Sách Khác
CẤP II: ĐÁNH ĐÒN TÂM LÝ

Chiêu thứ 5: “Tâm lành hướng Phật”

Nhờ Thầy “Hộ Niệm”

Người phụ nữ ấy có khuôn mặt và dáng vẻ bề ngoài thật sang trọng, nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi và rụt rè trình bày:

 - Thưa thầy, con mới từ bên Canada về được mấy hôm để trị bệnh. Bác sĩ đã lên lịch mổ cho con vào ngày mai. Nhưng, lúc này tâm trạng của con hết sức lo sợ và hoang mang, vì hiện ở bên này con không có một người thân nào cả! Con đã gọi cho sư phụ con ở bên đó và Ngài khuyên con nên đến một ngôi chùa nào đó để được quý thầy trợ giúp. Con đã đến nhiều chùa nhưng hình như không có duyên nên vẫn thấy tâm hết sức bất an, tình cờ con đi ngang đây và nghĩ mình chắc có duyên với thầy nên mong thầy giúp đỡ. Vài bữa nữa người thân của con về bên này con sẽ quay trở lại tạ ơn thầy.

 - Được rồi, cô hãy ghi tên tuổi để khi lên khóa lễ quý thầy sẽ cầu nguyện cho cô.

 - Dạ thưa thầy, con muốn thầy giúp cho con một cái gì đó để con có thêm niềm tin trước khi làm phẫu thuật ngày mai được không ạ.

 - À, một lát nữa chùa có buổi lễ trai tăng, cô có thể ở lại tham dự, tôi sẽ nhờ quý thầy chú nguyện thêm cho cô.

 - Dạ con muốn có một cái gì đó của thầy để đem theo vào phòng mổ, gọi là nhờ phước báu của thầy vậy mà.

 - Vậy, bây giờ tôi phải giúp cô như thế nào đây?

 - Dạ ở bên Canada mỗi khi Phật tử có duyên sự giống như con chẳng hạn thì quý thầy thường cho một số tiền tượng trưng - khoảng 5 - 10 đô thôi cũng được thưa thầy.

 - Thưa cô, ở Việt Nam người ta quan niệm là lấy tiền của quý thầy là mắc nợ nhà chùa, cho nên trừ trường hợp lì xì theo phong tục dân tộc trong ngày Tết, ngoài ra thì không ai làm như vậy cả; nếu cần tôi có thể cho cô một xâu chuỗi hay trái cây trên bàn Phật để gọi là lấy lộc thì được.

Người đàn bà có vẻ không vui dạ dạ rồi xin phép lên chùa lễ Phật, một lát sau khi tôi quay ra tìm để trao cho bà xâu chuỗi thì đã không thấy bà ta đâu nữa.

Mấy hôm sau, trong một buổi lễ Bố - tát (chư Tăng Ni tụng giới mỗi nửa tháng) trong lúc dùng tiểu thực buổi sáng một thầy đã kể lại rằng có một Việt kiều Mỹ đến chùa xin ở nhờ để chuẩn bị làm phẫu thuật tim, trong thời gian ở chùa bà đã mượn tiền của nhiều người rồi sau đó biến mất không để lại dấu vết. Nghe kể vậy tôi bán tín bán nghi không biết có phải là “người đó” không, thì mấy hôm sau, lại nghe một số sư cô cũng kể chuyện về người đàn bà Việt kiều sang trọng chuẩn bị mổ tim xin ở nhờ chùa, mượn tiền nhiều người rồi chuồn mất...

Ngoài chiêu lừa dùng mác Việt kiều xin nghỉ nhờ với những lời hứa hẹn cúng dường tạ lễ, mượn tiền nhiều người rồi chuồn mất. Thỉnh thoảng trên báo chí vẫn đăng tin một số chùa, đặc biệt là chùa ni bị một số kẻ nhẫn tâm lừa gạt bằng cách đến cúng dường, xin nghỉ nhờ qua đêm rồi bỏ thuốc ngủ vào thức ăn làm cho quý sư cô ngủ như chết, để họ đường hoàng lấy đi tất cả mọi thứ có giá trị ở trong chùa, thậm chí có nơi vì chúng bỏ thuốc ngủ quá nhiều đến nỗi nạn nhân phải mất mạng. Nghĩ lại mà thấy thật xót xa!

Mượn Kinh Sách Để Nghiên Cứu

- Kính chào thầy, thật ngại quá, con xin tự giới thiệu: Con là tín đồ Công giáo từ trước đến giờ chưa từng đến chùa. Nhưng vì con gái của con chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp, mà đề tài nó chọn là Phật giáo. Khổ nỗi tài liệu nghiên cứu khó tìm quá, đặc biệt là các bộ kinh lớn. Cho nên, hôm nay con đánh bạo đến đây xin thầy làm ơn cho con mượn một số kinh sách, sau khi hoàn thành xong luận văn tốt nghiệp, con sẽ dẫn nó đến tạ ơn và gởi lại kinh sách cho thầy.

Nói xong người đàn ông chìa ra tờ giấy có ghi tên một số bộ kinh sách lớn như Hoa Nghiêm (4 quyển), Kim Cang Bát Nhã (24 quyển), Đại Bát Niết Bàn (2 quyển), Đại Trí Độ Luận (10 quyển) v.v...

Là một người đã trải qua quá trình học tập, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để làm luận văn tốt nghiệp, tôi rất cảm thông với sự suy tư của sinh viên về vấn đề tìm tài liệu để làm bài. Đây lại là một trường hợp đặc biệt, người đến mượn kinh sách là tín đồ tôn giáo bạn, nên tôi rất muốn giúp đỡ họ để tạo tình cảm tốt đẹp nơi họ với tôn giáo của mình. Tuy nhiên, cũng vì đã có học tập và nghiên cứu kinh sách, nên tôi biết đối với kinh điển đại thừa, cần phải có sự hướng dẫn giải thích những ý nghĩa sâu xa ẩn sau lời kinh, nếu không sẽ dễ bị ngộ nhận, sinh nghi... Vì kinh điển đại thừa chứa đựng rất nhiều nghĩa lý thậm thâm vi diệu, không phải chỉ đọc qua một vài lần mà có thể hiểu được.

Nghĩ như thế nên tôi bảo người đàn ông đó rằng:

 - Hôm nào rảnh, chú dẫn cháu đến đây để tôi hỏi xem cháu cần tìm tài liệu liên quan đến tư tưởng triết lý gì trong kinh sách Phật giáo, như vậy tôi có thể hướng dẫn sơ cho cháu, chứ nếu cứ đem số kinh sách được liệt kê trong tờ giấy này về, thì nội việc đọc lướt qua cho hết số lượng kinh sách ấy cũng mất cả năm trời rồi, nói chi đến việc nghiên cứu, tìm hiểu, suy luận...

Nghe tôi nói thế, người đàn ông tỏ vẻ không vui, lí nhí chào tôi rồi ra về và không thấy quay lại nữa.

Ít lâu sau, khi đến chùa một người bạn, tôi nghe kể rằng thầy ấy đã bị người ta gạt lấy đi rất nhiều bộ kinh luận có giá trị, hỏi ra mới biết là trước đây có một người đàn ông đến chùa tự giới thiệu là tín đồ tôn giáo khác, muốn mượn kinh sách về nghiên cứu. Vì muốn quảng bá triết lý cao siêu của đạo Phật, thể hiện lòng từ bi vô ngã vị tha của đạo Phật và nghĩ rằng họ thật tình, chỉ lấy một vài quyển cần thiết thôi, nên thầy ấy đã dễ dãi dặn chú Phật tử tập sự là “họ cần quyển nào cứ cho mượn quyển ấy”. Thế là trong khi thầy không để ý người đàn ông ấy đã lấy đi rất nhiều kinh sách và từ đó đến nay đã gần hai năm mà không thấy quay lại trả kinh sách. Khi hỏi lại các chùa khác thì cũng có nhiều chùa bị lừa kiểu ấy, mới biết rằng mình đã bị lừa.

Xin Kinh Sách Cúng Chùa Nghèo

“TAND TP. HCM xử sơ thẩm ngày 15 - 12 đã tuyên phạt Phạm Tấn Hùng (SN 1986, ngụ quận Thủ Đức - TP. HCM) 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Muốn có tiền tiêu xài nhưng không phải cực khổ lao động, Hùng vạch kế hoạch đến các chùa xin kinh sách cũ để bán ve chai.”

 Đọc đoạn tin trên, tôi chợt giật mình nhớ lại cách đây mấy năm tôi cũng được tiếp hai thanh niên đến chùa và nói rằng họ thay mặt một người thân ở nước ngoài đi làm từ thiện. Công việc của họ là liên hệ các chùa nghèo vùng sâu, vùng xa tìm hiểu nhu cầu, số lượng để về may áo tràng cúng chùa, và nhờ chùa tặng cho các Phật tử, nhân tiện xin kinh sách cũ tặng kèm cho các chùa ấy. Họ còn cho tôi xem một quyển tập có tên chùa, tên trụ trì, địa chỉ, số lượng đăng ký và chữ ký của trụ trì một số chùa - trong đó có nhiều chùa mà tôi rất thân quen. Tôi cũng đã gom cho họ mấy bao kinh sách cũ mới đủ loại, nhưng không đăng ký lấy áo tràng vì Phật tử chùa đều đã có áo tràng và tự họ có thể đặt may dễ dàng không khó khăn gì... Thời gian sau, tôi râm ran nghe một số chùa trong huyện báo lại rằng, nhóm người này đã từng đến chùa trên địa bàn huyện xin kinh sách và trong khi sư cô mải lo lục soạn sách cho họ, họ đã lén vào phòng lục tủ lấy tiền, cũng may là không bị mất nhiều...

Mượn Pháp Khí Làm Trai Đàn

Giọng run run, vị Sư cô già kể lại cho tôi nghe câu chuyện xui xẻo của mình.

Vừa rồi, trong khi đang bận rộn dọn lại một số vật dụng cho gọn để chuẩn bị sửa chùa, có hai thanh niên mặc áo nâu kiểu nhà chùa đến sốt sắng phụ khiêng giúp một số bàn tủ nặng. Sau đó, họ mới tự giới thiệu là Phật tử của Thượng tọa M, đang giúp Thượng tọa chuẩn bị tổ chức một đại trai đàn gần đây. Vì chùa ở xa đem theo không tiện, nên cần mượn một số pháp khí và được quý thầy giới thiệu đến tịnh thất của Sư cô, vì biết Sư cô chuẩn bị sửa tịnh thất không dùng đến. Sau khi đàn tràng viên mãn, Thượng tọa sẽ đến cảm ơn Sư cô sau.

Nghe danh Thượng tọa đã lâu, nghĩ rằng có thể hỗ trợ Thượng tọa thực hiện pháp sự là một việc phước báu lớn, nên Sư cô đã không suy nghĩ gì mà vui vẻ đồng ý cho mượn ngay, chỉ trong chốc lát họ đã gọi xe tải đến và nhanh chóng khiêng bộ chuông trống Bát Nhã, bộ chuông mõ lớn cùng một số pháp khí khác lên xe. Sau đó, họ còn cho biết là cái tủ lạnh của Sư cô trong khi dời chỗ qua lại đã bị chạm điện cần sửa lại, sẵn xe họ sẽ chở đi sửa giúp nếu sư cô đồng ý.

Đến khi họ đã đi xa, suy nghĩ lại Sư cô mới hoàn hồn biết mình vừa bị lừa, vì họ không hề để lại địa chỉ hay chút manh mối nào về nơi ở, cũng như nơi họ sẽ làm trai đàn. Suốt một thời gian dài ngóng trông hy vọng rằng mình đã nghĩ sai, nhưng bóng dáng của hai thanh niên mặc áo Phật tử ấy cứ bặt vô âm tín, sư cô chỉ còn biết tìm đến chúng tôi kể lại câu chuyện, để nhờ tôi thông báo cho các chùa trong huyện cảnh giác.

LỜI BÌNH:

Thật đúng là “sông sâu còn có thể dò, lòng người nham hiểm biết sao tính lường”. Với lòng tham lam xảo quyệt, người ta đã nghĩ ra mọi chiêu để đánh lừa người khác một cách thật “tài tình” không thể lường trước được!

Chiêu thứ 6: Lợi dụng tín tâm

 Mời Dự Đại Lễ,

Quyên Tiền Rồi Biến Mất

Nạn nhân của vụ lừa đảo này là bà Nguyễn Thị M nhà ở phố Vũ Hữu cùng một số thành viên CLB dưỡng sinh của phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bà M vốn là người hiểu biết, lại tham gia khá nhiều công tác xã hội của địa phương, đồng thời là một Phật tử rất thành tâm.

