Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Thứ 202
Đôi Dòng Tâm Sự
Hằng ngày, mình cứ vùi đầu với công việc. Mỗi ngày như mọi ngày, sao hôm nay mình thích đến chùa. Nơi mình làm việc cách chùa Hoằng Pháp không xa, cảm thấy trong người mệt mỏi, công việc thì chất chồng. Mình nghỉ một ngày “có lý do”.
Đến chùa tâm trạng không được mấy vui, nhưng vào trong chánh điện thấy hai câu thơ thật quá ư là thích. Mình liền đọc thầm:
Bước đến cổng chùa rũ bỏ trần duyên vui với đạo.
Vào trong điện Phật chắp tay thường niệm A-di-đà.
Rồi nhìn lên thấy tượng ngài Bổn Sư lòng mình thấy an lạc, tất cả muộn phiền, lo toan, mệt nhọc đều tan biến. Mình quỳ xuống, lạy Phật 3 lạy. Tâm thanh tịnh mình cầu nguyện...
Rồi mình đi quanh một vòng trong chánh điện lạy Tổ, lạy 18 vị La Hán. Mình lại tò mò hỏi các cô bảo vệ: Hôm nay làm gì mà Phật tử đông thế? Ăn mặc đồng phục một màu lam, nhưng không nghe ai nói chuyện với ai. Bước chân của mỗi người cũng nhẹ nhàng, không nghe một tiếng dép kéo.
Cô bảo vệ chắp tay: “Mô Phật! Hôm nay có khoá tu bảy ngày, cô hoan hỷ không được vào trong đó”. Mình có được tham quan không cô? Cô bảo vệ trả lời: “Chỉ được tham quan ở những khu vực này”. Rồi cô đưa cho chúng mình mỗi người mỗi thẻ đeo vào có ba chữ “khách tham quan” và hướng dẫn cho chúng mình đi, nơi nào vào được, nơi nào không vào được (đó là nội quy của khoá tu). Đi vòng quanh một lúc, chúng mình dừng lại bên hông của chánh điện, nghe được một thời pháp thật hay; vừa nghe, vừa nhìn bên kia có một cô công quả sắp dép, thật ngay ngắn, thẳng hàng trên kệ dép. Đẹp quá!
Đúng như lời mẹ mình kể về cô công quả ấy rồi. Cứ đến khoá tu bảy ngày ở chùa Hoằng Pháp về mẹ kể cô “sắp dép” rất chịu khó, có lúc trời mưa, dép bỏ ngổn ngang, dép dơ bẩn như thế mà cô cũng ngồi lựa từng đôi xâu vào đưa lên kệ, rất nhanh, nam riêng, nữ riêng, một màu vàng nghệ đồng phục, thấy thích ghê. Mẹ con rất quý và yêu thương cô ấy! Có một khoá cô vắng, mẹ con có hỏi thăm, thì ra mẹ cô mất (chết) nên cô về. Mẹ con cũng lớn tuổi như cô ấy, nhưng không được khoẻ như cô ấy, chân mẹ yếu không đi đến chùa nữa, ở nhà niệm Phật, nên khoá tu này mẹ không đi tu bảy ngày.
Mình đi dần dần lại kệ dép để sắp phụ cho cô, nhìn thấy thích thật! Mình tò mò một lần nữa hỏi thăm về gia cảnh của cô: Cô bao nhiêu tuổi? Cô được mấy cháu? Cô ở đâu?
Cô trả lời rất thật thà và chân thật (tiếng Quảng Nam đặc sản): Cô không có chồng, không có con, không nhà, không xe, không...
Cô vừa trả lời, vừa xếp dép lên kệ.
Cô ơi! Cô bao nhiêu tuổi rồi?
Cô trả lời: “Cô tuổi con dê 60 - 61 gì đó”, rồi cô cười, nụ cười rất an lạc và vô tư. Cô còn biết nói đùa nữa chứ. “Con dê là tuổi Ất Mùi, được ăn ở chùa, ngủ ở chùa, làm công quả ở chùa, mà lại khoẻ lắm cô ơi! Đâu có xui xẻo gì đâu, tất cả đều do mình, có nhân, có quả”.
Đúng thật, ở ngoài đời bon chen, ganh tỵ, hơn thua, đủ điều phiền não, tranh giành, đua đòi, v.v... về nhà thì chồng con. Mình muốn đến chùa lễ Phật, mình muốn mẹ mình khoẻ đi làm công quả như cô ấy nhưng đâu có được. Con người sinh ra và lớn lên ai cũng có cái duyên, cái nợ, cái phước, cái phần... Sống trên đời này ta phải tin nhân và quả.
Đi một vòng quanh chùa, nhìn thấy hình ảnh các thầy, các cô chú công quả và các cô chú bảo vệ chùa Hoằng Pháp mình rất ngưỡng mộ và cung kính. Những hàng cây xanh cao bóng mát của chùa, mình muốn dừng lại đây một giây lát nữa, nhưng thời gian không cho phép, chúng mình phải ra về trả lại sự oai nghi, trang nghiêm cho khoá tu.
Chào cô công quả “xếp dép” và chào cô bảo vệ, mình thành thật cám ơn hai người mình đã gặp gỡ lần đầu, rất thân thiện và nhiệt tình với chúng mình. Có duyên chúng mình sẽ gặp lại hai cô. Mình cũng không biết tên hai cô ấy, mà mình nghe mọi người gọi cô “xếp dép” “Bà già Quảng Nam”. Mô Phật!
Mình học được cách chào thật trang nghiêm (ở đây - chùa Hoằng Pháp).
Đặng Thị Tuy Oanh