
Lời Con Kể
“Chiều chiều chim vịt kêu chiềuBâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.”
Khi hai câu ca dao này vang lên trong tâm thì cũng là lúc nước mắt con rơi vì nhớ thương mẹ. Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá! Nhớ ngày nào còn thơ bé được mẹ ẵm bồng, âu yếm trên tay mà nay con đã là một cô bé mười tám tuổi, cái tuổi phải bắt đầu làm quen với những thử thách, chông gai của cuộc đời. Nhưng con thật vô tâm chẳng bao giờ nhìn lại mẹ mình cũng đã bước sang tuổi năm mươi và mẹ có thể rời xa con bất cứ lúc nào.
Con đã vô tư, thờ ơ chẳng nghĩ gì đến mẹ, chỉ biết vui chơi đua đòi cùng chúng bạn. Trong cuộc sống, mấy ai mà không có lỗi lầm, con cũng vậy, những lỗi lầm đó đã đeo đẳng con trong suốt mấy năm trường. Đã từ lâu con không nhìn lại hình dáng của mẹ, mẹ đã già theo năm tháng vì những lo toan vất vả của cuộc đời. Mái tóc mới ngày nào còn đen mà giờ đây đã lấm tấm sương; vầng trán đã hằn lên những nếp nhăn vì tất tả bôn ba trên dòng đời xuôi ngược; đôi mắt ánh lên nỗi buồn xa xăm, ưu tư vì đàn con thơ dại. Vì chúng con mà đôi bàn tay, bàn chân mẹ trở nên sần sùi, khô kiệt. Con đã chẳng biết yêu quý đôi bàn tay đã hy sinh một đời vì đàn con thân yêu. Con đã quá vô cảm trước những khó nhọc của cha của mẹ, đã làm mẹ buồn và thất vọng nhiều. Nước mắt của mẹ từ đấy cũng đã rơi rất nhiều vì con...
Hạnh phúc gia đình ta đổ vỡ kể từ khi mẹ bỏ ra đi theo tiếng gọi “nhân tình”, bỏ hai chị em ở lại cùng với ba. Nhìn căn nhà lạnh lẽo, cơm canh nguội lạnh mà hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Từ một con bé hiền lành, ngoan ngoãn, con đã dần dần thay đổi đến chính con cũng không còn nhận ra mình. Con rất hận và ghét mẹ, mặc dù mẹ vẫn chu cấp đầy đủ cho hai chị em. Con bắt đầu biết trốn học và nói dối. Tiền học mỗi tháng mẹ gửi về con đều đem nướng vào những trò chơi vô bổ. Con giao du cùng bạn xấu rồi quậy phá, đánh nhau... Những lần như thế, bao nỗi căm hờn con trút hết lên đầu các bạn. Cứ thế, ngày tháng qua đi, càng lúc con càng lún sâu vào lầm lạc. Đến một ngày, mẹ bắt được con trong một quán nhậu cùng với những đứa bỏ học, mẹ đã đánh con một trận tơi bời. Cầm cây roi trên tay, mẹ giận run người, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ đã khóc vì con nhưng con lại chẳng thèm để tâm, chỉ liếc mẹ rồi nhìn sang hướng khác. Con nào hay biết rằng trong lòng mẹ đau đớn, thất vọng đến thế nào. Mẹ đã khổ vì ba rất nhiều, niềm hy vọng duy nhất còn lại là chúng con nhưng con nào hay nào biết, chỉ biết trách và căm hận mẹ. Vì khi mẹ ra đi đã để lại bao nhiêu tiếng xấu, tất cả mọi sự khinh bỉ mọi người đều trút lên đầu hai chị em, điều đó càng làm nỗi căm hờn trong lòng con thêm sôi sục. Bao nhiêu nỗi buồn chất chứa trong lòng, ba không biết thổ lộ tâm sự cùng ai, đành mượn rượu giải sầu. Nhìn ba càng lúc càng tiều tụy, lòng con đau như cắt. Nhìn những đứa trẻ xung quanh có mẹ chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, được làm nũng với mẹ khi có chuyện vui buồn, con tủi thân chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.
