Lời Người Còn Ghi Lại
TRẠCH PHÁP TU TÂM
Nói đến tu tâm chắc cũng có nhiều người hiểu rằng, nay ở trong đời không luận tinh thần hay vật chất, hễ cái gì thay đổi đều là vô thường, đều là giả dối; còn cái gì không thay, không đổi mới chắc chắn trường tồn. Cái trường tồn đó tức là chân tâm của chúng ta. Nay chúng ta bị vô minh, nghiệp, hoặc che lấp nên không biết chân tâm đến nỗi bỏ mất đi mà lại nhận lầm cái tư tưởng vô thường giả dối kia, nên cứ chìm đắm trong bể sinh tử luân hồi không khi nào ra khỏi.
Vậy nay chúng ta đã tìm được chánh Pháp của đức Thích-ca Mâu-ni và tin vào nhân quả, thì nên thay đổi phương châm, lựa chọn một phương pháp hợp với chân lý. Khi tu cũng theo pháp chắc chắn trường tồn và đến khi chứng cũng chứng được pháp chắc chắn trường tồn, ấy chính là thường trụ chân tâm của chúng ta. Nó bao trùm cả thái hư, thường còn mãi mãi. Không theo vật chất mà thay đổi, không theo tinh thần tư tưởng mà thiên biến, ấy là ngọc báu vô giá của chúng ta, nên trong kinh Lăng Nghiêm có câu: “Tâm bình thế giới bình”. Tâm an trụ là nơi thanh tịnh. Vậy thì niệm tâm tức là niệm Phật, cho nên Phật pháp thiên kinh vạn quyển cũng chỉ dạy người giác ngộ cái tâm ấy là Phật, nên niệm Phật tức là niệm tâm.
Tâm là một thể bản nhiên thanh tịnh không có sinh diệt, không có xưa nay, không có lớn nhỏ, không có số mục, không có hình tướng. Phật cũng tâm, chúng sinh cũng tâm, khắp cả ba giới mười phương, đâu đâu cũng là tâm, nên nói đến Phật tức là nói đến tâm. Ví như trong một thế giới, nào núi, nào sông; nào thành thị, biển cả; nào động vật, thực vật… từ xưa đến nay biết bao nhiêu là hình trạng, lớp cũ có, lớp mới có, đời trước khác, đời nay khác. Cảnh tượng dù thay đổi đến đâu nhưng vẫn trong cùng một thế giới. Tâm ta cũng vậy. Dù là Thánh phàm, dù là ngu trí, tất cả cũng từ nơi tâm mà ra cả. Thành quách, núi sông nương theo thế giới mà có, cũng như các pháp ở thế gian đều do nơi tâm mà sinh, chỉ trong một tâm chứ chưa nói đến toàn thể chúng sinh. Chỉ nói riêng từng người từ vô thủy đến nay đã có biết bao nhiêu thân, biết bao nhiêu kiếp, sinh rồi tử, tử rồi sinh; khi giàu khi nghèo, khi sang khi hèn, khi vui khi buồn, khi lành khi dữ, tùy theo nhân quả mà xoay vần trong biển sinh tử luân hồi. Đã nhiều phen hưởng phước trên các cõi trời mà cũng đã nhiều phen chịu khổ trong ba đường dữ. Đó cũng do một tâm tạo ra.
Cho nên, kinh Hoa Nghiêm có câu: “Biến quan Pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm là cả vũ trụ, cả Pháp giới, dù trời đất, địa ngục, Thiên đường, tất cả chúng sinh, tất cả chư Phật, dù quá khứ, hiện tại, vị lai cũng không có một thứ gì ra ngoài phạm vi tâm được.
Vậy nên, muốn giác ngộ nguồn gốc các Pháp hoàn toàn như chư Phật thì phải phát minh cái tâm. Phát minh cái tâm cho thật đến toàn thể, toàn dụng là mục đích nhất định của người tu học Phật giáo. Nhưng tâm ấy không phải một người có, không phải nhiều người có, không phải riêng, không phải chung, không phải Phật có mà phàm không, cũng không phải ngoài người ta ra mà có. Tâm cũng như nước biển, chúng sinh cũng như sóng, sóng nổi nước biển không thêm, sóng lặng nước biển không bớt, thì dù sóng nổi bao nhiêu nước biển vẫn là nước biển. Tâm chúng ta cũng vậy. Hiểu rõ được rồi thì tự mình làm chủ lấy mình, trong một tâm vẫn hiện ra một thân, một cảnh mà không phải bước vào cảnh giới nào để ràng buộc mình cả. Được như vậy mới biết rằng tâm khắp vũ trụ. Muốn làm Thánh thì Thánh, muốn làm Trời thì Trời, muốn làm Tổ thì Tổ, muốn làm Phật thì Phật. Nhân nào quả nấy, mảy may không sai. Tỏ được tâm là Phật, không tỏ được tâm là chúng sinh. Hết thảy điều thiện hay điều ác cũng do tâm mình. Tâm mình tu thiện thì thân được an vui, tâm mình ác thì thân mình chịu khổ.
Tâm là chủ của thân, thân là dụng của tâm. Phật bởi tâm mà thành, đạo bởi tâm mà học; đức bởi tâm mà tích, công bởi tâm mà tu; phúc bởi tâm mà làm, họa bởi tâm mà gây. Trong một tâm có thể làm ra thiên đường, địa ngục, làm ra Phật, làm ra chúng sinh. Cho nên, tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì hóa ma; tâm từ bi là thiện nhân, tâm độc ác là La-sát. Tâm là hạt giống để gieo ra hết thảy tội hay phước. Vì thế, mê ngộ khác nhau, tâm vẫn đồng một thể. Chúng sinh vì mê nên mắc phải cảnh giới che lấp tâm tánh, không biết cái tâm rộng lớn bao nhiêu như thế là vì tâm của mình gây nghiệp chúng sinh, rồi chịu quả báo chúng sinh kiếp kiếp đời đời. Còn Phật là bậc đại giác ngộ, công đức trọn vẹn, trí huệ đầy đủ, cũng hoàn toàn giác ngộ từ một tâm đó mà ra.
Nhưng muốn giác ngộ cái tâm cho hoàn toàn thì phải nhận theo thể thức của tâm rộng lớn mà phát nguyện rộng lớn, không cho thân thể sai khiến, không cho hoàn cảnh bó buộc, rồi sau mới thấy được cái thể rộng lớn kia, mới dần dần chứng được Bồ đề như chư Phật.
***
NGŨ PHẦN KHẢO
Phàm người tu hành ai ai cũng bị Ngũ phần khảo này. Kẻ thượng căn đại trí thì lướt qua khỏi, còn kẻ nào thiểu căn độn trí ắt là rơi rớt trở lại.
Vậy người tu hành cần phải thẩm xét về điểm này. Tu mà nghiệp không khảo đảo là quả đạo còn rất xa, còn tu mà nghiệp lực dồn dập khảo đảo là đạo quả rất gần. Nên trong kinh có nói:
Vô ma khảo đảo bất thành Phật đạo,
Thập ma thập nạn thành Tiên tử
Bất ma bất nạn bất thành nhân.
Nghĩa là:
Không ma khảo đảo chẳng thành Phật đạo. Mười ma khảo đảo mười nghiệp dập dồn mà cố chí lướt qua cho được thì Tiên tử mới thành. Bằng chẳng ma khảo đảo, chẳng tai nạn chi thì cũng chẳng trở nên người minh đức.
Ta nên biết rằng các bậc Phật tiên, hiền thánh, minh triết từ thuở xa xưa đều có sự thử thách và khảo đảo trải qua. Các Ngài đạo quả càng cao bao nhiêu là sự khảo đảo càng nhiều bấy nhiêu… Khi khảo hết sức rồi thì bọn chúng ma quân mới hàng đầu quy phục.
