Lời Trái Tim Muốn Nói
“Phương pháp giải thoát của Phật-đà
là la bàn đưa chúng sinh ra khỏi
rừng rậm vô minh”.
(soạn giả)
Thời gian cứ gấp gáp trôi đi, cuốn theo bao kỉ niệm trong tôi. Bao nhiêu kỉ niệm lại ùa về, làm lòng tôi đau nhói. Tôi không sao quên được cái ngày ấy, ngày tôi đã làm ba buồn.
Hồi đó, tôi là cô bé ngỗ nghịch không nghe lời. Bữa nọ, không chịu nổi tính ngang như cua của tôi, nên ông đã lấy cây roi bằng cây dương đánh tôi. Tôi òa lên khóc. Vừa khóc tôi vừa giận, giận quá nên đã thốt ra những lời không phải với ba, làm ba buồn, tôi nói: “Ông không phải là ba tôi, tôi ghét ông, ông đi đi”. Một đứa con nít như tôi, lại thốt ra lời mất dạy như thế, thử hỏi người ba nào không tức. Ba nói: “Mi là con tao đẻ ra, tao phải dạy, dù mi không nhận tao là cha, nhưng tao phải có bổn phận nuôi dạy mi, không thể để sau này mi phá hoại làng xóm”. Khi ấy tôi nào nghĩ được, lời ấy làm ba buồn và mang tội bất hiếu đâu? Thế là, tôi vào phòng cầm cây viết bi, viết lên trên những tờ giấy: “Tôi ghét ông, ông chết đi, tôi không cần người ba như ông”, rồi dán đầy phòng. Tôi không biết ba có thấy không nữa (nếu thấy chắc ba buồn lắm, còn tôi sẽ rất hả dạ!).
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua. Bỗng một hôm, tôi nhận tin mình được dự “khóa tu mùa hè” ở chùa Hoằng Pháp, tôi vui mừng khôn xiết. Ngày lên đường, ba lại là người dẫn tôi đi từ Hội An đến Đà Nẵng để đi cùng phái đoàn Đà Nẵng. Trên xe, ba dặn: “Vô trong ấy không được ăn đồ ăn lung tung, rủi đau bụng thì nguy. Trên xe không được mua đồ bậy bạ, họ chém lắm đó. Vào đó không có ba mẹ, nên phải tự lo cho mình, là con gái phải biết giữ mình. À, con có chuẩn bị đầy đủ những thứ con gái cần dùng chưa?...” Ba nói rất nhiều, nhưng do thành kiến và ghét ba nên tôi bất đắc dĩ phải “dạ dạ” cho qua chuyện.
Trải qua ngày đường xa tít, cuối cùng tôi cũng được đặt chân lên mảnh đất Saigon và ngôi nhà Hoằng Pháp mà tôi hằng mong ước. Trước khi vào Hoằng Pháp, tôi cũng đã có xem băng đĩa do chùa phát hành, nhưng tôi không tưởng tượng được chùa lớn mức độ nào, hoành tráng như thế nào, người đông cỡ nào? Quả thực, trăm nghe không bằng một thấy. Ngôi chùa Hoằng Pháp nguy nga tráng lệ, khắp nơi toàn người và người. Tôi thực sự kinh ngạc, bởi trước nay tôi chỉ ghé chơi những ngôi chùa ở quê, vừa nhỏ vừa thấp, Phật tử chỉ loe hoe vài người mà toàn người già, ít thấy người trẻ lắm. Song, ở đây lại khác, chùa to Phật lớn mà toàn là người trẻ. Thật hoan hỉ tột cùng.
Mấy ngày ở đây tôi ưu tư nhiều lắm, mới biết cảm giác xa ba mẹ, xa gia đình là thế nào, lần đầu tiên tôi thấy buồn. Ai có biết đằng sau những tiếng cười hằng ngày là những tiếng nấc nghẹn ngào. “Ba mẹ ơi! Con nhớ ba mẹ lắm, con yêu ba mẹ nhiều lắm, khi về con sẽ nói những lời ấy với ba mẹ, và quì xuống tạ tội cùng người. Ba mẹ biết không, những ngày con được sống trong chùa, toàn là những ngày tràn đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Nhờ tham dự khóa tu, nhờ sự dạy bảo của các thầy, mà con biết được thế nào là tình cảm thiêng liêng và cao cả của hai đấng sinh thành; con biết thế nào là sự hi sinh to lớn của ba mẹ; con biết thế nào là tình người, tình đạo. Ba mẹ biết không, con thương ba mẹ nhiều lắm!!!”
Vậy mà một tuần trước đây tôi nào nhận ra điều đó, tôi nào nhận ra nhà tôi đã hết tiền, mẹ phải đi cả buổi chiều để vay mượn 1.000.000 cho tôi làm lộ phí vào Saigon tu học. Phật ơi! Con thật bất hiếu, tội của con biết bao giờ mới rửa sạch đây? Con hối hận và ăn năn quá!
Nhân ngày Vu Lan báo hiếu, con cầu mong cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu, để con có thể chăm sóc, phụng dưỡng, hầu đáp trả phần nào gánh nặng của song thân. Con nguyện sau này sẽ đi xuất gia, ngày đêm phục vụ và cứu độ chúng sinh, đem công đức ấy hồi hướng cho ba mẹ. Đồng thời, con sẽ tu tập thật tốt, hướng dẫn ba mẹ quay về nương tựa Ba ngôi báu, phát tâm ăn chay, niệm Phật. “Nếu sau này, ba mẹ có đọc được những lời này của con, xin ba mẹ hãy tha lỗi cho con, con thương yêu ba mẹ nhiều lắm!”
Nguyễn Thị Tâm
(Hội An - Quảng Nam)