Ngày mới của tâm
Hôm nay Nguyễn Đức rất vui vì được tâm sự câu chuyện của mình và chia sẻ cùng quý vị về nhân duyên đến với Phật pháp, đặc biệt là nhân duyên đối với ngôi chùa Hoằng Pháp này. Nguyễn Đức là con út trong một gia đình bốn chị em. Mẹ Nguyễn Đức từng kể lại rằng, lúc mới sinh được ba người con gái, vì ba rất muốn có con trai nên đã cầu xin Quan Âm Bồ Tát cho ba một đứa con trai. Lúc đó ba kêu gọi mọi người cùng nhau quyên góp để xây nên ngôi chùa Nguyên Hương, nay nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Và rồi mùa thu năm 1969 Nguyễn Đức đã ra đời vào ngày 19 tháng 9 âm lịch cũng là ngày vía đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Lúc mọi người nói mẹ sinh con trai, ba mừng lắm, vội vã chạy đến bệnh viện thăm hai mẹ con. Từ đó, Nguyễn Đức được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và các chị.
Từ nhỏ đã bộc lộ khả năng ca hát, nên ngày ấy, Nguyễn Đức vừa đi học, vừa tham gia các chương trình văn nghệ của nhà thiếu nhi thành phố. Buổi tối, Nguyễn Đức thường đến chùa gần nhà để tụng kinh. Nguyễn Đức tụng kinh mau thuộc, mà tụng cũng giỏi nên có khi được cùng quý thầy đi tụng đám. Thời gian cứ thế trôi qua, khi trưởng thành Nguyễn Đức có may mắn được nhiều người giúp đỡ, ủng hộ. Dần dần tiếng hát của Nguyễn Đức được các nhạc sĩ mời thu âm, được lên truyền hình. Thời điểm đó báo chí viết về Nguyễn Đức rất nhiều. Nguyễn Đức được các trung tâm băng đĩa nhạc thành phố mời thu âm và quay video ca nhạc. Nguyễn Đức thấy mình rất may mắn trên con đường nghệ thuật, có lẽ vì lúc nhỏ hay đi chùa đọc kinh. Nhưng đến khi có được chút danh tiếng, Nguyễn Đức lại bị cuốn vào công việc mà quên hẳn Phật pháp, cứ thế trượt dài trên con đường ăn chơi trác táng, dù trước mắt là hố sâu vực thẳm mà không hay biết.
Đến năm 1999, Nguyễn Đức cũng bắt đầu có tên tuổi trong làng ca nhạc giải trí. Gia đình Nguyễn Đức khi ấy đông người nên cũng khó khăn, chật vật. Thế nhưng Nguyễn Đức lại thích được tự do hưởng thụ nên đã ích kỷ xúi giục mẹ bán nhà. Vì Nguyễn Đức là con trai duy nhất trong nhà, điều gì Nguyễn Đức muốn là mẹ sẽ làm theo. Kể từ ấy, chị em, mẹ con phải chịu cảnh ly tán mỗi người một ngả.
Sau khi bán nhà, Nguyễn Đức và mẹ mua một căn chung cư ở quận 3 để thuận tiện cho việc ca hát của Nguyễn Đức. Số tiền còn dư lại 20 cây vàng mẹ cũng giao cho Nguyễn Đức cất giữ. Như vậy thì còn gì bằng, vừa có chút tiền trong tay, lại có tiếng tăm, ra đường được nhiều người biết đến. Tên tuổi của Nguyễn Đức thường xuất hiện trên truyền hình và báo chí. Cuộc sống của Nguyễn Đức cứ như là đi trên mây vậy. Nguyễn Đức giao du với tất cả mọi người, mọi thành phần. Trong đó có rất nhiều người giàu có, họ đi xe hơi mời Nguyễn Đức đi ăn nhà hàng sang trọng, đi uống rượu Tây, đi vũ trường,… Rồi Nguyễn Đức bị người xấu rủ rê chơi đánh bài. Đến khi mê rồi thì một ngày Nguyễn Đức có thể đánh tới một, hai cây vàng mà không biết tiếc. Vì thua bài nên Nguyễn Đức mới đánh đề để gỡ gạc. Mới đầu cũng trúng một vài lần nhưng càng về sau càng thua.