Người xưa có nói:
Đạo cao nhất xích,
Ma cao nhất trượng,
Đạt quả đầu thượng,
Ma nhượng đầu Sư…
Nghĩa là:
Đạo cao một thước,
Ma cao một trượng.
Đạo cao hơn một trượng nữa,
Ma nhượng quy hàng…
(chừng ấy, chúng ma mới quy đầu kính phục đạo làm Thầy).
Đây xin tóm lược đại cương Ngũ phần khảo:
1. Minh khảo.
2. Ám khảo.
3. Trừng khảo.
4. Thuận khảo.
5. Nghịch khảo.
1. Minh khảo: Nghĩa là khảo đảo bằng cách sáng suốt minh bạch trước mắt mà mình không hay biết, lại lầm cho là mình phước trọng, đức lớn, tài hay, cao thượng hơn người, vì vậy mà dễ bề té ngã rơi rớt trở lại.
Ví như người tán thán ca tụng khen ngợi những việc làm của mình, điều này cũng ngụ ý thúc giục đưa mình vào hố sâu của tật đố, cống cao, ngã mạn, ỷ lại mình hay… hoặc đưa đến cho mình danh cao lộc cả, lợi nhiều sắc xinh đủ thứ, muốn gì được nấy làm cho mình sinh tâm ái nhiễm mà không hay biết, lại cho việc làm của mình là phải đúng. Ấy gọi là minh khảo vậy.
2. Ám khảo: Nghĩa là sự khảo đảo bằng cách này rất kín đáo tinh vi khó nhận biết được, làm cho mình lu mờ tâm trí, nhận giả làm chân. Nó ám thị mình một cách rất khéo léo để phủ qua các điều chính đáng, chôn mất tánh linh chẳng còn tự chủ, xu hướng mê tín, dị đoan, ỷ lại thần quyền… ấy cũng gọi là màn lưới của vô minh hay mây bất giác che mờ tâm trí, khuất mất huệ tâm, nhầm đường lạc lối nghiệp tội càng sinh gây nhiều quả báo. Đó gọi là ám khảo.
3. Trừng khảo: Nghĩa là sự khảo đảo này bằng hình thức cường quyền áp bức, thế lực lấn tranh hành phạt, khảo tra, vu khống, cáo oan, hiếp đáp, bắt buộc ép phải chịu dưới một định luật nào đó bằng không thì bị tù tội, phạt vạ, giết hại v.v… Ấy gọi là trừng khảo.
4. Thuận khảo: Khảo cách này khó ai tìm hiểu được… (phần nhiều các bậc chân tu rơi rớt là bởi vì thuận khảo này). Bởi nó khảo đảo cách này còn khéo léo hơn trước kia nữa. Mỗi mỗi đều thuận hợp theo ý muốn của ta nên nó dễ bề kéo lôi quyến rũ ta hơn cách nào hết. Bởi chữ “thuận” là xuôi thuận, êm thuận, hòa thuận, thuận hợp, thuận chiều v.v… cái gì cũng êm xuôi, hòa thuận, hợp chiều theo ý muốn. Muốn chi có nấy hoặc muốn có một đến năm ba… ấy là duyên ngăn đạo (người tu hành rất sợ sự khảo này). Ví như người tu giải thoát chân không nhẹ nhàng khoan khoái, tự tại thong dong… Bấy giờ thuận khảo đưa đến: người niệm tưởng muốn có cây viết tốt, đôi giầy xinh, đồng hồ đẹp… liền có người đem viết thật tốt, giầy thật sang, đồng hồ thật quý đến dâng cho. Kế nữa, người niệm tưởng muốn có máy ảnh, Radio, máy Telephone, lần lần muốn có xe cộ, tàu bè, nhà cao cửa rộng v.v… mỗi mỗi tưởng ước điều chi đều được như ý. Người tu thấp bị khảo theo thấp, tu cao bị khảo theo cao. Đó phải chăng thuận theo mình muốn để dễ bề lôi cuốn đưa mình xa lần cửa đạo, khi đến chỗ buộc ràng sinh tâm ái nhiễm thì nó hắt hủi làm ngã té. Ấy gọi là thuận khảo.
5. Nghịch khảo: Là sự khảo đảo hoặc bằng cách này hay bằng cách khác, trái ngược theo ý định của mình. Ví như việc làm như vậy là được, việc làm như thế là không nhưng hoàn cảnh bắt buộc phải làm… Chỗ tu được mà tu không an, chỗ ở được mà ở không tiện. Như ăn chay người ta cản không cho, mình tu hiền người ta quyết định không chịu, mình trì giới người ta tìm cách phá hoại, mình nhẫn nhục người ta tìm cách khinh chê v.v...
Tóm lại: bao nhiêu chuyện trái tai, gai mắt, nghịch ý, phiền lòng mà nó cứ dồn dập cho mình, làm cho mình quá đau khổ bỏ tu sa ngã… ấy gọi là nghịch khảo.
Vậy năm phần khảo trên đây chỉ nói đại cương, nếu giải rộng sẽ còn nhiều phương pháp khác… nhưng không ngoài sự khảo đảo để quyến rũ, kéo lôi bằng nhiều hình thức, cách này cách khác chung quy là làm cho con người đi sai đường lạc lối, lầm nẻo vạy tà… quên mất chân tâm, xa lìa bản tánh mà phải chịu sinh tử luân hồi đau khổ.
Nay ta muốn thoát sinh liễu tử, dứt khổ não luân hồi thì cần phải thực hành theo pháp môn Giới, Định, Huệ, xem đó như một đường lối căn bản cho bước đường tu tiến và giải thoát của mình.
***
TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO
(Là toát yếu giáo lý của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni)
Sau sáu năm khổ hạnh, đức Phật Thích-ca tìm ra Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, là toát yếu giáo lý của Ngài để giúp nhân loại tiến hóa và giải thoát đau khổ.
Sách Phật nói rằng: “Khi đức Thích-ca tọa thiền thì Ngài ngồi xếp bằng trên đống cỏ Linh Chi, dưới gốc cây Bồ đề, xoay mặt về hướng Đông tham thiền nhập định và nguyện rằng: “Dù cho thịt nát xương tan, Ta cũng không rời bỏ chốn này trước khi đắc đạo”. Sau nhiều ngày đêm thì Ngài tỏ ngộ, truy ra được nguyên nhân đau khổ là vô minh và pháp mầu diệt khổ là Bát chánh đạo. Thế thì nền tảng Phật giáo là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.
Tứ diệu đế gồm: Khổ đế (sự khổ), Tập đế (nguyên nhân sự khổ), Diệt đế (diệt sự khổ) và Đạo đế (phép mầu diệt khổ).
1. Khổ đế (sự khổ)
Đời người vẫn khổ. Hãy nhìn xung quanh ta và lấy công tâm mà xét thì thấy toàn là sự khổ. Chúng sinh lâm vào biển khổ mà không ngờ. Nắng lửa, lạnh đông, mưa sầu, gió thảm là cái họa trời làm; còn chiến tranh tàn khốc, cướp bóc lẫn nhau vì miếng ăn, vì đất ở, vì chỗ đứng, vì nơi ngồi là cái khổ của con người gây ra. Chúng sinh có lúc khổ về tinh thần có lúc khổ về vật chất, hễ tránh được cái này thì vướng phải cái nọ. Trên thế gian, chưa ai dám tự hào rằng mình hưởng được trọn phước lành mà không khổ về phương diện nào, mới vui vẻ đó rồi buồn bực cũng đó, mới sung sướng đó rồi mệt nhọc cũng đó, vay trả liền liền, tất cả đều toàn là giả tạm, không có chi là vĩnh viễn trường tồn. Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, bốn cái khổ này những ai chưa thoát tục đều phải đeo mang dù có trốn trong rừng sâu non thẳm cũng không tránh khỏi được.
Chúng sinh bị khổ đã đành, mà nguyên nhân sự khổ đó ở đâu?
