Cảm Nhận Khóa Tu Mùa Hè
Người cho con tất cả

    Thông thường có những từ rất quen thuộc, đơn giản và bình dị nhưng mỗi khi làm văn hay nghĩ về nó con đều muốn dùng từ điển tra lại cho thật rõ ràng, tường tận. Bởi khi hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của vấn đề ta mới thật sự cảm nhận được bằng cả trái tim. Nhưng hôm nay, khi ngồi viết những dòng chữ này, con không có và cũng chẳng cần từ điển nữa. Con sẽ dùng lời lẽ, câu chữ của mình để định nghĩa hai chữ “tri ân” mà con cảm nhận được trong suốt những ngày qua.

    Nơi đây là nơi bình yên thứ hai con có thể làm được một điều trước nay con chưa dám. Một nơi mà con đã thực sự tu tập để tịnh tâm lắng lòng tìm về câu chuyện của ngày đã qua, những mảnh ghép ký ức đẹp đẽ và thiêng liêng đã bị nhịp sống hối hả, xô bồ che lấp. Học tập, công việc, vui chơi... tất cả những bận rộn ấy đã chiếm mất thời gian để con nhớ lại những điều đẹp đẽ, thiêng liêng ấy. Và giờ là giây phút bình yên nhất trong khoảng thời gian ngắn ngủi bảy ngày để con tìm lại và suy ngẫm, để lần đầu tiên can đảm viết nên những lời tri ân chân thành nhất. Nhưng con lại mâu thuẫn với những lời con vừa viết xong, con quyết định sẽ không trực tiếp nói những lời ấy. Đơn giản vì con không thể! Con chỉ xin cha mẹ hoan hỷ cho phép con ngang bướng im lặng yêu thương bằng những gì đơn giản, bình dị, nhỏ bé nhất mà con có thể làm để cha mẹ vui lòng. Con không thể nói bởi con nghĩ rằng những gì mình làm được mới thực sự xứng đáng, một hành động tốt đẹp mới đáng để trân trọng. Và chỉ có sự chân thành từ trái tim mới có thể làm cho người yêu thương của mình được hạnh phúc. Con nghĩ cha mẹ nào lại muốn nghe những lời ngọt ngào, ngoan ngoãn nhưng lại chỉ là những lời nói suông, chẳng có chút tâm ý nào trong đó. Vì vậy, lời tri ân của con có thể mãi mãi không bao giờ được trực tiếp nói ra. Nhưng hơn thế, nó sẽ là những hành động, những việc làm con đã đang và sẽ làm với tấm lòng yêu thương chân thành nhất của một người con dành cho cha mẹ.

    Có lẽ giấu trong lòng lâu quá, kỹ quá nên giờ muốn mang ra hết cũng không thể nào được vì những gì cha mẹ dành cho con làm sao có thể kể xiết. Công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn bằng trời bằng biển làm sao có thể viết hết thành lời. Một quyển bách khoa toàn thư cũng không thể nào làm được điều đó.

“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”

    Những việc cha mẹ làm cho con, thời gian làm sao có thể đong đếm được. Con kể ra những gì cha mẹ làm cho con trong một ngày thôi cũng đã không hết rồi huống chi là ngần ấy thời gian mang nặng đẻ đau chẳng quản gian lao chăm sóc. Tất cả mọi người ai cũng muốn mình xinh đẹp, bạn bè con và ngay cả chính bản thân con cũng thích nhìn mình mảnh mai xinh xắn, chỉ cần mập lên chút xíu cũng đã ủ rũ, than vãn rồi. Vậy mà mẹ chẳng sá chi những điều như thế. Không ngại cực nhọc, khó khăn, bất tiện mẹ vẫn luôn che chở bảo vệ con bên mình. Chỉ là một bào thai thì con nào có biết chi những điều mẹ đang gồng gánh. Khi con lớn lên, mẹ càng nhọc lòng bảo ban, chăm sóc, lắng lo đủ điều. Tất cả những gì tốt đẹp nhất mẹ đều dành hết cho con. Mẹ là người đầu tiên dạy con câu “tiên học lễ hậu học văn” là như thế nào.

