Lời Trái Tim Muốn Nói
“Ôi! Tình mẹ,
mối tình không ai quên được!”
(V.Hygo)
Thưa thầy mắt kiếng! Con được diễm phúc có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng thầy ơi, từ nhỏ đến giờ con chưa tỏ lòng yêu thương cha mẹ của mình, dù chỉ là một câu nói “con yêu cha mẹ!” Cũng chính vì điều đó, dù quan tâm, thương yêu cha mẹ rất nhiều, song con cũng chỉ âm thầm, và như vậy đã làm cha mẹ rất buồn. Riêng mẹ, con đã từng nhìn thấy ánh mắt mong ước khi những người mẹ khác được con của mình hỏi han, chăm sóc. Lúc ấy con rất muốn ôm mẹ và nói lên những lời mình luôn ấp ủ. Nhưng, khó quá thầy ơi, mãi đến bây giờ con cũng chưa làm được.
Hiện tại cùng được tham dự khóa tu mùa hè với các bạn, con được nghe lại bài hát “Mẹ Yêu”, đặc biệt khi nhìn những cánh bồ câu trắng dang rộng trên bầu trời lại làm lòng con bồi hồi nhớ mẹ, nhớ cha. Đối với con, gia đình là tất cả, cha mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời mình, ấy thế mà con chẳng dám dũng cảm thừa nhận. Như vậy con có bất hiếu quá không hả thầy? Mà, thầy ơi, con muốn hỏi rằng, có bao giờ mẹ ghét con không? Giống như cha của vua A-dục không thầy? Con sợ lắm, con luôn muốn làm cho cha mẹ vui lòng, nhất là mẹ của con. Nhưng tại sao mỗi lần con muốn bày tỏ hay làm điều gì cho mẹ, thì nụ cười của mẹ lại ít hơn sự nhăn nhó, bực bội. Con đã tự xét lại mình, nhưng vẫn không biết mẹ không hài lòng về con chỗ nào.
Có lần khi con được học sinh giỏi, mẹ không cười, không hỏi han gì hết. Lúc ấy con buồn lắm, nhưng không dám hỏi, chỉ tâm sự với dì. Sau đó dì nói lại với mẹ, song trước mặt con, mẹ vẫn không biểu hiện điều gì thương yêu. Điều đó đã làm con bắt đầu có “thành kiến” với mẹ. Mỗi lúc một mình, con lại suy nghĩ lung tung và ngày càng nghĩ xấu về mẹ.
Thời gian trôi qua, con với mẹ ngày càng xa nhau, cứ như là một hố sâu khoảng cách mẹ và con. Cũng lúc đó, cha mẹ bắt đầu xung đột nhiều hơn, cãi vã như cơm bữa. Mỗi lần như vậy con khóc mà chẳng biết làm sao? Con bất lực, và rồi con thấy bắt đầu khó chịu mỗi khi về nhà, cứ như tù ngục chứ không phải mái nhà của con. Mọi chuyện cứ như vậy. Khoảng từ hai năm trở lại đây, sau khi cãi vã với cha, mẹ lại la mắng con, nói con là “oan gia, nghiệp chướng từ nhiều đời nhiều kiếp trước của gia đình, biết vậy tao bóp mũi chết khi vừa lọt lòng”. Con buồn lắm thầy ơi, con có làm gì nên tình nên tội chứ, con vẫn cố gắng học hành, vẫn chăm ngoan, thường niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, mong Ngài giúp con chuyển hóa tâm mẹ con. Con sững sờ, muốn khóc không được, con giận lắm, con chỉ muốm tìm manh mối của những lời ấy.
Con biết được “nghiệp” là từ luật
nhân quả của đạo Phật. Lúc đầu, khi chưa học Phật, con chỉ muốn trút hết tức giận, oán hận đó sang cho người thương của mình. Nhưng giáo pháp của nhà Phật đã giúp con chuyển hóa rất nhiều sân giận. Đạo Phật dạy chúng ta phải đối diện và chuyển hóa khổ đau, tức giận bằng tâm từ bi, thương yêu. Nơi nào có thương và hiểu, nơi ấy hoa giác ngộ sẽ nẩy mầm. Con liền ngồi tịnh tâm thực tập buông xả, trải rộng tấm lòng thương yêu. Thay vì giận hờn, sao con không tìm hiểu mẹ nghĩ gì, chia sẻ với mẹ theo một cách nào đó để hiểu mẹ, rồi giúp mẹ hiểu con và đừng có ý nghĩ không tốt về con!
Con bắt đầu làm, nhưng khó lắm thầy ạ! Song con tin rằng mình không phải là nghiệp báo, oan gia của mẹ, chỉ vì mình chưa hiểu mẹ và mẹ chưa hiểu mình mà thôi. Con đã có nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ với mẹ. Thầy biết không? Dường như sự kiên nhẫn của con được Phật thấu rõ, Ngài đã giúp con sáng suốt, kiên nhẫn. Cuối cùng, con cũng làm mẹ cười, chịu chia sẻ với con. Sau đó, mẹ bắt đầu quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho con nhiều hơn. Dạo này, mỗi lần đi xa mẹ đều dặn dò, lo lắng, hỏi thăm. Con vui lắm thầy ơi! Thì ra mẹ cũng bao dung, hiền hậu như bao người mẹ khác, nhưng vì thời thơ ấu, quá khứ đã làm mẹ không thể trải lòng vị tha cho người khác, ngay cả với con ruột của mình. Vậy đấy, con hiểu ra một điều, trên đời này khi gặp chông gai, khổ đau hãy tìm một chỗ dựa vững chắc và phải có niềm tin. Con đã đến với Phật pháp, tin theo lời Phật và tin vào tình thương mẹ dành cho con là vô bờ. Giờ đây con đã được mẹ yêu thương, bấy nhiêu đó cũng đủ lắm rồi. Thầy ơi! Đối với con lúc này, con chỉ có hai ý nguyện: Một là, sẽ giúp gia đình mình nối lại sợi dây thương yêu. Hai là, sau khi học xong, con phát nguyện xuất gia tu học, vì con biết, chỉ có xuất gia mới báo đáp trọn vẹn công ơn võng cực của song thân.
Lê Nguyễn Phương Nguyên
(Bình Thạnh – Tp.HCM)