2. Tập đế (nguyên nhân sự khổ)
Nguyên nhân sự khổ là lòng dục vọng không được toại nguyện. Nó gây ra muôn vàn tội lỗi, hại mình và hại luôn đến người khác nữa. Lòng dục vọng do vô minh sinh ra. Vô minh là không thông luật trời, không biết mình ở đâu đến và có bổn phận nào phải làm cho tròn lúc còn tại thế, bởi vậy con người thường làm những việc trái với thiên lý, chừng quả báo trả lại thì than van rên xiết, oán trời trách đất, giận vật hờn người chớ không tự xét xem tội lỗi từ đâu ra. Từ ngàn xưa, hễ nhân nào thì sinh quả nấy. Cái khổ của chúng sinh gây ra thì chúng sinh phải gánh lấy. Cho nên, cái khổ của nhân loại bây giờ là do nhân loại gây ra từ kiếp trước, từ cá nhân tới toàn thể chớ không phải vô cớ mà trời sinh ra đâu. Nói cho đúng thì trời không ban thưởng ai mà cũng không hành phạt ai, chỉ tại con người kêu cái họa hay cái phước tới cho mình đúng với câu: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác hữu báo, như ảnh tùy hình”.
3. Diệt đế (diệt sự khổ)
Con người tự đem xiềng xích buộc mình thì phải tự mình tháo nó ra, không ai làm chuyện đó cho mình được, không ai có phép giải thoát cho mình mà tự mình phải sớm lo diệt khổ đau thì mới mau thấy được chân như bản tánh và phản bổn hoàn nguyên. Phải tự cứu mình vậy.
4. Đạo đế (pháp mầu diệt khổ)
Pháp mầu diệt khổ là Bát chánh đạo, gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, ấy là sự tín ngưỡng chân chánh, tư tưởng chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, sự cố gắng chân chánh, sự tưởng nhớ chân chánh và thiền định chân chánh.
Tám lẽ chánh này, từ bậc vua chúa tới bậc cùng đinh ai ai cũng có thể thực hành, ai ai cũng noi theo đường này được. Nếu quyết chí sẽ không khó gì, chỉ tập thành quen thì bước tới dễ dàng. Có điều, lúc đầu hơi khó.
Sau đây, xin giải vắn tắt tám lẽ chánh đó:
1. Chánh kiến (sự tín ngưỡng chân chánh)
Tín ngưỡng chân chánh có nghĩa là điều nào chân chánh mới nên tin, không chân chánh không nên tin. Nhưng trong đời biết bao sự lầm lạc, biết bao sự dị đoan phi lý làm sao biết cái nào tà cái nào chánh mà tin hay bỏ?
Khi xưa, người ta có đến hỏi Phật như thế. Phật bảo không nên tin những lời người ta nói vì tại người ta đem nói với chúng ta, không nên tin những tục lệ vì đó là sự lưu truyền từ đời thượng cổ. Không nên tin những sự đồn đãi, không nên tin những bài văn của người ta đem cho chúng ta xem vì tại họ nói rằng nó vốn của các vị Hiền triết thuở xưa viết ra. Không nên tin những sự định liệu, không nên tin những điều mà chúng ta tưởng tượng là được thần nhân linh cảm, không nên tin là chân chánh điều nào mà chúng ta có thói quen yêu quý, không nên tin những lời nào vì những lời đó vốn của thầy hay một vị sư huynh thốt ra. Nhưng sau khi xem xét và suy nghiệm chín chắn rồi, nếu thuyết nào hợp với chánh lý và hữu ích cho mọi người thì hãy công nhận thuyết đó và đeo đuổi theo nó mãi.
Mấy lời này còn ghi trong kinh Tăng Chi Bộ I, Các vị ở Kesaputta thật rành rẽ, nếu thực hành theo đó thì tránh khỏi các họa mê tín dị đoan.
2. Chánh tư duy (tư tưởng chân chánh)
Tại sao Phật dạy tư tưởng phải chân chánh? Vì tư tưởng có một sức mạnh phi thường, nó làm hại được mà nó làm lợi cũng được.
Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tiến hóa và kiếp số của cá nhân, của quần chúng. Nó là cội rễ của luân hồi quả báo, chớ nên lầm tưởng không làm thì không mắc tội. Luật nghiệp duyên không tư vị ai cả. Vì mấy lẽ trên đây mà đức Phật khuyên chúng ta tư tưởng phải chân chánh. Phải khá thận trọng từng chút trong tư tưởng kẻo gây ra những quả xấu về sau.
3. Chánh ngữ (lời nói chân chánh)
Một khi tư tưởng chân chánh rồi thì lời nói và việc làm mới chân chánh, bởi tư tưởng trước rồi mới nói và làm sau.
Lời nói chân chánh là lời nói dịu dàng dễ thương, hữu ích, chân chính, hiền lương, không sai ngoa, không chút ngọt, không khoe khoang, không dua nịnh, không bợ đỡ, không gian xảo, không thô lỗ, không cộc cằn.
Một lần, đức Khổng Tử tới viếng một tòa cổ miếu thấy hình một người bịt miệng tới ba lớp khăn, Ngài bèn dạy các môn đệ phải khá cẩn thận trong lời nói.
Một lời nói có thể gây dựng giang sơn đem hòa bình lại cho trăm họ, mà một lời nói cũng có thể làm nát cửa hại nhà, tiêu điều sự nghiệp, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông. Một lời nói giết người được mà một lời nói cũng cứu người được vậy.
4. Chánh nghiệp (việc làm chân chánh)
Việc làm chân chánh là những việc làm không mang tính ích kỷ, không tự cầu lợi mà để kẻ khác phải than đau đớn vì mình. Phật dạy năm điều là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
Năm điều này thuộc về tịnh, chưa phải là động, động và tịnh phải song hành. Không giết người hại vật, song phải tôn trọng sinh mạng, tìm dịp giúp đỡ và vì lòng nghĩa hiệp cứu khổ phò nguy. Không lấy của ai, nhưng phải giúp cho mọi người có công ăn việc làm và sống một cuộc đời thong thả. Tránh điều hoa nguyệt rượu chè mà phải luyện tập thân thể cho khỏe mạnh. Người theo đạo Phật phải thực hành phép Lục độ, tức Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Vì chứng phép Lục độ gồm cả tịnh và động thì mới vén được màn vô minh che lấp chân như bản tánh.
5. Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh)
Thế nào mới gọi là nghề nghiệp chân chánh? Ấy là nghề nuôi sống mình mà không tổn hại sinh vật. Trong kinh có câu: “Thói phản bội, bói toán cát hung gạt người; ngón xảo quyệt cho vay nặng lãi là những nghề nghiệp không chân chánh”. Trong kinh Tăng Chi Bộ II còn ghi: “Có năm nghề mà đệ tử Phật phải tránh là: 1. Bán thịt; 2. Bán khí giới; 3. Bán sinh vật (người và vật); 4. Bán thuốc độc và 5. Bán rượu”. Đời nay có thêm bán chất gây nghiện nữa.
Nói cho đúng, bất cứ nghề nào nếu không làm hết bổn phận, không tận tâm cùng chức nghiệp hay là chỉ mưu lợi cho mình mà không nghĩ đến sự tổn thương của kẻ khác thì nghề nghiệp đó không phải là chân chánh nữa.
6. Chánh tinh tấn (sự cố gắng chân chánh hay sự hoạt động chân chánh)
Sự cố gắng chân chánh có nghĩa là phải bền chí đạt cho được mục đích của mình đã nhắm. Phải tránh các tội lỗi đừng phạm phải, tập những tính tốt làm cho lòng mình trở nên trong sạch. Muốn thành công, phải biết phương pháp. Phương pháp đó chính là đem những tư tưởng tốt đẹp của mình để chế ngự với những tư tưởng xấu ác đang tồn tại, xua đuổi những tư tưởng ấy đi cho tới chừng nào chúng không còn, khi đó, tâm chúng ta sẽ trở nên sáng suốt.
