Những Bài Học Bằng Vàng
Chiêu thứ 11: “Kính nhi viễn chi”
Nhờ Lo Sửa Giúp
Phần Mộ Gia Tộc
Có một Việt kiều tìm đến chùa làm quen và cúng dường sư một số tiền. Sau một thời gian thường xuyên tới lui thăm viếng, uống trà, đàm đạo, tình cảm thầy trò trở nên thân thiết, người Việt kiều ấy mới thỏ thẻ là mình về quê với một trách nhiệm quan trọng là đại diện gia tộc mua đất cất từ đường và sửa sang khu mộ gia tộc với một kinh phí cực lớn. Anh ta ngỏ lời nhờ sư đứng ra trông coi công trình giúp, vì mình mới về mọi việc còn rất bỡ ngỡ. Và người Việt kiều ấy đã rất rộng rãi khi gởi trước cho sư một số tiền đô kha khá.
Trong thời gian qua lại bàn bạc, lên phương án, chờ bên kia rót kinh phí, với lý do có một vài trục trặc nhỏ trong công việc làm ăn nên bên đó chưa kịp gởi tiền về, đối tượng năm lần bảy lượt mượn đỡ của sư một số tiền “nhỏ” để lo công việc.
Sau một thời gian, khi cộng lại số tiền đã trở nên không hề nhỏ thì anh bạn Việt kiều cũng bốc hơi biến mất không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
Mời Thầy Về Lo Hương Khói,
Tu Sửa Chùa Rồi Đòi Lại
Bán Cho Người Khác
Đã có nhiều chùa đời cha mẹ, người thân làm công đức cúng hiến đất cho Tăng Ni cất chùa, mời Tăng Ni về trụ trì hoằng pháp nhưng đến đời con cháu thì hăm dọa, nhục mạ đòi lại để bán lại cho Tăng Ni khác lấy tiền chia nhau. Cũng có nhiều nơi chùa nghèo nàn lụp xụp không phát triển mới mời Tăng Ni về hứa hẹn hiến cúng làm nơi tu học, nhưng sau khi Tăng Ni về hoằng pháp, xây dựng phát triển cơ sở vật chất ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, tín đồ quy tựu đông thì tiếc rẻ đòi lại bằng cách vu báng, xúc xiểm, thưa kiện... hết sức rắc rối và vô đạo - không biết phải nói sao cho phải nữa, thiệt là “thế gian”...
Xin Tham Quan Chụp Ảnh
Để Vận Động Người Thân
Cúng Dường Xây Sửa Chùa
Thời gian gần đây, tại nhiều nơi xuất hiện nhóm người chuyên đi lừa đảo, trộm tiền và cổ vật có giá trị tại các chùa. Với nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sự cả tin và thiếu cảnh giác của các vị sư và Ban quản trị chùa, nhóm này đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa, trộm tiền có giá trị lớn.
Một trong những thủ đoạn mà nhóm người lừa đảo thường áp dụng là ăn mặc sang trọng, có máy quay phim và đi xe sang trọng đến các chùa xin gặp các vị trụ trì và tự giới thiệu là cán bộ Nhà nước hoặc thân nhân Việt kiều.
Khi được trụ trì và Ban quản trị các chùa tiếp chuyện, nhóm người lừa đảo bảo: họ đến đây làm tiền trạm, vì sắp có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm chùa hoặc Việt kiều ở thành phố chuẩn bị đến đây cúng viếng.
Sau một lúc trò chuyện, họ ra vẻ muốn tìm hiểu thêm về lịch sử văn hóa của ngôi chùa và nhờ trụ trì dẫn đi tham quan, hướng dẫn để họ quay phim chụp hình. Tranh thủ lúc sư trụ trì và Ban quản trị nhà chùa mất cảnh giác, một người trong nhóm này lẻn vào phòng trụ trì để mở khóa tủ trộm tiền và cổ vật có giá trị.
Với thủ đoạn trên, cho đến lúc này đã có rất nhiều chùa ở khắp nơi đã mắc lừa nhóm người này. Vì vậy, đề nghị các chùa nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn của bọn lừa đảo.
Thạch Bích – VH