Nắng muộn
Hồi còn đi học tôi đã đọc ở đâu đó bài thơ Nắng Tháng Tư:
Nắng tháng Tư tinh nghịch
Trắng một màu cỏ lau
Tôi kéo chiếc mo cau
Em ngồi sau khúc khích.
Những trưa hè cổ tích
Ta ngược dốc về nhà
Con đường ta đi qua
Cỏ lau nghiêng mình hát.
Có một bận trú mát
Em ví mình cỏ lau
Để rồi mùa thi sau
Chỉ mình em thi đỗ.
Cỏ lau lên thành phố
Nhuộm xanh đỏ tím vàng
Bước vào chốn cao sang
Bỏ rừng hoang ở lại.
Bây giờ cũng đang là tháng Tư, gần cuối tháng Tư và trời nắng như đổ lửa. Tôi bất chợt đính kèm bài thơ vào đây chỉ là để thấy rằng khi người ta có đối tượng để nghĩ về, nhớ về, để thả hồn mình lúc vui buồn hay hờn giận, trống trải thì những vấn đề khác sẽ chẳng là gì. Anh chàng trong bài thơ trên dù không có được cái kết đẹp cho mối tình tuổi học trò nhưng chí ít có chút gì để thương để nhớ, để trở thành mối tình đẹp dù nó hết sức bình dị đơn sơ và mộc mạc. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để quên đi cái nắng khủng khiếp của tháng Tư.
Tôi đã hơn ba mươi tuổi đầu và vẫn còn được học. Với phương tây tuổi tác chỉ đơn thuần là những con số, họ đánh giá bạn qua kiến thức và thái độ sống, không phải nhằm vào bạn bao nhiêu tuổi, bạn già hay trẻ. Tuy nhiên văn hóa châu Á thì lại khác. Người châu Á suy nghĩ có phần cổ hủ và lệch lạc hơn một chút khi cho rằng sự học chỉ nên gói gọn trong cấp bậc đại học, vào khoảng dưới hai mươi lăm tuổi. Điều này không có nghĩa là họ phản đối chuyện học cao hơn, chỉ là gánh nặng cơm áo gạo tiền không cho phép họ đi xa hơn để nghĩ rằng học để lấy kiến thức. Với suy nghĩ của đa phần người dân châu Á thì học hành là phương tiện để có cuộc sống tốt hơn cho bản thân cho gia đình và xa hơn là cho xã hội nếu có thể. Bởi suy nghĩ này mà có rất ít những phát minh đóng góp cho nhân loại từ châu Á, mà phần lớn là từ châu Âu hay châu Mỹ. Cũng không quá khó hiểu nếu đem so sánh chất lượng sống giữa các châu lục với nhau. Khi con người ta được đảm bảo về điều kiện sống, họ sẽ cảm thấy thoải mái và yên tâm để hoàn thành những giấc mơ hay đeo đuổi đam mê của mình. Nói một cách đơn giản là đời sống phát triển tạo điều kiện cho con người có khả năng sáng tạo và cống hiến.
