Ngày mới của tâm
Cách đây nhiều năm, câu chuyện về cuộc đời sư Thích Minh Thủy có lẽ là một câu chuyện hấp dẫn trí tò mò của nhiều người vì nó ly kỳ như một bộ phim về tội phạm vậy. Chính vì thế, có một khoảng thời gian báo chí cũng đã khai thác rất nhiều về cuộc đời của sư ở khía cạnh từ một tên cướp có số má trong giang hồ đến một vị sư ẩn tu khổ hạnh. Câu chuyện ấy ra sao, chắc hẳn nhiều người đều đã biết tường tận. Thế nhưng hôm nay, chúng tôi một lần nữa mang câu chuyện ấy vào tập sách này, không phải vì những tình tiết hồi hộp, ly kỳ ấy, mà chúng tôi muốn nói đến sự diệu kỳ của ánh sáng Phật pháp trong chặng đường hướng thiện của một tên tội phạm. Mong rằng hành trình hướng thiện ấy sẽ góp thêm một niềm tin vững chãi cho quý độc giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và cho những ai đã từng mặc cảm vì những tội lỗi trong quá khứ sẽ dũng cảm bước ra khỏi bóng tối của sự dằn vặt đau đớn, để sống một cuộc đời phía trước thật ý nghĩa.
Sư Minh Thủy có thế danh là Phạm Văn Hưởng, sinh năm 1953 trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha là một người trọng Nho giáo, rất nghiêm khắc trong việc dạy con cái. Phạm Văn Hưởng là con trai duy nhất trong gia đình chỉ có hai chị em. Tuy vậy, ông lại không được thừa hưởng những nét đẹp, sự thâm thúy, tinh thần trọng lễ nghĩa từ truyền thống Nho gia của người cha. Từ nhỏ ông đã quen thói ham chơi, lêu lổng cùng đám bạn xấu. Trước lúc mất, người cha vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo về con trai, ông gọi người con gái lớn đến bên và dặn dò phải chăm lo, bảo ban em trai khi ông qua đời. Người chị ấy cũng rất mực thương em nên đã hứa nhận lời cha. Lời hứa ấy là trách nhiệm, là tình thương của người chị dành cho đứa em, nhưng nó cũng chính là sợi dây oan nghiệt trói buộc cuộc đời bà vào những ngày tháng ăn chơi sa đọa của đứa em hư hỏng.
Vốn có bản tính ham chơi từ thời còn đi học, chính vì thế, sau khi cha qua đời, ông lại ngày càng trượt dài trên bước đường ăn chơi sa đọa. Năm 1970, cũng như bao thanh niên đến tuổi đi lính khác, ông gia nhập quân đội nhưng không lâu sau đã dính vào ma túy. Không chỉ là ma túy mà tất cả những thú ăn chơi hưởng thụ trụy lạc trên cuộc đời ông đều dính vào. Nhưng có lẽ nặng nhất là rượu và ma túy. Hai thứ chất độc ấy đã làm tha hóa con người ông, biến ông trở thành một con người mất hết nhân tính và tình nghĩa khi hết lần này đến lần khác tìm cách lừa gạt chị gái mình để lấy tiền thỏa mãn thói ham chơi. Dù từ nhỏ được ăn học đàng hoàng, được thụ hưởng truyền thống đạo đức Nho giáo từ người cha, nhưng càng sống ông lại càng xa rời những nguyên tắc, những kỳ vọng mà cha mình đã cố công vun đắp.
Về dấu ấn của rượu trong cuộc đời mình, ông kể, sau khi ăn chơi trác táng không còn tiền để hút chích nữa, ông lại nghĩ đến chị mình. Ông nói dối chị muốn mượn tiền đi làm ăn xa. Người chị đáng thương dù đã bị lừa gạt nhiều lần, nhưng vì đó đứa là em trai duy nhất nên bà gom góp đưa cho ông mấy chỉ vàng dành dụm được. Khi có tiền rồi ông liền nghĩ tới việc ra Bắc thăm anh cùng cha khác mẹ, thực chất chỉ là để thỏa mãn thú vui đi đây đó hưởng thụ. Anh em gặp lại, ban đầu cũng hàn huyên tâm sự vui vẻ, nhưng khi bắt đầu có rượu vào thì không ai còn kiểm soát được bản thân mình, lời qua tiếng lại, không ai chịu thua ai. Cuối cùng, trong men say của rượu khiến đầu óc đầy sân hận và mất hết lý trí, ông đã lấy dao chặt đứt ngón tay của mình và thề sẽ đoạn tuyệt tình nghĩa anh em. Sự việc diễn ra quá nhanh chóng khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng, và hậu quả là ông đã bị mất một ngón tay. Cho đến hôm nay, sự việc ấy vẫn nhắc ông nhớ rằng rượu là một loại thuốc độc có thể làm mất hết lý trí và hạt giống trí huệ. Người uống rượu vì không còn đủ lý trí để kiểm soát hành vi của mình mà dễ gây ra những việc làm điên rồ, thậm chí là tội lỗi.