Ví như người kia có tính giả dối. Muốn trừ tuyệt tính này thì phải nuôi những tư tưởng chân thật, mỗi ngày nên xem nên nghe những chuyện ca tụng sự thật… làm như thế trong một thời gian dài ắt hẳn sẽ hoàn toàn đổi mới. Trong lòng người đó không còn muốn gạt gẫm ai, cứ lo ăn ngay ở thẳng mà thôi.
Bất cứ tính xấu nào, nếu biết dùng phương pháp này cũng đều trừ khử được cả. Có thể xem nó như một phương pháp duy nhất giúp chúng ta tẩy trừ tính xấu và thực tập tính tốt, thực hành theo đó sẽ thấy ngay kết quả. Xin nhấn mạnh là phải bền chí kiên trì không bỏ qua một ngày nào trong sự tập luyện thì kết quả mới vẻ vang được.
7. Chánh niệm (sự tưởng nhớ chân chánh)
Người ta thường cho rằng sự tưởng nhớ chân chánh là nhớ lại kiếp trước. Có thể nó cũng có nghĩa đó nhưng trước hết, nó phải nhắc cho ta nhớ ta là ai? Ta phải có bổn phận thường ngày như thế nào đối với đời và đạo? Kế đó, ta nên nhớ những việc vui vẻ, những việc đạo đức, những việc lợi ích thiết thực cho đời. Ta không nên nhớ những việc buồn bực sầu não. Ta phải quên hết những lời người ta gièm pha xiểm nịnh, chửi mắng mình, làm hại mình…
8. Chánh định (thiền định chân chánh)
Thiền định chân chánh tức là thiền định cho đúng phép Phật về những vấn đề cao siêu đang mở ra những năng lực còn tiềm tàng trong con người. Ban sơ, nên thực hành thiền định mỗi ngày bốn giờ vào các giờ như Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Sau rồi giờ nào cũng thiền định cả. Người chưa quen thì cho điều này là khó khăn vì bận nhiều việc hằng ngày, song nên biết rằng trong lúc hạ trí của ta chăm chú vào những việc phải làm thì thượng trí của ta vẫn có thể lo nghĩ những vấn đề cao siêu, không khác gì trong khi tay ta làm công việc mà miệng ta nói chuyện với bạn vậy.
Nghĩa khác của Chánh định là chú ý vào mục tiêu của mình, không hề quên đạo lý từ bi, hỷ xả và vị tha để được phụng sự chúng sinh.
Thực hành theo lẽ chánh trọn vẹn tức là chúng ta đang giữ trong tay chiếc chìa khóa mầu nhiệm để mở cánh cửa Niết bàn, vì khi đã làm chủ được tư tưởng rồi thì ý muốn, lời nói hay việc làm của chúng ta luôn được minh mẫn, tâm tánh thoát khỏi mộng trần, an nhiên tự tại.
Giáo lý của Phật rất nhiều, nhưng có thể tóm tắt đơn giản trong bốn câu kệ sau đây:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Nghĩa:
Xa lánh điều hung ác
Làm những việc hiền lành
Rửa lòng trong sạch vậy
Chư Phật dạy rành rành.
Trên đây là toát yếu giáo lý của đức Thích-ca Mâu-ni. Có người không rõ nên cho Phật giáo là đạo yếm thế, kỳ thật Phật giáo lại là đạo cứu thế giúp đời, hòa nhập với con người và cuộc đời để đồng cam cộng khổ.
***
CÁCH NIỆM PHẬT THIẾT YÊU
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
Viện chủ Ngộ Chân Tử phụng sự chánh Pháp của đức Như Lai, theo hạnh Bồ-tát Thường Bất Khinh phẩm thứ 20 trong kinh Pháp Hoa, xin kính lạy chư quý vị Tăng Ni và Phật tử bốn phương gấp tu niệm Phật trong thời mạt pháp, hầu mau chóng vãng sinh sang nước Cực Lạc sung sướng vô cùng, an vui tự tại.
Phật A-di-đà có nguyện sẽ tiếp dẫn chúng sinh về cõi của Ngài. Muốn vậy, chúng ta cần phải nhất tâm niệm Phật. Chư Phật, chư Bồ-tát đều công nhận pháp môn niệm Phật là một pháp môn dễ tu dễ chứng hơn các pháp môn tu hành khác, dễ nhất là vì chỉ cần trì niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” là đủ.
Đức Thế Tôn khi nói pháp này là muốn cứu vớt chúng sinh trong thời mạt pháp. Bởi thời mạt pháp, chúng sinh phước mỏng nghiệp dầy, quá mê nhiễm dục lạc trần thế. Nên nếu tu theo pháp môn Tịnh độ, hành giả cần phải có Tín-Hạnh-Nguyện. Tín-Hạnh-Nguyện như cái kiềng có ba chân, thiếu một chân sẽ không đứng vững.
1. Tín: Là niềm tin. Tin là căn bản ban đầu của người vào đạo. Có tin ắt sẽ không nghi. Còn nghi thì không kết quả.
Thứ nhất: Phải tin chắc rằng vì lòng từ bi nên đức Phật Thích-ca dạy cho chúng ta về cảnh giới Cực Lạc như những lời trong kinh điển. Hãy lo chúng ta không tín tâm tu niệm, chớ lo gì Phật Di-đà và Phật Thích-ca nói gạt. Các Ngài dạy chúng ta không nên nói dối, lẽ nào các Ngài lại đặt chuyện để dối chúng ta.
Thứ hai: Phải tin chắc chắn rằng ngoài thế giới chúng ta sống đây còn có vô lượng vô biên thế giới khác. Cõi Cực Lạc của Phật Di-đà là một trong số những thế giới ấy.
Thứ ba: Phải tin chắc rằng Phật A- di-đà có lời nguyện rộng lớn. Nếu những ai tin ưa và thường niệm tưởng về danh hiệu Ngài, lúc lâm chung, người ấy chắc chắn sẽ được Ngài và chư Thánh chúng đến đón rước về Cực Lạc.
2. Nguyện: Là mong muốn. Nếu tu Tịnh độ mà không phát nguyện cầu vãng sinh Tây Phương thì khó thành công được. Còn nếu phát nguyện một lòng một dạ không dời đổi thì chí nguyện vãng sinh của mình mới bền vững. Nhưng lòng thệ nguyện ấy phải vô cùng bền chặt, kiên cố. Dù ai có nói cách gì mình cũng phải giữ vững chí nguyện không để bị lung lay. Người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người trụ tâm nơi đạo Bồ-đề.
Sức thệ nguyện càng lớn, càng sâu thì đạo tâm sẽ càng kiên cố. Nguyện lìa cõi trần này sinh về Cực Lạc như tù nhân mong ra khỏi ngục, như người đi xa nhớ mãi đến quê hương. Nếu chưa được vãng sinh Tịnh độ thì dù cho kiếp sau làm vua nơi cõi trời cũng không ưa thích, bởi chính vị vua ấy cũng còn bị luân hồi. Chỉ muốn đến lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn về Tây Phương mà thôi. Được như thế thì nguyện của ta mới cảm thông đến Phật, và từ nguyện của Ngài sẽ nhiếp thọ cho ta.
*) Đức Di-đà tuy thệ nguyện độ sinh, nhưng nếu chúng sinh không cầu Ngài tiếp dẫn thì Ngài cũng không biết làm sao được. Nếu muốn về Tây Phương chúng ta phải tin sâu, nguyện thiết. Thiếu hai điều này thì dù có niệm Phật đến đâu cũng không kết quả. Nếu Tín-Nguyện đầy đủ thì muôn người vãng sinh không sót một.
