Nhìn lại
IV. KIỂM ĐIỂM CÔNG PHU
Chúng ta ở đây đều tu theo pháp môn niệm Phật. Hôm nay, chúng ta cũng cần kiểm điểm lại xem trong năm qua công phu niệm Phật của mình tiến hay lùi? Mỗi ngày mình niệm được bao nhiêu danh hiệu Phật?
Theo kinh nghiệm tu tập của mình, thầy khuyên quý vị nên phát nguyện mỗi ngày niệm Phật một xâu chuỗi 108 hạt. Dù mệt mỏi, ốm đau hay bận rộn thế nào đi nữa, chúng ta cũng quyết chí niệm cho được một chuỗi.
Có cô Phật tử nói với thầy rằng:
- Thầy ơi! Một chuỗi ít lắm. Con niệm một chút là được 10 chuỗi rồi.
Thầy bảo:
- Cô cứ tu từ từ, không nên gấp.
Thế nhưng, cô Phật tử này nói rất quyết tâm:
- Bây giờ, con phát nguyện một ngày sẽ niệm 100 chuỗi.
Lúc đầu, cô ấy cũng niệm 100 chuỗi theo như lời phát nguyện của mình. Vài tháng sau chỉ còn 90 chuỗi, hỏi thì cô bảo là quá bận nên không thể niệm đủ. Một năm sau gặp lại, thầy hỏi cô:
- Lúc này cô niệm được bao nhiêu?
- Thầy ơi! Con bận quá, bây giờ niệm có 50 chuỗi thôi!
Đến vài năm sau, khi cô đến thăm thầy, thầy hỏi:
- Lúc này cô niệm Phật như thế nào?
- Lúc này, có khi con niệm, có khi con không niệm được chuỗi nào.
Quả thật là:
Mới tu thì Phật gần kề,
Tu lâu thì Phật lại về Tây Phương.
Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng mình niệm Phật một lát hay một giờ đồng hồ là có thể được 100 chuỗi. Điều đó đúng! Nhưng lúc mình còn hăng hái thì như vậy, tới chừng sau này bận rộn, mệt mỏi rồi thì một chuỗi cũng không có. Cho nên, thầy mới khuyên quý vị cứ phát nguyện mỗi ngày niệm một chuỗi thôi! Niệm như vậy không khó, nhưng hạn lượng một chuỗi cố định đó sẽ tạo sức bền cho quý vị, giúp quý vị tinh tấn, không ngày nào nghỉ niệm Phật. Mỗi ngày một chuỗi là cái mốc tối thiểu, dù bận rộn hay ốm đau gì quý vị cũng phải niệm cho được. Niệm một chuỗi rồi mà còn thời gian thì quý vị niệm thêm 10 chuỗi, 100 chuỗi, 1.000 chuỗi nữa cũng vẫn được. Đó là cách để chúng ta nỗ lực bền bỉ tu tập. Muốn nấu cơm chín thì lửa phải đều, nếu lửa đang cháy mà rút củi ra thì nấu đến khi nào mới chín được cơm? Việc tu cũng thế, chúng ta cứ bền bỉ niệm Phật cho đều đặn và dài lâu, chắc chắn sẽ có ngày công phu của chúng ta được thành tựu.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm, quán xét lại trong năm qua việc niệm Phật của mình tiến bộ hay lui sụt? Điều này rất quan trọng. Chúng ta phải biết nhìn lại để xem sự tu tập của mình có tinh tấn hay không, và niềm tin có vững chắc hay không? Hay là hôm nay đang tu niệm Phật, ngày mai nghe ai đó nói có pháp môn hay hơn liền bỏ niệm Phật tu pháp môn khác? Tất cả pháp môn tu tập của Phật giáo cũng chỉ là phương tiện, và chúng đều có chung một mục đích. Đức Phật từng dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, đó là vị mặn của muối. Trong tất cả giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Dù là Thiền, Tịnh, Mật, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm... thì pháp môn nào cũng hướng đến mục đích giải thoát luân hồi, lục đạo, thành tựu Phật quả. Khi đã chọn cho mình pháp môn Tịnh Độ để tu tập, chúng ta cần phải cố gắng giữ cho niềm tin của mình được kiên cố:
Dù ai nói ngả, nói nghiêng,
Lòng ta cứ vững như kiềng ba chân.