    Đúng là khi sinh ra con người cũng giống như Tề Thiên lúc mới sinh ra vậy - tinh nghịch nông nổi như bản tính vốn có của một chú khỉ. Nhưng khi được Đường Tăng giác ngộ cho thì chú khỉ ấy mới có thể bộc lộ hết Phật tính của mình. Và có lẽ con cũng như chú khỉ ấy. Nhiều lúc ngẫm lại thấy mình ngốc vô cùng. Chính mẹ đã dạy cho con tất cả ngọn ngành. Mẹ nói: “Làm người trước tiên là phải lễ phép, hiếu kính với người trên, sau mới tính chuyện học hành. Con phải nhớ, cho dù mình có thông minh học giỏi đến đâu thì cũng phải lễ phép, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Nếu không, thì cũng chẳng ai xem trọng và yêu quý mình cả”. Câu ấy giờ giống như câu nói của Bác Hồ, mẹ nhỉ? - “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

    Theo thời gian, con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng cũng như bao đứa trẻ khác, con phạm phải nhiều lỗi khiến cha mẹ phiền lòng. Dẫu biết “Tiên học lễ hậu học văn” nhưng đôi lúc con vẫn nói năng chẳng nghĩ suy, lại hay bắt nạt em nữa. Tính ngoan cố ngang bướng, nóng nảy khiến con hay trách hờn mẹ cha mỗi khi con bị phạt. Có lẽ trong suốt tuổi thơ con chỉ mỗi cái tội ấy thôi, một lỗi đó thôi mà không biết bao lần tái phạm. Lúc phạm lỗi nhẹ thì bị bắt đứng khoanh tay trước cửa, lúc lỗi nặng thì có kẻ nằm cúi trên bộ ngựa chịu đòn năm roi. Mỗi lần như thế con đều nói xin lỗi mẹ lần sau không phạm nữa. Nhưng không biết bao cái “lần sau” như thế đã diễn ra. Cứ nghịch phá, không vâng lời để phạm lỗi rồi bị đòn và lại xin lỗi. Đôi khi con còn mang những tức giận ấy vào trong giấc ngủ nữa! Mẹ biết không, những lần như thế con vẫn rất ngoan cố, chỉ xin lỗi để được giảm nhẹ tội thôi chứ bị đánh rồi lên giường đi ngủ vẫn giận mẹ nhiều lắm. Những lúc ấy con ước rằng mình là con của một người giàu có, một gia đình chỉ có một mình con là độc tôn thôi, để con được cưng chiều và chẳng bao giờ bị đánh đòn oan ức. Giờ nghĩ lại thật đúng là trẻ con. Lúc nào cũng đơn giản và ngốc nghếch như thế! Nhưng trẻ con như thế cũng có cái đáng yêu đấy mẹ ạ. Bởi sau một giấc ngủ dài của trận đòn năm roi ấy, những lằn ròi có thể biến mất và những hờn giận trẻ con ấy cũng tan biến đi. Bởi sau khi xin lỗi mẹ và đi làm nhiệm vụ của mình con lại quên mất việc mình phải giận, không nói chuyện với mẹ nữa. Thế là có một con bé ngốc ơi là ngốc, chẳng có chút cá tính gì lại gọi mẹ í ới. Lúc trưởng thành hơn, không còn dễ để bị đánh đòn nữa, có lần con hỏi mẹ “Sao mỗi lần mẹ đánh con, mẹ đều đánh năm roi vậy mẹ?”. Mẹ chỉ đơn giản đáp rằng: “Con thấy cây bưởi năm roi cạnh nhà mình không, nhìn nó mà nhớ đừng để bị năm roi như thế”.

    Hôm nay, trong khóa tu này con có thể ngồi ở một nơi bình an như thế, tất cả đều nhờ có cha mẹ. Nơi đây con có thời gian yên bình, thanh tĩnh nhất để tìm lại những kỷ niệm đẹp đã qua; để con thoải mái suy ngẫm về tất cả những điều đã qua mà không bị cuộc sống xô bồ cuốn đi. Để lần đầu tiên con thật sự mạnh mẽ nói con không nhớ nhà với nụ cười hạnh phúc thật sự vì giờ con đã hiểu lúc nào cha mẹ cũng ở trong tim, trong suy nghĩ của con rồi.

    Ngồi đọc kinh Vu Lan con thấy lòng mình bình an, hạnh phúc khi nghĩ về cha mẹ. Con thấy nhiều bạn còn ồn ào, than vãn, xem như đó là một cực hình. Con thấy buồn cho họ. Có lẽ con chưa bao giờ được cái hạnh phúc mà họ cho là cực hình ấy nên con rất trân trọng nó. Vì con có cơ hội được bình tâm sống chậm lại để thấy hết công ơn cha mẹ, để biết thêm nhiều điều quý giá mà con chưa biết đến, để yêu thương nhiều hơn, để thật sự mở lòng với tất cả, tránh xa những thói hư tật xấu của đời thường. Con sẽ làm được, hoặc ít nhất sẽ cố gắng ngày càng tốt hơn. Không có ai là hoàn hảo tuyệt đối cả. Biết mình sai để sửa thì càng đáng quý hơn phải không mẹ? Cũng giống như mẹ dặn con không được chơi bài bạc vậy. Con đã vâng lời và không chơi bất cứ lần nào. Có lẽ việc đó mẹ dặn dò con từ lúc bé nên giờ vẫn rất tự tin nói với mẹ rằng con đã làm đúng như lời mẹ dạy. Bạn bè con có đứa bảo con ngốc nhưng con lại cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Và con cũng ngưỡng mộ những bạn biết chơi nhưng vẫn không chơi. Họ cũng ngoan và hiếu thảo mẹ ạ!