Sau đó, Nguyễn Đức gặp một số người giàu có, họ dẫn Nguyễn Đức đi vũ trường, nơi có tiếng nhạc sôi động cùng những ánh đèn màu rất đẹp, mình lại là ca sĩ có tên tuổi nên được nhiều người chú ý. Có người đưa cho Nguyễn Đức nửa viên thuốc lắc. Mới đầu cầm lên không biết là gì nên Nguyễn Đức ném đi. Vừa lúc đó có người nhặt lên bảo: “Đức ơi! Chơi đi! Vui lắm! Cái này mắc tiền lắm!” Nguyễn Đức cũng nể người ấy, không biết làm sao từ chối nên cũng nhắm mắt uống luôn. Chừng 10 phút sau, Nguyễn Đức không còn biết gì nữa, cứ quay cuồng trong tiếng nhạc. Kể từ đó Nguyễn Đức quên luôn sân khấu ca nhạc, bỏ show hát, ai mời cũng từ chối, thậm chí tắt luôn điện thoại. Vì Nguyễn Đức “bận”, ban ngày đánh bài và ghi đề, còn ban đêm đi vũ trường tới sáng mới về, bỏ mẹ ở nhà thui thủi một mình. Để làm yên lòng mẹ, Nguyễn Đức nói dối là đi hát về khuya nên mẹ không hay biết gì.
Đáng lẽ ra Nguyễn Đức không nên thử viên thuốc ấy dù chỉ một lần trong đời. Vì khi dùng thứ thuốc chết người ấy bản thân mình không còn lý trí nữa, chân đi không vững, cảm giác lơ lửng như trên mây, đầu óc mụ mị không còn nhớ gì, ngay cả người thân. Nó có thể làm mình bị suy tim, hở van tim và đột tử bất ngờ. Lúc đầu Nguyễn Đức không nghĩ về hậu quả vì được người ta cung phụng mọi thứ, Nguyễn Đức nghĩ mình không mất gì nên cứ thế lao thân vào hố sâu tội lỗi. Người ta nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” quả không sai, vì Nguyễn Đức gần toàn bạn xấu, thường rủ rê chơi số đề. Mới đầu cũng chơi thử, ai ngờ càng lúc càng mê không dứt ra được. Hễ đêm nào nằm ngủ cũng mơ thấy số, đi ra đường cũng chỉ để ý đến những con số đẹp để đánh đề, nó làm cho con người mình trở nên mê muội, như là một Nguyễn Đức ma vậy.
Năm 2003, nhóm người đi chơi với Nguyễn Đức bị truy nã, cả nhóm tan rã. Nguyễn Đức lúc đó xem như đã là con nghiện, vì không còn người chu cấp nên phải tự mua thuốc để chơi. Nhưng Nguyễn Đức cũng không còn tiền nữa, số tiền 20 cây vàng mẹ giao đều đã nướng vào canh bạc. Nguyễn Đức lại nói dối mẹ xin bán nhà để làm công việc riêng. Mẹ nghe vậy liền đồng ý. Năm 2004, hai mẹ con chuyển về căn nhà nhỏ hơn ở quận 10. Về nhà mới, Nguyễn Đức không hề dọn dẹp sửa soạn gian thờ. Bàn thờ có mà Nguyễn Đức cũng đem cất, chỉ để lại tượng Quan Âm và một lư hương sơ sài trên kệ tủ.
