Cảm Nhận Khóa Tu Mùa Hè
Lời Trái Tim Muốn Nói

Lời Trái Tim Muốn Nói

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Xem thêm
Mẹ ơi con đã sai


“Ngày bé thơ có biết bao nhiêu điều, 
mẹ đã dành mang đến riêng tặng con.
Giờ lớn khôn, con bước trên đường đời.
Lòng vững tin luôn có mẹ kề bên”.
(tác giả

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.

Bao nhiêu lần tôi đọc câu thơ ấy, là bấy nhiêu lần tôi thổn thức, bồi hồi, những kí ức về mẹ lại ùa về và hiện ra trước mắt.

Tôi thật sự rất yêu mẹ, nhưng không biết vì sao cứ hay cãi mẹ và làm cho mẹ phải khóc. Những lúc ấy, tôi rất hối hận và cứ hỏi tại sao mình lại ngỗ nghịch, hỗn hào, lại làm mẹ buồn, mẹ khóc nhiều đến thế. Mẹ khóc tôi vui ư? Trước đây thì có, bây giờ thì không.

“Ngày bé thơ có biết bao nhiêu điều, mẹ đã dành mang đến riêng tặng con. Giờ lớn khôn, con bước trên đường đời. Lòng vững tin luôn có mẹ kề bên”.

Cuộc đời không ngắn như một bản nhạc, nhưng cuộc đời cũng như một bản nhạc có nốt tròn, nốt trầm, nốt thăng…; cũng như con người chúng ta có lúc vui, lúc buồn, lúc đau khổ và lúc hạnh phúc. Tôi thật hạnh phúc, khi sống trong gia đình có cha mẹ đều làm cái nghề “trồng người” ─ giáo viên. Tuổi thơ ấu của tôi trôi qua thật êm đềm. Tôi là con út, nên được cha mẹ dành hết mọi tình yêu thương. Với sự dạy dỗ của cha mẹ, tôi lớn lên từng ngày, và tôi trở thành cô học trò giỏi được thầy cô, bạn bè thương mến và nể phục. Tôi thấy mình thật hạnh phúc, và hạnh phúc hơn mỗi khi đem giải thưởng về tặng cha mẹ mình. Từ những giọt nước mắt vui sướng của mẹ, từ nụ cười của cha, tôi thấy tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng đó chỉ là hạnh phúc, là niềm vui của tôi, của gia đình trong những năm cấp I, II.

Bước ngoặt cuộc đời là khi tôi lên cấp III. Học xa nhà đến 80 cây số, nhưng cha mẹ vẫn chạy xe máy thăm tôi hàng tuần, nhất là mẹ. Mười một năm liền tôi đều là học sinh giỏi, luôn đứng trong hai vị trí đầu tiên của lớp. Thế nhưng, năm lớp 12, dựa vào lí do năm cuối cấp, lại sắp thi Đại học, tôi bắt đầu ra yêu sách mà không biết rằng càng làm khổ cha mẹ mình hơn. Còn nhớ, hôm đó là thứ hai đầu tuần, khi mẹ chở tôi đi học, đến nơi mẹ đưa cho tôi 450.000 đồng gọi là tiền ăn trong một tuần. Đối với một số bạn, số tiền ấy ăn trong một tuần là tương đối tạm đủ. Nhưng đối với tôi số tiền ấy là quá ít. Làm sao tôi có thể sống với số tiền ít ỏi ấy trong một tuần đây. Thế là tôi đòi thêm:

- Mẹ nghĩ coi, con làm sao sống được với số tiền ít ỏi này trong một tuần?

- Số tiền đó không đủ sao? Quá nhiều rồi đấy! – Mẹ tròn xoe mắt đáp.

Tôi dùng dằng, mang cặp bước thẳng vào trường không chào mẹ một câu. Vào tới lớp, tôi òa khóc, tôi khóc vì tức khi không được đáp ứng nhu cầu. Tôi thò tay vào túi lấy điện thoại đi động ra nhắn tin cho mẹ: “Bà không cho thì thôi, tôi cóc cần. Bà nghĩ không có tiền của bà tôi sống không được chắc? Bà lầm rồi, tôi đã lớn, tôi có thể tự kiếm sống. Bà không phải là mẹ tôi. Tôi sẽ quậy phá, đi chơi, không học hành gì hết. Tôi chết thì bà là người có lỗi nhất đấy”.

Trời ơi, tôi đây sao? Một đứa con được cha mẹ đặt trọn niềm tin và hi vọng lại trở nên như thế này sao? Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không biết mình nghĩ sao mà lại nhắn tin như thế. Mẹ nhắn tin lại cho tôi: “Con nói mà không biết suy nghĩ, cha mẹ đi dạy khan cả cổ là để kiếm tiền nuôi ai? Con có biết, ngoài đưa cho con 450.000 đồng, mẹ còn mua bánh, sữa, đồ ăn cho con hết 300.000 đồng. Hiện tại trong bóp chỉ còn 15.000 đồng để về xe. Mẹ nói vậy con nghĩ sao thì nghĩ, con không thương cha mẹ mà còn nghĩ đến cái chết. Con như thế có xứng đáng không?” Đọc xong, tôi dửng dưng chẳng có chút cảm giác gì cả, lại còn nói mẹ mình “xạo quá đi bà”!