Một thời gian sau đó, mẹ quyết định trở về lại ngôi nhà nhỏ ấm cúng năm nào, nhưng giờ đây đã trở nên lạnh lẽo và u ám. Mẹ về con không chút gì mừng vui mà thầm khinh bỉ, oán hận mẹ. Trong cuộc đời này từ bậc phàm phu đến những vị thánh tăng không một ai là không do cha mẹ sinh thành, dưỡng nuôi chăm sóc. Nhưng bên cạnh những người hạnh phúc vô tận đó cũng có những người bất hạnh mồ côi cha mẹ từ lúc còn tấm bé. Họ phải tự mình chống chọi với nỗi cô đơn, tủi thân để vươn lên trong cái xã hội đầy chông gai và cạm bẫy. Nhờ tinh cha huyết mẹ con mới có được hình hài như ngày hôm nay. Mẹ luôn bên cạnh nâng đỡ và động viên khi chập chững bước đi từng bước đầu tiên, những bước đi yếu ớt và đầy sợ hãi. Những lần bị ngã con khóc thật to mà nào có biết lòng mẹ xót xa đến nhường nào. Vậy mà bây giờ khi đã lớn khôn, chỉ vì chút mặc cảm của miệng đời mai mỉa mà con đã tự hủy hoại bản thân mình.
Khi tỉnh lại con thấy bên giường là mẹ với đôi mắt thâm quầng và sưng húp, những giọt nước mắt mẹ rớt xuống môi con nghe mặn đắng. Nhìn mẹ phờ phạc vì thức suốt đêm trông con không rời giây phút, con nghe lòng mình quặn thắt và tự trách mình sao lại dại dột như thế. Ôm con trong lòng, mẹ khóc nức nở mà nói rằng: “Con gái! Con là tất cả của mẹ. Dù con có thế nào đi nữa thì mẹ vẫn thương con. Vì thế con đừng xem mẹ là người xa lạ nha con!”. Đến giờ phút này con mới biết trân quý từng giọt nước mắt của mẹ, mới biết đau khi mẹ khóc vì con. Cha mẹ nào có mong con lớn lên sẽ báo đáp bằng những tiện nghi vật chất, chỉ mong sao con khôn lớn nên người, sống có ích cho xã hội.
“Tháng bảy thu sang lá rơi đầyẤy mùa nhân loại đón Vu Lan.”
Đã biết bao mùa Vu Lan đi qua con nào biết đến? Rồi phước duyên đưa đẩy con được tham dự Khóa Tu Mùa Hè tại chùa Hoằng Pháp, được quý thầy tận tâm dạy dỗ qua những chiều tụng kinh Vu Lan và học giáo lý nhà Phật, con mới biết ân sinh thành của cha mẹ to lớn đến nhường nào. Mùa Vu Lan năm nay con được cài trên ngực áo một bông hồng đỏ thắm. Thật hạnh phúc biết bao khi còn mẹ! Trong niềm vui tột cùng đó, lòng con vẫn man mác buồn thương cho những ai mất mẹ. Những giọt nước mắt đau thương, buồn tủi xen lẫn cả niềm hối hận đua nhau rơi thấm ướt cả bông hồng cài trên chiếc áo lam. Mẹ ơi, con xin được dập đầu quỳ dưới chân hai đấng sinh thành ngàn lần chỉ xin cha mẹ mở lòng bao dung tha thứ cho con.
Nếu có thể con xin nguyện hiến dâng mười năm tuổi thọ để đổi lấy sự khỏe mạnh của mẹ để mẹ sống mãi bên con. Mẹ là chỗ dựa, là niềm tin cho con bước đi nên con sợ lắm một ngày mẹ nhắm mắt ra đi để lại con một mình bơ vơ giữa chợ đời dâu bể, con sẽ mãi mãi trở thành một đứa trẻ mồ côi. Lẽ vô thường là thế, không ngoại trừ bất cứ ai. Con hứa từ nay sẽ mãi là con như lúc trước - ngoan ngoãn và yêu thương mẹ hết lòng.
“Mẹ ơi, mẹ có biết khôngMẹ là Bồ-tát trong lòng của con.”
Nguyễn Huỳnh Đào - TP. Hồ Chí Minh