*) Ngài Vĩnh Minh có bảo rằng: “Tu Tịnh độ muôn người về Cực Lạc là do có Tín-Nguyện đầy đủ”. Ngài Ngẫu Ích đại sư nói: “Được sinh về Tây Phương có chăng là do Tín-Nguyện-Hạnh có hay không, phẩm sen cao thấp đều bởi trì danh nhiều hay ít”. Đây quả là một lập luận sắc bén, chân thiết vô cùng.
Bình sinh nếu không tín nguyện, lúc lâm chung khó được nhờ sức Phật tiếp dẫn. Cổ đức bảo: “Tam nghiệp rất nhiều ngả về, nặng như người mắc nợ. Nếu chủ nợ nào mạnh sẽ kéo đi trước”. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mà có thêm Tín-Nguyện chân thiết thì chẳng luận nghiệp nặng hay nhẹ, đều được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương.
Thí dụ nếu một hạt cát nhỏ để vào nước liền chìm, trái lại tảng đá dù nặng ngàn cân, nhưng được chở trên chiếc thuyền to cũng có thể đem đi nơi khác được.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Người ấy khi lâm chung bỏ hết gia sản, cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc và quyền thế, chỉ còn nguyện nương theo chư Phật, trong một khoảnh khắc liền được vãng sinh”.
Niệm Phật cốt ở tại tâm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng và lạy thờ Phật tượng, vì thân miệng ý luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Dù tâm có ghi nhớ, xong thân không lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích toàn vẹn.
Người đời khi khiêng đồ vật nặng còn phải lên tiếng kêu gọi người giúp sức. Với hạng phàm phu hay xao lãng, nếu không nhờ sức lễ Phật hoặc tụng kinh và nhất tâm niệm Phật thì khó có kết quả.
3. Hạnh: Là thực hành, là ta phải chí thành khẩn thiết niệm câu “Nam mô A-di-đà Phật” trong mỗi thời khắc đừng để cho tâm quên. Ngoài thời khóa tụng, bất cứ lúc nào như đi đứng, nằm ngồi phải luôn niệm thầm. Nhất là khi nằm chưa ngủ, niệm thầm hoài cho đến khi ngủ quên, và khi thức giấc cũng niệm chuyên như vậy sẽ có thể mau đắc định.
Khi đến những nơi ồn ào hoặc bất tịnh, ta không nên niệm ra tiếng, song phải luôn niệm thầm trong tâm.
Khi niệm ta phải ghi nhớ cho rõ ràng từng câu không dư không thiếu, cứ như thế niệm mãi lâu ngày sẽ thuần thục. Niệm như thế sẽ không khởi vọng ý ác, tâm tánh thanh tịnh thời công hạnh mới nhiều.
***
KỆ TÁN
Khi ta buông tiếng cục cằn.
Hoặc dùng lời bậy, tiếng xằng hại ai.
Tiếng niệm Phật thoảng bên tai.
Đừng nên bất chính hại ai bao giờ.
Vậy tiếng niệm Phật rất mầu nhiệm. Nếu hành đúng phương pháp sẽ làm cho người dữ hóa hiền, kẻ xấu thành tốt, kẻ nóng thành nguội. Tiếng niệm Phật đã đánh thức nơi Phật tử lòng từ bi hỷ xả khiến kẻ đau được mạnh, kẻ thù hóa bạn v.v…
Tiếng niệm Phật như cây gươm linh chực sẵn. Nếu tà niệm vừa tượng trứng là chém liền, không để cho nó sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, người niệm Phật không tranh hơn thua cao thấp, không chấp nhân ngã; thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, chia cơm xẻ áo, thuận thảo thương yêu, lúc nào cũng hòa mình với mọi người chớ không sống ích kỷ, riêng tư cho mình. Tiếng niệm Phật ngăn chặn vô số hành vi bất thiện nơi thân, khẩu, ý không cho chúng phát tán.
Pháp môn niệm Phật thực hành đơn giản nhưng có kết quả phi thường, nên chư Phật và Bồ-tát đều công nhận đây là pháp môn cao tột, thù thắng vượt trội. Nhưng cần phải niệm không dứt, liên tục không dừng trong bốn oai nghi, chớ không như các môn tu hành khác.
Vậy xin lặp lại lần nữa là đối với pháp môn niệm Phật, chúng ta phải luôn niệm trong lúc đi đứng, nằm ngồi, chớ không phải niệm trong một thời nào đó mà thôi, vì như thế sẽ lâu đạt kết quả.
Có thể lúc đầu ta niệm rất khó khăn, lúc quên lúc nhớ, khi niệm khi không, nhưng cố gắng trì chí nhất tâm lâu rồi sẽ thành quen. Trong lúc rửa chén, quét nhà, ăn uống, tắm rửa, chặt cây, cuốc đất hoặc làm bất cứ việc gì cũng vẫn cứ niệm. Niệm Phật là tâm niệm chớ chẳng phải miệng niệm, thế nên đừng niệm ra tiếng. Cứ niệm như thế mãi hoài để tống khứ cho hết các thứ ma vương thất tình, lục dục.
Tiếng niệm Phật sẽ nhắc nhở cho ta luôn thấy việc ác đừng làm, thấy việc thiện chớ bỏ qua. Tâm ta lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt, ngoại cảnh sẽ không chi phối được ta, thất tình lục dục không còn cơ hội xâm chiếm, không sai khiến ta. Niệm Phật như vậy là “ngoài thiền trong định”.
Pháp môn tu Tịnh độ là một đường lối tu tắt rất giản dị, dễ tu, dễ chứng nhất. Chỉ cần tín tâm chí thành chí kính chuyên niệm một câu “Nam mô A-di-đà Phật” là được. Nếu giữ công phu như thế miên mật suốt đời, ngày lâm chung, chắc chắn chúng ta sẽ vãng sinh về cõi Phật.
Đạo giải thoát là phương thuốc cứu khổ của chúng sinh. Ai muốn hết khổ nên tìm đạo giải thoát.
Đạo giải thoát là kim chỉ nam hướng dẫn chúng sinh ra ngoài vòng sinh tử. Ai gặp đạo giải thoát mà tín tâm tu niệm ấy là thấy Phật tiền. Vì Phật ở tâm. Tâm giải thoát là Phật, tâm từ bi là Phật, tâm giác ngộ là Phật, tâm thanh tịnh là Phật, tâm an trụ không vọng niệm là Phật. Vậy nên, ai có duyên lành gặp đạo giải thoát thật là hạnh phúc vô biên.
***
GIẢI THOÁT CHÂN NGÔN
Đạo Phật là đạo giải thoát, chân chánh cao siêu, giáo lý uyên thâm quảng đại, bao hàm các pháp ở thế gian và các pháp dạy người ta ra ngoài cõi thế gian như cách thức tu hành rốt ráo, trì giới, tham thiền đến chỗ cứu cánh giải thoát Niết bàn, thật là huyền diệu nhiệm mầu, vô cùng vô tận.
Tiếc rằng thời gian gần đây, có một số người chú trọng quá nhiều về hình thức, chỉ chăm lo cúng bái ích kỷ tư lợi, ỷ lại thần quyền lâu ngày thành thói quen, làm lu mờ chánh Pháp của Phật. Do đó mà phong hóa ngày một suy đồi, lòng người ngày càng điên đảo, tai nạn chiến tranh lầm than khổ sở.
Ngày nay, Phật pháp được phép mở mang trên rộng khắp, chúng ta nên lựa chọn một phương pháp nào cho đúng với chân tâm để mau bước lên đường giải thoát.