Rượu nguy hiểm là vậy, nhưng có lẽ điều khủng khiếp nhất mà ông vướng phải trong cuộc đời mình chính là ma túy. Theo lời ông kể, nếu đáp ứng đầy đủ cho “con ma” này thì nó rất từ bi, hoan hỷ, bao dung, sẽ nằm yên một chỗ để hưởng thụ ảo giác cá nhân, còn xung quanh như thế nào nó không cần biết. Nhưng nếu không đáp ứng thuốc cho nó thì nó khiến con người không còn nhân tính nữa. Lúc ấy con người chỉ như là một con thú, chỉ biết rằng đói thuốc thì phải bằng mọi giá đi tìm thuốc. Nó khiến một người dám làm những điều đê tiện nhất, kể cả đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè,… để có được tiền mua thuốc. Nếu không có thuốc, con nghiện sẽ lâm vào tình cảnh ngáp dài, chảy nước mắt, đau bụng, tiêu chảy,… Và điều khủng hoảng nhất chính là khi mọi người chuẩn bị đi vào giấc ngủ ngon thì người nghiện lại thức trắng đêm. Vì không có thuốc không tài nào ngủ được, từ đó tư tưởng cứ hối thúc, bằng mọi giá phải làm sao có được thuốc. Dù rằng lúc ấy đang ở trên đỉnh núi mà nếu dưới chân núi có thuốc thì cũng phải bò xuống kiếm thuốc cho bằng được. Đó là ma lực ghê gớm của ma túy. Và chính bản thân ông đã từng trải qua tất cả những cảm giác ấy.
Ngày ấy, sau khi lừa gạt chị mình hết lần này đến lần khác, đến khi người chị cũng cạn kiệt tâm sức và tiền bạc, không đủ khả năng chu cấp cho ông nữa, ông đành tính kế khác. Vốn đã quen thói ăn chơi sa đọa, cũng chẳng hề có nghề nghiệp gì trong tay, từ nhỏ đi học cầm bút, lớn lên đi lính cầm súng. Ngoài hai việc đó ra, ông chẳng biết làm gì. Cho nên, ma đưa đường, quỷ dẫn lối ông trở thành một tên cướp. Vì đã từng đi lính, biết sử dụng súng nên ông gom góp tiền bạc mua một khẩu súng ngắn. Sau khi rủ thêm một đồng bọn, ông bắt đầu theo dõi nạn nhân và lên kế hoạch ra tay. Biết được đôi vợ chồng nọ thường đi thu tiền hụi ngang qua khu vực chợ, ông và đồng bọn ẩn mình theo dõi chờ thời cơ tiếp cận cướp bọc tiền cùng chiếc xe máy. Trong cơn phê thuốc, ông cầm súng uy hiếp người chồng và cướp được chiếc xe máy. Nhưng không may, khi vừa nổ máy chạy được một đoạn thì xe hết xăng, nạn nhân thừa lúc đó truy hô người dân đuổi bắt. Ông cùng đồng bọn không còn cách nào khác phải bỏ xe chạy trốn. Không ngờ từ phía sau đã có hai anh công an đuổi theo khống chế được tên đồng bọn đi cùng. Ông thấy vậy liền đưa súng nhắm bắn vào đầu anh công an nhưng gặp phải viên đạn thối. Anh công an thoát chết, tiếp tục truy đuổi. Cuối cùng không còn sức lực chạy trốn nữa, ông và đồng bọn đành vứt súng phi tang rồi phải chịu tra tay vào còng.
