Cảm Nhận Khóa Tu Mùa Hè
Giận thì giận mà thương thì thương

    Khi con đặt bút viết những lời tri ân này, người con nghĩ đến đầu tiên là ba. Chắc ba sẽ bất ngờ vì tại sao con không viết về má - người đã chịu nhiều đau khổ nhất trong gia đình, mà là ba - người đã khiến gia đình ta tan vỡ? Nhưng với con - những lời tâm sự này đã chất chứa từ lâu mà chưa một lần được nói với ba, những lời yêu thương chan chứa nước mắt giận hờn của đứa con gái út “hờ” này.

    Tuổi thơ con đi qua êm đềm và vô tư với những tháng năm có ba, má và anh chị bảo bọc, che chở. Tuổi thơ của một đứa bé thôn quê nghèo là sim, là mua, là chà là, là dủ dẻ, là nắng là gió, là những buổi chiều trùm mình cùng hai bạn nhỏ xuống khe tắm mát sau tiếng trống tan trường. Tuổi thơ của một đứa trẻ đi mót lúa, lang thang khắp đồng ruộng trong những ngày mùa để lượm nhặt những bông lúa còn sót lại; là cả ngày nghỉ chỉ biết lẽo đẽo theo má lên rừng kiếm củi mà có lúc con lại ngủ quên trong vi vu gió rừng; là những chiều tà dẫn em xuống khe bẻ từng đọt rau dớn về lo cho bữa ăn tối cùng mắm cà, dưa gang... Nhà mình nghèo nên không trâu không bò, vậy mà con vẫn đen thui, lại nhỏ tí xíu.

    Cuộc sống cứ thế âm thầm trôi...

    Năm con 8 tuổi, ba dắt về một người phụ nữ lạ. Con vui lắm, náo nức nhảy chân sáo từ trường về nhà khi biết nhà mình có khách đến chơi. Rồi tất cả chợt vụt mất trong ngày ba cùng người đàn bà đó ra đi, bỏ lại má con với vết bầm to trên đùi chân phải và vết bầm trong trái tim của những người ở lại...

    Thế là ba đi. Sáu má con ở nhà lận đận nương nhau mà sống. Hai chị lớn ra Đà Nẵng kiếm tiền. Ở nhà bốn mẹ con xoay quanh ba sào ruộng mùa được mùa mất. Má đau ốm gầy mòn. Mỗi lần bệnh cũ tái phát, hung dữ và điên loạn, má đập nát tất cả, rồi ca hát, rồi cúng lạy... Không có bàn tay mạnh mẽ của ba ghì má lại như mấy lần, chị em con phải khổ sở lắm mới đưa má ra tới bệnh viện. Bất chợt dáng má lủi thủi, “hiền ngoan” tự đi vào cổng bệnh viện mà chị hai não lòng. Có lẽ má đã quen rồi. Lặng im ra về với đôi mắt mọng nước... Đau lắm ba ơi!

    Hai năm ba gửi về nhà mấy trăm ngàn... Mấy mùa giao thừa vắng bóng ba... Những năm con học cấp 2, má đau nhiều, nhiều lắm. Chuyển từ Đà Nẵng ra Tam Kỳ tròn hai tháng má mới được về nhà. Vậy mà ba vẫn không về...

    Thời gian làm nguội lạnh trái tim của má... Thời gian làm ráo hoảnh giọt nước mắt con thơ... Rồi ba về xây mộ cho ông nội dẫn theo người đàn bà đó. Ba không về nhà, ba chỉ về đây để xây mộ cho ông nội mà thôi, có lẽ tim ba cũng chết một phần... Má giận! Má hận! Má buồn! Tim con vỡ òa một nỗi đau nghẹn đắng!

    Mười tám tuổi, con vào đại học, chông chênh giữa Sài Thành rộng lớn, con sợ đủ điều. Ba ở gần đó nhưng con vẫn cứ cho mình là kẻ cô đơn. Con muốn mình thật mạnh mẽ. Một chiều lang thang những nhà sách, con đã mua và đề tặng ngay một dòng chữ nhỏ “Tặng cho chính tôi” trong một cuốn sách vô tình đọc được... Bắt xe bus chạy đến chỗ ba. Im lặng nhìn. Rưng rưng khóc... Dáng ba ngồi bên ly rượu mỗi chiều - cái dáng nhìn cực khổ, mang nhiều tâm tư nặng trĩu, khó ai hiểu hết... Nghề thợ hồ dãi nắng dầm sương theo ba gần hai mươi năm. Hơn năm mươi tuổi rồi ba vẫn gắn với nó mà không biết bao giờ mới dứt được! Đôi bàn tay ba bám đầy xi măng và chai sần bởi bê tông, cốt thép, nắng gió cùng những ưu tư cuộc đời hằn đậm trên từng nếp nhăn; đôi mắt lờ đờ mỗi khi “uống rượu giải sầu” như ba từng nói - đôi mắt đục ngầu vướng bụi thời gian...