Kể ra sự tu hành cũng có nhiều đường khác nhau như: tu vật chất, tu tinh thần, tu vọng niệm, tu theo chân lý. Chữ tu lại có nhiều nghĩa. Bất kỳ giống gì, vật gì, hễ có sửa soạn đẽo gọt lau chùi đều gọi là tu. Như thu xếp nhà cửa, bày trí đồ đạc cho trang nghiêm gọi là tu cái nhà; tập nghề làm ruộng, gieo trồng cây cối cho thứ tự gọi là tu cái vườn; người ta hay trang điểm, sửa soạn quần áo chỉnh tề gọi là tu cái thân. Nhưng chính cái thân mình xét ra cho kỹ chỉ sống được đến 100 năm là cùng, còn đồ vật dùng sau 100 năm cũng phải hư nát. Cứng như sắt mà sét rỉ lâu cũng hư. Bền như đá nhưng nước chảy lâu cũng mòn. Vậy các thứ vật chất ở thế gian này đâu có trường tồn, mà đã không tường tồn thì cũng không cần quan tâm chi cho lắm.
Lại có người cho sự suy nghĩ là tâm của mình. Song tinh thần tư tưởng khi có khi không, khi thay khi đổi, không phải là một nên không gọi là chân tâm được. Đến như các môn học thuật dạy cho người ta mở rộng trí khôn, trông xa cũng biết, đều có thể gọi là tu tinh thần mà kết quả xem có được trường tồn không? Chắc là không. Xác thịt tan hoại, tư tưởng cũng mất luôn. Như thế thì kết quả của học thuật dù thông minh hay tài giỏi đến đâu, cũng chỉ trong một đời mà thôi, qua đời khác phải học lại mới biết. Vậy sự tư tưởng học thuật cũng không có ích chi cho lắm.
Trong kinh Lăng Nghiêm, có đoạn Phật dạy đại khái như vầy: “Tất cả chúng sinh từ vô thủy kiếp đến nay, tuy có tu hành luyện tập mà không sao ra khỏi luân hồi, thành được Chánh Giác là vì không biết chân tâm chắc chắn trường tồn; chỉ theo vô thường giả dối nên không kết quả. Nhiều người vì bắt chước thói đời mà tu hành mê tín, vì bị cám dỗ mà xiêu lòng cho nên lạc lối lầm đường mà không hay biết”.
Nay thay đổi phương châm, lựa chọn một phương pháp tu hành hợp với chân lý đức Phật. Đêm ngày tu tập trì giới tham thiền, ăn chay niệm Phật cho thân tâm thanh tịnh mới gọi là chắc chắn trường tồn. Khi tu cũng tu theo phép chắc chắn trường tồn, đến lúc chứng đắc cũng chứng đắc phép chắc chắn trường tồn. Chắc chắn trường tồn ấy tức là thường trụ. Chân tâm chúng ta có thể bao trùm cả thái hư, thường còn mãi mãi; không theo vật chất mà thay đổi, không theo tinh thần tư tưởng mà biến đổi. Ấy là ngọc báu vô giá của chúng ta. Vậy chúng ta nên lau chùi ngọc báu ấy cho sáng suốt mãi.
Muốn được chân tâm quý báu đó, ta phải tuân theo giới luật. Ngày đêm trau dồi tâm tánh, rồi nhờ Phật điểm hóa mới thấy được chân như bản tánh, thành đạo chứng quả, rồi sau noi theo gương sáng của đức Phật đi hóa độ chúng sinh.
Vì chúng sinh căn tính không giống nhau, có kẻ mạnh người yếu, kẻ khôn người dại, kẻ cao người thấp, nên không thể tu hành một cách như nhau được. Do đó, tùy theo căn cơ chúng sinh mà Phật thuyết năm thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Thừa nghĩa là cỗ xe. Ngồi trên xe đi chắc chắn sẽ đến nơi muốn đến.
Bổn nguyện của chư Phật không phải bày ra năm thừa, song vì căn trí chúng sinh không đồng nhau nên phải đặt ra như thế để dắt lên từng bậc. Kỳ thật, chánh Pháp của Phật chỉ có một chớ không hai. Ví như một trận mưa đổ xuống, cây lớn thì đầm đìa theo sức lớn, cây nhỏ đầm đìa theo sức nhỏ, nhưng mưa nào có riêng chung chi đâu!
Thế nên, trong những pháp môn tu, phương pháp niệm Phật là giản dị nhất: ai niệm cũng được, ai tu cũng được. Tàn tật già yếu không biết chữ niệm cũng được; nhặt cỏ, quét nhà, nấu bếp, bế em niệm cũng được; cuốc đất làm vườn, buôn bán hoặc làm thợ niệm cũng được; công chức ngồi bàn giấy niệm là tiện nhất; chỉ có sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật”. Niệm lâu ngày tâm sẽ được thuần nhất, vọng niệm tự tiêu. Tham, sân, si sẽ dần ẩn khuất, những tâm niệm xấu ác cũng sẽ không còn.
Trong kinh có ghi lại: “Niệm Phật tức niệm tâm”. Tham thiền cũng để định tâm. Vậy niệm Phật phải niệm bằng tâm; niệm bằng tâm mới mau diệt vọng, có diệt vọng mới thấy được Phật. Tu niệm bằng hình thức bề ngoài sẽ khó thành kết quả.
Nay thời mạt pháp, Tam tạng Thánh giáo của đức Như Lai để lại chúng ta nhất định phải hành trì. Phải rèn tâm luyện tánh, tu giới định huệ, thực hành đạo nghĩa cứu khổ để tế độ chúng sinh.
Nhưng phần nhiều, người ta chỉ tu theo hình thức sắc tướng bên ngoài, lập đàn cúng bái cầu tài, cầu lộc để hướng dẫn người đến chỗ ỷ lại thần quyền… đó chỉ là tu danh, tu lợi chớ không phải tu theo chánh Pháp của Như Lai.
Phật Thích-ca Mâu-ni khi xưa quyết bỏ địa vị tôn vinh phú quý, nguyện vào Tuyết sơn tu khổ hạnh trong sáu năm để cứu độ chúng sinh. Đến khi thành đạo Chánh Giác dưới gốc cây Bồ-đề, Ngài lại đi thuyết pháp độ sinh xuyên suốt 49 năm, khắp nơi thấm nhuần Thánh giáo của Ngài nên khổ đau dần vơi bớt. Xem đó thì biết, đức Phật nào có chú trọng việc lập đàn cúng bái cầu tài cầu lộc như ngày nay đâu! Thật là hiểu lầm!
Kinh nói những ai chí thành chí kính tín niệm danh hiệu Phật A-di-đà thời hiện ngay đời nay hưởng được mười điều lợi ích lớn:
1. Ngày đêm thường được các vị thiên thần ủng hộ.
2. Đức Quán Thế Âm và các vị Bồ-tát thường hộ trì.
3. Ngày đêm thường được đức Phật A-di-đà phóng quang nhiếp hộ.
4. Hết thảy các vị Dạ-xoa, La-sát, các loài độc dữ đều không lại gần mình.
5. Không bị tai nạn hoặc nước trôi lửa cháy.
6. Bao nhiêu tội ác đời trước, hoặc kẻ bị mình giết oan đều tiêu tan hết.
7. Đêm nằm chiêm bao thấy đức Phật A-di-đà mình vàng tươi tốt trang nghiêm.
8. Lòng thường được vui vẻ, dung nhan mạnh khỏe trang nghiêm. Làm việc gì cũng được lợi ích, thành tựu.
9. Được mọi người kính trọng cũng như kính Phật.
10. Đến khi sắp mất, lòng không sợ hãi, tín niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, liền được Phật Di-đà và các vị Bồ-tát tiếp dẫn sang cõi Cực Lạc, hưởng sự sung sướng yên vui, không bao giờ còn phải sầu u khổ não.
Niệm Phật được lợi ích công đức như thế là do nhờ sức tu hành của Phật ngày trước. Ngài có phát thệ rằng: “Nếu khi Ta thành Phật, có chúng sinh nào muốn sinh sang nước Ta, cứ tin niệm danh hiệu của Ta. Nếu không sinh sang thì Ta không thành Phật”. Như thế là vừa tự sức mình lại nhờ được sức Phật tiếp giúp thì việc vãng sinh rất dễ, cũng như thuyền đi xuôi gió sẽ chóng đến bờ.