Trước đây, bà M buôn bán ở chợ Hàng Da, va chạm với khá nhiều thành phần xã hội, như thế cũng có nghĩa là bà chẳng còn lạ lẫm gì với những trò lừa đảo của các đối tượng xấu. Thậm chí, tại câu lạc bộ của những người hưu trí, bà luôn là người khuyến cáo cho bạn bè về các “vở diễn” như: khuyến mãi dầu gội trúng thưởng hay bán bếp ga giá hời... Thế nhưng, chính bà lại trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo mà đến bây giờ nhớ lại bà vẫn còn thấy bàng hoàng.

Bà M kể: “Hôm đó là 25/9, tôi đang ngồi bàn việc với ông Tổ trưởng Tổ dân phố thì có hai nhà sư gõ cửa. Phong cách, bộ dạng và lời ăn tiếng nói của hai vị tu hành chuẩn tới mức là một người thường xuyên tiếp xúc với các Tăng Ni như tôi cũng lập tức tin tưởng ngay” - bà M cho biết. Vốn là người có tâm với đạo Phật nên bà M mời hai vị sư vào nhà uống nước và hỏi lý do vì sao họ lại biết tên và địa chỉ của bà. Một trong hai người này cho biết, mình là Phó Trụ trì chùa Hưng Phúc thuộc Tỉnh hội Phật giáo Hưng Yên, chịu trách nhiệm đi mời khách ở Hà Đông về dự lễ Hô thần nhập tượng vào ngày 30/9. Vì dừng chân nghỉ uống nước tại quán nước ngay cạnh nhà bà M và nói chuyện với chủ quán thì được biết bà M là một tín đồ sùng đạo nên ghé vào thăm. “Cái tình đồng đạo nó thiêng liêng lắm, hơn nữa vị Phó Trụ trì kia lại còn đưa ra một tấm danh thiếp in rõ tên tuổi, số điện thoại và cả chùa trụ trì thì tôi gần như đã bị thuyết phục” - bà M nhớ lại.

Chưa dừng lại ở đó, vị Phó Trụ trì kia lại hỏi thăm bàn thờ Phật của bà M và ngỏ ý xin lên thắp hương. Tại đây “nhà sư” này tỏ rõ am hiểu Phật pháp bằng cách ngồi xuống tụng hẳn một bài kinh Bát Nhã và chú Đại Bi với tay chuông, tay mõ hết sức thuần thục. Khi bài kinh kết thúc thì bà M bị thuyết phục hoàn toàn. Đến lúc này hai vị sư mới “tiết lộ” thêm cho bà M rằng, chùa còn đang thiếu một Đại hồng chung cho ngôi Tam bảo, một chiếc mõ và một tấm hào quang và gợi ý nếu có tâm thì bà M có thể phát tâm công đức. Thêm vào đó, hai vị còn mời bà M cùng bạn bè Phật tử về dự lễ vào ngày 30/9 và sẽ có xe của nhà chùa đến đón.

Cung cách nói chuyện, sự am hiểu Phật pháp và thông tuệ của hai nhà sư khiến bà M lập tức lấy ngay hơn 10 triệu đồng ra công đức. Trước khi rời khỏi nhà hai vị sư không quên để lại tên tuổi là Thích Tâm An và Thích Phước Tiến rồi hẹn ngày 28/9 sẽ quay lại gửi giấy mời và thống kê danh sách Phật tử về dự lễ để lên kế hoạch đón tiếp.

Ngay khi hai vị sư đi khỏi, bà M lập tức liên hệ với bạn bè Phật tử của mình để rủ mọi người về Hưng Yên dự lễ với tâm trạng hết sức phấn chấn. Đúng hẹn, ngày 28/9, hai vị sư kia quay lại mang theo cả tập giấy mời đàng hoàng. Dù trên giấy mời, phần ngày tháng và tên Phật tử vẫn bị bỏ trống, nhưng hai vị sư nói phần đó để bà tự ghi và gửi cho khách nên bà M chẳng mảy may nghi ngờ.

Sau khi bà M thống kê đầy đủ danh sách những người muốn về dự lễ, hai vị này còn “tiết lộ” thêm vào ngày 2/10 sẽ có một đoàn Phật tử hành hương Ấn Độ, về thăm đất Phật do chính vị Phó Trụ trì Thích Tâm An dẫn đầu. Chuyến đi chi phí hết 2.000 USD nhưng nhà chùa sẽ hỗ trợ một nửa, còn lại cá nhân tự túc. Hai vị này không quên úp mở cho bà M biết, rằng danh sách cả đoàn có 27 người tham gia, nhưng hiện mới có 24 người. Nếu bà M muốn đi thì nhà chùa sẽ giúp.

Nghĩ tới cảnh được tới đất Phật, diện kiến nhiều vị cao Tăng của Phật giáo mà chỉ mất có 20 triệu đồng, bà M không thể mừng hơn. Lập tức hoãn ngay việc đi đám cưới của đứa cháu ruột, bà M liên lạc với hai người bạn và cả 3 mang 64 triệu đồng tới đóng ngay 3 suất đi Ấn Độ cho nhà chùa. Riêng bà Phạm Thị H không có tiền mặt mà chỉ có vàng và đô la Mỹ, hai vị sư này cũng rất mau lẹ quy đổi ngay giúp ra tiền mặt để bà H khỏi lỡ “cơ hội”. Nhận gọn số tiền, hai “nhà sư” rút lui khỏi nhà bà M kèm theo lời hẹn sẽ điện lại để thông báo ngày giờ cụ thể.

Thế rồi, bà M và các Phật tử cứ đợi, đợi mãi và đến bây giờ tăm hơi các “nhà sư” vẫn như bóng chim tăm cá. Số điện thoại 0164919... của “thầy” Thích Phước Tiến đến nay vẫn... ngoài vùng phủ sóng. Lúc này, bà M và các Phật tử mới biết họ đã dính quả lừa. Bà M bảo: “Tôi sẽ báo việc này ra Công an, dù hy vọng bắt được những kẻ lưu manh đội lốt tu hành này là rất mong manh, nhưng đây cũng là bài học để các Phật tử cảnh giác tránh mắc phải những chiêu lừa của kẻ bất lương mượn danh nhà Phật”.

Nguyễn Long / ANTĐ

Quyên Góp Tiền Xây Chùa

Lợi dụng lòng hảo tâm và sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người dân, các đối tượng lừa đảo đã khoác lên mình bộ áo tu hành để đi quyên góp tiền từ thiện, giải vận hạn hay bán nhang. Phương thức của chúng ngày một tinh vi, địa bàn hoạt động rộng, di chuyển liên tục nhiều nơi nên dù đã được cảnh báo nhưng rất nhiều người vẫn sập bẫy...

Anh Hoàng Văn Dũng (ở đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bức xúc kể lại: Cách đây vài tuần, khi anh về quê ăn Tết cùng bố mẹ thì gặp một Ni cô đến nhà giới thiệu tên là Huyền Trân, tu ở chùa Giác Minh, mãi ngoài huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Sư cô trình bày nhà chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, sắp đổ sụp mà không có tiền sửa chữa, trong chùa lại đang nuôi gần 20 cháu mồ côi, hàng ngày phải trông chờ vào lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân và người dân xung quanh. Nay Ni cô phải đi bán nhang, xin chút lòng thơm thảo của bá tánh cho qua thời gian khổ nạn.

Nghe trình bày như vậy, gia đình anh cảm thương, nên mua 20 bó nhang với giá 200.000 đồng, còn ủng hộ thêm 200.000 đồng cho các cháu mồ côi trong chùa. Lấy tiền xong, Sư cô rảo bước nhanh, quên luôn lời cảm ơn gia chủ. Hành động luống cuống của Ni cô khiến anh Dũng cảm thấy hoài nghi, nhưng vì làm việc thiện, nên anh cũng không mấy bận tâm.

Tuy nhiên, khi trở lại TP. HCM công tác, thật bất ngờ anh Dũng lại gặp “ni cô” Huyền Trân đang “vi hành” làm việc thiện tại đây. Do không nhận ra anh, nên Sư cô Huyền Trân tự giới thiệu một Pháp danh khác là... Diệu Châu, đang tu ở chùa Thiện Duyên mãi tận Vĩnh Long! Biết đây là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, anh gọi điện báo cho cảnh sát khu vực. Nhận ra sự bất thường, chỉ trong vòng vài giây, “Sư cô” ma mãnh đã kịp leo lên xe đồng bọn để “cao chạy xa bay”.

Không chỉ dùng hình thức bán nhang hay quyên góp tiền từ thiện, các sư cô, sư sãi giả mạo còn dùng chiêu thức giải hạn hay ra tay “cứu nhân độ thế” cho những người “đang bị ma quỷ yểm mệnh”.

Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) vừa khởi tố và bắt tạm giam bốn đối tượng gồm Đỗ Minh Tuấn (SN 1979, trú xã Chroroh Pownan, huyện Phú Thiện, Gia Lai), Đỗ Hoàng Tâm (SN 1979), Nguyễn Minh Sang (SN 1987) và Nguyễn Văn Ten (SN 1977, đều trú thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó ngày 23/12/2010, cả bốn đối tượng này đóng giả nhà sư đến nhà chị Nguyễn Thị Hiền (ở thôn Hưng Phú, xã Phú Cần) bán nhang, thấy chị Hiền không mua, cả bốn tên đã bày trò lừa đảo. Tên Tuấn (tự giới thiệu là nhà sư trụ trì một chùa ở Ayun Pa) nói nhà chị Hiền đang có vận hạn đen, nhiều bùa yểm, muốn giải hạn phải gởi tiền về chùa cúng cơm chay. Sau một hồi bị chúng “phù phép”, chị Hiền tin tưởng và “cúng” 2,5 triệu đồng.

Với phương thức đó, các đối tượng tiếp tục lừa chị Trần Thị Mến 3 triệu đồng. Sau khi xác minh ở Ayun Pa không có chùa nào có những nhà sư mang tên như các đối tượng đã nói, chị Hiền và chị Mến đến trình báo với Công an huyện Krông Pa.

Nhận được tin báo, Công an huyện Krông Pa triển khai lực lượng, phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố truy bắt các đối tượng. Đến ngày 27/12/2010, biết không thể trốn thoát, các đối tượng này đã ra đầu thú tại Công an phường Phù Đổng, TP. Pleiku.

Hiện nay tại các thành phố lớn ở Tây Nguyên và Nam bộ, hầu như ngày nào người ta cũng thấy những “nhà sư” khất thực đi bán tăm, nhang hay quyên góp tiền từ thiện.

Tại TP. HCM, số lượng sư giả tăng đột biến trong thời gian qua khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Phương thức hoạt động của các sư giả ngày một tinh vi, gian xảo, nên có những người dân chỉ trong vòng một tháng, đã bị sập bẫy đến hai, ba lần.

Mỗi sáng sớm, các “ni cô”, “sư thầy” thường đi xe máy từ ngoại thành vào nội thành rồi gởi xe, khoác áo nhà sư và bắt đầu “hành nghề”. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, các đối tượng có thể kiếm được vài trăm đến vài triệu đồng, nếu “làm” cả ngày, số tiền lừa đảo có thể hơn chục triệu.

Thu lợi bất chính dễ dàng, không hao công tốn sức nên tình trạng sư giả ngày càng lây lan, phức tạp. Đã có nhiều kẻ đội lốt người tu hành bị cơ quan công an bắt giữ, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức tịch thu hiện vật rồi phạt hành chính, chưa có đối tượng nào bị khởi tố hình sự.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM thì kể từ sau năm 1975, việc khất thực của các nhà sư gần như không còn, cũng như không được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp phép. Riêng Hệ phái Khất Sĩ và Nam Tông (Tiểu Thừa - mặc áo vàng cam để trần một bên vai) trước đây có một số lượng rất ít đi khất thực, nhưng từ 40 năm nay rất hiếm.

Nhà sư khất thực thường đi chân không, đầu cúi xuống đất nhìn không quá ba mét, chỉ nhận thức ăn của người dân cúng chứ không bao giờ nhận tiền. Vì vậy, có thể nói rằng tất cả những người mặc áo cà sa đi bán tăm, nhang dạo hay quyên góp tiền ủng hộ nhà chùa đều là giả sư. Phật tử cũng như người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng với những đối tượng lừa đảo này.

