Nắng muộn
Lão Sáu đang ngồi nhâm nhi ly trà vừa mới châm cách đây vài phút thì con bé Út tạt về nhắn lại là thầy hỏi thăm ba, nói khi nào ba thấy khỏe thì lên thầy uống trà.
Chả là mấy hôm trước lão cùng thầy và hơn chục người nữa cùng đi ra miền Trung để cứu trợ đồng bào lũ lụt, vì mưa gió kéo dài và lão cũng đã ngoài sáu mươi, sức đề kháng giảm sút nên lão nhiễm lạnh. Lão chẳng giàu có gì nhưng được cái sốt sắng, thầy đi từ thiện chỗ nào là có mặt lão chỗ nấy, lại còn đều đặn cùng với vợ con nấu cháo từ thiện cho bệnh viện vào mỗi sáng Chủ nhật, cái ngày duy nhất mà lũ con lão đều được nghỉ học, nghỉ làm. Cứ mỗi bận nấu cháo là lão tranh thủ quảng cáo về cái thư viện “cây nhà lá vườn” của mình cho mọi người.
Đó là một căn phòng nhỏ được xây đàng hoàng và lắp kính, nó không đủ rộng cho mọi người có thể ngồi đọc, chỉ có thể mượn đem về mà thôi. Phía trước lão bài trí nhiều loại cây và lá để căn phòng thêm phần mát mẻ. Lão quý cái phòng sách ấy lắm vì nó chứa đựng cả nguyện vọng của lão từ cái ngày cảm nhận được sự mầu nhiệm của Phật pháp. Nhà lão cách bệnh viện không quá xa nên lão hay bảo những người lấy cháo nếu muốn đọc sách gì trong lúc trông chừng người nhà thì nhân lúc ra ngoài mua đồ cá nhân có thể ghé lại nhà lão lấy vài cuốn, trả lại hay không cũng không sao, miễn là chịu đọc. Nếu họ thấy hay và muốn giữ thì đó cũng là cách tốt để họ giúp lão chia sẻ cho người khác. Mấy đứa con lão mỗi tháng đều cho một ít, lão dùng vào việc mua sách và làm từ thiện. Có khi lão xin được từ các chùa và đem về để ở đấy với mong muốn người ta sẽ biết thêm được về Phật pháp. Nhiều người nhất là người lớn tuổi thường thích nghe băng đĩa hơn là việc đeo kính rồi đọc nhưng lão thì khác, lão tìm thấy cái thú của đọc sách và có thể dừng lại bất cứ đâu để trầm ngâm chiêm nghiệm mỗi khi đắc ý. Đó là lý do lão coi cái thư viện nhỏ của mình như báu vật. Lão thật sự đã làm tốt lời Phật dạy vì với nhiều người cái họ thích thì không muốn chia sẻ vì sợ hư hao. Trong Phật pháp nếu không chia sẻ điều mình biết bằng cách này hay cách khác đó là gián tiếp chôn pháp, một suy nghĩ rất là cạn cợt.
Lão Sáu thay bộ đồ lam rồi lấy xe lên chùa. Thầy trụ trì còn rất trẻ, chỉ đáng tuổi đứa con giữa lão thôi nhưng thật sự rất ra dáng một vị tu hành. Tuy có đôi lúc thầy đưa ra những quyết định bồng bột nhưng lão vẫn quý thầy, và thầy cũng quý lão. Những lúc uống trà với nhau lão cũng lựa lời mà góp ý những thiếu sót để thầy nghe, chắc thầy với lão có duyên từ những đời quá khứ nên thầy luôn lắng nghe và sửa đổi sau mỗi lần lão góp ý.
Thầy về trụ trì chỉ mới gần hai năm nay thôi nên cũng chẳng rõ hết mọi người. Thầy quý lão và nghĩ chắc hẳn lão đã giác ngộ Phật pháp từ rất lâu rồi nên giờ mới có cái phong thái ung dung đó. Hôm nay lão gặp thầy và tự nhiên muốn kể về cuộc đời lão cho thầy nghe như một sự trải nghiệm. Người già là như vậy, dù có học Phật và ít nhiều tin hiểu nhưng họ cũng chỉ là những người già, ngoài lúc công phu ra thì họ vẫn muốn chuyện trò với con cháu để tìm chút niềm vui. Căn bản vì đây không phải là kiếp cuối cùng để chứng quả, nó chỉ là đang trên đường thôi nên mọi nhu cầu của người xuất gia hay tại gia đôi khi cũng rất bình thường.
Hồi tưởng về cái quá khứ “oanh liệt” của một bợm nhậu đã từng khiến vợ con điêu đứng, lão Sáu không khỏi xúc động. Nếu không có chút duyên lành từ kiếp trước thì chắc giờ lão vẫn còn đang say mèm ở đâu đó chứ không phải còn đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời và được ung dung uống từng ngụm trà với thầy như bây giờ.