***
NIỆM PHẬT VẤN ĐÁP
Hỏi: Tu phép gì thoát được vòng sinh tử?
Đáp: Tu theo phép Phật.
*
Hỏi: Niệm Phật được bao nhiêu công đức?
Đáp: Nếu có người mua hết thảy các thứ châu báu trong thiên hạ đem về cúng Phật và các vị Hiền Thánh tăng, bố thí cho nhân dân… phúc ấy tuy nhiều, song chẳng bằng niệm Phật. Vì niệm Phật tức là để tâm không vọng niệm, không độc ác, không tham, sân, si, không lừa lọc gian dối. Tâm được an trụ, được thanh tịnh, được giác ngộ mới hết tội lỗi, hết phiền não, hết oan gia báo chướng, được giải thoát, được Niết-bàn, được sang Cực Lạc.
*
Hỏi: Thế gian có nhiều người nói: “Tôi còn đang bận việc nhà lắm, chưa rảnh được để niệm Phật. Đợi khi già rồi sẽ niệm”. Họ hẹn như vậy có được không?
Đáp: Người trên thế gian xưa nay sống chết có chừng, đâu ai biết trước mà hẹn. Nhiều người có vàng bạc, tiền của như núi, vợ con hầu hạ đầy nhà, đủ cách sung sướng, rất mực giàu sang. Ai lại chẳng muốn sống lâu hưởng thụ việc ấy, ngặt vì số mạng có chừng, tới ngày mạng tận số chung, vua Thập điện quyết chẳng thuận tình, quỷ vô thường quyết không vị nể. Vả lại, cứ như mắt mình thấy, tai mình nghe, xóm trước làng sau, bà con quen biết, anh em bạn hữu sớm còn tối mất đã biết bao nhiêu. Nên có câu rằng: “Chớ hẹn đến già sẽ niệm Phật, ruộng hoang nhiều mả kẻ còn thơ”. Sao chẳng nghĩ mà coi, từ bé đến lớn lo tính việc nhà, dãi gió dầm mưa, ngậm đắng nuốt cay, một mai số chung mạng tận, may gặp cảnh con hiền cháu thảo biết tình máu mủ, nhớ mẹ thương cha, thỉnh được mấy ông Thầy tụng kinh, cúng được vài chén cơm, nghêu ngao được vài tiếng khóc. Nếu chẳng may gặp những kẻ ngỗ nghịch bất hiếu, cha mẹ mới chết, cây cỏ chưa khô, hơi đất chưa hết mà đã phá tan gia sản, bán ruộng cầm vườn, cờ bạc lang thang, rượu chè be bét, đến nỗi khói hương lạnh lẽo, mồ mả hoang tàn. Nghĩ như vậy thì chắc gì truyền tử lưu tôn mà phải lo lắng cho mệt. Con cháu giàu nghèo đã có phận, chớ vì con cháu tính mưu xa.
Xưa, ngài Tử Tâm thiền sư có bài kệ rằng:
Nực cười ông nhà giàu.
Lo không kể chừng đổi.
Trong bồ gạo hóa sâu,
Đầy két tiền mục nát.
Xách cân lường ban ngày
Thắp đèn tính ban đêm
Chỉ giữ sự làm ăn,
Quên nghĩ đường tấn thối.
Một mai xuống âm ty
Hai tay rồi cũng phủi
Khuyên phải sớm hồi đầu
Niệm Phật và sám hối
Hình hài như nộm máy
Chớ để dây đứt mối.
Như hẹn đến già rồi sẽ niệm, thì làm sao mà chứng được? Phải nên nghĩ rằng: “Người ta sinh ra ở đời như bóng câu qua cửa sổ, ngày tháng tựa thoi đưa, như điện chớp nhoáng, bao nhiêu sự nghiệp công danh cũng đều vô ích”. Chi bằng trong lúc chưa già, ta sớm giác ngộ, tháo cởi phong trần, tìm đường giải thoát. Sống một ngày niệm Phật một ngày, sống một năm niệm Phật một năm. Được một bữa thanh nhàn, tu một thời giải thoát. Đến khi về cảnh cũ quê nhà thì tốt xấu cũng mặc, miễn gói xách của ta sửa soạn rồi, đường đi của ta thế là đủ.
Sách có nói: “Sinh ký, tử quy”, nghĩa là sống gởi, thác về. Song nẻo đường về ấy có hai ngả: Một là ngả Tịnh độ, hai là ngả uế bang. Ta phải làm sao thoát khỏi được sáu đường, xa lìa ba cõi, chơi nơi Cực Lạc, dạo cảnh thanh lương. Phật Di-đà phóng ngọn hào quang, đức Đại Thế Chí bưng đài kim tọa, ngài Quán Thế Âm tay cầm nhánh liễu rưới nước cam lồ, chư thượng thiện nhân bước tới ao sen tung hoa thiên vũ; tràng phan phất phới, lầu các nghênh ngang, ngọc chói cung trời, vàng lòe đất Phật. Ấy là cõi Tịnh độ dành riêng cho ta khoái lạc tiêu dao. Nếu không thì đầu trâu mặt ngựa, lính ngục thâu hồn, núi sắt thành đồng, lửa trù đốt vía, oan gia nợ cũ đòi hỏi bốn bề, bể khổ sông mê nổi chìm muôn kiếp. Ấy là ngả đường uế bang, là cảnh giới trì tróc những người mưu sinh trần tục. Ta phải lo sợ cho ta, lỡ bước lầm đường, phải chịu khổ như vậy!
Than ôi! Người đời chỉ nghĩ đến lúc sống, không nghĩ tới sự chết. Phải nghĩ tới chết là khổ thì gia đình tuy chẳng bỏ được, nhưng hằng ngày lúc nào cũng niệm Phật. Vì Phật Di-đà rất dễ trì niệm, ai cũng có thể vãng sinh được. Dù tội nghiệp tuy nhiều nhưng đã nhờ được oai đức của Phật tiếp độ thì cũng được siêu thoát.
Ví dụ căn nhà tối ngàn năm, ta thắp một ngọn đèn thì bóng tối nhanh chóng tiêu tan hết. Cục sắt tuy lớn nặng mà có thuyền chở cũng qua sông được, nếu không có thuyền thì dù một cây kim nhỏ bé xuống nước cũng phải chìm. Vậy, dù những kẻ ác nghiệp hại trâu giết ngựa mà phát nguyện sám hối, quăng dao xuống đất, rồi tu cũng được. Bởi sự tu đó không khó và cũng không hại chi hết. Người học trò không hại đến việc học. Người xuất gia không hại đến việc tham thiền. Người thương gia không hại đến việc buôn bán. Nhà nông không hại đến việc cấy cày. Công nhân không hại đến nghề nghiệp. Quân nhân không hại đến việc canh phòng. Đàn bà không ngại đến nữ công. Người làm thuê không mất việc… Phàm tất cả mọi công việc không ai bị thiệt hại chi hết. Chỉ có niệm sáu tiếng “Nam mô A-di-đà Phật”. Đi đứng, nằm ngồi lúc nào cũng niệm, làm việc gì cũng niệm. Vậy nên, niệm Phật tức là niệm tâm.
*
Hỏi: Những người xuất gia tu hành cũng lo nghĩ việc đời như người tại gia được không?
Đáp: Xuất gia thì phải lo lắng bổn phận xuất gia. Còn cưu mang việc thế tục thì không phải là sự xuất gia vậy.
Xưa, các Tổ chia ra bốn loại như sau:
- Xuất gia mà xuất gia
- Tại gia mà tại gia
- Tại gia mà xuất gia
- Xuất gia mà tại gia.
Câu thứ nhất là thân xuất gia mà tâm cũng xuất gia: Nghĩa là mấy thầy Tỷ-kheo thân đã lìa nhà thế tục, chỉ có tam y nhất bát, ngày dùng một bữa ngọ, cốt để thân tâm được thanh tịnh, chí nguyện giải thoát tiêu dao, quyết vượt qua khỏi vùng hỏa trạch. Trong Tam giới gọi là xuất gia mà xuất gia.