Sau khi bị giải về đồn công an, ông bị xử bảy năm tù, còn đồng phạm bốn năm tù. Bắt đầu từ đây ông phải sống những ngày tháng đọa đày phía sau hàng song sắt. Ông gọi nó là địa ngục trần gian, bởi những ai từng phải vào tù mới thấu hết cảnh khổ của chốn này. Ông nhớ lại: Ở trong tù, người ta chỉ cho tù nhân mặc mỗi chiếc quần đùi, tay bị còng ra phía sau, một sợi xích sắt dài dùng để xiềng chân tù nhân lại với nhau. Một phòng khoảng chừng chín mét vuông nhốt chung năm, sáu tù nhân phạm tội nặng. Trong phòng giam để một xô nhựa nhỏ để đựng chất thải, một tuần mới đem đi đổ một lần. Sống trong môi trường dơ bẩn và hôi thối của mùi phân, mùi nước tiểu nên nhiều tù nhân bị dây xích cạ vào cổ chân lâu ngày lở loét sinh ra dòi. Mỗi khi có người lê chân bước đi là năm người còn lại phải cắn răng chịu đựng đau đớn vì ống chân lở loét cọ vào sợi xích sắt, đau thấu xương. Chưa kể đến hậu quả của việc nghiện hút mà sống trong hoàn cảnh thiếu thuốc nên phải chịu đựng chứng tiêu chảy hành hạ. Cơm ăn mỗi bữa chỉ có được một tô rắc vào chút muối, chan thêm chút nước canh mà cũng phải ăn lấy ăn để vì đói. Nước uống mỗi ngày chỉ được một ly nhỏ, nhiều lúc khát nước đến khô cổ họng mà ly nước không còn một giọt. Sau này khi đọc trong kinh Phật, ông thấy rằng đây là địa ngục trần gian, không khác gì trong kinh miêu tả “chịu gông cùm xiềng xích, đói thì ăn sắt nóng, khát thì uống nước đồng sôi”. Thế nhưng bao nhiêu cảnh khổ ấy vẫn chưa thấm thía gì so với nỗi khổ đói thuốc. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc là thân thể ông như có hàng trăm con dòi bò trong xương thịt, nhức nhối, bứt rứt vô cùng. Đến lúc không chịu đựng nổi ông phải đập đầu vào song sắt cho máu chảy bê bết ra ngoài mới thôi.
Sau bảy năm dài đằng đẵng đọa đày thân xác, ông được mãn hạn tù, nhưng việc đầu tiên ông nghĩ đến không phải là tìm về bên người thân mà là ma túy. Sẵn có máu liều lĩnh cộng thêm mối quen biết những tay giang hồ trong tù, ông tiếp tục dấn thân vào con đường tội lỗi, làm bảo kê, chuyên đi đâm thuê chém mướn giải quyết những ân oán giang hồ cho đàn anh. Từ những việc bất lương đó, ông có tiền để tiếp tục ăn chơi, hút chích, không còn nhớ nhung gì đến người thân. Thời gian sau đó, ông nhận được tin mẹ mất, chị gái dọa rằng nếu ông không về thì sẽ đoạn tuyệt tình chị em. Ông động lòng quay về và được chị mua cho chiếc xe máy để chạy xe ôm kiếm sống. Thế nhưng chứng nào tật nấy, mới được vài hôm ông lại bán xe để lấy tiền chích ma túy. Cảm thấy không còn cách nào khác, cũng xem như đó là lần giúp cuối cùng, chị gái nhất định ép ông vào chùa làm công quả. Không biết vì quá chán nản cuộc sống vô nghĩa của mình hay vì nhân duyên xui khiến mà ông đã chịu theo lời chị gái vào chùa ở.
Thời gian sống trong môi trường mới không có điều kiện để dùng thuốc nên ông đã nghĩ đến chuyện cai thuốc. Vốn đam mê thứ độc dược ấy là vậy, nhưng khi quyết định cai là ông cai ngang và không hề dùng thuốc hỗ trợ. Dù kiểu cai ngang này khiến cho thân thể ông chịu giày vò, đau đớn và mất ngủ triền miên. Mỗi lần lên cơn đều giống như một trận chiến khốc liệt giữa ông và ma túy. Cuối cùng ông đã cai nghiện thành công.