Cuộc sống ở nơi mới, Nguyễn Đức giao du với rất nhiều bạn bè xấu, những người xung quanh đều lo sợ, tránh xa. Bản tính của Nguyễn Đức lúc đó rất hung hăng, cả nhóm đi chơi vũ trường lúc nào cũng đem dao bấm giấu trong giày bốt. Nguyễn Đức còn có ý nghĩ đem axit đổ vào lọ thủy tinh giấu trong túi quần đem vào vũ trường, nếu bị ai chọc giận thì sẽ trả thù. Không hiểu sao lúc đó tâm lý Nguyễn Đức bất mãn lắm. Từ đó tất cả mọi người, bạn đồng nghiệp, ngay cả chị gái cũng xa lánh Nguyễn Đức. Thế nhưng Nguyễn Đức vẫn mê đánh đề, vẫn đi vũ trường hằng đêm. Khi không còn tiền tiêu xài, Nguyễn Đức lấy giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng 100 triệu. Cầm tiền trong tay, Nguyễn Đức sắm xe đời mới, mua điện thoại và tiếp tục đi vũ trường. Khi hết số tiền đó Nguyễn Đức lại bán xe, đi xe cà tàng; khi không còn tiền nữa, Nguyễn Đức cầm xe cà tàng và cuối cùng cũng bán luôn, sau đó đi bộ. Nguyễn Đức nghĩ nhà mình trị giá tới 90 lượng vàng thì cầm 100 triệu đâu có đáng gì. Vậy là 100 triệu bỗng chốc tiêu tan. Do không còn tiền đi chơi nữa, Nguyễn Đức lấy thuốc lắc bỏ trong người để đi bán kiếm tiền chơi thuốc. Bán thì ít mà nghiện nên xài nhiều hơn bán khiến cơ thể suy nhược phải đi cấp cứu nhiều lần, nhưng chứng nào tật nấy vẫn cứ mê vũ trường chơi thuốc lắc, nhảy nhót thâu đêm.
Hoàn cảnh gia đình Nguyễn Đức lúc đó khó khăn lắm, điện thoại chỉ mấy trăm ngàn Nguyễn Đức cũng bán, điện thoại bàn cũng bị cắt vì chưa thanh toán cước, bàn ghế, dụng cụ trong nhà cũng bán hết. Lúc đó Nguyễn Đức với mẹ khổ lắm, mỗi lần chị cho mẹ vài ba chục ngàn, mẹ lại chia cho Nguyễn Đức phân nửa để mua đồ ăn. Còn nhớ, thời gian đó Nguyễn Đức ăn mì gói, cháo gói thường xuyên, có khi ra chợ Hòa Hưng mua rau muống nhưng bỏ trong bao xốp màu đen đem về vì sợ hàng xóm nhìn thấy.
Nguyễn Đức nhớ có lần đi chơi về, vì không có tiền trả thuốc lắc nên nói dối mẹ cho mượn tiền. Lúc đó mẹ đâu còn gì nữa, chỉ còn một sợi dây chuyền nhưng mẹ cũng đưa Nguyễn Đức đem bán để trả tiền thuốc lắc. Rồi có lần Nguyễn Đức đi chơi và dùng thuốc lắc quá liều, đêm hôm đó trở về nhà, Nguyễn Đức bị đột quỵ. Ngoài trời mưa lớn, trong người Nguyễn Đức thấy khó thở, đầu óc cảm giác cháy bừng bừng, nghĩ chắc mình sẽ không qua nổi. Mẹ khóc nhiều lắm, còn Nguyễn Đức cố trăn trối đủ thứ. Nhưng rồi chợt nhớ đến mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Nguyễn Đức cố gắng đứng dậy từ từ đốt nén hương chắp tay cầu xin Ngài, thưa rằng: “Con hư đốn, con biết tội lỗi của mình. Xin Ngài hãy cứu sống con một lần này, con sẽ không dám nữa, con chưa làm được việc gì cho mẹ, cho gia đình, xin Ngài thương mà cứu con”. Nguyễn Đức thấy khuôn mặt Ngài rất đẹp, đang từ bi nhìn mình, linh tính cho Nguyễn Đức biết rằng mình phải nên đi tới đi lui để xả độc dược trong người ra. Nguyễn Đức đi rất chậm rãi và uống nước vào từ từ, cứ như thế Nguyễn Đức đi tiểu ra và cơn đột quỵ tan biến. Kể từ đó, Nguyễn Đức hiểu rõ được tác hại của thuốc lắc, và hơn hết là đã cảm nhận được sự vô thường trong cuộc đời này. Những người vừa đi chung với Nguyễn Đức hôm nào một số người chết vì thuốc lắc, một số người bị đâm chết, bị bắn chết, bị cướp xe và một số người đã bị tử hình. Còn bản thân Nguyễn Đức cũng bị đột quỵ suýt chết. Nguyễn Đức quyết định từ bỏ cuộc đời vô nghĩa mà mình đã lao vào như con thiêu thân để làm lại cuộc đời mới.
