đời sau mới phải chịu quả báo. Ví dụ như trong câu chuyện của vị Tỳ-kheo Tissa, do quá khứ đã giết chim, bẻ cánh và chân chim, nên ngay đời kế tiếp ông bị quả báo ung nhọt đầy mình, lở loét tới tận xương tủy và phải chịu bao đau đớn. Thứ ba là hậu báo, nghĩa là quả báo sẽ trổ ở các đời sau. Như trong “Câu chuyện về con dê”, ông Bà-la-môn giết dê để cúng tế, rồi bị đọa làm thân dê nhiều đời về sau.
Nhân nào quả nấy. Chúng ta trồng dưa sẽ ra dưa, chứ không thể trồng dưa mà ra cà. Chúng ta thấy có nhiều trường hợp quả trổ ra giống hệt với cái nhân đã tạo. Như “Câu chuyện về con dê” đã kể, đời quá khứ, người Bà-la-môn chặt đầu dê, năm trăm đời sau ông phải làm dê và đời nào cũng chết vì bị chặt đầu. Nhưng cũng có khi quả báo không hoàn toàn giống với nghiệp nhân đã gây ra. Giả sử một người gieo nhân là đánh vào đầu con bò, làm cho nó đau đớn; đời sau người đó không phải chịu quả báo làm bò mà vẫn được làm người, nhưng lại bị bệnh đau đầu hoặc ung thư não, luôn phải sống trong nỗi đau giống như khi con bò bị đánh vào đầu phải chịu. Hay như câu chuyện về vị thầy Tỳ-kheo giết chim cũng vậy. Mặc dù ông không phải làm chim mà được sinh lại làm người, nhưng ông ta phải chịu quả báo ung nhọt khắp thân, lở loét hôi thối vô cùng đau đớn. Nhân quả công bằng, đã có vay thì phải có trả. Cũng giống như khi mình mượn người ta chiếc xe máy rồi chẳng may làm mất, không trả lại xe được thì mình phải đền bằng số tiền có cùng giá trị. Như vậy, nhân và quả không nhất thiết phải giống nhau, song giá trị vay trả chắc chắn sẽ phải tương đương.
Chú thích:
[6] Viên Chiếu (2012), “Vì bạo ác nổi mụn nhọt”, Phẩm Tâm, Tích truyện Pháp Cú tập I, NXB Tôn Giáo.