Theo Công An TP

Mượn Danh Chùa Đi Quyên Tiền

Nạn giả danh tu sĩ đi quyên tiền “xây chùa”.

Giác ngộ - Sau một thời gian yên ắng, gần đây nạn giả danh tu sĩ đi bán nhang, khất thực phi pháp, đặc biệt là đi quyên góp tiền của thập phương với các "chiêu thức" cúng dường kinh sách, nuôi chúng, xây dựng chùa... đã "tái xuất" tại TP. HCM và các tỉnh thành. Hiện tượng này đã làm hoang mang và mất lòng tin của Phật tử tín tâm.

Lợi dụng lòng tin của Phật tử

Hầu như mỗi buổi sáng trên đoạn đường từ 3 Tháng 2 (Q. 11) đến Sư Vạn Hạnh (Q. 10), người đi đường lại thấy một người trong hình dáng nhà sư áo vàng ôm bình bát đi một mình hoặc hai người đi cùng nhau khất thực. Họ mang bình bát, đi qua các con đường, chốc chốc lại liếc nhìn vào hàng quán hai bên phố. Thỉnh thoảng người đi đường dừng lại bỏ vài chục ngàn vào bát...

Không những ôm bình bát đi khất thực ở dọc đường, ở khu vực chợ đông đúc mà những kẻ giả sư còn xông vào tận nhà, cơ quan, công ty quyên tiền với mục đích mạo xưng là để xây chùa, nuôi chúng.

Gần đây, quần chúng đã có sự cảnh giác cao độ, giới truyền thông đã "mục kích" nhiều lần tận hang ổ của những kẻ giả sư. Vì thế, Phật tử đã phát hiện nhiều trường hợp sư giả vận đồ y như tu sĩ thật, có khi là áo nhật bình nâu, có khi lại y quấn vàng, cũng đầu tròn áo vuông đi đến tận nhà dân để trình bày "hoàn cảnh" và dĩ nhiên là lợi dụng chiếc áo tu sĩ kêu gọi đóng góp tiền bạc.

Nhiều "hoàn cảnh" được những kẻ giả sư trình bày rất bi đát, thường là chùa nuôi chúng đông, thầy bệnh, quê nghèo khó nên cần tấm lòng của Phật tử để giúp nhà chùa nuôi chúng ăn học hoặc đóng góp chút tiền xây dựng lại chùa đã gần đổ sập, chánh điện trơ trọi cùng với nắng mưa...

Cô Nhật Ba, Phật tử chùa Phước Quang, huyện Châu Đức (BR - VT) cho biết: "Có hai người mặc áo nhà sư tự nhiên xông vào tận nhà kêu gọi giúp đỡ xây dựng chùa ở quê Cà Mau đã dột nát, chùa thì nuôi nhiều người già neo đơn, các chú điệu thì còn nhỏ. Hai người còn đưa ra quyển sổ vàng có dấu đỏ hình vuông đã nhòe mực ghi tên những người đã cúng dường. Tôi sinh nghi, từ chối thẳng. Họ đã tỏ thái độ bực mình ra mặt rồi bỏ đi".

Giả danh tu sĩ Phật giáo không chỉ đơn thuần có hành vi đi khất thực hay lấy danh nghĩa các chùa vùng sâu vùng xa đi quyên góp vật chất, tiền, vàng xây dựng chùa tại các nhà Phật tử. Hành động này ngày càng tinh vi, chúng thường đến các chùa, mượn danh những công trình xây dựng của chùa, tên tuổi các chùa lớn và giả danh trụ trì để lừa đảo tu sĩ thật.

Cuối năm 2010, Ban Kiến thiết công trình xây dựng Bảo tháp Xá Lợi miền Tây và chùa Xá Lợi Vĩnh Long đã nhờ tuần báo Giác Ngộ đưa tin cảnh giác đến tất cả chư Tăng Ni, Phật tử vì Phật tử đã phát hiện có người mạo danh là Ban Kiến thiết đến nhà dân để quyên góp xây dựng công trình. Họ đã có hẳn sổ vàng, giấy giới thiệu giả để kêu gọi quyên góp. Nhờ Phật tử báo kịp thời nên Ban Kiến thiết đã thông báo đến Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh và các tỉnh thành để cảnh giác.

TT. Thích Phước Hạnh, Phó BTS. THPG Vĩnh Long cho biết: "Ban Kiến thiết có gởi thư ngỏ đến một số chùa và Phật tử trong tỉnh nhằm kêu gọi cùng nhau chung sức xây dựng công trình. Thực tế, Ban Kiến thiết chưa từng đi đến chùa hay nhà Phật tử để vận động, quyên góp tiền vì công trình chưa khởi công mà chỉ mới làm lễ đặt đá. Không ngờ lợi dụng thư ngỏ đó, họ đã có hành vi quyên góp trái phép để trục lợi riêng".

Cùng là nạn nhân của Sư giả, chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng Q. 1, TP. HCM) cũng đã từng bị mạo danh thầy trụ trì để quyên góp tiền xây dựng chùa.

Mới đây nhất, ngày 22/3, tại một ngôi chùa Ni lớn tại Q. Gò Vấp, có một "thầy" áo nâu, đến gặp trụ trì xin quyên góp xây dựng chùa, xin kinh sách nhưng vị Ni sư trụ trì sinh nghi không gặp, vì nếu có ai đến đều phải điện thoại hẹn trước. "Thầy" tự giới thiệu là Thích Thông Trí, trụ trì chùa Linh Sơn, Gio Linh (Quảng Trị) và để lại tin nhắn cần một số kinh sách, số điện thoại di động. Sinh nghi, chùa đã gọi cho "thầy" và "thầy" cho biết muốn cúng dường thì mang kinh sách ra bến xe gởi, "thầy" đang ở Thủ Đức, lúc khác thì kêu "thầy" đang ở Q. 8, lúc thì bà cô "thầy" bị bệnh nên không đến được. Liên lạc với văn phòng BTS THPG Quảng Trị thì được biết chùa Linh Sơn không có ai tên là Thích Thông Trí, đó là giả danh. Thầy trụ trì thật là ĐĐ. Thích Huệ Nhẫn (tự Không Nghiêm, tốt nghiệp HVPGVN TP khóa I), thầy Huệ Nhẫn cũng cho biết, chùa toàn chúng nhỏ, không có ai tên Thông Trí, chùa cũng không kêu ai đi quyên góp xây chùa hay xin kinh sách.

Hiện trạng lợi dụng chiếc áo tu sĩ Phật giáo để trục lợi cá nhân qua việc "kể khổ" kêu gọi Phật tử đóng góp tiền của, đã phần nào góp phần gây mất lòng tin của Phật tử tín tâm.

Tình trạng này, nếu không có biện pháp xử lý nghiêm sẽ rất nguy hại vì lẽ những người giả danh rất tinh vi. Ngoài tướng mạo bên ngoài rất giống với tu sĩ thật, họ còn có những "kịch bản" dễ làm xiêu lòng người. Nếu hình ảnh này để lâu ngày, người sơ cơ chưa hiểu nhiều về đạo Phật sẽ dễ dàng bị "đồng hóa" và quen dần. Đây là điều nguy hiểm nhất dẫn đến sự hiểu sai về Tăng đoàn Phật giáo.

Một thời gian dài chiếc áo tu sĩ Phật giáo đã bị lợi dụng bởi những đối tượng giả danh, họ có nhiều mánh khóe để gợi lòng hảo tâm và sự thiếu cảnh giác của nhiều người nhằm kiếm tiền bất chính. Đội quân này tập trung những người từ xa đến, tập trung theo nhóm, có hẳn dịch vụ cung cấp đồ nghề giả sư để hành nghề. Nhiều đối tượng đã bị bắt khai rằng, lối hành nghề này được nhiều người chọn bởi nó dễ qua mắt người khác, dễ gây cảm tình và nhàn hạ vì chẳng bỏ công sức nhiều mà lại "thu nhập" cao. Nhiều trường hợp giả danh tu sĩ đi khất thực phi pháp phi thời, bán nhang, quyên góp xây chùa, nuôi chúng đã biến tướng ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo, Giáo hội.

Để phân biệt hiện tượng thật hư, mạo danh tu sĩ khất thực phi pháp, năm 2004, Ban Tăng sự THPG TP. HCM đã ra Nghị quyết chấm dứt tình trạng Tăng Ni đi khất thực. Theo tinh thần Nghị quyết, các cấp lãnh đạo Giáo hội cần kết hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn những trường hợp mạo danh tu sĩ để khất thực phi pháp, bán nhang, khách không mời mà đến, lợi dụng quyên góp xây chùa trái phép...

HT. Thích Như Tín, Phó ban Tăng sự kiêm Chánh Thư ký THPG. TP. HCM khẳng định, những người lợi dụng chiếc áo tu sĩ đi đến nhà dân hay chùa để bán nhang, khất thực hay thậm chí quyên góp nuôi chúng, từ thiện xã hội, xây chùa, hay xin tiền ấn tống kinh sách... hiện nay đều là giả danh tu sĩ, nếu Phật tử phát hiện những trường hợp này thì báo cho chính quyền địa phương, Ban ĐDPG để có hướng giải quyết và ngăn chặn triệt để tránh hiểu lầm về sau.

Chị Lê Thị Sáu, Q. 11 chia sẻ rằng, "Chiếc áo chẳng làm nên thầy tu" nhưng hành vi của sư giả danh ngày càng rất tinh vi, liều lĩnh nếu không tinh ý sẽ rất khó phân biệt đã gây những tiếng xấu cho đạo Phật. Sự hiểu lầm này rất tai hại, làm tổn thương đến sự thành tâm của Phật tử, nếu tình trạng này còn tái diễn thì sẽ còn nhiều người mắc vào bẫy "cúng dường xây chùa".

Thiết nghĩ, các thời pháp ở chùa cũng cần nêu lại những trường hợp giả danh này để Phật tử làm bài học. Đồng thời các Ban ĐDPG quận, huyện cùng chính quyền tích cực hơn nữa để chấm dứt hẳn nạn giả sư, chứ không thể làm ngơ như hiện nay. Phật tử nếu cảm thấy nghi ngờ cũng cần kiểm tra giấy chứng điệp thọ giới, giấy phép xây dựng, sửa chữa chùa, giấy giới thiệu của Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo...

H. Diệu - Báo Giác Ngộ

Mượn Danh Tu Sĩ Đi Lừa Mọi Người

Thất Đức Giả Sư Lừa Cả Bệnh Nhân Khốn Khó.

Thời gian qua có những hiện tượng giả danh nhà chùa, giả danh nhà sư đi khất thực, quyên góp từ thiện, công đức xây chùa, gần đây lại xuất hiện việc giả danh nhà sư đi vận động lễ cầu an cho các bệnh nhân.

Một chị đồng nghiệp ở công ty tôi có chồng bị suy thận mãn, gia đình chị đang sống ở xóm chạy thận gần bệnh viện Bạch Mai.

Chị có kể rằng: Khu chị ở là một dãy phòng trọ khoảng hơn chục gia đình bệnh nhân chạy thận, cả dãy có chung một sân, chung một cổng. Cách đây hơn nửa tháng, giữa 12 giờ trưa có một người gõ cửa xóm trọ, chị ra mở cửa thì thấy một vị sư bước vào. Vị sư này cũng cạo đầu, áo nâu như những vị sư ở chùa mà chị hay gặp. Nhà sư sau khi bước vào sân xóm trọ nói với chị:

 - Sao không mời thầy vào nhà?

 - Thưa thầy, chúng con là bệnh nhân, không có nhà chỉ thuê phòng trọ ở đây để điều trị thôi.

 - Thế thì mời thầy vào phòng!

 - Vâng! Con mời thầy vào phòng.

Một chị phòng bên cạnh mang sang một cốc nước trà mời thầy. Uống nước xong thầy giới thiệu: thầy tu ở Yên Tử, thầy đưa thẻ ra chứng minh, bức ảnh thì hơi mờ nhìn không rõ, còn tên thì mọi người không nhớ chỉ biết là thầy Thích gì đó.

Thầy nói hôm nay thầy đến chùa Quán Sứ để họp, nhân tiện đến Hà Nội thầy có phát tâm làm lễ cầu an cho các bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo để được tai qua nạn khỏi. Thế nên, hôm nay thầy đến xóm chạy thận ghi sớ cầu an cho mọi người. Đoàn của thầy có 3 người, một người trông xe, thầy và một thầy nữa mỗi người đi một ngõ, thầy vào đây sẽ ghi sớ kêu cầu cho 10 người. Thầy sẽ cùng một thầy Thích Tâm Mẫn vừa nhất bộ nhất bái đến Yên Tử để làm lễ cầu an cho các con, sớ này thầy sẽ kêu cầu cho các con suốt 5 năm.