Dài dòng như vậy cũng chỉ để nói rằng tôi vẫn còn đi học là một cái gì đó không quá phổ biến ở đất nước tôi. Bạn bè tôi đều đã có gia đình êm ấm. Họ tồn tại theo bản năng và theo cái quy luật xã hội mà họ cho là ai cũng phải theo: lập gia đình và duy trì nòi giống. Chẳng có gì sai cả, dù theo triết lý đạo Phật thì chuyện lập gia đình và duy trì nòi giống sẽ gieo thêm hạt giống luân hồi cho mọi người và cho bản thân họ, nhưng có mấy người hiểu và chấp nhận nó. Thậm chí nhiều người được rèn luyện vô cùng kỹ lưỡng trong môi trường ly dục, cắt ái từ thân để theo đuổi lý tưởng đạo đức nhằm giải thoát cho bản thân và nhân loại, họ cũng chưa thể thắng nổi cái bản năng của một sinh vật hữu tình và phải tạm dừng lộ trình để làm nô lệ cho cái bản năng đó. Thực tế thì chẳng có gì gọi là tốt hay xấu của việc một người đi trọn con đường họ đã chọn và kẻ bị đứt gánh giữa đường. Chỉ là một chút yếu ớt trong tâm thức nên họ bị nó dẫn dắt mà thôi. Người đứt gánh không phải người dở và kẻ đi tiếp cũng chưa phải kẻ hay khi chưa thấy được kết quả sau cùng. Đạo Phật chỉ ra rằng mọi sự tồn tại trong sáu nẻo đều là khổ, vì vậy dù là trong thân phận nào, hình hài nào chúng ta cũng có những nỗi khổ riêng. Kẻ đứt gánh vì chưa thắng nổi bản thân nhưng biết đâu quãng thời gian lăn lộn trong thế giới hữu tình để thỏa mãn cái bản năng của mình họ sẽ nhận thức sâu sắc hơn cái bản chất thực sự của nó một lúc nào đó! Và khi đã thực sự hiểu thì con đường nuôi dưỡng đức hạnh sau này sẽ vững chãi hơn. Đôi khi người ta bị mê hoặc bởi những điều họ chưa từng trải nghiệm nên sinh tâm tò mò. Còn về người đi tiếp, chúng ta không thể sống đủ lâu để thấy họ có tiếp tục cho đến ngày đạt được mục đích sau cùng hay không, hay cũng bị lạc lòng ở một kiếp nào đó. Hay họ là những người đã nếm trải và thấu hiểu tất cả mùi vị của sự cám dỗ và nhận thức ra rằng nó chỉ là ảo ảnh mộng huyễn nên quyết tâm đi tìm cái chân thực hơn và giờ này họ đang đi tiếp với sự thấu hiểu và quyết tâm ấy. Không ai biết trừ bản thân họ. Khi chúng ta chỉ là người ngoài cuộc, không thể thấu hiểu hết tâm thức của mọi người vì vậy cũng không nên hồ đồ chạy theo đám đông để phán xét một ai đó vì hành động hiện tại của họ. Việc làm đó thể hiện sự thiếu chín chắn trong mỗi chúng ta trên phương diện tu học. Nếu đã tin vào sự tồn tại của A-lại-da-thức, tức thức thứ tám trong hệ thống duy thức được phân tích bởi phái Du Già Tông của Phật giáo, nó lưu giữ toàn bộ những gì được tạo tác bởi thân khẩu ý một cách vô thức như con rô bốt vậy. Nó không có khả năng tạo nghiệp nhưng sẽ là chất xúc tác để hình thành nghiệp vì khi gặp môi trường thích hợp và đầy đủ điều kiện thì những hạt giống ký ức mà nó lưu giữ sẽ nảy mầm thành quả thiện hay bất thiện. Nếu thấu hiểu vấn đề này thì mình nên cẩn trọng trong việc lưu giữ dữ liệu trong kho A-lại-da-thức để mai kia cái chín muồi nên là những cái có lợi cho con đường đi tìm chân lý của mình. Còn ngược lại cứ vô tư tạo tác một cách không ý thức thì cái quả cũng sẽ vô tư gieo và vô tư bị gặt lấy bởi chính chúng ta. Sự học là mênh mông vô tận, chỉ sợ không đủ thời gian học chứ đừng nói đến chuyện ngồi chờ người có lỗi để nhào vô chỉ trích, phân tích hay phán xét. Chúng ta không có quyền và cũng không được gì ngoài sự bất lợi cho bản thân chúng ta. Hiểu thì bản thân sẽ bớt khổ, đơn giản chỉ có vậy.
Trở lại với cái nắng tháng Tư. Tôi viết những dòng chữ này vì cách đây một giờ tôi bước ra khỏi phòng để qua nhà bếp lấy ít nước đá về làm trà đá uống. Chỉ khoảng chục bước chân từ phòng tôi qua khu bếp vậy mà tôi như bị thiêu cháy bởi cái nóng gần 40 độ ở miền trung Thái Lan này. Đây cũng không phải lần đầu vì tôi ở đây đã gần bốn năm rồi, tuy nhiên có những việc chỉ chờ khi đủ duyên mới tạo thành hành động. Hôm nay có lẽ đủ duyên để nghĩ về cái nóng bức khó chịu này nên tôi trải lòng mình vậy.