Sau đó, cha gọi điện lên, hỏi tại sao tôi vô lễ, nhẫn tâm làm mẹ khóc nhiều đến thế. Tôi đâu biết rằng, chỉ vì những lời nói vô tình ấy đã làm tổn thương mẹ đến dường nào!

Rồi lại có những lần, mẹ chở tôi “chạy show” học thêm. Lần đó, mẹ đến trễ gần 30 phút. Tôi nóng ruột, nóng gan một phần vì trễ học, một phần điện thoại mẹ không bắt máy. Tôi đâu biết rằng vì rước tôi mà mẹ đã bị xe quẹt, may mà chỉ xây xát tí xíu. Thế mà thấy mẹ đến, tôi giận dữ, hỗn hào, người ta thường gọi là “phùng mang trợn mắt”. Tôi đâu phải con rắn, tôi là con người cơ mà. Con người tại sao lại có hành động như thế? Tại sao tôi không nghĩ mẹ đã cắn răng chịu đau để lên xe tiếp tục chạy lại chở tôi đi học. Năm nay mẹ đã 56 tuổi, cái tuổi mà người ta nói chẳng cần làm gì chỉ ngồi đó cho con cái báo hiếu. Thế mà, mẹ tôi thì khác, mẹ phải chở đứa con 18 này đi học. Tôi ơi, sao tôi có thể vô tình đến thế, không hỏi thăm mẹ một câu mà lại còn căn nhằn. Tôi thật bất hiếu.

Kết quả năm lớp 12 của tôi, đã khiến tôi hụt hẫng, tôi biết cha mẹ buồn lắm. Tôi chỉ xếp loại khá. Nghe thật đơn giản nhưng đó là cú sốc đối với tôi. Tôi đau. Rất đau. Tôi như người mất hồn. Đối với tôi, lúc này kì thi Tốt nghiệp và Đại học chỉ là cuộc dạo chơi, tôi chẳng còn lí tưởng sống cho mình. Mặc dù, có những lần tôi chợt nghĩ, mình làm gì thế này, phải cố lên, phải làm cho cha mẹ vui và hãnh diện chứ. Nhưng tôi không làm được, tôi đầu hàng chính mình.

Sau khi thi xong Đại Học, tôi xin cha mẹ lên chùa Hoằng Pháp để tham dự khóa tu mùa hè năm 2009. Ban đầu tôi nghĩ mình đến đây để chơi, để giảm stress nhưng thật chán nản khi phải dậy sớm. Thế nhưng, khi được tụng kinh Vu Lan, được nghe các buổi pháp đàm nhất là “Nắng ấm Mùa Xuân” “Suốt Đời Không Quên”, thì tôi mới ngộ ra rằng, mình thật sung sướng khi có cha mẹ kề bên quan tâm, chăm sóc, trong khi có những bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ mà vẫn sống tốt. Mình không sống tốt như thế có xứng đáng không? Tôi nhớ cha mẹ, gia đình mình. Cảm ơn các thầy, cảm ơn các bạn đã làm cho tôi sống lại tình yêu thương, làm sống trong tôi đạo làm người, làm con mà tôi đã đánh mất.

“Hỡi ôi!

Giữa cuộc đời phong ba bão tố

Cha mẹ là bến đỗ của đời con!”

Ngày mùng 5 tháng 8 tới, tôi sẽ biết kết quả thi Đại Học, dù có như thế nào, tôi cũng phải chấp nhận, có thể vui, cũng có thể buồn. Nhưng, tôi vững tin, tôi luôn có cha mẹ kề bên. Những lỗi lầm, những lần hỗn hào của tôi đều được mẹ bỏ qua, đều được cha mẹ tha thứ. Đúng là tình mẹ thật thiêng liêng, cao cả. Ấy thế, sao tôi lại nhỏ nhen, hẹp hòi quá đỗi, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình, tôi hận mình, tôi ghét mình. Tôi không biết nói gì hơn ngoài câu “Con xin lỗi mẹ!”. Tôi không dám hứa sẽ không làm mẹ khóc, nhưng nếu mẹ khóc thì tôi biết đó sẽ chỉ là những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi không dám hứa sẽ là một đứa con thành đạt, nhưng tôi biết niềm vui của mẹ là thấy tôi trưởng thành và ngoan hơn. “Một ngày thiếu mẹ buồn lắm mẹ ơi, ước gì mẹ ở bên con suốt đời”. Mẹ sẽ luôn bên con mẹ nhé, con cũng sẽ luôn bên mẹ vì con biết CON YÊU MẸ nhiều lắm!

Nguyễn Ngọc Minh Thư

(Cái Bè - Tiền Giang)

 

Sách cùng thể loại
Bức Thư Gửi Phật
Bức Thư Gửi Phật
Nhiều tác giả
Hè Về
Hè Về
Nhiều tác giả
Sâu Thẳm Lòng Con
Sâu Thẳm Lòng Con
Nhiều tác giả
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc
Nhiều tác giả
Lời Con Kể
Lời Con Kể
Nhiều tác giả
Hạt Từ Tâm
Hạt Từ Tâm
Nhiều tác giả