Thế rồi thầy hỏi tên tuổi và các thành viên trong gia đình chị để ghi vào sớ. Thấy vậy, 3 bệnh nhân bên cạnh nhà chị cũng đến và thầy cũng viết sớ cho. Viết xong thầy nói, thầy về làm lễ kêu cho các con nhưng các con cũng phải tùy tâm có giọt dầu để thầy kêu cầu cho. Mọi người nói:

 - Chúng con là bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh khó khăn. Chúng con chỉ có chút ít đưa thầy.

Rồi người đưa 10 ngàn, người đưa 20 ngàn, người đưa 30 ngàn, người đưa 50 ngàn...

Thầy nói nhận hết rồi đáp:

 - Các con có tâm thì thầy nhận. Đây không phải là tiền lễ mà chỉ là tiền giọt dầu nén hương thôi. Hoàn cảnh các con thế thì khổ quá nhỉ, nhà chùa cũng không có điều kiện quan tâm giúp đỡ vật chất cho mọi người, nhưng thầy sẽ về chùa Yên Tử để kêu cho các con nhẹ bớt nghiệp bớt khổ được mạnh khỏe bình an.

Một người bảo, thầy mới ghi được có 4 nhà, để con đi gọi thêm mấy nhà nữa cho đủ 10 nhà để thầy kêu cho chúng con một thể. Nói rồi chị ấy toan đứng dậy đi gọi thì thầy gạt đi và nói:

 - Thôi 4 nhà cũng được không phải đi gọi đâu con, cái này ai có duyên thì may mắn gặp được thầy, bây giờ thầy đang vội phải đi!

Nói rồi thầy đứng dậy chào mọi người.

Chị đồng nghiệp công ty tôi tiễn thầy ra ngõ, thầy ấy còn nói với lại: “Nhìn con phúc hậu mà vất vả quá, yên tâm thầy sẽ làm lễ cầu an cho”.

Vào nhà mọi người mới thắc mặc tại sao ban đầu thầy nói viết sớ cho 10 người mà mới có 4 người, nói đi gọi thêm người khác đã vội vàng đứng dậy đi, thôi chết có lẽ sư giả đến lừa mọi người rồi. Ai nấy đều thấy mình dại, đã bệnh tật, nghèo không có tiền mà còn bị lừa!

LỜI BÌNH:

Những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng thường có tâm lý, có bệnh thì vái tứ phương, có cách nào mà chữa khỏi bệnh cũng theo, chữa bằng khoa học không kết quả thì tìm đến tâm linh, do vậy dễ bị những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng và lừa bịp. Trong xã hội có những kẻ vì lòng tham khôn cùng, coi thường nhân quả nghiệp báo, bất chấp mọi thủ đoạn ngay cả việc giả danh nhà chùa, đóng giả nhà sư để đi lừa đảo mọi người. Họ cũng dám làm như giả sư đi khất thực, giả danh nhà chùa bán hương lấy tiền, giả danh nhà chùa đi quyên tiền công đức, làm từ thiện và bỉ ổi hơn còn giả nhà sư để lừa đảo cả các bệnh nhân khốn khó.

Đối với những ai có cảm tình với đạo Phật và cả những Phật tử, chúng ta có cảm tình với đạo Phật, chúng ta có tâm với Tam bảo không thôi chưa đủ, mà chúng ta phải học đạo, phải tìm hiểu giáo lý nhà Phật qua kinh sách, qua băng đĩa giảng pháp của các thầy, tham dự các buổi thuyết giảng của nhà chùa để chúng ta nắm vững giáo lý nhà Phật, là người hiểu đạo có chính tín chứ không phải mê tín, có cái nhìn trí tuệ của nhà Phật trước các hiện tượng nói trên.

Theo “chuathanhlangson.com”

Chiêu thứ 7: Lợi dụng lòng từ bi

Vì Túng Quá Phải Làm Liều?

Với “kịch bản” buồn chuyện gia đình, muốn tìm đến nơi thanh tịnh hay giả vờ làm người lỡ đường ả đã lấy cớ làm quen với các Sư cô, trụ trì các chùa xin ngủ qua đêm, rồi bỏ thuốc gây mê vào thức uống để cướp tài sản... Hàng loạt vụ án sau đó xảy ra khiến nhiều người tử vong và nhiều người “sống không bằng chết”. Người phụ nữ gây ra tội ác tày trời trên là Đào Thị Ngừng, trú tại ấp 2 xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Nhìn vào hồ sơ lý lịch, ai cũng bảo, cuộc đời Ngừng gắn chặt lấy tội ác và nhà tù. Khi mới 18 tuổi, Ngừng đã bị đưa đi cải tạo tập trung ngót 10 năm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Một năm, sau ngày ra trại, Ngừng tiếp tục lãnh án 4 năm tù giam về tội “cướp tài sản” của một sư cô tại Q. Thủ Đức, TP. HCM. Thụ án vỏn vẹn 4 tháng, lợi dụng sự mất cảnh giác của các giám thị trại giam, cuối tháng 10/1991, Ngừng đã vượt ngục, trốn về TP. HCM. Tại đây, Ngừng cùng đồng bọn bắt đầu bước vào con đường ăn cướp chuyên nghiệp khi liên tục thực hiện 4 vụ đầu độc người, cướp tài sản. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, những vụ cướp của băng nhóm Ngừng nhanh chóng bị lực lượng công an triệt phá.

Cuối tháng 9/1993, Đào Thị Ngừng một lần nữa sa lưới và bị TAND tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương) tuyên phạt gần 19 năm tù. Theo hồ sơ, thì 15 năm tù về tội “cướp tài sản”, 1 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ” và gần 3 năm tù giam mà Ngừng chưa thi hành trong bản án trước. Đến cuối tháng 9/2008, Ngừng được ra tù, khi hưởng chế độ đặc xá của Nhà nước.

Sau khi được hưởng ân xá, nhiều người tin rằng, Ngừng sẽ ăn năn, hối cải mà làm lại cuộc đời. Nhưng, có ai ngờ những ngày sau đó tội ác của ả ngày càng kinh hoàng hơn với những thủ đoạn tàn độc, ghê sợ. Đó là vào một ngày giữa trung tuần tháng 11/2008, khi mà Ngừng vừa được ân xá 2 tháng thì ả đã đến khu vực Tòa thánh Tây Ninh vào miếu và chùa Xứ xin nghỉ lại qua đêm và từ đây đã mở ra một hành trình gây án. Đêm đó, Ngừng đã pha ba ly cà phê sữa, đưa cho 3 phụ nữ, mỗi người 2 viên thuốc và nói là uống thuốc cho đẹp da. Không nghi ngờ gì, ba người phụ nữ đã uống và ngủ lúc nào không hay. Khi ấy, Ngừng đã lục soát tư trang lấy 2,8 cây vàng 24k cùng 700 nghìn rồi bỏ trốn. Tiếp đó, Ngừng đến chùa Pháp Tam (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) cũng với thủ đoạn cho 8 viên thuốc vào 2 ly nước dừa, đầu độc chết trụ trì chùa là bà Phạm Lệ Thủy rồi cướp đi nhiều tài sản giá trị.

Kế đó, Ngừng bắt đầu đến gây án ở Bến Tre, sau đó bắt xe về An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk để thực hiện hàng loạt vụ đầu độc khác. Trong lần này, Ngừng đến nhà bà Võ Thị Xiêu (ngụ tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), một người tu tại gia. Ngừng tìm cách làm quen với bà Xiêu rồi xin nghỉ lại tại nhà bà. Lợi dụng lúc không có người để ý, Ngừng pha cà phê sữa đá, bỏ thuốc vào, rồi mời bà Xiêu uống và khi bà Xiêu bị hôn mê, bất tỉnh, Ngừng lục soát cướp tài sản rồi tẩu thoát. Ngay sau đó thì bà Xiêu tử vong.

Tiếp tục hành trình gây án của mình, Ngừng đến chùa Bạch Long ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Lúc này, Ngừng xưng tên là Ngọc Hà, quê ở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Khi gặp ba sư cô là Trần Thị Phỉ (SN 1946), Nguyễn Thị Ba (SN 1941), Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959), Ngừng kể hoàn cảnh chồng bị chết, làm ăn thất bại, không có tiền, muốn coi bói để bán được đất. Sau đó, thị lấy bánh xèo mang theo ra mời các sư cô ăn. Được các sư cô cho ở lại chùa, khoảng 20 giờ ngày 28/5/2009, bà Ba có việc đi ra ngoài, bà Phỉ, bà Tuyến đang tụng kinh, thấy không có ai để ý, Ngừng pha thuốc vào hai ly cà phê sữa đưa cho bà Phỉ, bà Tuyến uống. Khi bà Ba về chùa, Ngừng tiếp tục làm một ly cho bà. Đợi đến khi cả ba bà bị hôn mê bất tỉnh, thị lục soát cướp tài sản rồi trốn thoát. May mắn, ba sư cô được người dân phát hiện sớm nên được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Sau khi gây án ở chùa Bạch Long, Ngừng lại ngược lên vùng biên giới nơi có chùa Long Hòa ở khóm Hòa, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cùng với các thủ đoạn pha cà phê sữa mời một số người tại chùa, Ngừng tiếp tục đầu độc, cướp tài sản. Đến ngày 29/7/2009, Ngừng đến chùa Quan Âm (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Chơi, bà Nguyễn Thị Của ở chùa. Được ông Chơi bà Của đồng ý cho về nhà họ ở nhờ, Ngừng lén bỏ thuốc mê vào bình đựng nước đầu độc cả nhà ông Chơi để cướp tài sản, sau đó ông Chơi cũng qua đời. Những vụ án như thế, cứ được tiếp nối, chỉ trong một thời gian Ngừng đã hạ độc hàng chục người, trong đó nhiều người may mắn thoát chết do được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Từ hàng loạt vụ việc nêu trên, nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nên Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương lập chuyên án phá vụ cướp bằng thủ đoạn gây mê. Ngay lập tức, Phòng Kỹ thuật hình sự, Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã trực tiếp đến khám nghiệm hiện trường tại chùa Bạch Long và phát hiện, thu giữ một số mẫu nước màu trắng trong ca inox, trong chai nước khoáng hiệu Sumo, Aquafina; ly để cà phê sữa còn lại trong tủ lạnh, cùng nhiều dấu vết nghi vấn khác. Kết quả giám định cho thấy, chất lỏng trong ba chai nhựa đều chứa thành phần Bromazepan có tác dụng chống co giật, gây buồn ngủ. Khi ấy, theo dõi tình hình, từ năm 2008 đến năm 2009 lực lượng công an nhận thấy tại một số tỉnh như Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Long An liên tiếp xảy ra các vụ cướp tài sản có phương thức tương tự. Đó là các vụ đầu độc đều có chung một “kịch bản”: Có một người đàn bà giả vờ buồn chuyện gia đình tìm đến nơi thanh tịnh hay trong vai một người lỡ đường làm quen, xin ngủ lại chùa, sau đó bỏ thuốc gây mê vào thức uống để gây án...

Sau khi củng cố các chứng cứ trong thời gian đến 5 tháng, tập trung rà soát toàn bộ đối tượng cướp với thủ đoạn gây mê, bằng biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra xác định nghi can số một của các vụ án trên là Đào Thị Ngừng (SN 1960, hộ khẩu thường trú tại ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên; tạm trú tại đường Chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một “nữ quái” có nhiều tiền án, với nhiều vụ gây mê cướp tài sản.

Khi đã xác định rõ đối tượng và cho các nhân chứng nhận dạng người gây án, ngày 18/10/2009, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, bắt được Đào Thị Ngừng tại nhà trọ ở đường chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Qua đấu tranh khai thác Ngừng đã thừa nhận là tác giả thực hiện 13 vụ cướp tài sản bằng chiêu hạ độc thủ. Trong mỗi lần gây án, Ngừng dùng một số tên giả như: Nguyễn Thị Hồng, Điệp..., Ngừng cho các nạn nhân uống nước có bỏ thuốc để đầu độc các nạn nhân rồi cướp tài sản. Theo giám định của cơ quan công an, thuốc mà Ngừng pha vào nước để cho các nạn nhân uống có chứa một số chất độc như: thuốc trừ sâu Furadan, thuốc mê và một số tân dược khác...