Trong thời gian nhà đang cầm cố, không thể trả nợ, Nguyễn Đức đăng báo tìm người môi giới bán nhà mà không được. Nguyễn Đức cũng nhờ thầy đến làm phép, rồi Nguyễn Đức đi khắp nơi linh thiêng để cầu xin nhưng vẫn không ích gì. Về sau, xem phong thủy mới biết rằng ngôi nhà của Nguyễn Đức dáng hình như con dao, đằng trước vuông mà đằng sau như cái cán, cho nên bao nhiêu người vào là bấy nhiêu người lắc đầu đi ra. Cuối cùng, Nguyễn Đức gặp một người chị của bạn, chị đó nói rằng: “Đức ơi, Đức phải tu đi, mình mà không có Phật là mình khổ lắm! Mỗi ngày Đức đến chùa sám hối đi!” Nguyễn Đức nói: “Bây giờ em đang thiếu nợ ngân hàng không trả nổi, tâm đâu mà đi chùa”. Chị vẫn kiên nhẫn nói: “Đức đi chùa Hoằng Pháp đi, ở đó linh lắm, ai đi về rồi cũng an lạc hết”. Nguyễn Đức cũng không tin lắm, đang trong tình cảnh thiếu nợ nên không có tâm đi chùa, hơn nữa thứ bảy, Chủ Nhật là ngày người ta đến xem nhà nhiều, Nguyễn Đức nói với chị phải ở nhà để chờ khách xem nhà. Chị vẫn không chịu thua, nói: “Đức khỏi bán nhà được đi, đừng nói đến chuyện có nhà để có chỗ thờ ông bà, nếu Đức không đi chùa, không biết tu thì mai mốt Đức sẽ đi ăn cướp, mẹ Đức sẽ đi bán vé số, đi ăn xin”. Tự nhiên nghe xong người Nguyễn Đức nổi da gà hết, chị giống như là Bồ Tát hóa thân để nói cho Nguyễn Đức biết điều đó vậy.
Nguyễn Đức về chờ đợi sẽ bán được nhà nhưng vô vọng, khi tình thế cấp bách quá không còn phương bấu víu thì cũng đành đi một lần cho biết. Đó là hôm Tu Một Ngày đầu tháng 10 âm lịch, Nguyễn Đức đi xe buýt lên chùa Hoằng Pháp. Đến nơi thấy các cô chú mặc áo tràng đẹp lắm, miệng ai cũng tươi cười, hoan hỷ. Nguyễn Đức đi ngang qua phòng phát hành kinh sách, thấy trên lầu để Phật pháp nhiệm mầu, rồi Nguyễn Đức đi đến đài Quan Âm chắp tay cầu xin Ngài và khóc rất nhiều. Nguyễn Đức nói: “Con lạy Ngài, xin Ngài hãy cứu con. Con không biết Phật pháp nhiệm mầu là gì cả, nếu Ngài thật sự linh thiêng, xin Ngài cho con bán được ngôi nhà để cứu con và mẹ”. Sau đó, Nguyễn Đức về cũng không dám nghĩ là mình có hy vọng. Nhưng qua ngày thứ Hai đầu tuần, tự nhiên Nguyễn Đức nhận được điện thoại, người đó là người quen trong ngành nghệ thuật của Nguyễn Đức, họ đến xem và đồng ý mua ngay. Nguyễn Đức có được một trăm mấy chục triệu ngay sáng thứ Ba đem vào ngân hàng.
Sau khi giải quyết xong thủ tục với ngân hàng, khoảng một tuần sau Nguyễn Đức mua trái cây, mua hoa lên chùa Hoằng Pháp tạ lễ. Nguyễn Đức đi chùa mà trong lòng nhẹ nhõm, thấy sao mà đông quá, còn đông hơn ngày Tu Một Ngày nữa, thì ra ngày đó là ngày giỗ Tổ chùa Hoằng Pháp. Nguyễn Đức dâng hoa, dâng trái cây lên mẹ Quan Âm và đức Phật A Di Đà trong chánh điện. Nguyễn Đức lúc đó đã rơi tới hố sâu rồi, mất hết nghề nghiệp, không còn ai nhớ tới cái tên Nguyễn Đức nữa, nhưng niềm đam mê của Nguyễn Đức luôn trỗi dậy. Nguyễn Đức khao khát được đứng dưới ánh đèn sân khấu và phía dưới là khán giả đang chờ đợi mình. Nguyễn Đức mơ ước một ngày nào đó được thu âm những ca khúc Phật giáo, được trở lại với nghề nghiệp.