Câu thứ hai là thân chưa xuất gia mà tâm cũng chưa xuất gia: Nghĩa là những người thế gian thân ở nhà thế tục, lòng lại chuyên cần gìn giữ những danh lợi, của cải ở thế gian. Đó gọi là tại gia mà tại gia.
Câu thứ ba là thân chưa xuất gia nhưng tâm đã xuất gia: Nghĩa là người thế gian thân tuy ở nhà thế tục mà lòng vẫn mộ đạo, tu hành, ăn chay, niệm Phật, sớm tối tụng kinh nguyện cầu giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đây gọi là tại gia mà xuất gia.
Câu thứ tư là thân tuy xuất gia nhưng tâm chưa xuất gia: Nghĩa là mấy thầy Tỷ-kheo thân tuy ở chùa mà lòng lại chuyên lo những việc thế tục, tranh danh trục lợi, huyền hoặc mê tín dị đoan như người thế tục. Đó gọi là xuất gia mà tại gia.
Chư Tổ dạy như thế, mấy thầy Tỷ-kheo phải nên nghĩ rằng: Mình đã xuất gia trong hàng ngũ Tăng đoàn, nghiên cứu giáo lý của Phật hằng ngày, xét kỹ trong thâm tâm mình, trông mình như là con Phật nhưng đã giống Phật được chút nào chưa? Sống đã chắc khỏi tội chưa? Chết đã vãng sinh chưa? Phải nên biết rằng: Hòa thượng, Yết-ma hay Giáo thọ… chỉ là giới luật phép tắc để truyền đạo, chớ không phải quyền tước chi mà vọng niệm tham cầu.
Còn chùa chính là trường học giải thoát, là nơi trì giới tham thiền, chớ không phải là chốn triệu tập đàn na, thiện tín đến lập đàn cúng bái để cầu tài, cầu lộc, dìu dắt vào mê tín dị đoan, làm cho cửa Thiền chẳng tịnh, sai lầm chân lý. Sống tuy vui sướng một đời, chết phải ưu sầu muôn kiếp. Vậy xin đừng có thân ở chùa mà tâm ở tục, thì mới xứng đáng hai chữ xuất gia vậy.
*
Hỏi: Sự lý của pháp môn Tịnh độ có thể nói cho tường tận được không?
Đáp: Sự lý Tịnh độ dù trăm kiếp nói cũng không hết. Như người bậc thượng nghe đôi tiếng là đủ, còn bậc hạ nghe nhiều chừng nào lại thêm nghi chừng nấy, nên chẳng cần gì phải nói cho nhiều.
Bây giờ xin lược vài điểm ra đây. Những người thân tín tu hành cầu sinh Tịnh độ không phải nói rồi là thôi, mà phải y theo và làm mới được. Từ ngày phát lòng tín tâm niệm Phật phải đại dũng mãnh, đại tinh tấn. Đi đứng, nằm ngồi lúc nào cũng niệm. Chỉ giữ một câu “Nam mô A-di-đà Phật” hay “A-di-đà Phật” tức là ông tướng phá đại địa ngục, là ngọn đèn soi tỏ chốn tối tăm, là chiếc thuyền vượt qua bể khổ sông mê, là phương thuốc chữa bệnh sinh tử hay nhất, là con đường dắt ra ngoài Tam giới, là bản tánh Di-đà, Duy tâm Tịnh độ. Vậy mọi người đã phát nguyện phải ghi nhớ một câu “Nam mô A-di-đà Phật” vào dạ, thường niệm chớ không để thất lạc. Nên có câu rằng:
Nhất cú Di-đà vô biệt niệm,
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương.
Nghĩa là:
Sáu chữ Di-đà chuyên một niệm,
Khẩy tay rồi đã đến Tây Phương.
Lại có câu:
Dư môn học đạo như nghị tử đăng ư cao sơn.
Niệm Phật vãng sinh phong hoàn dương ư thuận thủy.
Nghĩa là:
Tu các phép khác như con kiến bò lên núi cao.
Niệm Phật vãng sinh dễ như cánh buồm xuôi theo gió thuận.
Thế thì đủ biết phép niệm Phật dễ dàng rộng lớn hơn ngần nào!
*
Hỏi: Trước kia nói Duy tâm Tịnh độ tức là tâm ta, Di-đà tức là tính ta. Như vậy còn phải niệm và cầu nơi nào nữa?
Đáp: Lời nói đó tựa như phải mà không phải, vì cảnh Tây Phương có lý và tích. Như luận lý tịnh được cái tâm là tất cả trong ngoài đều tịnh hết. Lý Duy tâm Tịnh độ là thế. Còn luận tích thì thật cái thế giới Cực Lạc, Phật Thích-ca đã nhiều phen nói cặn kẽ trong các kinh Di-đà, Lăng-nghiêm, Pháp Hoa v.v… nhiều lắm; có phải sự hư giả vọng ngữ đâu! Ví như ai ai cũng có Phật tánh, nhưng không tu không niệm mà tự nhiên thành Phật. Có đâu mau vậy? Như một khúc cây doanh mộc chắc phải tìm thợ ra công chạm trổ thì sau đó mới thành hình tượng tốt, chớ không có lý nào chưa chạm trổ mà cho khúc doanh mộc ấy là cái hình tượng tốt được.
*
Hỏi: Giả có người tin cõi Tịnh độ mà nghi cái nghĩa thanh tâm cho là Tịnh độ, cần gì phải cầu sinh Tịnh độ làm chi? Phật Di-đà phải thấy làm chi? Vả lại, cho cái phép ngộ tính bằng Phật, bằng Tổ là hơn, sao vậy?
Đáp: Lời nói đó cao lắm, nhưng địa vị kia không phải dễ đến. Thử coi cảnh Tây Phương Tịnh độ không tham, không sân, không si; còn thân của ta ngày nay đã chắc là không tham, sân, si chưa? Cảnh Tây Phương Tịnh độ muốn gì có nấy, tâm không phải lo phiền trở ngại nữa; còn chúng ta ngày nay muốn áo mặc mà không sẵn có áo, muốn ăn mà không sẵn có ăn, muốn tịnh mà hoàn cảnh không được tịnh vì bị náo động làm phiền não, muốn đi mà không được đi vì bị bó buộc. Vậy đủ biết bậc Duy tâm Tịnh độ thật khó thấu. Như đức Phật Di-đà, phước của Ngài nhiều hơn cát sông Hằng, đức của Ngài bao quát cả trời đất, biến địa ngục thành hoa sen dễ như trở bàn tay, xem vô lượng thế giới như ở trước mắt. Còn phước đức của chúng ta đã đủ độ được cái thân của ta chưa? Tội nghiệp chưa chắc tiêu, địa ngục chưa chắc khỏi, huống được biến thành hoa sen! Việc cách ngoài vách còn chẳng biết, huống thấy được vô lượng thế giới! Xem thế đủ biết bậc tự tánh Di-đà thật là khó thấu. Thế thì tâm ta vẫn là Tịnh độ nhưng chưa vội thành được, tính ta vẫn chắc là Di-đà nhưng chưa vội chứng được. Vậy thì đâu dám khinh Tịnh độ không chịu tu, bỏ Di-đà mà không cần niệm?
Kinh Đại A-di-đà nói: “Mười phương thế giới có các vị Bồ-tát tu pháp Tịnh độ cầu sinh sang nước Phật A-di-đà. Như vậy đến bậc Bồ-tát còn phải tu Tịnh độ cầu vãng sinh, huống chi chúng ta là bậc nào mà dám khinh Tịnh độ không tu niệm?
***
MẤY LỜI TÂM HUYẾT
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là Pháp thí.
Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.
Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, Pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.
Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.
Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.
Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!
Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.