LỜI BÌNH:

Ngừng đã phải trả một cái giá thích đáng cho tội ác của mình, nhưng khi nhắc lại vụ án trên, không ít điều tra viên khẳng định, đối tượng khá tinh vi, đặc biệt hoạt động trên địa bàn rộng nên khi điều tra cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ vụ án này, một lần nữa cảnh tỉnh đối với các chùa và hộ gia đình, cần thực hiện tốt quy định đăng ký tạm trú cho khách vãng lai, cũng như thân nhân đến cư ngụ với chính quyền địa phương. Điều đó, mới không để sơ hở cho bọn tội phạm lợi dụng gây án...

Danh Việt

Đời Con Khổ Ải Trầm Luân

Sau giờ cơm trưa, định ngả lưng một chút thì có tiếng gọi ngoài cổng:

 - Thầy ơi, làm ơn cho con hỏi chút chuyện.

Thấy có hai mẹ con một người phụ nữ rụt rè lấp ló bên ngoài có vẻ khổ sở lắm, hơi khó chịu nhưng tôi cũng ra mở cửa hỏi xem có chuyện gì không. Người phụ nữ ấy trình bày rằng mình là một nhà báo tự do, hiện đang cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng, hôm nay đi họp ban biên tập tờ Bản tin huyện nên sẵn dịp ghé thăm và nhờ giúp đỡ. Số là cô ấy vì lỡ dại thương người hàng xóm, khi biết cô có mang, gia đình cha mẹ nuôi đã xua đuổi cô ra khỏi nhà, sau đó họ bán nhà dọn đi đâu cô cũng không biết, còn gia đình và cả cha đứa bé thì cũng không thừa nhận, nên từ đó đến giờ cô phải một mình bươn chải nuôi con.

Năm nay đứa bé đó chuẩn bị vào cấp 3, có quá nhiều thứ phải lo, nào là học phí, cặp sách, xe cộ, áo dài, đồng phục v.v... làm cô đuối sức không thể nào lo nổi, mà cho nó nghỉ học thì thật tội, đời cô khổ đã đành cô không muốn con cô phải khổ như cô nữa. Cô nói:

 - Trong lúc tuyệt vọng ấy, con bất chợt đọc được mẩu tin trên tờ báo huyện kể về tấm lòng thương người cao quý của thầy, nên con mạo muội đến đây mong thầy xót thương mà giúp đỡ.

Thấy tình cảnh của mẹ con người phụ nữ cũng tội, cô con gái không nói gì cứ rụt rè ngồi nép sau lưng mẹ. Vốn là uỷ viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học, thành viên Ban Vận động Quỹ vì người nghèo của huyện, nên tôi rất cảm thông cho trường hợp này.

Mời hai mẹ con người phụ nữ ấy một bữa cơm, tặng họ một suất quà mà tôi đã chuẩn bị để tặng người nghèo đợt 2/9, biếu cho người con 200 ngàn để may áo dài, thêm 50 ngàn để hai mẹ con mua thức ăn cho mấy ngày sắp tới, tôi còn cẩn thận ghi tên, địa chỉ của họ để nếu có điều kiện sẽ xin Hội hỗ trợ thêm.

Vài tuần sau, người phụ nữ ấy lại đến và than rằng hôm nay đi lãnh tiền nhuận bút mà chưa có, nhà trường lại gởi giấy nhắc đóng tiền trường cho con gái, người phụ nữ ấy đưa cho tôi xem tờ liệt kê tiền đóng học phí mà nước mắt lưng tròng, cô nói rằng đứa con cứ khóc vì xấu hổ với bạn bè và đòi nghỉ học phụ mẹ kiếm tiền làm cô xót xa quá.

Hỏi tại sao không nhờ địa phương giúp đỡ, cô nói mình thuộc dạng dân nhập cư ở nhà trọ nên không được địa phương hay hội đoàn nào chiếu cố giúp đỡ cả. Hỏi đến cơ quan thì cô bảo cô chỉ là cộng tác viên tự do, viết được bài nào lãnh tiền nhuận bút bài ấy, ngoài ra không có chế độ gì nữa. Một lần nữa, tôi lại lấy biếu cho người phụ nữ ấy một phần quà mà tôi đã xin giúp cô từ một chương trình từ thiện của một ngôi chùa khác, cùng với số tiền đóng học phí cho đứa con gái.

Sau đó, tôi cũng có liên hệ với người của Ban biên tập Bản tin huyện... và được xác nhận là có cộng tác viên tên đó, hoàn cảnh cũng đúng như vậy và cơ quan cũng như bạn bè đồng nghiệp cũng thường giúp đỡ cho cô ấy. Người phụ nữ ấy cũng có cho tôi xem những bài viết của mình đăng trên các tờ báo mà cô đã cộng tác và cho biết rằng cô rất được các vị lãnh đạo tòa soạn báo quý mến, nhưng cũng chính vì thế mà cô khổ và thường bị đồng nghiệp ganh tỵ ghen ghét. “Đời con trầm luân khổ ải lắm thầy ơi!” - Cô thường than như vậy.

Với tâm nguyện tùy khả năng, điều kiện cố gắng phần nào giúp đỡ người cơ nhỡ khó khăn nên tôi thường quan tâm chừa lại một phần quà cho mẹ con người phụ nữ ấy, hoặc đôi khi nơi nào có cho quà người nghèo tôi cũng tranh thủ xin cho họ, đồng thời mỗi tháng dành ra một số tiền phụ cô ấy đóng học phí cho con gái.

Suốt thời gian 3 năm trời, tôi thầm lặng hỗ trợ cho họ mà không hề nghĩ ngợi gì, thỉnh thoảng hoặc vào dịp lễ Tết tôi còn trích ra những phần quà bánh, nhu yếu phẩm v.v... tặng mẹ con họ. Khi đứa con gái chuẩn bị thi tốt nghiệp, rồi ôn thi đại học, người phụ nữ ấy đều ghé qua báo cho tôi biết và đều nhận được sự hỗ trợ của tôi. Nhưng có điều là lúc nào cô ấy cũng tỏ ra rất gấp gáp và không lần nào dẫn đứa con gái theo.

Một tháng sau khi thi đại học đứa con gái bất ngờ gọi điện thoại cho tôi nói rằng nó đã không may rớt đại học, giờ nó đang xin việc làm ở một tổ hợp may, nhưng xa nhà quá cần phải ở nhà trọ mà nó không có tiền, mong tôi giúp đỡ. Trong lúc nói chuyện tôi nghe có tiếng nói nho nhỏ nhắc tuồng ở bên kia đầu dây - rõ ràng họ đang đóng kịch với tôi. Ôi trời, lúc này tôi mới nhớ lại là mỗi khi tôi mời họ đến những ngôi chùa mà tôi xin quà họ đều từ chối, và có lần tôi đã từng nghe có người kể về một người phụ nữ làm nghề viết báo thường đến chùa này chùa kia kể khổ để xin sự hỗ trợ, thậm chí có chùa còn nói rõ tên của người phụ nữ ấy mà tôi không để tâm truy cứu. Thì ra tôi đã bị cho vào tròng trong hơn 3 năm qua mà vẫn mơ màng không hay biết.

Khi kiểm tra lại thì quả thật hỡi ơi, đúng là người phụ nữ ấy đã từng đến rất nhiều chùa khóc lóc kể lể và cũng đã nhận được sự giúp đỡ như tôi trong suốt thời gian qua. Ít lâu sau, người phụ nữ ấy lại điện thoại và bảo rằng mình đang lâm vào tình trạng hết sức bi đát, và nếu tôi không ra tay cứu giúp thì người ta sẽ giết cô ấy. Không cầm lòng trước sự van nài năn nỉ rằng đây là lần cuối cùng cô ấy làm phiền tôi và cô ấy mong tôi tha thứ..., thế là một lần nữa tôi lại giúp cho người đã đành lòng lợi dụng tấm lòng chân thành của mình mà không biết mình làm đúng hay là sai...

LỜI BÌNH:

Khó khăn cần sự giúp đỡ của người khác để vượt qua là điều không sai. Song, ỷ lại lòng tốt của nhiều người để đạt được điều mình mong muốn, hay đua đòi để bằng với những người xung quanh là một việc làm sai trái. Đón nhận tình thương của người khác là niềm hạnh phúc lớn của cả hai bên, nhưng lợi dụng tình thương đó, để rồi người ta nhìn thấy mình mà thương hại, là một điều không nên. Có được niềm tin của mọi người là rất khó, vì vậy đừng vì mấy đồng bạc lẻ, mà đánh mất niềm tin ấy, bởi cuộc đời này đã đầy rẫy nước mắt, hãy trao nhau nụ cười để yêu thương đong đầy trong nhân gian.

Bức Tâm Thư Tha Thiết

Đang chuẩn bị cho buổi giảng giáo lý vào chủ nhật hàng tuần tại chùa, thì tôi gặp một người đàn ông gầy gò chạy một chiếc xe honda cũ, ông ta trao cho tôi một bức thư rồi rụt rè quay trở ra xe ngồi chờ, đọc thư tôi vô cùng xúc động. Đó là một bức thư được viết trên một tờ giấy học trò, nét chữ rất đẹp, lời văn ngắn gọn mà tha thiết:

“Gò Vấp, ngày... tháng... năm...

Kính bạch thầy! Mong thầy hoan hỷ cho con, vì con là người ngoại đạo không biết phép tắc ở chùa nên không dám vào gặp thầy mà phải viết thư như thế này.

Con xin tự giới thiệu, con tên là Nguyễn Văn Q. vợ con là Trần Thị T., hiện ở tại nhà trọ số..., hẻm..., đường..., phường 12, quận Gò Vấp, điện thoại số..., (đây là số điện thoại của chủ nhà trọ, nếu có gì xin thầy nhắn lại, con đội ơn thầy).

Con vốn là một giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng vì bị bệnh nên phải nghỉ dạy, chạy xe ôm sống qua ngày. Vợ con làm nghề thêu tay, cuộc sống cũng tạm đủ. Nhưng gần đây vợ con bị phong tê thấp tay chân đau nhức, không thể thêu thùa được nữa, phần con thì vì chiếc xe cũ quá người ta không muốn đi nên rất ế khách. Mấy hôm nay, nó lại dở chứng đạp hoài không nổ máy mà con lại không có tiền đi sửa. Hiện gia cảnh của con hết sức khó khăn, đã mấy ngày nay vợ chồng con không hề có một hột cơm trong bụng. Vì vậy, dù biết làm phiền thầy như thế này là không nên, nhưng chúng con không còn cách nào khác nên mới mạo muội đến làm phiền thầy, mong thầy rủ lòng thương, hỗ trợ cho con một ít gạo để tạm sống qua ngày và mong thầy cho con mượn tạm một số tiền để con sửa xe làm phương tiện sinh sống. Chúng con xin muôn vàn cảm tạ ơn thầy.

Kính chúc thầy sức khỏe dồi dào để cứu giúp chúng sanh và mau thành chánh quả. Một lần nữa con xin đội ơn thầy và mong thầy bỏ qua vì con đã làm phiền thầy.

Kính thư,

Nguyễn Văn Q...

TB: “Hiện con đang đứng đợi ở trước cổng chùa, mong thầy thông cảm cho con vì con là người ngoại đạo không biết phép tắc ở chùa nên không dám vào gặp thầy, xin thầy thương tình mà lượng thứ.”

Đọc xong bức thư tôi rất xúc động liền bảo Phật tử lấy một bị gạo và đích thân trao tận tay cho người đàn ông đó kèm với 200 ngàn đồng. Ông ta vui mừng cảm ơn và vội vã đi ngay.

Mấy ngày sau đang tỉa kiểng ở tịnh thất NL (đối diện chùa GN) thì thấy người đàn ông đi xe honda hôm nọ dừng xe trước tịnh thất và nhờ người đem thư vào trao cho tôi, vẫn với nội dung ấy, nét chữ ấy... Thú thật là tôi không biết phải nói làm sao nữa, đành nhắn lại với chú bé đưa thư là thầy trụ trì đi vắng, tôi chỉ là người công quả không thể giải quyết được.

Tưởng rằng chuyện ấy đến thế thì thôi, nào ngờ một năm sau người đàn ông chạy xe honda ấy lại quay lại chùa GN và lại nhờ người trao giúp “bức tâm thư tha thiết” với nội dung y hệt hồi năm ngoái - thiệt là tội nghiệp...

Người Quen Cũ

- Chào thầy, thầy khỏe không, thầy có nhớ con không, con là Diệu Hạnh nè...

