Lộc ai cho?
Đối với lễ hội đền Trần ở Nam Định, một số tư liệu ghi chép là vào thời Trần, nhà vua tổ chức lễ khai ấn đầu năm với ba mục đích: thứ nhất là tế lễ trời đất tổ tiên; thứ hai là phong tước cho những người có công; thứ ba là mở đầu cho một năm mới làm việc. Thầy nghĩ điều này hợp lý, trước hết là tế lễ trời đất, tổ tiên, thể hiện lòng tri ân, báo ân đối với các bậc tiền hiền khai công lập quốc; cũng như tri ân đến những vị thiện thần cai quản nhân gian (theo quan niệm xưa), đã giúp đỡ cho đất nước được mưa hòa gió thuận, đời sống nhân dân tốt đẹp. Thứ hai là phong tước cho những người có công với nước với dân trong năm vừa qua. Cuối năm bộ máy quan lại nhà nước tổng kết công việc rồi cất ấn đi, nên đầu năm đem ra để làm việc, đó là lý do thứ ba. Ấn có tác dụng đóng vào các văn bản để xác nhận, cho nên lễ khai ấn ban đầu chỉ mang những ý nghĩa như vậy. Lễ khai ấn đền Trần hiện tại đã đi quá xa với ý nghĩa ban đầu, người ta đến tranh giành, mua bán một tờ giấy đóng ấn đỏ để được may mắn. Nhiều người tin rằng đến dự lễ, xin được ấn đem về dán ở nhà sẽ có được những điều tốt đẹp, làm ăn buôn bán thuận lợi, thăng quan tiến chức. Cho nên, ai cũng cố gắng giành giật cho bằng được tờ ấn.
Đó là hai lễ hội nổi bật, một lễ hội cướp lộc, một lễ hội chen lấn để làm sao có được một tờ ấn của vua Trần treo trong nhà. Chúng ta thấy rõ ràng rằng những lễ hội đó dần dần trở thành mê tín, những người tham dự đã để lại hình ảnh không được đẹp mắt trong công chúng, bởi vì người ta đến đền hay đến chùa để xin lộc chứ không phải cướp lộc, giành nhau để lấy lộc. Thật ra, lộc là của ai ban phát cho mình? Trên thực tế là ấn hay phết đều của Ban Quản Lý di tích làm ra, đâu phải của đức Thánh Trần hay của bà mẫu Hiền Quan. Còn về mặt tâm linh, chúng ta phải tin vào nhân quả nghiệp báo, đâu ai ban cho ta được cái gì, chính mình làm chủ cuộc đời của mình.
Ngoài miền Bắc có rất nhiều đình, đền, miếu, lăng thờ những nhân vật lịch sử được người dân phong Thánh, sau Tết Nguyên Đán thì những nơi này bắt đầu tổ chức lễ hội để tưởng nhớ. Trong miền Nam, cũng có ba nhân vật rất nổi tiếng, một là bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, hai là bà Đen ở Tây Ninh, ba là bà Thiên Hậu ở Bình Dương.