Trở về phòng tôi ngồi thừ ra và suy nghĩ. Trong phòng tôi cũng không hơn bên ngoài bao nhiêu vì chỉ có một tầng nhưng chí ít thì nó có la phông cách nhiệt và bốn bức tường cản cái tia cực tím chiếu trực tiếp vào phòng nên tôi có thể chịu được. Còn bên ngoài thật sự như cái lò quay con người. Rồi tôi nghĩ rằng chúng sanh thật sự rất khổ. Tôi có lẽ nhờ chút duyên lành nào đã tạo từ xa xưa nên bây giờ đỡ vất vả hơn người ta một chút. Bằng chứng là ngay bây giờ khi người ta vất vả bên ngoài dưới cái nắng cháy da để mưu sinh bất chấp tuổi tác, thì tôi lại được ở trong mát không phải làm gì ngoài học. Rồi xa hơn là những vùng sa mạc, cận xa mạc hay Châu Phi, và cả những nơi mà sự hiểu biết của con người chưa chạm tới được, họ cũng đang chịu khổ có khi còn nhiều hơn. Tôi không nói về các cõi khác vì nó chỉ tồn tại trong tầm nhìn của Phật giáo chứ không phải tất cả mọi tôn giáo. Ở đây tôi nói tới cái mà ai cũng thấy cũng biết và cảm nhận được. Nóng bức khổ sở vậy nhưng người ta nhiều khi vẫn vui vẻ chấp nhận với quan niệm không chỉ riêng mình chịu khổ. Theo quan điểm nhân sinh thì đây là một ý niệm tốt để giúp con người vượt qua nghịch cảnh mà đi tiếp, nếu không họ sẽ dễ dàng từ bỏ và hủy hoại bản thân mình với những suy nghĩ tiêu tực. Tuy nhiên với quan điểm của đạo Phật thì nó thật vô nghĩa khi an phận như vậy, vì nó giúp duy trì cái vòng sinh tử đến vô thời hạn.
Thay vì chấp nhận nó một cách vui vẻ thì đức Phật khuyên chúng ta nên dành thời gian để suy nghĩ về bản chất của sự tồn tại này, để tìm hiểu xem nó có phải là tất cả khi mọi người đều đồng loạt làm như vậy, chịu đựng như vậy hay không, hay nó thực sự có một lối đi khác? Thực chất thì bản thân Ngài đã thí nghiệm và tìm ra con đường khác rồi, và cũng đã chỉ cho chúng ta. Những gì cần làm bây giờ chỉ là nghiên cứu để hiểu nó và làm theo. Sẽ rất khó nếu bắt mọi người tin rằng sự tồn tại của tất cả chỉ là giả tạm vì tất cả vẫn đang hiện hữu và phát triển theo cái quy luật sinh trụ dị diệt; vì mọi người vẫn cảm thấy mọi cảm xúc đều chạm đến trái tim mình dù là vui buồn hay thù hận giận ghét, đau đớn, trống trải… vậy thì sao bảo là giả! Nhưng khi kể về giấc mơ, dù trong mơ có bị ám ảnh bởi sợ hãi đến cỡ nào người ta sau khi thức dậy sẽ thở phào rằng đó chỉ là mơ. Sự tồn tại của ba cõi sáu đường dưới cái nhìn của bậc có trí tuệ cũng như những gì chúng ta trải nghiệm trong mơ vậy, có điều chúng ta chấp nhận giấc mơ không có thật còn cuộc sống là có thật. Vì giấc mơ không có thật nên chẳng ai bám víu vô nó. Chẳng ai cố thù hận một người đã làm mình khổ trong mơ hay cố níu giữ một gia tài kếch sù trong mơ. Vì lẽ đó, cũng không ai thấy khổ vì một giấc mơ, trừ khi tâm trí họ bị ám ảnh bởi những điều quá khủng khiếp, còn phần lớn là họ sẽ quên ngay không chút lưu luyến.