“Con của mười lăm năm trước là một bợm nhậu vô dụng thầy ạ”, lão bắt đầu câu chuyện. “Dân lao động nghèo như chúng con ban ngày thì làm việc rồi đến chiều tối là hẹn nhau để uống một chút cho vui vẻ. Nhưng con vốn không ngờ chính những lần “một chút” ấy đã làm tăng khả năng hấp thụ bia rượu trong con và con đã không thể sống mà thiếu rượu. Cũng không khác với bất kỳ chất gây nghiện nào có hại cho sức khỏe, rượu cũng làm con khốn khổ và cảm nhận rõ rệt sức khỏe mình suy yếu nhưng không rứt ra được, vì khi ấy số lượng nạp vào người con đã không còn là con số vài ngụm cho vui mà đủ để biến con thành nô lệ của rượu.
Ngày tháng trôi qua con càng trượt dài trong hơi men không cách nào dừng lại. Nghề ngỗng không còn nên về sau chỉ tìm cách để có rượu uống chứ không cần mồi nữa. Con thiết nghĩ cuộc sống muốn được nhẹ nhàng thì dù không giúp ích được cho ai mình cũng đừng làm người khác khổ. Nhân quả rất rõ ràng khi con đã dùng thời gian quý báu của tuổi trẻ đi làm khổ mọi người thay vì sống có ích. Rượu làm con mất lý trí nên chuyện té bờ té bụi không cần phải bàn cãi. Đỉnh điểm của hệ lụy này là con gặp tai nạn giao thông và bị chấn thương vỏ não, ảnh hưởng này làm khứu giác cũng không còn hoạt động nữa. Người ta thường thức tỉnh khi đối mặt với những bi kịch lớn của cuộc đời nhưng con thì không như vậy. Sau tai nạn con chẳng những không quay đầu mà còn tự cho mình cái quyền hận đời vì gặp phải sự xui xẻo đó, và rồi khi lượng rượu tăng lên thì sự đau khổ con đem lại cho gia đình cũng tăng lên mấy lần.
- Bác Sáu gái và mấy đứa nhỏ chịu đựng bác cũng giỏi quá! - Thầy đột ngột ngắt dòng tư tưởng của lão.
- Tức nước vỡ bờ thầy ơi! Sau đợt đó họ bỏ con đi luôn.
- Người chứ cũng đâu phải thánh thần gì mà kham nhẫn nổi.
- Dạ con cũng không dám trách cứ gì, có điều thứ bên con lúc ấy cũng chỉ có rượu. Nhiều khi tỉnh ra con biết tất cả đều do con. Cuộc sống vốn không dễ dàng gì vậy mà con lại bê tha hư đốn dồn gánh nặng mọi thứ lên đầu vợ con. Nếu không có những tháng ngày cải tạo cách ly với rượu chè chắc giờ con cũng chẳng thoát được. Khi tỉnh biết mình sai vậy mà rồi lại đâu vào đó. Rượu như một thứ ma quỷ, ám con mọi khoảnh khắc. Tất cả những suy nghĩ hối hận trách móc và muốn dừng lại để sửa đổi đều bị nó che đậy bằng cái lý do sến súa: uống cho quên đi tất cả. Ngày con bị bắt đưa vô trại cải tạo vì lý do quấy rối trật tự, vợ con có về và khuyên con ráng mà thay đổi. Nếu môi trường khắc nghiệt quá thì ông hãy niệm Phật.
Nếu trong hoàn cảnh bình thường chưa chắc con đã nhớ lời vợ nhưng vào trong trại giam rồi thì mọi thứ nó hiện ra rõ ràng lắm. Sau những lúc lao động cải tạo, con về phòng giam với tâm trạng cô đơn thui thủi. Lúc này không còn men rượu để xúi giục nữa nên mọi suy nghĩ của con đều là động lực hối cải chân thật. Nhớ lại lời vợ con cũng niệm Phật. Không có chút ý niệm về lợi ích của Phật pháp, chỉ là nỗi nhớ nhung và sự ăn năn khiến con muốn làm chút gì đó cho vợ con vui mà thôi. Nhưng thật kỳ lạ, mọi thứ dường như dễ chịu hơn kể từ khi con ê a niệm Phật. Công việc con làm không còn quá nặng nhọc khổ sở như lúc trước vì được chuyển qua khâu khác, có phần tự do thoải mái hơn một chút. Con cũng nhận thấy hình như đầu óc mình nhẹ nhàng hơn mà không biết vì sao. Sau đó con được trả tự do trước thời hạn vì chấp hành kỷ luật và cải tạo tốt.