Tuy đã sống an phận nơi chốn thiền môn nhưng bản tính sân si cùng những tập khí của đời sống giang hồ khiến ông không ít lần gây ra những chuyện không hay nơi cửa chùa. Trong thời gian được quý thầy cưu mang chỉ dạy, ông nhiều lần bị trách phạt. Đến khi quý thầy không thể nào bao dung được nữa, ông phải xếp gói ra đi. Nhưng không rõ do nhân duyên nào định sẵn hay vì trong thời gian sống ở chùa tiếp xúc với kinh kệ nhiều nên phần nào những âm thanh vi diệu ấy đã tác động đến sâu thẳm tiềm thức nơi ông… Lần ra đi này ông không quay trở về đời sống giang hồ phiêu bạt nữa, ông tìm xuống Tịnh xá Ngọc Phật xin tập sự xuất gia. Khi ông đến nơi, thầy trụ trì cũng là thầy bổn sư của ông sau này đã nhìn ông e ngại nói rằng: “Ở đây khó lắm, chú có ở được không?” Ông ra vẻ cương quyết nói “Dạ, khó mấy con cũng ở được”. Thầy trụ trì tiếp lời: “Khó ở đây không chỉ là cuộc sống giản dị, thanh bần khác xa thế tục mà là muốn nói về giới luật. Ở đây làm gì cũng phải trong khuôn khổ của giới luật, không ai được phép tự ý làm điều gì mà không theo khuôn khổ”. Nhưng dù cho thầy nói thế nào, ông vẫn một mực xin ở lại, không thoái lui. Và quả thật đó không phải là một lời hứa suông. Tuy bản tính hung hăng, tùy tiện, chấp ngã,… rất khó điều phục để sống trong một môi trường khuôn khổ, nề nếp nhưng ông chưa hề có ý muốn từ bỏ con đường mình muốn đi. Ông đã sửa bỏ dần dần tập khí giang hồ của mình, từng chút từng chút một. Cuối cùng, trải qua ngày tháng tu rèn thân tâm, gã giang hồ nghiện ngập Phạm Văn Hưởng ngày nào đã có thể xuất gia trở thành một nhà sư đúng nghĩa. Từ đó, ông sống một cuộc đời mới của người tu phạm hạnh, cuộc đời của sư Thích Minh Thủy.
Thật khó có thể tin được một gã giang hồ nay quy ẩn thành một nhà sư chân chính. Nhưng đó là sự thật. Sau khi xuất gia, sư Minh Thủy được thầy bổn sư sắp xếp đến ẩn tu một mình trong một tịnh thất nhỏ trên núi Thị Vải. Hằng ngày, sư tự đặt ra cho mình một thời khóa chuyên tu hết sức nghiêm ngặt. Từ 11 giờ đêm, sư thức dậy để bắt đầu công phu. Sư bảo rằng thời khắc từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng là thời khắc âm - dương giao đổi, không khí rất thanh tịnh, rất tốt cho việc công phu. Sư thực hành theo lời dạy của tổ sư Minh Đăng Quang, nửa đêm hứng sương, buổi sáng phơi nắng mặt trời để âm dương điều hòa thân tứ đại. Sư trì chú Đại Bi và niệm Phật cho đến 5 giờ sáng không ngưng nghỉ. Đúng 5 giờ sáng, vệ sinh cá nhân xong, sư chế bình trà uống, mặc dù quy định không được phép uống trà nhưng sư ở một mình trên núi nên vẫn giữ thói quen này. Sau khi nhâm nhi xong ấm trà nhỏ, sư nấu mì gói ăn lót dạ buổi sáng. Khoảng 6 giờ 30 sư bắt đầu đi kinh hành, hít thở không khí trong lành của đỉnh núi buổi sáng sớm. Bắt đầu 7 giờ sáng sư tiếp tục thời khóa công phu đến 10 giờ trưa, sau đó mới bắt đầu chuẩn bị bữa trưa cho mình. Đối với sư chỉ cần nửa chén gạo bắc lên bếp nấu cho đến khi gần cạn thì bỏ một ít rau xanh hoặc củ quả vào đậy lại, một lát sau lấy ra ăn. Người ta thường gọi sư với biệt danh là “ông sư hấp”, vì bất cứ thức ăn gì sư cũng đem hấp rồi ăn, không chiên, xào hay nấu nướng gì hết.
Tuy cuộc sống giản dị, thanh bần, ăn uống đạm bạc nhưng trong lòng sư thấy an lạc, thanh thản. Sau mấy chục năm rong ruổi giang hồ, từng gây tạo biết bao nghiệp chướng, cuối cùng sư cũng nhận ra hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống thanh bần này. Gã giang hồ ngày nào giờ đã đủ từ tốn để ngồi nhâm nhi hương vị của tách trà buổi sáng và biết chậm rãi thưởng thức vị ngon ngọt từ những món rau củ hấp giản đơn. Đôi khi hạnh phúc thật đơn giản như hương vị nguyên sơ của món rau củ hấp cơm mỗi ngày. Quá khứ tội lỗi dù không thể chối bỏ, nhưng nếu cứ mãi đau đớn dằn vặt về nó thì chỉ khiến cho tâm càng thêm đau khổ. Chỉ có thực tại hôm nay tu sửa thân mình, sám hối tội lỗi đã qua thì ta mới có thể sống một cuộc đời ý nghĩa hơn mà thôi.
Nhân vật: Sư Minh Thủy
(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 1)