Dù ai có nói gì chăng nữa, chúng ta cứ tiếp tục tu tập theo pháp môn mà mình đã chọn. Các pháp môn của đức Phật thích ứng với từng căn cơ cao thấp khác nhau, pháp nào cũng hay, không một pháp nào dở, quan trọng là pháp đó phù hợp với căn cơ của mình. Chúng ta có quyền chọn lựa pháp môn để tu, không bắt buộc phải theo một pháp môn nào. Đức Phật từng khuyên chúng ta khi làm điều gì cũng phải suy nghĩ, cân nhắc và chọn lựa trước. Chọn được pháp môn phù hợp với căn cơ của mình thì việc tu hành sẽ có kết quả. Thí dụ, chúng ta bị đau bao tử, đi khám, bác sĩ cho cái toa, về mua cả triệu tiền thuốc, nhưng uống rồi vẫn không khỏi bệnh. Có người chỉ mình đi ra vườn nhổ cái cây nào đó về sắc uống chừng một tháng là khỏi bệnh. Lúc đầu, mình cũng thấy nghi ngờ: “Uống thuốc mua cả triệu bạc không khỏi, làm sao nhổ cái cây ngoài vườn vào sắc uống mà khỏi được?” Nhưng vì nghĩ rằng: “Có bệnh thì vái tứ phương” nên mình cũng thử xem sao. Kết quả là một tháng sau, căn bệnh của mình bình phục hoàn toàn. Như vậy, đâu phải thuốc nhiều tiền là thuốc quý, mà thuốc chữa khỏi bệnh mới là thuốc quý. Tương tự như thế, không có pháp môn hay dở, phù hợp với mình là pháp hay, không phù hợp với mình thì pháp hay cũng thành pháp dở. Mình nói một pháp môn nào đó hay lắm nhưng căn cơ của mình không đủ thì cũng không thể đạt kết quả trong việc tu tập.
Chúng ta đều đã suy nghĩ trước rồi mới chọn cho mình pháp môn niệm Phật. Khi đã chấp nhận niệm Phật là pháp môn tu tập của mình, chúng ta phải có niềm tin vững chắc vào pháp môn này. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Niệm Phật là lúc nào cũng nhớ, nghĩ tới Phật. Mà trên cuộc đời này, nếu nói về tư tưởng, về suy nghĩ, thì không có gì tốt đẹp bằng nhớ nghĩ tới Phật. Bởi vì, Phật là đại biểu cho những điều tốt lành nhất. Tin và hiểu được điều đó rồi, chúng ta phải nỗ lực, dốc lòng tu tập.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm lại trong năm qua mình niệm Phật được nhiều hay ít? Trong khi niệm Phật, tâm mình được chuyên nhất hay còn nhiều vọng tưởng? Nếu vọng tưởng còn nhiều thì chúng ta phải cố gắng khắc phục. Có nhiều người hỏi thầy: “Sao mỗi lần con niệm Phật thì vọng tưởng nhiều quá, không biết khắc phục cách nào?” Thầy bảo: “Mặc kệ vọng tưởng, cứ chú tâm vào niệm Phật. Vọng tưởng cũng là do nghiệp, nghiệp đời trước nặng thì vọng tưởng nhiều, khi nào nghiệp nhẹ bớt thì vọng tưởng sẽ ít đi. Ví như cái quạt máy, khi bật lên thì nó quay rất nhanh, đến khi tắt đi, nó không thể dừng liền, mà phải đợi quay cho hết trớn mới có thể dừng được. Cũng thế, từ vô thủy kiếp tới nay, tâm của chúng ta luôn vọng tưởng điên đảo, giống như cái cánh quạt đang quay; bây giờ, mình mới tu thì làm sao mà dừng vọng tưởng ngay được, cũng phải từ từ, giống như ngắt điện rồi một lúc sau cánh quạt mới ngừng quay vậy”. Bởi thế, chúng ta hãy nỗ lực tu tập, còn trạng thái nhất tâm, mình đạt mức nào thì tốt mức ấy, không nên quá bận tâm vào nó. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chỉ cần niệm cho có, niệm lấy lệ, mà phải nỗ lực tu hành. Ví như, người trồng cây phải nỗ lực chăm sóc, tưới nước, nhổ cỏ, vun phân... đến khi đủ ngày, đủ tháng, đủ năm, cây mới có thể đơm hoa, kết quả. Còn không quan tâm chăm sóc, hoặc muốn cho cây mau lớn mà mỗi ngày ra kéo nó cao lên một chút, thì nó không thể cho quả ngon, thậm chí còn bị chết yểu. Việc tu cũng thế, chúng ta cứ nỗ lực hạ thủ công phu thì tự nhiên nghiệp chướng sẽ vơi bớt, phước báu sẽ phát triển, vọng tưởng sẽ giảm dần và định lực sẽ tăng trưởng.
Cũng trong ngày hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại để thấy rằng mỗi năm trôi qua là mình tăng thêm một tuổi đời. Mà tăng thêm một tuổi đời cũng có nghĩa là giảm đi một tuổi thọ. Giả sử mạng sống của mình được 70 tuổi, năm nay tuổi đời mình tăng từ 64 lên 65 tuổi, thì tuổi thọ của mình sẽ giảm từ 6 xuống còn 5 tuổi, tức là mình chỉ còn sống được 5 năm nữa mà thôi. Tuổi đời càng cao thì mạng sống càng giảm. Đồng thời, chúng ta hãy nhìn lại để thấy rằng mỗi năm trôi qua, mắt mình càng mờ đi, tóc càng bạc thêm, da càng nhăn nheo, sức khỏe càng sút kém, và ngày ra đi cũng càng đến gần hơn. Điều đáng lo lắng là dường như không ai trong chúng ta quan tâm đến việc này, vẫn cứ nhởn nhơ trước cái già và cái chết.