Ngược lại vì chấp cuộc đời là có thật nên người ta bắt đầu sản sinh mọi cung bậc cảm xúc của chúng hữu tình, cái mà đức Phật gọi là mười hai nhân duyên tạo nên mọi sự tồn tại. Họ bắt đầu yêu thích rồi níu giữ, cầm chặt, hay ghét bỏ, rồi sân si hận thù. Việc lưu giữ những tình cảm đó lâu dần sẽ tạo ra sự tồn tại kế tiếp để gọi là tái sinh hay luân hồi. Đơn giản vì người ta không muốn bỏ, người ta muốn níu giữ nên chuyển tâm niệm mình vào cái mà họ muốn níu giữ và thế là có luân hồi chuyển kiếp để diễn tiếp vở kịch mà mình dàn dựng. Trong quá trình đó họ sẽ tiếp xúc với những chúng sanh khác vốn có cùng quan điểm với họ hay khác quan điểm và tạo nên một mối quan hệ rộng hơn. Cứ như vậy mọi sự tồn tại cứ tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, nuôi nấng nhau và hình thành ba cõi sáu đường vô cùng vững chắc để bao bọc những ý niệm của họ. Đây là cái mà Phật giáo gọi là giả. Nó giả vì nó được tạo ra từ ý niệm của con người. Cái vòng luẩn quẩn của mọi sự tồn tại còn vi tế hơn rất nhiều khi đi sâu vào hệ thống duy thức học.
Vì vậy đức Phật muốn chúng ta suy nghĩ theo một hướng khác, muốn chúng ta dành thời gian nghiên cứu, để hiểu lời Ngài dạy và tìm sự giải thoát cho bản thân mình. Ngài là bậc trí đức song toàn nhưng không có năng lực giải thoát cho một ai vì mọi sự ràng buộc căn bản thuộc về tâm thức và không có thật, mà không thật thì làm sao mà giúp họ cởi bỏ. Do vậy trong vai trò của một người thầy, Ngài chỉ cho chúng ta thấy bản chất thật của mọi sự tồn tại, còn việc chuyển hóa và buông bỏ những chấp niệm để giải thoát thì phải do tự thân mỗi người chứng nghiệm lấy.
Hiểu ra rồi thì không còn khổ nữa vì không còn bám víu, vì biết nó không thật. Đây là lý do mà đức Phật được gọi là bậc toàn giác. Những tôn giáo khác cũng xây dựng hệ thống triết học của họ, nhưng phần lớn bị kẹt vào cái ý niệm về sự tồn tại bất diệt của một thực thể tạo nên mọi chúng sanh, cái mà họ gọi là linh hồn, nên trí tuệ viên mãn chưa thể đạt tới. Tệ hại hơn là tín đồ của họ sau này còn đánh vào tâm lý sợ hãi của chúng sanh để mưu cầu trục lợi cá nhân và bóp méo tư tưởng gốc của người sáng lập. Những bậc lãnh đạo tôn giáo khác dù chưa vượt ra khỏi tam giới để đạt được trí tuệ tuyệt đối nhưng giáo lý của họ cũng hướng chúng sanh vào con đường thiện để tạo ra hạnh phúc cho mình và người. Nhưng càng về sau này các tư tưởng thiện lành đó đã bị thay thế và bóp méo cho nhu cầu tham vọng của chúng sanh và cuối cùng tôn giáo không còn là một chỗ dựa tinh thần cho mọi người mà là một công cụ để thỏa mãn ngũ dục của con người.
Nắng tháng Tư,
Chỉ là một chút khó chịu về bản thân khi nó không đáp ứng được cái mà mình mong muốn nhưng nhìn sâu vào thì đó là cả một hệ thống triết học về nhân sinh, về khởi nguồn của mọi sự tồn tại trong tam giới. Hiểu ra thì sẽ chấp nhận như một thắng duyên giúp hành hạnh nhẫn nhục và thấu thêm về cái lý vô thường tạm bợ. Trong phòng máy lạnh có cảm giác của thiên đường nhưng không ai có thể ở mãi trong đó để tận hưởng cái thiên đường này vì sự tồn tại của họ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Khi bước ra khỏi căn phòng máy lạnh thì nắng tháng Tư mang đến cảm giác của địa ngục nóng rát. Vô thường đây chứ ở đâu xa. Biết vậy nên bất giác mỉm cười vì đôi khi cái biết cũng rất vô thường, nó sẽ không luôn ở đó với mình để giúp mình luôn chánh niệm và sáng suốt mà chỉ là lúc đến lúc đi. Vậy nên nếu không thực hành thì cái hiểu kia cũng chẳng có ích gì cho việc dứt khổ. Đây là lý do mà thiền định trở thành năng lượng sống còn của Phật giáo vậy.