Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Chúng ta không hiểu rõ chúng sinh cùng Phật, Bồ-tát có cùng mạng lưới tâm thức, nói cho dễ hiểu là mạng lưới điện thoại. Nên chúng sinh có mong cầu chi, niệm cầu Phật, Bồ-tát đáp ứng liền, hữu cầu tất ứng. Cầu mà không linh nghiệm chẳng qua vì ta có nghiệp chướng làm trở ngại thôi. Đại sư Ấn Quang bảo: “Người trong thế gian nếu có lòng tin đối với Phật A-di-đà và Quán Thế Âm Bồ-tát sẽ được sống chết bình yên”.
Câu chuyện hiển linh của Bồ-tát Quán Thế Âm:
Phó tư lệnh hạm đội Nhật là Bá Tước Nagasawa kể: Lúc ông mới vào trong quân đội, đóng lon thiếu uý. Khi xuống tàu nhận đơn vị, mẹ ông trao cho ông một tượng Quán Thế Âm bằng vàng, mẹ ông bảo:
- Con đem xuống tàu, hãy tìm chỗ thờ, nhớ mỗi ngày cúng nước ba lần, cầu được sống sót, để sau chiến tranh trở về vui sống cùng mẹ.
Ông làm y lời mẹ dặn. Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy đức Quán Thế Âm báo trận chiến đẫm máu sắp xảy ra. Ông thấy tàu ông bị trúng đạn pháo, ông bị mảnh đạn cắt đứt một cánh tay. Sáng ngày, ông viết thư cho mẹ kể việc thấy đức Quán Thế Âm báo mộng, hạm đội Nga - Nhật sắp đánh nhau, xin mẹ cầu nguyện đức Quán Thế Âm giùm, nhưng vì sợ mẹ lo lắng nên ông không dám viết về việc thấy mình bị mảnh đạn cắt đứt một cánh tay.
Hai mươi ngày sau, trận chiến diễn ra, và chiến hạm của Nga xếp giống y như đồ hình thấy trong mộng, chiến hạm Nga cũng pháo đúng vào chiến hạm của ông. Chiếc áo ông mặc để lễ Phật trúng mười ba mảnh đạn, tượng Quán Thế Âm bằng vàng bị mảnh đạn cắt đứt cánh tay. Nhưng Bá Tước không bị thương, ông nghĩ đức Quán Âm đã thế cho ông. Cảm kích sự linh hiển của Bồ-tát, ông hết lòng, hết dạ cung kính phụng thờ đức Quán Thế Âm cho đến trọn đời.
Trong quyển “Sao Trời Mênh Mông” cũng viết một câu chuyện thần kỳ cứu độ của đức Quán Thế Âm:
Vào năm 1945, khi kháng chiến sắp kết thúc, La Phụ Văn là tình báo quốc quân, được lệnh đến Triết Giang chụp hình cây cầu sắt trên sông Tiền Đường, không may bị quân Nhật phát hiện, chúng nã đạn như mưa vào phi cơ. La Phụ Văn lúc nguy cấp phải nhảy dù thoát thân. Trong lúc chạy trốn thì người bạn đồng hành bị trúng đạn chết, còn một mình La Phụ Văn tiếp tục bôn đào, thầm niệm Thánh hiệu đức Quán Âm cầu xin cứu hộ. Chạy một lát thấy có cái miếu đá bên vệ đường, La Phụ liền chạy vào đó núp. Ông nhìn lên thấy tượng Bồ-tát Quán Âm, vội chạy đến núp sau lưng Ngài. La Phụ Văn vừa núp xong, thì nghe tiếng giày của quân Nhật đuổi tới. La Phụ không dám thở mạnh, đinh ninh rằng phen này mười phần chết chắc, chẳng còn hy vọng gì. Thế nhưng quân Nhật lùng sục quanh đó ngót mấy lượt mà vẫn không phát hiện ra được chỗ La Phụ đang ẩn nấp, nên vội bỏ đi. Đợi quân Nhật đi xa, La Phụ từ sau lưng Bồ-tát bước ra, mệt đến mức không nhúc nhích gì nổi, bèn đánh liều ngủ đại nơi một xó trong miếu.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông chạy đến ngay trước tượng Bồ-tát Quán Âm đảnh lễ cảm tạ Ngài một chút trước khi đi. Nhưng khi nhìn lại chỗ mình vừa núp đêm qua, La Phụ giật bắn người, ông bàng hoàng vì phát hiện ra tượng Bồ-tát được tạc trên vách đá, hoàn toàn không hề có chỗ trống nào để người ta có thể núp ở phía sau. La Phụ chợt hiểu hèn chi mà quân Nhật lùng sục kỹ thế vẫn không tìm ra ông, hoá ra Bồ-tát đã hiển linh cho mình núp trong khe đá. La Phụ xúc động quá, lệ tuôn như mưa, chẳng biết làm sao để đáp tạ ân Ngài, La Phụ Văn chí thành khấn nguyện:
- Hôm nay nhờ ân đức Bồ-tát cứu mạng, ngày sau con nhất định trùng tu ngôi miếu và tô đắp lại kim thân Ngài.