Trong kinh Xuất Diệu có chép: Một hôm, đức Phật cùng chư Tăng đi ngang qua một cái hồ cạn nước. Nhìn thấy những con cá đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, lúc đó gương mặt của đức Phật có vẻ hơi buồn. Các đệ tử hỏi Ngài:
- Bạch đức Thế Tôn! Vì lý do gì mà Ngài lại buồn?
Đức Phật trả lời:
- Các con có thấy không? Tháng này hạn hán, hồ nước sắp cạn, mạng sống của những con cá kia cũng đang giảm dần. Thế mà, chúng vẫn nhởn nhơ bơi lội không biết gì. Từ đó, Ta liên tưởng đến con người: Mỗi ngày trôi qua, mạng sống của con người cũng giảm dần như cá ít nước; thế mà, con người không biết, cứ lao vào hưởng thụ ngũ dục, vui chơi sa đọa.
Sau đó, đức Phật đọc một bài kệ:
Ngày nay đã qua,
Sự sống cũng giảm,
Như cá ít nước,
Có vui sướng gì.
Mỗi ngày qua đi là mạng sống của chúng ta đang giảm dần. Chúng ta phải ý thức được điều này để nỗ lực tu tập. Bởi vì, tất cả chúng ta đều không biết trước ngày mai điều gì sẽ xảy đến với mình. Vừa rồi, vào ngày 12-01-2010, một trận động đất mạnh xảy ra ở Haiti. Các phương tiện thông tin đại chúng cho biết có rất nhiều xác chết bị chôn vùi dưới những đống gạch. Vào ngày hôm trước, những người tử nạn có biết rằng ngày mai họ sẽ bị chôn vùi dưới những đống gạch đó hay không? Chắc chắn không ai biết cả. Chúng ta ở đây cũng thế, không ai biết gì về ngày mai. Thế giới mỗi ngày một biến đổi. Các thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt... liên tục xảy ra. Cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Đời sống quả thật quá mong manh và ngắn ngủi! Đây là điều mà đức Phật đã từng nói với chúng ta.
Có lần, đức Phật hỏi các đệ tử rằng: “Mạng sống được bao lâu?”
Có vị nói: “Bạch đức Thế Tôn, trong một giấc ngủ.”
Đức Phật nói: “Ông chưa hiểu đạo.”
Vị khác nói: “Bạch đức Thế Tôn, trong một bữa ăn.”
Đức Phật nói: “Ông cũng chưa hiểu đạo.”
Vị khác nữa nói: “Bạch đức Thế Tôn, trong một hơi thở.”
Đức Phật mỉm cười: “Ông mới là người hiểu đạo.”
Mạng sống của chúng ta chỉ tính trong hơi thở. Một hơi thở ra không thở vào là đã sang đời khác. Cái chết là điều chắc chắn. Tất cả chúng ta một ngày nào đó rồi cũng sẽ phải từ giã cõi đời này, không ai có thể sống mãi, tồn tại mãi. Là người trí, được học Phật pháp, chúng ta phải biết lo lắng và chuẩn bị cho cái chết của mình, bất kể là trẻ hay già. Đức Phật đã nói mạng sống trong hơi thở, đâu phải chỉ có người già mới chết. Nếu ra nghĩa trang, chúng ta sẽ thấy có những ngôi mộ mà chủ nhân của chúng mới được 1 tuổi, 3 tuổi, 5 tuổi, 10 tuổi... Rõ ràng, cái chết có thể đến với tất cả mọi người ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Mạng sống của chúng ta đang giảm dần theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Ngay bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại để xem mình đã chuẩn bị gì cho những kiếp sống tới và cho cảnh giới mà mình sắp tái sinh. Nếu không thì chúng ta:
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
Chúng ta đã làm người lữ khách lang thang trong vòng luân hồi sinh tử biết bao nhiêu kiếp. Ngày nay, hiểu Phật pháp rồi, chúng ta phải làm sao để biết được đường về, biết được cảnh giới sắp tới của mình ở đâu, đừng làm kẻ cùng tử nay đây mai đó nữa.
Là người Phật tử, sau một năm, chúng ta nên nhìn lại việc tu học của mình, suy xét ba nghiệp thân, khẩu, ý đã được thanh tịnh hơn chưa, kiểm điểm việc công phu có được vững bền và tiến bộ hay không, đồng thời nên tự nhắc nhở mình về sự vô thường, ngắn ngủi của cuộc đời. Chúng ta phải làm sao cho mỗi năm trôi qua, phước đức của mình nhiều thêm, trí tuệ có phần tăng trưởng, thân tướng được trang nghiêm hơn, và gương mặt ngày càng hiền lành, dễ thương, phúc hậu. Được như vậy là chúng ta tu có tiến bộ. Nếu chưa được như vậy, chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn hơn, để sang năm sau gặt hái được nhiều thành quả trong việc tu học của mình, vững bước trên con đường đi tới giác ngộ và giải thoát.