Cô gái bước từ ngoài vào chào hỏi xởi lởi một hơi làm tôi cũng bối rối vì không hề có một chút ấn tượng gì về người đang đứng trước mặt. Nhưng cũng không thể dò hỏi xem họ là ai, vì nếu như họ là người quen thật thì chẳng phải là mình đã quá vô tình!

 - Chùa mình lúc này ra sao rồi thầy, cô Tư và cô Bảy có còn thường đi chùa không thầy, con thấy hình như lúc này thầy hơi ốm mà đen hơn lúc trước đó nha, thầy phải ráng giữ gìn sức khỏe để còn lo cho bá tánh nữa chứ.

Đến lúc này thì tôi không thể không thú nhận rằng mình không thể nhớ ra cô gái đó là ai, đã gặp lần nào chưa. Cô gái vẫn thản nhiên như không có chuyện gì lạ giải thích rằng:

 - Chắc hồi con đi chùa, thầy chưa về đây, mấy năm nay con chuyển về Vũng Tàu nên ít về chùa, chứ hồi trước con đi chùa mình hàng ngày đó chứ, vậy sư phụ đâu rồi thầy?

Tôi báo cho cô ấy biết sư phụ vừa mới viên tịch mấy tháng trước và hiện giờ tôi đang tạm quản lý ở chùa này.

Cô gái tỏ ra xúc động nói với tôi với thái độ hết sức quan tâm:

 - Thôi thầy đừng buồn nữa, từ nay tụi con sẽ thường xuyên về chùa để giúp đỡ cho thầy, ngày mai chị con ở bên Mỹ về con sẽ dắt chỉ đến đây cúng dường ủng hộ chùa mình.

Nhìn thấy có mấy Phật tử bên ngoài bước vào, cô gái nhanh nhảu nói:

 - Thôi bây giờ con phải đi gom tiền cá ở chợ, để ngày mai con dẫn chị con đến cúng dường, rồi thầy trò mình nói chuyện tiếp, thầy an tâm đi, đừng suy nghĩ nhiều, và đừng buồn nữa nha thầy.

Tôi tự cười thầm trong bụng: “Mình có buồn lo gì đâu nhỉ, cái cô gái đó thật là lạ đời.” Mấy hôm sau cũng vào giữa trưa, cô gái nọ lại đến. Vẫn với thái độ vui vẻ, cười nói huyên thuyên, còn bảo rằng lẽ ra hôm nay có người chị bên Mỹ mới về đi cùng, nhưng vì đã cùng gia đình đi dự lễ cưới của một đứa cháu nên không ghé được. Một lát sau bỗng cô ta im bặt và tỏ vẻ ngại ngùng ấp úng:

 - Thiệt là ngại quá, con nói cái này thầy đừng có suy nghĩ gì nha, nếu có thể thì thầy giúp giùm con, còn không thì thôi chứ con ngại lắm...

Từ hôm gặp cô gái này đến nay, tôi cứ phân vân không biết cô gái ấy là ai, có phải là Phật tử cũ của thầy mình không? Cách nói của cô gái ấy thật trơn tru nhưng vẫn có cái gì đó giả giả thật thật... Nên khi cô gái tỏ vẻ ngại ngùng ấp úng khác hẳn với thái độ vui vẻ ban đầu, đặc biệt là cái kiểu vòng vo chận đầu chận cuối ấy, làm tôi sinh nghi, nên tôi trả lời thẳng thắn:

 - Cô có việc gì cứ nói đi, nếu giúp được tôi sẽ giúp ngay, nếu thấy không được thì thôi, tôi không có việc gì phải ngại ngùng hay suy nghĩ cả.

 - Dạ, nếu thầy không suy nghĩ gì thì con mới dám nói, hôm nay đáng lẽ là con dẫn chị con đến đây để cúng dường chùa mình. Nhưng vì chị con bận nên con mới đi một mình, con dự định ghé qua chợ Hóc Môn thu gom tiền cá rồi đi Tây Ninh dự đám cưới đứa cháu. Nhưng xui quá, mấy sạp cá khô mà con bỏ mối ở chợ hôm nay không biết vì sao lại đóng cửa hết, nên con không lấy được tiền mà con cũng không đem tiền theo. Giờ con xin thầy giúp đỡ cho con mượn tạm vài trăm ngàn để con đi đám cưới đứa cháu, khi về con sẽ dẫn chị con ghé ngang đây cúng dường và gởi lại thầy số tiền đó.

 - Xin lỗi cô, như cô đã biết, thầy tôi vừa mới viên tịch, tôi không có tiền, mà nếu có tôi cũng không thể cho cô mượn, vì làm như vậy rất dễ bị hiểu lầm là vì ham số tiền cúng dường cô đã hứa hẹn mà cho cô mượn, như thế thật là không hay lắm.

Cô gái vẫn cố vớt vát:

 - Dạ không sao, nếu thầy không cho mượn thì thôi con đi chỗ khác mượn vậy.

Cô gái đứng dậy bước ra bên ngoài rồi lên một chiếc xe ôm đi mất. Lúc ấy một sư bác (sư huynh của thầy tôi) từ ngoài sân bước vào hỏi:

 - Cô đó ở đâu, thầy có quen không mà sao cứ vào đây mượn tiền hoài vậy. Hôm trước, không biết sao nó biết tui là sư bác của thầy mà đến làm quen, cứ kêu Sư bác, Sư bác..., rồi nói đủ chuyện linh tinh tui không hiểu cái gì hết, rốt cuộc nó hỏi mượn mấy chục ngàn đổ xăng, chẳng lẽ nó gọi mình là Sư bác mà mấy chục ngàn không cho nó mượn được. Vậy mà hôm nay nó lại nói hết xăng mượn tiền một lần nữa, thiệt là... Vậy mà một thời gian sau, cô gái ấy lại quay lại mượn tiền Sư bác một lần nữa và cũng với lý do cũ mới ghê chứ!

Chiêu thứ 8: Cúng dường “tráo trở”

Xin Gởi Hài Cốt,

Cúng Trai Tăng...

Người đàn ông lịch lãm cúi chào tôi rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Ông giới thiệu mình là Việt kiều Mỹ, vốn là một linh mục, khi xưa từng làm tuyên úy công giáo, đồng thời cũng tham gia nhiều hội đoàn thiện nguyện và có quen biết nhiều vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng. Sau đó, ông trình bày rằng mẹ mình vốn là một tín đồ Phật giáo. Nguyện vọng cuối cùng của bà là được ký gởi hài cốt và linh vị trong chùa để bà được nghe kinh sớm siêu thoát. Hôm nay, nhân dịp về thăm quê, ông muốn thực hiện di nguyện cuối cùng của mẹ và mong nhà chùa hướng dẫn, giúp đỡ.

Hỏi thăm về người thân thì ông ta cho biết trước đây gia đình ông ta ở quận Nhất. Bây giờ đã sang Mỹ định cư không còn ai ở Việt Nam. Mỗi lần về thăm quê ông thường ở nhờ nhà người bà con bên vợ là đệ tử thuần thành của hòa thượng TQ. Thường đi nghe pháp, cúng dường chùa XL v.v...

Vì chùa neo người, không thể đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho số đông, bất đắc dĩ lắm chùa chỉ nhận việc cúng kính cho tín đồ Phật tử địa phương. Đối với Phật tử ở xa thì tôi đều hướng dẫn họ đến những ngôi chùa gần nhà liên hệ nhờ giúp đỡ. Bất quá thì tôi chỉ dẫn Phật tử đến hộ niệm. Cho nên, trong trường hợp này, tôi hướng dẫn người đàn ông ấy trở về quận Nhất tìm một ngôi chùa nào đó gần nhà người quen để gởi cốt và nhờ quý thầy ở đó cúng cho bà cụ. Nhưng, người đàn ông ấy vẫn cứ cố nài nỉ xin được gởi hài cốt của mẹ mình ở chùa tôi với lý do chùa quê yên tĩnh. Thấy người đàn ông ấy tha thiết quá, tôi đành đồng ý cho ông ấy gởi hài cốt. Và hẹn ông ta hôm sau đem hài cốt đến, tôi sẽ chuẩn bị bông trái cơm nước làm lễ an cốt, nhưng không hiểu sao đến ngày hẹn lại không thấy người đàn ông ấy đến.

Một thời gian sau, tôi được nghe kể lại một số chùa ở thành phố đã phải khốn đốn vì bị mất cắp hũ đựng hài cốt ký gởi ở chùa và phải chuộc lại với một số tiền hết sức lớn. Khi hỏi ra thì phần lớn những hài cốt bị mất cắp đều mới được ký gởi không bao lâu, người gởi tự xưng là một Việt kiều, nguyên là linh mục tuyên úy công giáo.

Phương thức của chúng là giả danh Việt kiều không người thân ở VN (không có địa chỉ cụ thể) gởi hũ cốt và hẹn trước khi trở về Mỹ sẽ đến thăm. Vài ngày sau có người đến xin thăm cốt, đồng thời một người khác xin cúng dường trai Tăng để cầm chân “khổ chủ”, cho người kia “hành sự” (lấy cắp hũ cốt). Sau đó, vị Việt kiều kia gọi điện thoại hẹn trước ngày đến thăm, nhờ nhà chùa sắm sẵn bông trái rồi ông ta sẽ gởi tiền cúng dường. Khi đem bông trái ra cúng, nhà chùa mới biết hũ cốt ấy đã không cánh mà bay. Ngày hôm sau, kẻ gian gọi điện đến cho hay mình đang giữ phần tro cốt kia và đòi chuộc với một số tiền lớn (bằng mấy lượng vàng). Bị rơi vào cảnh chẳng đặng đừng, thời gian quá cấp bách không thể chần chừ, để giữ uy tín và cho êm chuyện nhà chùa đành bóp bụng gom góp tiền bạc, thậm chí hỏi mượn thêm của Phật tử để chuộc lại hũ cốt ấy. Nhưng đến ngày hẹn và cho đến tận “Tết Công Gô” vẫn không thấy người Việt kiều ấy đến thăm lại “hũ cốt vàng” ấy một lần nào nữa.

Đòi Tiền Gởi Cúng Cầu Siêu

Cách đây mấy năm, tôi được một vị Phật tử ghé thăm kể lại rằng, sư phụ của vị ấy mới bị một người phụ nữ làm tiền một cách trắng trợn.

Số là vào một buổi sáng chùa vắng người, trong khi đang tụng kinh thì có một người phụ nữ trung niên bước vào chánh điện với bộ điệu rất rành rẽ đi thắp hương khắp các nơi rồi ngồi đợi. Khi Sư cô tụng kinh xong, người phụ nữ ấy tiến đến và hỏi rằng sao không nghe Sư cô cầu nguyện cho con mình và cũng tìm không thấy bài vị của cháu trên bàn thờ. Hỏi kỹ lại thì người phụ nữ ấy nói rằng đã đưa cho Sư cô hai triệu đồng nhờ nhà chùa làm bài vị cầu siêu và Sư cô đã hẹn hôm nay đến cúng cho cháu.

Nghe Sư cô bảo rằng mình không hề nhận lời cầu siêu và cúng thất cho ai vào ngày hôm đó thì người phụ nữ kia bắt đầu lớn tiếng trách cứ. Đồng thời nắm tay Sư cô kéo đến bên cái chuông lớn ở chánh điện và nói rằng, rõ ràng hôm kia Sư cô đã nhận tiền, ghi lại tên tuổi người mất và bỏ vào trong chiếc chuông này. Vừa nói người phụ nữ ấy thò tay vào chuông lấy ra một tờ giấy ghi tên tuổi người chết, bên dưới còn có dòng chữ “gởi nhà chùa hai triệu đồng để làm bài vị và cúng thất vào ngày... tháng...”.

Người phụ nữ ấy vừa nói vừa la, ra chiều bực tức lắm, làm cho Sư cô hết sức bối rối. Bà ta lại có cả bằng chứng được lấy ra từ quả chuông của nhà chùa, làm Sư cô không biết nói sao nữa, đành lấy ra hai triệu đưa cho người phụ nữ ấy mà trong lòng hết sức bất nhẫn.

Cách đây mấy ngày, đang nghỉ trưa bỗng tôi nghe bên ngoài có tiếng niệm Phật khá lớn, bước ra bên ngoài tôi gặp một người phụ nữ trung niên đang đứng đó. Người phụ nữ ấy xin phép lên chùa thắp nhang lễ Phật, một lát sau bà ta quay lại tìm tôi và hỏi:

 - Hôm nay cúng thất cho con của con mà sao không thấy bày biện gì hết, mà bài vị cũng không có nữa vậy thầy?