    Từng trang từng trang kinh Vu Lan như đưa con tìm lại những ký ức đã qua, làm hành trang vững chắc tiến về phía trước bình yên. Con muốn nói một lời cảm ơn chân thành nhất cho chặng đường đã qua: “Cảm ơn cha mẹ - người cho con tất cả!”. Cho con cả những đòn roi để con biết đâu là điều sai trái, để hôm nay con mỉm cười hạnh phúc nói rằng đó là những đòn roi ngọt ngào nhất trong đời. Và nhờ nó con có được những giây phút ấm lòng sau những lằn roi in hằn trên da thịt - bàn tay mẹ đã nhẹ nhàng xoa dầu cho con.

    Ở đây, con học được bao điều tốt đẹp từ các thầy, các bạn. Lúc đầu chưa quen cảm giác quỳ rất khó chịu. Nhưng khi nghĩ đến những việc mình làm hôm nay để đền ơn cha mẹ thì tất cả đều trở nên xứng đáng. Con không còn để tâm đến nó nữa và cũng thấy nó bình thường trở lại. Hơn thế, con càng có động lực để cố gắng nhiều hơn. Những việc con làm chẳng là gì cả so với những gì cha mẹ đã dành cho con. Ở đây, mỗi sáng thầy cho chúng con đọc bài kinh Nhớ Ơn có đoạn:

“Con xin nhớ ơn cha
Con xin nhớ ơn mẹ
Cha mẹ sinh con ra
Cho con thân thể này.”

    Chỉ có thế thôi, “cho con thân thể này” nhưng đã cho con tất cả. Cho con hai mắt để nhìn rõ cuộc đời, cho con hai tai để biết lắng nghe, hai chân, hai tay để làm những điều tốt đẹp, một cái miệng để nói ra những lời hay. Con thấy mình hạnh phúc khi có đầy đủ cha mẹ yêu thương mỗi ngày; hạnh phúc khi được cùng cha mẹ dầm mưa hái đậu, dỡ khoai. Trong một lần giảng bài, giảng sư có nói: “Không ai có thể lựa cha mẹ cho mình cũng như một quốc gia không thể chọn nước láng giềng cho mình vậy”. Nhưng giờ con vẫn muốn thêm ý này “cha mẹ cũng đâu được lựa chọn con cái cho mình”. Vì thế khi sinh ra trên cõi đời này thì con cái cũng phải nhớ bổn phận, trách nhiệm của mình đối với ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chính là cội nguồn nuôi dưỡng con nên người, là cội nguồn sản sinh ra tất cả những điều tốt đẹp khác mà con nhận được trong đời.

    Con xin giữ tất cả tình cảm cao đẹp ấy trong lòng. Con đã thật sự sống ở nơi yên bình này bằng trái tim chân thành nhất, trọn vẹn nhất để mai đây khi trở về với tổ ấm của mình con sẽ có thể vững tin hơn. Con chim non ngày hôm nay đã đủ cánh bay đi thực hiện một cuộc hành trình dài để đến với cuộc đời rộng lớn nhưng vẫn sẽ nhớ đến chiếc tổ chim ấm áp - nơi mà nó đã được sinh ra. Nơi có cội nguồn ban cho nó hạnh phúc, niềm tin, nghị lực để có thể mang yêu thương ấy đến với mọi người. Con mong cho đấng sinh thành luôn được bình an, còn hạnh phúc thì hãy cho phép con được ngày ngày mang lại cho Người như Người đã cho con tất cả.

Trương Thị Bích Lam - Cần Thơ

Sách cùng thể loại
Bức Thư Gửi Phật
Bức Thư Gửi Phật
Nhiều tác giả
Hè Về
Hè Về
Nhiều tác giả
Sâu Thẳm Lòng Con
Sâu Thẳm Lòng Con
Nhiều tác giả
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc
Nhiều tác giả
Lời Trái Tim Muốn Nói
Lời Trái Tim Muốn Nói
Nhiều tác giả
Hạt Từ Tâm
Hạt Từ Tâm
Nhiều tác giả