Từ đó, hàng tháng Nguyễn Đức đều tham dự một ngày tu ở chùa. Vào một ngày tu cuối năm, Nguyễn Đức nghe các bạn mình nói rằng sắp tới lễ Vía Phật A Di Đà, vào ngày đó đông lắm, đẹp lắm, còn có chương trình ca nhạc nữa. Thế là Nguyễn Đức lại cầu nguyện với mẹ Quan Âm rằng một ngày nào đó mình được hát trong chương trình Vía Phật A Di Đà. Thật là nhiệm mầu làm sao, cuối năm 2007 Nguyễn Đức tình cờ đi thu chương trình nhạc xuân ở một phòng thu thì gặp nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản – người nhạc sĩ chuyên viết nhạc Phật giáo. Nguyễn Đức mừng lắm, liền xin nhạc sĩ giúp cho Nguyễn Đức được hát mặc dù lúc ấy sức khỏe còn yếu. Nhạc sĩ đưa Nguyễn Đức với Tú Linh bài hát Mười Hai Vui. Nguyễn Đức thu xong thì đúng một năm sau Nguyễn Đức được hát Mười Hai Vui tại sân khấu chùa Hoằng Pháp nhân ngày giỗ Tổ và lễ Vía A Di Đà. Nguyễn Đức cũng được hát bài Hoa Đăng Đêm Di Đà. Lúc đó Nguyễn Đức bước ra cảm giác rất hạnh phúc. Dưới sân chùa lung linh mấy chục ngàn ngọn đèn, Nguyễn Đức và bạn bước ra, trên là quý thầy, chư Tôn Đức, cảm giác vui sướng không thể nào tả nổi! Nguyễn Đức nghĩ, Phật pháp nhiệm mầu thật sao? Từ đó Nguyễn Đức rất an vui, hạnh phúc. Được thu âm những ca khúc Phật giáo, Nguyễn Đức thấy rất lợi ích, cuộc đời Nguyễn Đức không còn khổ nữa, mỗi ngày đều tụng kinh nên tâm được thanh tịnh.
Bây giờ, cuộc sống hiện tại của Nguyễn Đức ngoài việc đi hát ra, ở nhà Nguyễn Đức thường trì tụng kinh Pháp Hoa; đi, đứng, nằm, ngồi Nguyễn Đức trì chú Đại Bi, niệm Phật. Nguyễn Đức cũng thường thu kinh, thu truyện cổ Phật giáo và được đi hát chùa cùng các anh em nghệ sĩ. Đặc biệt Nguyễn Đức còn có một người em kết nghĩa là Trung Kiên, đã tạo điều kiện cho Nguyễn Đức cùng các bạn đi đến những vùng sâu vùng xa, mang lời ca tiếng hát của mình để góp chút ấm áp cho những người nghèo khổ. Nguyễn Đức thấy khi mình có Phật cuộc đời mình phơi phới, có công việc tốt, không còn đau khổ, đi đâu cũng được mọi người thương mến. Nguyễn Đức chỉ muốn chia sẻ rằng, nếu những ai đã vướng phải như Nguyễn Đức thì “quay đầu là bờ”, hãy quay về với gia đình, từ bỏ bạn xấu, hãy nhìn thấy rõ những hậu quả khôn lường có thể cướp đi mạng sống của mình, hoặc để lại những di chứng bệnh tật về sau. Tương lai chúng ta còn rất nhiều việc có ý nghĩa để làm, không có lý do gì để chôn vùi đời mình trong những thứ thuốc độc chết người ấy. Trong vấn đề này, Nguyễn Đức thấy gia đình rất quan trọng. Mong rằng ba mẹ, anh chị hãy quan tâm đến con em mình, hãy thường xuyên xem xét những giờ sinh hoạt của các em, nhắc nhở khuyên bảo các em từ bỏ bạn xấu. Vì có sự quan tâm, chia sẻ và nhắc nhở, bảo ban của gia đình thì các em sẽ phần nào lánh xa được bạn bè xấu và những tệ nạn xã hội.