Vì chùa không bao giờ nhận sắm lễ cúng cho người lạ nên tôi hỏi lại:

- Cô ở đâu, con cô tên gì, gởi cúng thất khi nào?

Người phụ nữ ấy tỏ vẻ bực bội và bắt đầu lớn tiếng:

 - Tôi ở xóm trên chứ ở đâu, con tôi là Nguyễn Thị T. tuần trước tôi đã đến đây ghi tên tuổi và đã gởi hình ảnh tiền bạc để cúng rồi, sao bây giờ thầy còn hỏi lại là làm sao?

Tôi cố gắng giữ thái độ ôn hòa nói với người phụ nữ ấy rằng:

 - Chùa chúng tôi có nguyên tắc là chỉ nhận cúng thất cho Phật tử thuần thành thường đi chùa mà thôi, cô là người ở đâu tôi chưa từng biết qua, vì vậy chắc chắn là có sự nhầm lẫn nào rồi.

Người phụ nữ ấy vẫn cố cãi:

 - Tôi không đi chùa này nhưng mẹ tôi vẫn thường đi công quả ở đây. Chính tôi đưa tiền cho thầy vậy mà giờ thầy lại nói như vậy... Thiệt là, chẳng lẽ bây giờ đi cãi lộn...

Nói xong, người phụ nữ ấy quày quả bước ra bên ngoài lên xe đi mất.

Mấy ngày sau trong một buổi họp mặt với các vị trụ trì các chùa trong huyện, tôi đem câu chuyện ấy kể cho mọi người nghe và thật bất ngờ - có trên mười ngôi chùa trong huyện đã bị làm tiền bằng kiểu đó. Thiệt là hết nói...

Rước Thầy Đi Cúng,

Mượn Tiền Mua Lễ

Sau thời kinh chiều, đang ngồi nói chuyện với mấy huynh đệ thì có một người đàn ông từ ngoài bước vào và trình bày rằng: Ngày mai là 49 ngày của mẹ mình mà vị thầy thường cúng từ trước đến nay bận không đến được. Nên thầy ấy đã giới thiệu cho ông ta đến đây thỉnh quý thầy cúng giúp. Sau khi hỏi thăm kỹ càng vấn đề: tên tuổi, địa chỉ; hướng dẫn sắp đặt lễ cúng v.v... tôi hẹn giờ để ngày mai người đàn ông ấy đến rước.

Ngày hôm sau, đúng giờ người đàn ông hôm qua đến rước tôi bằng một chiếc Taxi (mà hôm qua ông ta bảo là của một người em). Đi ngang chợ bỗng nhiên người đàn ông đó bảo Taxi ngừng lại để ông ta vào chợ mua thêm một vài món đồ cúng còn thiếu. Bước xuống xe ông ta sờ hết túi trên đến túi dưới một hồi rồi lúng túng nói với tôi rằng: “Thiệt là ngại quá, hồi nãy đi gấp nên quên không đem theo bóp tiền, giờ mà về nhà rồi mới quay lại mua đồ thì mất thời gian nhiều quá! Sợ thầy phải chờ lâu, nên xin thầy cho con mượn đỡ một ít tiền để mua lễ, khi về đến nhà con sẽ trả lại ngay.” Hỏi cần bao nhiêu, người đàn ông đó nói khoảng 500 ngàn. Móc trong túi ra có 200 ngàn, tôi đưa cho người đàn ông ấy và bảo rằng mình chỉ có ngần ấy thôi. Thấy vậy anh tài xế Taxi móc túi lấy đưa cho ông ta mượn 300 ngàn nữa cho đủ. Người đàn ông vui mừng cảm ơn rồi lật đật chạy vào chợ. Tôi và người tài xế taxi ngồi chờ một thời gian khá lâu mà không thấy người đàn ông ấy trở ra, sốt ruột tôi bảo vị thầy đi cùng chạy vào chợ hối người đàn ông cho mau. Một lát sau vị thầy đi cùng trở ra và báo rằng đã tìm khắp chợ mà không hề thấy bóng dáng người đàn ông ấy đâu cả.

Hỏi lại anh tài xế Taxi thì anh ta bảo không hề quen người đàn ông kia, lúc này tôi mới hoàn hồn và biết rằng mình đã bị lừa. Tội nghiệp anh tài xế Taxi vì nghĩ ông ta là Phật tử thuần thành của chùa đến rước thầy đi đám như lời ông ta nói nên đã phải cùng chung số phận với tôi.

(Theo lời kể của thầy tri sự chùa PV)

Rước Thầy Đi Cúng

Cướp Điện Thoại

Nhiều năm không gặp nhau, nhân có dịp đi thành phố, tôi ghé thăm một người bạn học cũ. Sau một lúc tay bắt mặt mừng hỏi han này nọ, người bạn kể cho tôi nghe một câu chuyện mà huynh ấy mới “bị” hôm qua.

Số là hôm kia có một người đàn ông đến trình bày là gần đây gia đình anh ta thường xuyên xảy ra nhiều việc xui xẻo phiền não, nên ông ta muốn mời thầy về nhà tụng giúp một thời kinh cầu an. Vì thấy thời gian gần đây người đàn ông này cũng thường đi chùa, lại thấy ông ta trình bày rất tha thiết, cho nên người bạn của tôi đã nhận lời. Hôm sau, đến giờ hẹn người đàn ông ấy đi trên một chiếc xe tay ga đến đón. Xe chạy một hồi, rồi dừng lại trước một ngôi nhà mới xây trong khu quy hoạch dân cư mới. Người đàn ông bấm chuông một hồi lâu mà không thấy người ra mở cửa, ông ta lầm bầm điều gì đó rồi nói với người bạn của tôi rằng: “Thầy có điện thoại không, làm ơn cho con mượn để con gọi cho đứa em, không biết nó ở đâu mà sao bấm chuông không thấy ra mở cửa. Hồi nãy đi gấp quá con không có đem theo điện thoại”.

Người bạn của tôi không suy nghĩ gì lấy ra chiếc điện thoại nắp trượt của một Phật tử Việt kiều mới đem từ “bên” về cúng dường, đưa cho người đàn ông. Ông ta bật máy, bấm số và bắt đầu nói chuyện... bỗng chiếc xe tay ga chồm lên và lao vút đi, trong tíc tắc đã mất dạng. Nhìn ngôi nhà im lìm giữa một khu phố vắng vẻ, người bạn của tôi chợt rùng mình, vội rảo bước nhanh về phía đường cái gọi một chiếc taxi chở về chùa. Kể từ đó người bạn ấy không xài điện thoại di động nữa.

Chiêu thứ 9: “Muốn được lợi lớn tiếc gì chút mọn”

Hứa Cúng Dường

Xin Hỗ Trợ Tiền Xe

Nhớ lại cách đây cũng lâu rồi, cái hồi mà tôi mới bước đầu tham gia công tác từ thiện xã hội, hàng ngày có nhiều tổ chức, cá nhân đến liên hệ hoặc vận động ủng hộ giúp đỡ hoặc bàn bạc kế hoạch tổ chức chương trình từ thiện v.v... Bất kỳ đối tượng nào tôi cũng đều tiếp đón niềm nở và không nhiều thì ít tôi đều tham gia ủng hộ bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình.

Có lẽ thấy tôi “dễ thương, dễ mến...” vì đã vui lòng ủng hộ một số tiền lớn cho chương trình xây nhà vệ sinh tự hoại cho trẻ khuyết tật, mồ côi của một tỉnh nọ. Một ngày kia, hai “nhà hoạt động xã hội” của tổ chức ấy quay lại - “trước là chuyển lời cảm ơn của giám đốc trung tâm đến thầy vì sự quan tâm ủng hộ của thầy đối với các em khuyết tật, mồ côi của tỉnh...”, đồng thời trình bày rằng:

 - Trung tâm được một cơ sở kinh tế tặng cho một bộ bàn ghế tốt, vì xa quá không thể vận chuyển về được nên trung tâm đã quyết định tặng lại cho UBMTTQ huyện, nhưng trên đó đã có rồi và mấy ảnh giới thiệu đến đây tặng cho chùa, vì chỉ có chùa mình mới xứng để bộ bàn ghế ấy, mong thầy nhận giúp.

Thật tình là tôi cũng đang cần một bộ bàn ghế để tiếp khách nên vui vẻ đồng ý ngay, lúc ấy người đàn ông mới nhỏ nhẹ nói:

 - Vậy xin thầy vui lòng cho chúng con xin 500 ngàn để thuê xe chở bộ bàn ghế ấy về cho thầy ngay bây giờ được không ạ.

Tôi trả lời:

 - Được rồi, anh cứ bảo họ chở đến đây, tôi sẽ trả tiền xe cho họ.

Người đàn ông có vẻ ngần ngừ suy nghĩ giây lát rồi lại đề nghị:

 - Dạ, chúng con có việc gấp cần làm nên không thể trở lại đây, xin thầy đưa tiền để chúng con thanh toán cho người ta trước rồi chỉ đường cho họ chở đến đây cho thầy.

Thấy kỳ kèo mãi cũng không đáng, trong khi người ta đang có ý tặng mình bộ bàn ghế ít ra cũng mấy triệu bạc, vả lại lần trước, khi đến vận động ủng hộ họ đã trình giấy giới thiệu của cơ quan từ thiện với mộc đỏ hẳn hoi. Lại nghĩ, trước đây mình đã ủng hộ hẳn mấy triệu mà không nghĩ ngợi gì, bây giờ chỉ có mấy trăm chẳng lẽ lại nghi ngờ họ sao? Nên tôi quyết định lấy tiền đưa cho họ và ngồi chờ để nhận hàng. Nhưng chờ suốt mấy tiếng đồng hồ sau mà chẳng thấy có ai chở bàn ghế tới, mãi đến chiều tối mà cũng không có âm hao gì, tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình đã bị lừa, mà đau nhất là khi nghĩ lại thì như vậy là tôi đã bị hai “nhà hoạt động xã hội” ấy lừa đến hai lần.

Ối trời, đúng là...

Mượn Danh Cúng Dường Chùa

Vừa làm lễ xong, tôi nhận được cuộc điện thoại của một Phật tử thân quen hỏi thăm xem có người nào chở gạo đến cúng chùa chưa, vì có người đến mua 200 kg gạo nói rằng để cúng chùa và đã chở đi trước 100 kg (chưa trả tiền - nói rằng đến chùa rồi gởi tiền luôn), người của vựa gạo chở 100 kg đi sau mà đã chờ ở trước chùa gần nửa giờ rồi vẫn không thấy bà ta đâu cả.

Biết người chủ vựa gạo ấy đã bị lừa, tôi đành an ủi vị ấy vài câu: “Thôi cô bị lừa rồi, đừng buồn cứ coi như đã phát tâm cúng chùa rồi, nhưng lần sau nhớ cảnh giác, nếu cúng chùa thì mang đến tận nơi, còn không thì ai mua hàng phải yêu cầu họ trả tiền ngay, đừng tin người lạ”.

Có nhiều nơi đã bị lừa kiểu này, thậm chí họ còn nói mua hàng cho sư phụ, khi đến chùa hai bên còn giáp mặt sư trụ trì bàn giao hẳn hòi. Rồi người mua yêu cầu lấy thêm hàng rồi sẽ trả tiền luôn. Khi chủ hàng quay lại, thì hàng khi nãy đã bị lấy đi một nửa. Hỏi ra mới biết là sư trụ trì không hề đặt mua hàng và cũng không biết gì về người đến liên hệ mua hàng, chỉ nghe người kia nói là chút nữa có người sẽ đem hàng tới để nhà chùa bố thí cho người nghèo. Sau đó, họ nói là lấy một phần đem cho một điểm khác và quay lại. Vậy mà họ đi mất tiêu chờ mãi cũng không thấy tăm hơi đâu, làm nhà chùa cũng áy náy, mà chủ hàng cũng cười ra nước mắt.

Mượn Danh Người Nổi Tiếng

Giả ca sĩ, lừa tiền nhà chùa gần 900 triệu đồng.

TAND TP. HCM xử sơ thẩm ngày 15 - 12 đã tuyên phạt Phạm Tấn Hùng (SN 1986, ngụ quận Thủ Đức - TP. HCM) 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Muốn có tiền tiêu xài nhưng không phải cực khổ lao động, Hùng vạch kế hoạch đến các chùa xin kinh sách cũ để bán ve chai. Hùng lân la đến nhiều ngôi chùa trên địa bàn quận Thủ Đức gặp các Ni cô, Sư thầy nói rằng muốn xin kinh sách cũ chuyển về cho những ngôi chùa ở vùng xa xôi hẻo lánh làm từ thiện tích đức. Vì tưởng Hùng có tấm lòng từ bi hỷ xả, trụ trì nhiều ngôi chùa hết lòng giúp đỡ.

