
Lời Trái Tim Muốn Nói
“Hạnh phúc được định nghĩa
như thế nào khi không còn mẹ?”
(soạn giả)
Tôi luôn cho rằng mình là người hạnh phúc và sung sướng nhất. Tôi sinh ra và lớn lên trong vòng tay thương yêu của cha mẹ. Tôi là đứa con đầu lòng nên bao nhiêu sự quan tâm chăm sóc cha mẹ đều dành cho tôi. Lúc nhỏ, khi gia đình tôi còn khó khăn, ba mẹ tôi đều là công nhân, vì muốn kiếm thêm, nên đã tăng ca rất nhiều. Ấy thế mà đồng lương có được là bao. Tuy vậy, ba mẹ tôi luôn cố gắng dành dụm từng đồng để vừa có thể lo cho ông bà nội và mấy người em của ba còn đang đi học, vừa có thể lo cho tôi có được quần áo và cơm ăn đầy đủ.
Cũng như bao bạn khác, tôi được đến trường đi học, được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, ba mẹ thương tôi lắm, không để cho tôi thiếu thốn thứ gì về vật chất lẫn tinh thần.
Năm tháng dần trôi, tôi lớn lên và bây giờ đã trở thành cô thiếu nữ 18 tuổi. Ba mẹ tôi cũng dần già đi, tóc đã bạc nhiều. Tôi vừa hoàn thành kì thi Đại học của mình, và được cha mẹ cho đến tham dự khóa tu.
Nhớ lại lúc tôi ôn và thi Đại học, là một kỉ niệm khó quên. Trong suốt khoảng thời gian ấy, mẹ đã luôn đồng hành cùng tôi. Có những hôm tôi học bài đến tận khuya, mẹ đã thức cùng tôi vì sợ tôi ngủ quên. Có những hôm tôi dậy sớm để học bài thì mẹ cũng thức theo. Đặc biệt, trong ba tuần lễ thi Đại học, mẹ hết mực lo lắng và chăm sóc cho tôi, mẹ động viên tôi cố gắng vượt qua kì thi đầy thử thách này.
Sáng nào cũng vậy, đúng 4 giờ sáng, chuông đồng hồ reo, mẹ ngồi dậy ngồi trước bàn Phật trì tụng “Chú Đại Bi” để cầu nguyện cho tôi. Mẹ nói: “Mẹ sẽ tinh tấn trì tụng để hồi hướng công đức cho con”. Mẹ cũng là người đưa đón tôi đi thi. Dù trời nắng hay trời mưa, mẹ cũng đều đặn chở tôi đến nơi thi và dặn: “Nhớ niệm Phật nha con, Phật sẽ gia hộ cho con bình tĩnh làm bài tốt”. Những lúc ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ bên cạnh. Đến lúc đón tôi về, khi tôi trả lời thi làm bài tốt thì mẹ vui, còn khi trả lời làm bài không được thì mẹ hơi buồn, song liền trấn tĩnh và động viên, an ủi tôi, bảo tôi cứ cố gắng hết sức là được. Mẹ thường nói với tôi: “Con có biết con đậu Đại học thì ai là người vui nhất không? Đó là ba con”. Ba thương tôi lắm, tuy không thể hiện bên ngoài, nhưng lúc nào ba cũng quan tâm và xem tôi là đứa con gái bé bỏng. Những lúc tôi đạt kết quả tốt trong học tập, ba là người hãnh diện nhất, có khi ba còn vác đi khoe với mọi người. Còn những lúc tôi làm ba buồn lòng, ba chẳng la, chẳng đánh, ba chỉ lặng lẽ thôi.
Ở nhà tôi có cả một tủ đựng những tấm hình kỉ niệm gia đình, trong đó hình tôi nhiều nhất. Ba mẹ nói, hồi đó nhà mình tuy nghèo nhưng tháng nào ba mẹ cũng chụp hình cho con để làm kỉ niệm. Tất cả những tấm hình từ khi tôi một, hai tháng cho đến bây giờ đều được ba mẹ cất giữ trong những cuốn album thật cẩn thận. Mỗi khi lấy hình ra xem, tôi thấy mình quá diễm phúc. Tình thương cha mẹ dành cho tôi lớn lao như vậy, mà đã bao lần tôi làm cho ba mẹ phải buồn lòng; đã bao lần tôi cãi lời và oán trách mẹ cha; đã bao lần tôi không tôn trọng và yêu quí món quà mà cuộc đời này dành cho tôi. Tôi biết rằng ở ngoài cuộc sống kia, có rất nhiều những đứa trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ, sống vất vả và thiếu thốn tình thương. Tôi cảm thấy hổ thẹn và ân hận quá. Mẹ tôi đã từng nói với tôi: “Mẹ không cần con thành công hay thành đạt, mẹ chỉ muốn con thành người”.
Giờ này đã biết đến Phật pháp, nghĩ lại lời mẹ nói thật đầy ý nghĩa. Tôi biết đến Phật pháp, biết niệm Phật là cũng nhờ mẹ chỉ dạy. Mong ước lớn lao của mẹ là tôi đi xuất gia. Tôi cảm thấy mình đã có tất cả, là một con người được thừa hưởng đầy phước báu. Vậy mà có khi tôi đã quá nông nổi và thiếu suy nghĩ cãi lời, giận dỗi mẹ cha. Ba mẹ vẫn thương tôi, vẫn lo lắng cho tôi từng tí từng li.
Qua bài viết này, con xin gửi đến ba mẹ lời “cảm ơn” và “xin lỗi”. “Cảm ơn” vì tất cả tình thương yêu, sự chăm sóc, quan tâm của ba mẹ dành cho con. “Xin lỗi” vì những lầm lỗi con đã gây ra, những khi con làm cho ba mẹ lo lắng, buồn lòng.
“Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân
Mẹ là Phật cho cuộc đời con mãi thắm tươi”.
Tếnh Minh Anh
(Quận Gò Vấp – Tp.HCM)