Ra khỏi trại rồi thì vợ con quay về đoàn tụ. Con bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo và khi nhận ra mình quả thật còn chút duyên lành trong quá trình tạo tác nên giờ mới có cơ hội học Phật. Lúc con niệm Phật chỉ là một quán tính làm theo lời vợ không chút hiểu biết, nhưng cũng vì sự vô tâm đó mà thành ra nghiệp quả ít nhiều có biến chuyển. Nhưng sau mười mấy năm làm thiện làm phước và niệm Phật hình như cái cảm giác thư thái trong con cũng chẳng tiến triển là mấy. Con hoàn toàn không tìm lại được sự an lạc ngày xưa ở trại giam, dù lao động khổ sai nhưng tâm trí rất vui vẻ.
- Bác nói cũng đúng đấy. Lúc trước dù không biết gì nhưng bác vẫn làm theo không chút bận tâm hay mảy may tính toán về công đức phước báu, nên mọi thứ đến một cách tự nhiên và trọn vẹn. Nói thì có vẻ buồn nhưng người ta sau khi có niềm tin và chút kiến thức về phương pháp mà mình hành trì thì mọi thứ không như lúc đầu nữa. Đó là lý do tại sao đức Phật nói nếu ai cũng giữ được cái tâm ban đầu thì sự thành tựu là rất có khả quan. Tâm con người ta luôn là như vậy, phân biệt, dính mắc và chấp trước. Lúc đầu vì không hiểu biết nhiều nhưng làm với sự vô tâm không dính mắc nên quả tốt gần như trọn vẹn. Hiểu thêm một chút thì làm cái gì cũng tính toán chấp nhặt. Chính sự toan tính đó làm tâm người ta không còn vô tư như lúc ban đầu nữa. Cẩn trọng thân khẩu ý và dè chừng nhân quả tội phước là tốt nhưng cũng không nên thái quá. Nếu người ta bị suy nghĩ phước báu công đức vây lấy thì họ làm gì cũng chỉ nghĩ cho bản thân mình mà quên mất người khác. Ví như được tặng một món đồ yêu thích họ cũng muốn nhận nhưng sợ hết phước, tổn phước nên đẩy cho người khác. Trong Phật giáo không có ranh giới rõ ràng giữa chuyện đúng sai. Tất cả đều do tâm ý mình quyết định. Hành động dù có vẻ hoàn hảo trước mắt mọi người nhưng không nói lên được cốt lõi của việc hành Pháp. Cái chính yếu nằm ở chỗ mục đích của việc làm, và mục đích này do tâm chủ đạo, tâm điều khiển. Vì người ta rất khó để tâm mình bình thường với mọi thứ nên họ không được an lạc thoải mái. Tu tập lâu dần nếu không để ý những điều nhỏ nhặt này thì uổng lắm bác. Nhiều người thậm chí chẳng còn mặn mà mấy với Phật pháp cũng vì vậy. Khi họ nghĩ mình hành trì lâu như vậy mà vẫn khổ sở mệt mỏi thì tự dưng đâm nản và muốn quay về với cuộc sống ban đầu. Việc hành trì với người tại gia đã rất khó khăn rồi, nếu chỉ vì những điều như vậy mà bỏ cuộc thì thiệt là uổng đó bác.
Lão Sáu giật mình. Những việc lành việc thiện của lão lúc đầu là vì mọi người nhưng lâu dần lại trở thành công cụ tạo phước của lão. Người ta vẫn vô tư tán dương và lão vẫn hả hê đón nhận để rồi mỗi ngày lại bận rộn nhắc nhở con cái gửi tiền để lão làm thiện, rồi lại chờ người ta xuýt xoa khen mình phước huệ song tu.
Lão ngồi im chẳng nói gì, thầy cũng không nói thêm chỉ lặng lẽ châm trà. Phật pháp nhiệm mầu thật nhưng cái tâm buông xả mới là chất liệu duy trì sự mầu nhiệm đó. Thật là may mắn khi có thầy. Lão chỉ là một trong số những chúng sanh mê muội được thầy nhắc nhở. Vấn đề không nằm ở chỗ to hay nhỏ mà là tỉnh hay mê. Lời thầy nhắc cũng không phải vấn đề to tát nhưng những si mê ấy đủ sức biến lão thành nô lệ của dục vọng nếu nó được nuôi dưỡng thêm. Vậy mới biết đường tu tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy. Người ta lúc tỉnh lúc mê, chẳng mấy khi giữ tâm mình được tỉnh táo và sáng suốt. Nếu không có thầy có bạn nhắc nhở cảnh tỉnh chắc đường về của lão còn xa và mịt mờ lắm.