Hiện tại, Nguyễn Đức có ba điều ước luôn tâm niệm trong lòng mình. Điều ước thứ nhất, cầu nguyện ơn trên chư Phật gia hộ cho mẹ có được sức khỏe để sống thật lâu bên Nguyễn Đức, vì trong lúc hoạn nạn, những lúc lâm nguy khổ cực nhất, mẹ vẫn luôn luôn bên cạnh, không từ bỏ Nguyễn Đức. Điều ước thứ hai, Nguyễn Đức mơ ước chúng ta hãy cùng nhau tu tập, tu ở đây không có gì khó, tu ở đây là sửa, mình chưa tốt mình sửa cho tốt hơn. Chẳng hạn như Nguyễn Đức xấu xa như vậy mà còn tu được sửa được thì mọi người đều có thể làm được. Và điều ước thứ ba, cầu xin ơn trên cho Nguyễn Đức sức khẻo để tiếp tục ca hát, thu âm những bài hát mang đậm giáo lý đạo Phật, và có thể mở một công ty chuyên tổ chức sự kiện, chương trình văn nghệ từ thiện nhằm gây quỹ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân vật: Ca sĩ Nguyễn Đức
Nhận định của thầy Thích Chân Tính
Ca sĩ Nguyễn Đức vào thời thơ ấu cũng như lúc trưởng thành đã sống một cuộc đời rất tốt đẹp, như chính ca sĩ đã nói mình từng đến chùa tụng kinh và theo quý thầy tụng đám. Song song với việc đến chùa, ca sĩ cũng đã được rất nhiều thuận duyên trong nghề nghiệp, cũng từ đó trở thành một người nổi tiếng, được báo chí, truyền hình ca tụng. Thế rồi, dần dần lại sa ngã vào cờ bạc, đánh đề, đến vũ trường sử dụng thuốc lắc; bản thân ngày một sa đoạ, gia đình sa sút. Đáng lẽ ra, từ nhỏ ca sĩ đã được đến chùa tụng kinh, được gần gũi quý thầy thì phải ngày càng hướng thiện bản thân mình hơn. Thế nhưng ở trường hợp của ca sĩ thì lại ngày càng lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa. Như vậy, điều này nguyên nhân là do đâu? Bài học rút ra là do chúng ta đi chùa, nhưng không học pháp, không thực hành lời Phật dạy; nếu chúng ta học Phật pháp, thực hành theo lời Phật dạy chắc chắn sẽ không đến nỗi thân bại danh liệt, nhà tan cửa nát và lâm vào tình cảnh suýt bị thần chết đưa đi như vậy. Đến lúc đó mới biết nghĩ đến Phật thì sợ rằng không kịp nữa. Người ta nói “Có bệnh thì vái tứ phương, không bệnh thì nén hương chẳng mất”, lâu nay lo ăn chơi, chẳng nhớ đến Phật pháp, đến lúc sắp chết rồi mới cầu xin đức Quán Thế Âm. Nhưng quả là ca sĩ cũng có đầy đủ nhân duyên, phước báu nên sau đó cảm ứng được sự mầu nhiệm của Phật pháp, khiến ca sĩ biết quay đầu và từ đó mới thực sự đi chùa, thực sự đến với Phật pháp. Lúc nhỏ ca sĩ cũng đến chùa nhưng chưa chắc đến để học Phật pháp, để thực hành lời Phật dạy, bây giờ trải qua đau khổ, sa đọa mới nhận ra, mới tìm đến Phật pháp để học, để thực hành. Và rõ ràng bây giờ ca sĩ đã thay đổi rất nhiều. Đây mới chính là sự mầu nhiệm của Phật pháp.
Cuối cùng chúng tôi thấy những điều ước của ca sĩ cũng rất chân thành, điều ước thứ nhất thể hiện được cái tâm hiếu đạo của ca sĩ đối với mẹ mình. Chúng tôi cũng mong rằng hai điều ước sau cùng cũng sẽ thực hiện được trong tương lai không xa. Và chúng tôi tin ca sĩ sẽ có được đạo tâm kiên cố và tinh tấn trên con đường tu tập, gia đình luôn được an vui hạnh phúc.
(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 26)