    Tuổi thơ ba cũng là một đứa trẻ bất hạnh - tuổi thơ của một đứa trẻ mồ côi cha và bị mẹ ghét bỏ. Ba tự sống với đôi bàn tay lên rừng tìm trầm, chặt dây mây, ra đồng xúc tôm, bắt cá. Ngày nào làm thì bà nội mới cho ăn cơm. Chuyện ngày xửa ngày xưa của ba, con nghe hoài không chán. Rồi ba có má bên cuộc đời. Ba má cho chị em con cuộc sống này. Nhà mình nghèo nhất xóm nhưng chị em con vẫn được ăn học đầy đủ. Con nhớ sao những đêm tối dưới đèn dầu, ba và con ngồi đếm số điểm mười trong tập mãi mà không hết. Ba còn nhớ không ba?

    Ba à! Chuyện nhà mình đã qua lâu rồi, mọi người cũng đã chấp nhận người đàn bà ấy rồi. Xin ba đừng nghĩ rằng má con ích kỷ mà hãy thương cho trái tim đã chịu quá nhiều đau khổ của một người đàn bà. Hai mươi hai tuổi, con nghĩ mình đủ lớn để có những suy nghĩ và hành động chín chắn hơn. Con không thể nào thôi hận ba nhưng con cũng thương ba nhiều lắm. Vì ba là ba của con mà, phải không ba? Cuộc đời là thế, con sẽ giữ lại chuyện này trong bầu ký ức của mình, mãi mãi. Còn người đàn bà đó, âu ba và cô ấy gặp nhau cũng là do duyên nợ từ kiếp trước. Chắc giữa ba, má và cô ấy kiếp trước đã mắc nợ nhau nên kiếp này gặp lại nhau để trả cho hết. Và má đã chịu đựng tất cả. Con bắt đầu hiểu và học cách chấp nhận. Nhưng con xin lỗi ba vì sẽ không bao giờ con có thể yêu thương cô ấy như ba mong muốn và cả đứa con riêng của ba nữa. Trong đời con chỉ có duy nhất một đứa em trai mà thôi! Xin ba hiểu cho sự ích kỷ của một đứa trẻ thiếu thốn tình thương quá nhiều. Con ganh tỵ với cách đối xử của ba với đứa em cùng cha khác mẹ đó. Con phân bì, con tủi thân. Nhưng sâu thẳm trong con vẫn luôn có hình ảnh người cha đứng giữa trời khuya, cầm nén hương khấn trời lạy Phật cho đứa con một tháng tuổi - là con - mau qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

    Hai mươi hai tuổi, con vẫn còn chui đầu vào tay của đứa em cùng phòng trọ mà khóc thút thít. Con gái của ba còn nhỏ lắm, vẫn nhỏ mãi trong vòng tay yêu thương của gia đình...

    Ba ơi! Sống xa ba má cũng lâu rồi, đây không phải là lần đầu tiên mà sao con thấy nhiều điều đến với con quá. Nhớ ba, nhớ má nhiều và có lúc mong ba má bất chợt xuất hiện để con ôm chầm lấy. Ước sao một buổi chiều nào đó sau giờ công phu, con chợt thấy ba đứng ngoài cổng nhìn vào sân chùa tìm con... Nhưng con biết điều đó sẽ không xảy đến vì ba còn bộn bề công việc và không ngớt lo toan ngoài kia. Nên con sẽ cứng rắn, mạnh mẽ vượt qua và cố kìm nén cảm xúc của mình...

    Đây là những dòng chữ đầu tiên con gái viết về ba. Ba có phân bì không khi đối với má - con dành biết bao nhiêu giấy mực để nói lời yêu thương? Con gái yêu ba má nhiều lắm!

    Con mong một ngày không còn thấy ba u sầu bên ly rượu, bên điếu thuốc, mong một ngày mưa, nắng và thời gian thôi hằn dấu trên khuôn mặt ba.

Nguyễn Thị Vân – TP. Hồ Chí Minh

Sách cùng thể loại
Bức Thư Gửi Phật
Bức Thư Gửi Phật
Nhiều tác giả
Hè Về
Hè Về
Nhiều tác giả
Sâu Thẳm Lòng Con
Sâu Thẳm Lòng Con
Nhiều tác giả
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc
Nhiều tác giả
Lời Trái Tim Muốn Nói
Lời Trái Tim Muốn Nói
Nhiều tác giả
Hạt Từ Tâm
Hạt Từ Tâm
Nhiều tác giả