Lời Trái Tim Muốn Nói
“Bỗng một hôm con giật mình
khi thấy tóc má đã bạc,
lưng ba đã còng. Không, con sợ lắm…”
(soạn giả)
Tuổi thơ của tôi là một chuỗi ngày rất an vui trong gia đình có đầy đủ ba mẹ và những người thân yêu. Mặc dù gia đình không khá giả, nhưng ba mẹ luôn cố gắng hết sức chăm lo cho chị em tôi bằng bạn bằng bè. Có lắm lúc tôi vô tâm, vô tư xem cuộc sống ấy là sự hiển nhiên. Ngày nào cũng vậy, tôi cắp sách hai buổi đến trường, mà không hay biết đằng sau những tiếng cười trong trẻo của mình là nỗi vất vả, nhọc nhằn của ba và mẹ. Và giờ này đây, khi vừa tròn 18 tuổi, cái độ tuổi xanh tươi, đẹp đẽ nhất của đời người, thì tôi… chợt trào nước mắt khi nhận ra: Mẹ đã già, tóc mẹ đã bạc, lưng mẹ đã còng!
Mười chín năm về trước, hình ảnh ba mẹ lưu lại trong cuốn album gia đình đẹp đẽ và trẻ khỏe biết bao. Vậy mà guồng máy nghiệt ngã kia đã làm phai màu tóc mẹ, sờn rách cả áo ba.
Trong tôi dường như không nén nổi một điều gì đó tựa hồ như ăn năn, xót xa và cả sự buồn thương, tiếc nuối. Bởi “mỗi độ xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi độ xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…” Hai chữ “vô thường” đã trở thành qui luật chi phối vạn loại hữu tình. Dẫu biết thế, song con tim bị xiết lại bởi suy nghĩ: “Nếu một mai ba mẹ không còn, lúc ấy tôi sẽ ra sao? Sẽ bơ vơ lạc lõng đến mức nào?”
Một phút lắng lòng suy nghĩ về ba mẹ, về những người thân yêu, tôi cảm thấy hối hận vì có những phút giây tôi đã sống hững hờ, vô tâm trước sự hi sinh quá đỗi lớn lao của ba mẹ. Nghĩ về gia đình là lúc tôi tìm lại được hơi ấm tình thương. Nghĩ về ba mẹ là khi lòng tôi được nâng đỡ, vỗ về. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có được gia đình toàn vẹn, cuộc sống ấm no sung túc, và thực sự hạnh phúc hơn rất nhiều bạn bất hạnh không còn được gọi đến hai đấng sinh thành! Tôi tự thấy mình may mắn quá đỗi, trong ngày Vu Lan vẫn được cài lên ngực một bông hồng đỏ thắm, và những lúc vui buồn còn được reo gọi “Ba ơi! Mẹ ơi!”…
Tôi tự hỏi lòng mình, sau này mình sẽ làm gì, sẽ sống như thế nào để báo đền chữ “hiếu”, đáp trả những hi sinh trời bể của ba mẹ?
Tôi vừa thi xong đại học, nếu đậu tôi sẽ học đại học, sau đó trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Tôi sẽ dùng tiền lương của mình nuôi sống ba mẹ, sống cuộc sống bình thường như bao người đang sống, như mong ước của ba và mẹ…
Vậy nhưng, từ khi gặp phương pháp giải thoát của Phật-đà, tôi đã tìm thấy chân lí của cuộc đời mình. Sự vi diệu của chính pháp đã biến chuyển tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy lòng mình rộng mở thênh thang, an lạc mỗi khi đến chùa, nghe lời kinh câu kệ, và tiếng niệm Phật nhiệm mầu. Tôi ngưỡng mộ lắm cuộc đời và cuộc từ giã vô tiền khoáng hậu của Đức Phật.
Cảm ơn mẹ, cảm ơn chùa Hoằng Pháp đã cho tôi phước duyên được biết đến đạo pháp, và gieo vào tâm tôi hạt giống Bồ-đề… để nuôi lớn trong mình chí nguyện xuất gia. Dù là phận nữ, nhưng mong muốn ấy trong tôi rất mạnh mẽ, tôi không sợ gì nữa, bởi trước mặt tôi là con đường chính đạo rộng lớn, nhiệm mầu. Chỉ có con đường ấy, tôi mới báo hiếu trọn vẹn tình thương yêu của hai đấng sinh thành.
Mẹ tôi luôn dạy: “Ba mẹ không có gì cho con cả, chỉ có thể dạy con niệm Phật. Nhớ phải luôn niệm Phật dù đi đâu hay làm gì nghe con!” Đây là lời dạy sâu sắc và tuyệt vời nhất mà mẹ dành cho tôi, tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi.
Tôi muốn xuất gia tu học, không những mong được giải thoát cho mình, mà còn có thể đóng góp chút sức lực bé nhỏ của tuổi trẻ để phục vụ đạo pháp. Đặc biệt nhằm đền đáp niềm tin của mẹ, và giúp ba giác ngộ. Bởi ba tôi chưa tin sâu Phật pháp, chưa thể hội sự nhiệm mầu của đạo Phật, do đó tôi chưa biết bắt đầu từ đâu để trình bày ước nguyện của mình. Nhưng mong thay, nếu ba đọc được những lời chân thật từ đáy lòng này của con, và tình thương vô bờ ba đã dành cho con, ba sẽ thấu hiểu và cho con được xuất gia.
Lê Hồng Vân
(Đơn Dương – Lâm Đồng)