Ngày 26 - 9 - 2010, Hùng đến một ngôi chùa trên địa bàn quận 9 tiếp tục xin kinh sách, khi quay về hắn còn được nhà chùa hẹn hôm sau đến sẽ gom thêm giúp Hùng làm việc thiện. Thấy vị cao Tăng dễ tin người, nên sau đó Hùng vẽ vời rằng việc từ thiện trên là do ca sĩ Giao Linh tài trợ, Hùng còn lấy hai số điện thoại của mình cho nhà chùa rồi nói đó là số điện thoại của ca sĩ Giao Linh. Dù vậy, việc làm của Hùng không tránh khỏi nghi ngờ của một số Tăng Ni, Phật tử. Không thấy Hùng đến chùa như đã hẹn, một Ni sư gọi điện hỏi thăm thì Hùng nói bị tổn thương do một số người trong chùa không tin tưởng việc làm từ thiện của mình. Hùng còn nói nếu Ni sư không tin có thể đến nhà trọ của Hùng để kiểm tra. Khi vị cao Tăng cùng đệ tử đến nơi Hùng ở trọ thì quả thật thấy bao nhiêu tài liệu, kinh sách vẫn còn nguyên nên nhất mực tin lời. Lúc các Tăng Ni đến thì phòng trọ của Hùng bị cúp điện, nước nên bị cáo có cớ để lừa. Hùng cho biết ca sĩ Giao Linh đang ở nước ngoài, hắn thì tối ngày mải mê với công tác từ thiện nên không có thời gian lo cho bản thân, tiền bạc để đóng tiền điện nước... Hùng được nhà chùa cho mượn 2,6 triệu đồng để đóng tiền điện, nước và trang trải. Đồng thời chùa còn cho Hùng mượn xe máy để đi lại. Bằng những thủ đoạn tinh vi, Hùng giả giọng ca sĩ Giao Linh nhiều lần gọi điện về nhờ giúp đỡ và vận động cho công tác từ thiện. Nhà chùa đã “hiến từ thiện” cho Hùng tổng cộng 890 triệu đồng.

Đêm 10 - 10 - 2010, Hùng bỏ trốn nhưng sau đó bị bắt. Trước đó, một nạn nhân đã bị Hùng chiếm đoạt 20 triệu đồng.

Theo “Người Lao Động”

Thay Mặt Người Thân Cúng Dường Số Tiền Lớn, Mượn Một Ít Tiền Lẻ Lo Công Việc Gấp

Cách đây mấy năm, lúc thầy tôi mới viên tịch chùa còn nhiều khó khăn. Trong lúc tôi đang quét dọn chánh điện thì có một người phụ nữ bước vào tự giới thiệu mình là Việt kiều Mỹ mới về, thay mặt người thân đem một số tiền đến cúng chùa. Người phụ nữ ấy yêu cầu tôi viết giấy công đức để đem về cho những người gởi cúng, rồi đọc một loạt tên Hoa kiều, mỗi người cúng năm, ba trăm đôla cộng lại cũng hơn 2 ngàn đô. Trong khi tôi lụi hụi viết giấy công đức, người phụ nữ kia tỏ ra gấp gáp hối tôi viết cho nhanh, để cô còn đi đến nơi khác tặng quà cho người nghèo. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, người phụ nữ ấy nói: “Thôi thầy cứ từ từ viết đi, tôi cần phải đi gấp, một chút xong việc tôi sẽ quay lại đưa tiền sau... À, mà thầy có tiền lẻ không cho tôi mượn vài trăm ngàn để đến chùa kia cho người nghèo, tôi đi vội quá không kịp đổi tiền, một lát tôi trở lại cúng dường rồi trả lại cho thầy luôn.” Gom góp trong chùa còn được mấy trăm ngàn tôi đưa cho người phụ nữ ấy, cô ta cảm ơn rồi đi ngay.

Và, người phụ nữ ấy đã một đi không trở lại, tôi đành ngậm ngùi đem mấy tờ giấy công đức đã ghi cất vào quyển sổ lưu niệm, thỉnh thoảng đem ra quán chiếu về đề tài “Ngũ trược ác thế”, và tự cười mình: Đúng là... (!)

Chiêu thứ 10: Lừa qua điện thoại

Hứa Cúng Dường Số Tiền Lớn, Yêu Cầu Gởi Tiền Vào Tài Khoản Để Đóng Thuế

Sáng tinh sương, ngôi chùa Châu An (Q. Gò Vấp) chìm trong tĩnh lặng. Ni sư Thích Nữ Lệ Phát, trụ trì chùa đang dọn dẹp ngoài sân thì chuông điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia, giọng một cô gái hồ hởi: “Sư cô ơi, con là Ngọc Minh đây, con vừa về từ Mỹ tối qua. Nhưng 12 giờ mới tới Sài Gòn, mà gia đình con ở Bình Định vào đón về quê ngay, nên con không ghé chùa được. Con nhờ bạn là anh Thanh ở TP. HCM chuyển lại cho Sư cô số tiền cúng chùa của các Phật tử. Sư cô ghi lại số điện thoại của anh Thanh để liên lạc. Danh sách người gửi tiền, ai có email thì Sư cô gửi email cám ơn, ai không có thì sư cô biên thư cho người ta”. Mừng rỡ, Ni sư Lệ Phát điện thoại cho người đàn ông tên Thanh. Người này xác nhận đúng là có đang giữ 18.000 USD tiền từ thiện và danh sách người tặng tiền cho chùa. Tuy nhiên, người đàn ông này cho biết: “Gửi số tiền trên 10.000 USD phải đóng thuế hải quan, nên sư cô ra bất kỳ ngân hàng gần nhất, đóng 3.570.000 đồng tiền thuế vào một số tài khoản ngân hàng ở Bình Định. Trong ngày mai sẽ có người đến trao tiền”.

Sáng hôm sau, Ni sư Lệ Phát lại nhận một cú điện thoại từ một người khác, xưng là gọi từ bộ phận hải quan: “Tôi liên hệ cậu Thanh, chuyên phụ trách mảng giải quyết chuyển tiền mà gọi hoài không được, không biết cậu ấy đi đâu mà không nghe điện thoại. Tôi gọi lên tổng đài để xin số chùa. Chuyện là số tiền gửi tặng chùa tăng lên thêm 10.000 USD, do Phật tử gửi thêm tiền trong hai hộp sâm. Qua rà máy an ninh mới phát hiện. Vì thế bây giờ số tiền phát sinh thêm này hoặc là bị tịch thu sung công quỹ, hoặc là bị phạt 50%. Sư cô liên hệ gấp anh Thanh để gặp chúng tôi giải quyết”.

Sau một hồi điện thoại, Ni sư Lệ Phát nhận được câu trả lời của người đàn ông tên Thanh: “Rồi, rồi, con đang đi làm gấp, để con ra đó xem tình hình sao, trời ơi mấy bà này hại quá, hại quá!”. Lát sau, anh chàng Thanh gọi lại: “Bây giờ số tiền gửi trong hộp sâm không khai báo hải quan nên bị phạt 50%. Nãy giờ con đi theo năn nỉ, lấy cả giấy chứng nhận người ta gửi tiền cho chùa mục đích để làm từ thiện. Anh quản lý nghe xong đã đồng ý chỉ phạt nhẹ thôi. Giờ Sư cô phải ra Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank để chuyển 5.610.000 đồng về một tài khoản mang tên Nguyễn Thị Niên ở Bình Định. Ngay khi chuyển tiền xong Sư cô báo lại cho con ngay. Đầu giờ chiều sẽ có người mang tiền đến”.

Chuyển tiền như yêu cầu, Ni sư Lệ Phát yên tâm về chùa chờ. Đầu giờ chiều, không thấy ai đến, Ni sư điện thoại đến người đàn ông tên Thanh. Đầu dây bên kia trấn an: “Yên tâm, chắc trễ một chút thôi, Sư cô cứ chờ đừng đi đâu”. Tuy nhiên, đó cũng là cú điện thoại cuối cùng từ số máy này, bởi sau đó Ni sư chờ mãi mà không thấy bóng dáng ai đến chuyển tiền từ thiện, tất cả các số điện thoại đã từng gọi Ni sư trong câu chuyện này đều trong tình trạng “hiện không liên lạc được”.

Kể lại câu chuyện vừa xảy ra cách đây vài ngày, Ni sư Lệ Phát mong đây sẽ là bài học cho các ngôi chùa khác. Bởi nhóm lừa đảo cao tay này, chắc chắn sẽ mang kịch bản như phim đến áp dụng với không ít ngôi chùa trên cả nước.

Hoài Thi - CA. TP. HCM

Gọi Điện Thoại Nhờ Giúp Đỡ Người Thân Của Chư Tôn Đức Giáo Phẩm Cao Cấp

Chuông điện thoại reo vang, nhấc máy tôi nghe một giọng nói khá chững chạc:

 - Chào thầy, tôi là hòa thượng HP tổng thư ký HĐTS đây, tôi có việc này muốn nhờ thầy một chút. Số là tôi có một ông anh bà con lớn tuổi hơi bị lẫn nên đi lạc từ dưới quê lên thành phố mấy ngày nay, tôi mới được báo hiện nay ông ấy đang ở gần khu vực chùa thầy mà bây giờ tôi đang bận họp HĐTS không đến đó đưa ổng về quê được nên nhờ thầy giúp đỡ, chở ổng ra bến xe để ổng về lại Vĩnh Long giùm tôi một chút được không vậy?

Sau khi chở người đàn ông kia về, mời cơm tử tế, sau đó đón xe cho ông ấy về quê và không quên hỗ trợ tiền xe và tiền lộ phí ăn uống dọc đường, lòng hân hoan vì đã giúp được cho một vị tôn túc lãnh đạo cao cấp của giáo hội - dù chỉ là một việc nhỏ.

Nhưng mấy ngày sau trong lúc chuyện vãn, mới hay rằng chỉ trong một thời gian ngắn mà “vị tự xưng là tôn túc lãnh đạo cao cấp của giáo hội kia” đã nhờ vả hầu hết các chùa trong huyện cũng cùng một việc như trên, và hầu hết các chùa cũng đã hoan hỷ giúp đỡ một cách vô tư!

Đến nỗi có chùa đã nghe nói về chiêu lừa đó nên khi nghe có người xưng là công an huyện nhắn lại lời của “Vị Hòa thượng lãnh đạo giáo hội” nhờ giúp đỡ người nhà, vị Ni sư già đã từ chối không giúp với lý do chùa không có ai rảnh thì liên tục bị gọi điện thoại hăm dọa khủng bố với lời lẽ hết sức hung hãn trịch thượng.

Ôi chao, thiệt là hết chỗ nói!

Gọi Điện Thoại Hỏi Đường Để Đến Cúng Dường

Tôi viết mấy hàng này là để sám hối với các ngôi chùa trong hẻm, vì thỉnh thoảng có người gọi điện thoại hỏi thăm nhờ cho địa chỉ, số điện thoại của trụ trì một số chùa trong huyện để họ đến cúng dường. Tùy hỷ trước việc làm thiện tâm công đức của người khác, tôi đã hoan hỷ cung cấp một cách “vô tư” địa chỉ, số điện thoại, thậm chí còn tâm sự với họ những điều mà chỉ nên nói với những người thân quen.

Tôi chỉ phát hiện ra mình có thể đã vô tình cung cấp cho kẻ xấu những thông tin giá trị để họ sử dụng làm phương tiện đánh lừa người khác. Khi mà tôi đã được nghe kể về lý lịch của chính mình một cách chính xác từ người đối diện tự xưng là người quen của tôi! Ấy vậy mà họ không biết họ đang ngồi đối diện với ai; hoặc khi liên tục bị gọi điện thoại đề nghị mua sách... từ nhiều số điện thoại lạ - không biết ai đã cung cấp cho họ số điện thoại và cả lý lịch đời tư của mình vậy kìa? (Trong khi tôi rất hạn chế trong việc cung cấp số điện thoại và các thông tin cá nhân cho người khác?) - Có lẽ họ đã được cung cấp những dữ liệu đó từ một người dễ thương như tôi chăng?

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Tây Phương An Lạc Tập
Tây Phương An Lạc Tập
Đại Sư Đạo Xước
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển